Góc nhìn Phật tử
Đạo Phật đi cùng nhân sinh
Thứ bảy, 28/06/2023 02:56
Những nghi lễ Phật giáo luôn song hành và đi sâu vào cuộc sống mà đôi khi vì chạy theo bề ngoài và tâm lí thấy nhiều người làm nên mình cũng phải làm để yên tâm mà chúng ta bỏ quên hoặc không biết rõ ý nghĩa tâm linh sâu xa trong đó.
Đạo Phật từ khi du nhập đã hoà quyện vào văn hoá và cuộc sống tâm linh của người Việt. Hầu hết những cột mốc quan trọng trong đời sống ta đều gắn liền với những nghi lễ Phật giáo, thông qua phương tiện đó, truyền tải những thông điệp nhân văn và hướng con người đến mục tiêu cao thượng. Cùng điểm lại những cột mốc có sự hiện diện của đạo Phật.
Ngày vía, ngày trai là những ngày gì?
Khi sinh con
Ngày xưa (và kể cả thời nay), người nữ mỗi lần sinh nở được ví như một chân bước vào cửa tử cho thấy sự khó khăn và hiểm nguy khi lâm bồn. Vì sao? Nguyên do thứ nhất là cơ thể mẹ phải chịu đựng nhiều sự thay đổi và áp lực khi nuôi nấng gìn giữ thai nhi suốt 9 tháng 10 ngày [1]. Nguyên do thứ hai là vào tuỳ nghiệp duyên của đứa trẻ trong bụng, nếu là đứa con bất nghịch thì khi sinh nở sẽ “vẫy vùng đạp quấu lung tung” làm người mẹ như đứt ruột gan “Sự đau sự khổ không cùng tỏ phân” [2]. Ngoài ra, nguyên do thứ ba là “lúc sanh sản nguy hiểm đó có vô số loài quỷ dữ cùng ma quái tinh mị muốn ăn huyết tanh.” [3].
Để bảo hộ cho cả mẹ và con trong giai đoạn quan trọng nhất đời người này, Đức Phật chỉ rõ tận tình lúc mang thai, khi sinh nở và sau khi sinh nên làm theo chánh pháp để được bình an.
Khi đang mang thai, sản phụ và gia đình “chỉ nên làm việc phước lành thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thời Thổ Ðịa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con đều đặng nhiều sự an vui, hàng thân quyến cũng được phước lợi.” [4].
Khi hạ sanh rồi, “nên cẩn thận chớ có giết hại sanh vật để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu ăn, cùng nhóm họp cả hàng quyến thuộc lại để uống rượu, ăn thịt, ca xang, đờn sáo, nếu làm những việc trên đó có thể làm cho người mẹ đứa con chẳng đặng an vui.” Bởi khi đang chuyển dạ là lúc chư ”thần linh xá trạch thổ địa đang bảo hộ mẹ con người ấy, làm cho được an vui mà đặng nhiều lợi ích” vậy nên khi thấy mình suông sẻ mẹ tròn con vuông thì “nên làm việc phước lành để đền đáp công ơn Thổ Ðịa, mà trái lại giết hại loài sanh vật, hội họp thân quyến, vì lẽ này, đã phạm tội lỗi tất phải tự thọ lấy tai vạ, mẹ con đều tổn.” [5].
Sau khi sanh nở, Đức Phật dạy rõ: "[..] như có người nào mới sinh đẻ hoặc con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Ðịa Tạng Bồ tát đủ một muôn biến. Ðược vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây lấy tội vạ chi cũng đặng thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn." [6]
Như vậy có thể thấy, tuy gọi phụ nữ sinh con như vượt cạn một mình nhưng nếu thực hành đúng lời dạy của Phật bằng tâm chí thành thì hiểm nguy sẽ hoá bình an, đem lại lợi lạc cho mình và gia đình.
Những lễ tiết trong một tang lễ Phật giáo gồm những lễ gì?
Cúng đầy tháng
Tròn một tháng tuổi, gia đình tổ chức mâm lễ cúng tạ chư Phật và thiện thần. Đây là cột mốc đặc biệt chào mừng một chúng sanh bắt đầu kiếp sống mới ở cõi lành (cõi người). Gia đình nên bày soạn mâm chay thanh tịnh, thành tâm cầu nguyện để hồi hướng công đức cho bé, nhờ vào công đức đó dưới sự chứng minh và gia trì của Tam Bảo, đứa bé được tạo thiện căn phước đức như được trang bị tư trang hành lí để có khởi đầu tốt đẹp trong hành trình đời người.
Sinh nhật
Ở miền Nam, nhất là các địa phương ảnh hưởng Phật giáo Nam truyền, họ coi ngày sinh nhật là dịp báo hiếu cho cha mẹ, vì ngày đó khi mình được sinh ra cũng là lúc cha mẹ vất vả đau khổ nhất. Thông thường, họ sẽ dành trọn ngày đó để ở bên gia đình, cùng đi chùa cầu an và cúng dường, hồi hướng công đức cho cha mẹ được nhiều an lạc và thêm thọ mạng.
Đây là một truyền thống rất tốt đẹp và ý nghĩa mà những người con của Phật nên giữ gìn và phát huy để gia đình thêm gắn bó, hoà thuận và tăng trưởng tình thương cũng như phước lành.
