Góc nhìn Phật tử

Dưới bóng cây hạnh phúc

Thứ bảy, 01/07/2023 07:50

Mỗi lần về thăm chùa làng, việc đầu tiên của tôi là đứng trước chùa, ngước lên nhìn những tán xanh của mấy cây phượng tròn trước sân chùa. Bao nhiêu ký ức về ngôi chùa cũ và những người thân ùa về trong vòm lá xanh lao xao cổ thụ.

Phượng tròn là tên do lũ con nít xóm Kế tôi tự gọi để phân biệt với mấy cây phượng vỹ trong sân chùa mọc cạnh đó. Mà gọi là phượng tròn bởi lá cây có hình tròn, trái nhỏ và khi chín khô nứt ra những hạt tròn màu đỏ rất dễ thương. Sau này hỏi ra cây phượng tròn này chính là cây lim. Nhưng đã quen rồi nên tôi vẫn gọi chúng là những cây phượng tròn mà thôi.

Hồi nhỏ, cứ mỗi lần qua chùa làng chơi là chúng tôi tót lên cây phượng tròn to nhất có một nhánh vươn ra như một cây cầu trên cao, ban đầu thì bò trên cành cây này, sau đó thì đi thăng bằng trên cành luôn. Một trò chơi nghịch và nguy hiểm may mà chẳng đứa mô bị té cây.

Sân và vườn chùa làng tôi hồi đó rợp bóng cây xanh từ phượng đến nhãn, xoài, mít, ổi hay khế, vả... chở che bóng mát cho người. Tôi nhớ chùa làng có cây ngâu ngay trước sân, cạnh cái cột cờ. Mùa thu đến, ngâu thường ra hoa chúm chím những nụ tròn màu vàng tỏa hương thơm dìu dịu. Bên cạnh cây hoa ngâu là hai cụm hoa sói, cũng tỏa hương thơm dễ chịu vào mùa xuân. Có những năm, các dãy nhà hai bên sân chùa được trưng dụng làm lớp học cho học sinh trường làng. Lũ học trò nghịch ngợm học ở trường Chùa hầu như từ nam đến nữ đứa mô cũng có trèo lên cây ngâu này hái hoa, rồi sau đó hái quả. Và đó cũng là nguyên nhân cây ngâu bị trơ cành, trụi lá và chết lúc nào không biết nữa.

Bâng khuâng ảnh cũ chùa quê

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhìn thấy cảnh cây ngâu bị chết, ba tôi đau lòng lắm, ông nói những cây ngâu, cây sói trồng ở sân chùa làng là do một vị sư ở Huế có quê quán ở làng tôi tự tay mang về trồng và với sự chăm sóc kỹ càng của những Phật tử của chùa mà cây đã xanh lá, đơm hoa tỏa hương thơm ngát sân vườn chùa. Đó thực sự là những giống cây hiếm ở vùng cát khô cằn như quê tôi và bây giờ tôi mới nhận ra rằng, vị sư đó đã mang một khu vườn xanh và thơm của Huế về một ngôi chùa làng ở vùng hẻo lánh xa xôi...

Lại nhớ năm xưa, cả làng tôi cũng chỉ có độc nhất một hồ sen ngay trước chùa làng. Hồ sen được trồng để tạo cảnh quan cho chùa và vào mùa sen nở thì Phật tử hái hoa dâng cúng Phật những ngày Rằm, Mồng một. Nhưng vào những năm 1980, kinh tế khó khăn vất vả lắm nên cũng Phật tử trong làng đến lễ chùa không đều đặn. Hồ sen trước chùa bị lũ con nít rồi cả người lớn thiếu suy nghĩ trong làng hùa nhau xuống đào củ sen về nấu ăn. Chỉ trong vòng mấy ngày, hồ sen tồn tại mấy chục năm đã tàn phai… Rồi những năm sau này, chùa vắng người một phần nữa là do bị phá... nên những loài cây ăn quả, những hàng phượng vỹ cũng buồn nên cứ thế tàn úa dần. Chỉ mấy cây phượng tròn vẫn xanh um bất chấp...

Cái hồn của một ngôi chùa làng hay ngôi chợ làng chính là những bóng cây cổ thụ. Chợ làng tôi năm xưa là những mái lá nhỏ liền kề nhau dưới tán lá của những cây vông đồng. Những tán cây che nắng mưa suốt bốn mùa mà làm nên cái hồn của ngôi chợ. Phía đầu chợ là một mái đình chợ nho nhỏ dưới bóng mấy cây phượng vỹ già. Chợ làng bây chừ đã xây dựng bề thế nhưng không có bóng cây. Nên tôi mãi nhớ thương ngôi chợ cũ tuy chỉ lẹp xẹp vài mái lá nhưng hài hòa, gần gũi làm sao...

Sáng nay, ngồi cà phê với bạn, nghe bạn nhắc về những con đường quê ngoại mà đi học về có thể ghé nơi mấy bóng cây cổ thụ bên đường mà ngủ một giấc ngon lành. Chuyện của bạn làm tôi nhớ hình ảnh mấy cậu bé, cô bé theo mạ đi chợ quê Đại Lược làng tôi, nằm trong cái thúng đặt dưới gốc cây vông đồng giữa chợ ngủ ngon như một con chó con, đáng yêu biết bao.

Tôi lại nhớ hình ảnh các anh chị em màu áo lam của Gia đình Phật tử chùa làng tôi đứng dưới bóng mát cây phượng tròn những chiều hè cùng nhau hát vang: “Dây thân ái lan rộng muôn dạ - Tay sắp xa nhưng tim không xa - Đường tuy xa nhưng tình bao la”... Dưới bóng cây mát lành hạnh phúc, con người sẽ gần gũi và thương yêu nhau hơn!

loading...