Tin phật sự
Đại lễ Phật đản PL. 2566 trên quần đảo Trường Sa
Chủ nhật, 15/05/2022 09:02
Ban TTTT Trung ương GHPGVN đã cử 5 thành viên tham gia chuyến công tác cùng đoàn Công tác số 6 do Quân chủng Hải quân tổ chức đi thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ tại 10 đảo, điểm đảo và nhà giàn Huyền Trân DKI trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 30/4 đến ngày 12/5/2022.
Thật là nhân duyên khi đoàn đi đúng vào Tuần lễ Phật Đản PL.2566 – DL.2022 trong không khí hân hoan đón mừng của chư Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng những người có niềm tin kính ngưỡng Phật giáo trên toàn thế giới. Đoàn đã có dịp đến chùa lễ Phật trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và đảo Trường Sa.
Trên đảo, điều kiện sinh hoạt khác biệt, không khí hân hoan chào mừng ngày Đản sinh của đấng Giác ngộ không đông vui và có đủ các nghi lễ như lễ tắm tượng Phật, lễ rước tượng Phật Đản sinh, diễu hành xe hoa….như trên đất liền nhưng cũng không kém phần ý nghĩa, thiêng liêng và xúc động.
Trong lịch trình đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà có 3 ngôi chùa có thiết trí tôn tượng Phật Thích ca sơ sinh trong không gian Tam Bảo, tại các đảo Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn và chùa Trường Sa Lớn.Trong đoàn công tác, ngoài thành viên của Ban TTTT Trung ương GHPGVN còn có hơn 300 đại biểu đến từ các đoàn khác nhau trong cả nước. Lịch trình khi đến các đảo, ngoài việc tham gia các sự kiện như tặng quà, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo, giao lưu văn nghệ là chương trình đã nằm trong kế hoạch công tác. Nhưng thật thú vị, tuy không nằm trong lịch trình công tác theo kế hoạch nhưng có một điểm chung mà không đại biểu nào bỏ qua, đó là gần như mọi người đều dành thời gian quý báu trong quỹ thời gian ít ỏi khi lưu trú tại các điểm thăm để đến chùa thắp hương lễ Phật, viếng thăm cảnh chùa và trao đổi vấn an, hỏi thăm về đời sống sinh hoạt, các nghi lễ tâm linh trên đảo.
Ai cũng muốn chụp ảnh kỷ niệm với chư Tăng trụ trì, với cảnh chùa trên đảo Trường Sa để lưu lại những kỷ niệm tâm linh đặc biệt cho chuyến hành trình đến với quân dân huyện đảo Trường Sa.
Đại đức Thích Tâm Thành – Trụ trì chùa trên đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Cứ vào mùng Một và ngày Rằm, cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo đều vào chùa lễ Phật cầu bình an. Một số ngư dân đi biển khi ghé vào đảo cũng đến chùa lễ Phật, cầu cho sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Khác với các chùa trên đất liền, chùa ở đảo còn là không gian sinh hoạt chung cho mọi thành viên là quân và dân trên đảo, đặc biệt khuôn viên chùa là sân chơi được trẻ em trên đảo thích thú nhất”.
Tại chùa Trường Sa Lớn, đoàn được tham dự lễ rước tượng Phật Dược Sư do phu nhân Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng gia đình cung tiến.
Trước đó, khi tàu HQ 561 chở đoàn đến thăm, tặng quà tại đảo Cô Lin (cạnh đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng trái phép), đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ hy sinh trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988 tại đảo Gạc Ma.
Có mặt trong chuyến đi và tham gia lễ tưởng niệm, thượng úy Trần Thị Thủy, cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là người con gái duy nhất của liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, ngày 14/3/1988, xúc động dâng trào nước mắt khi lắng nghe tiếng nhạc “Hồn tử sỹ” ngân lên trầm hùng trong lễ tưởng niệm.
Do thời gian lưu trú trên các đảo rất ngắn, cá nhân các thành viên Ban TTTT T.Ư – GHPGVN nói riêng và các đại biểu trong Đoàn công tác số 6 nói chung không được thực hiện nghi thức tắm tượng Phật đản sinh, tổ chức đủ các nghi lễ Phật Đản như trong đất liền nhưng trong chúng tôi vẫn dâng trào những cảm xúc thiêng liêng khó tả khi có mặt tại các chùa trên quần đảo Trường Sa đúng trong thời gian tổ chức Tuần lễ Phật Đản.
Giữa biển trời bao la, được đón Phật đản theo cách riêng ở một nơi đặc biệt, nghe tiếng chuông chùa trầm bổng, oai hùng trong không gian bao la của biển trời quê hương tạo nên một cảm giác bồi hồi khó tả.
Ở đâu có người Việt – ở đó có chùa Việt, ngôi chùa Việt dù ở nơi nào cũng đều thân thương, bình dị như hơi thở, mạch máu của tâm hồn con người Việt Nam. Trong điều kiện và không gian ở đảo Trường Sa, điều đó là một sự tả thực sinh động nhất, gợi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”