Lễ hằng thuận
Khi đến tuổi kết hôn, nhiều gia đình Phật tử muốn được kết duyên dưới sự chứng minh của Tam Bảo. Điều đó thể hiện họ là những người có tư duy chân chánh, có trách nhiệm với người bạn đời và xác quyết niềm tin với thiện nhân duyên mà mình lựa chọn. Đối trước Phật đài và được quý Thầy trao những lời dạy từ chánh Pháp, cặp đôi sẽ có được nền tảng vững chắc và hành trang quý báu để hướng đến đời sống gia đình hoà thuận miên trường, hạnh phúc bình an và nuôi dưỡng thiện tâm.
Đây là một nghi lễ tôn giáo mang đậm tính dấn thân nhập thế, phụng sự nhân sinh, góp phần tăng trưởng đời sống đạo đức tâm linh trong mỗi gia đình.
Lễ động thổ / Lễ sái tịnh đất đai
An cư mới lạc nghiệp – phải ổn định chỗ ở mới vững tâm phát triển công việc và gia đình. Tuy vậy, ở mỗi cục đất đều trải qua bao bận tắm gió sương dầm nhật nguyệt, bao thời đại và con người đã sống và đã chết, không đếm hết được những linh hồn thống khổ chưa thể siêu thoát còn vướng bận nơi này. Nếu ta vô tâm tới và ngang nhiên xâm phá mảnh đất nơi họ bấu víu, sẽ gây nên sự oán hận và bị cản trở những việc ta làm, tạo ức chế và bất mãn cho cả người sống lẫn hương linh.
Với trí tuệ và từ bi của đạo Phật thương xót tất cả chúng sinh không phân biệt cảnh giới, kết hợp khéo léo với tín ngưỡng dân gian người Việt “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, quý thầy đã hướng dẫn Phật tử trước khi xây nhà nên làm lễ cúng để tịnh hoá mảnh đất mà gia đình định cư.
Mâm lễ chay đơn giản thanh tịnh cùng nước sạch được gia trì bởi thần chú, tâm thành của gia chủ và định lực của chư tăng, nương theo tiếng kinh cầu Phật lực gia hộ để lưu xuất thành nước cam lồ, khi tưới rảy lên pháp giới sẽ làm tất thảy chúng sanh được tưới mát tâm hồn mà thẩm thấu Pháp ngữ, buông xả chấp niệm, thanh tẩy phiền não để siêu thoát, thanh tịnh. Âm siêu – Dương thái, khi mảnh đất được sái tịnh thì sẽ là đất lành để con người sinh sống.
Tuy mang ý nghĩa cao đẹp và nhân văn như vậy nhưng theo thời gian và du nhập văn hoá ngoại lai, nghi lễ này dần chạy theo hình thức và mê tín với những mâm lễ thịnh soạn chất đầy thức ăn từ thịt động vật, đốt vàng mã… Thiết nghĩ người Phật tử chân chính nên lấy từ bi và trí tuệ làm gốc để quán chiếu và thực hành để những nghi lễ này hiệu quả đúng với mục đích ban đầu.
Lễ tang
Đạo Phật chủ trương khi chưa thành tựu Phật quả, chúng sanh kết thúc kiếp sống này sẽ tiếp nối cuộc sống ở kiếp tương lai, việc tái sanh ở cảnh giới nào sau khi thân hoại là do nghiệp của mỗi người chi phối. Tuy nhiên, đây là thời điểm tất cả chúng ta đều lo sợ và hoảng loạn nên càng cần chỗ dựa của tôn giáo. Đức Thế Tôn vô cùng bi mẫn và bao dung đã chỉ dạy tận tình để ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho sự tái sanh.
Giây phút lâm chung: Theo lời Phật, “những người làm lành đến lúc mạng chung cũng còn có trăm nghìn quỷ thần ác đạo hoặc biến ra hình cha mẹ, nhẫn đến hóa làm người thân quyến dắt dẫn thần hồn người chết làm cho đọa lạc vào chốn ác đạo, huống chi là những kẻ lúc sanh tiền đã sẵn tạo nghiệp ác.” Ở hoàn cảnh này, “hàng thân quyến nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn Kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ tát, tu tạo nhơn duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết.” [7]. Gia môn cũng có thể thỉnh chư Tăng đạo tràng tới, nhờ định lực của quý Thầy làm không gian được tĩnh tịnh, từ đó giúp thần thức người mất được bình ổn, sáng suốt và nương theo tiếng niệm Phật, trợ duyên lành trong con đường tái sanh.
Sau khi lâm chung: “hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.” […] “Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả.” [8]
Trên đây chỉ là những cột mốc quan trọng trong đời người có dấu ấn của đạo Phật thông qua phương tiện nghi lễ, ngoài ra còn vô số những khoảng khắc nguy hiểm, bệnh tật, tai nạn, đau khổ,…; mỗi mỗi phút giây đều có lời vàng của Thế Tôn chỉ dạy con người để vượt qua những chướng nghiệp và nghịch duyên trong cuộc sống. Có thể thấy Đức Phật ra đời vì cứu vớt loài người, đạo Phật ra đời để song hành và hướng dẫn nhân sinh. Khéo nghe và làm theo lời Phật, chúng ta sẽ tự thấy an lạc và tự tại ngay trong đời này, khi ta biết mỗi khắc ta hiện diện, Phật luôn ở bên ta.
Chú thích:
[1] [2]: Theo Kinh Vu lan bồn báo hiếu công ơn cha mẹ
[3] – [8]: Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện