Kiến thức

Trụ trì là ai?

Thứ sáu, 21/12/2022 08:21

Trụ trì là “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, như vậy, trụ trì mang một trọng trách rất quan trọng.

Audio

Khái niệm “trụ trì” ban đầu gọi chung là “Duy Na” (theo thuật ngữ chuyên mơn) hay gọi là “chủ chùa” (theo khái niệm bình dân) hoặc mang ý nghĩa là người an trụ lâu ở đời để thọ trì Phật pháp. Về sau từ “trụ trì” chỉ cho một vị Tăng Ni niên cao lạp trưởng tại một trú xứ và từ “trụ trì” ngày càng được xã hội hóa thành một chức danh.

Lúc Phật giáo mới truyền và Trung Quốc, các nhà truyền giáo thường dùng hình thức truyền đạo từ người thầy trực tiếp truyền cho đệ tử, hoặc ở nơi hang đá tu hành.v.v… chưa có chức danh “trụ trì ”. Mãi đến đời Đường (Trung Quốc), Phật giáo Thiền Tông hưng thịnh, người học thiền ngày một đông nên Tổ Bách Trượng – Hồi Hải mới đặt ra chức “trụ trì” để điều hành các Phật sự của Thiền viện và Ngài Pháp sư Nghiêm Truyền phụng mạng Tổ Bách Trượng làm trụ trì với ý nghĩa là người có đầy đủ quyền hạn để điều hành tất cả phật sự ở Thiền viện. Như vậy chức danh “trụ trì” có từ đó và đến đời Tống thì từ “trụ trì” được dùng rộng rãi tại các tự viện cho đến ngày nay.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt của Kim Cương Tử định nghĩa như sau: “Vị chủ Tăng ở một chùa gọi là trụ trì, từ này từ cửa thiền mà ra. Sắc tu thanh quy, trụ trì chương: Phật giáo vào Trung Quốc 400 năm sau khi ngài Đạt-ma đến. Truyền được 8 đời thì đến ngài Bách Trượng. Lúc đó chỉ biết đem đạo mà trao truyền cho nhau; hoặc ở hang núi, hoặc dựa theo Luận chưa có tên gọi trụ trì. Ngài Bách Trượng làm cho đạo Thiền hưng thạnh. Trên từ vua quan vương công, dưới đến Nho Lão bách tánh, đều tìm đến hỏi đạo. Nếu trò không tôn kính ngôi thứ thì phép thầy không nghiêm. Nên từ đó họ bắt đầu tôn trọng thầy mà gọi là trụ trì”.

Và một ý nghĩa cao cả mà chúng ta thường nghe các bậc tiền bối nói. Trụ trì là “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, như vậy, trụ trì mang một trọng trách rất quan trọng. Trụ trì không phải mang ý nghĩa tầm thường như người đời nghỉ, chỉ là ông từ giữ chùa. Mà lại là người ở trong nhà chánh pháp và giữ gìn ngôi báu chánh pháp. Trụ trì còn có nghĩa: “Trụ Như Lai xứ, hành Như Lai sự”, nghĩa là ở nhà Như Lai và làm việc của Như Lai. Ở nhà Như Lai là ở nhà vô trụ vô chấp còn làm việc Như Lai là hoằng pháp độ sanh. Như vậy, ý nghĩa của trụ trì mang ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, là người thay thế Phật hóa độ chúng sanh. Vì thế để xứng danh là vị trụ trì thì phải am hiểu giáo lý Phật dạy và phải hành trì giới luật thật thanh tịnh. Với ý nghĩa cao cả đó, chúng ta hãy xem vai trò và vị trí của vị trụ trì.

loading...