Sống an vui
Nếu không đủ lòng khiêm hạ
Thứ bảy, 17/04/2023 09:53
Nếu không đủ lòng khiêm hạ thì những thành công tương lai sẽ là con đường dẫn đến địa ngục.
Nếu chúng ta kiên nhẫn tu hành, sẽ càng lúc thu thập được nhiều công đức lành, tích lũy được nhiều thắng phước, rồi dần dần đạt được nhiều thành công. Đó là điều chắc chắn. Nghĩa là ngay từ ban đầu, chúng ta đã đi đúng hướng, đã ít phạm sai lầm nên mới có kết quả tốt đẹp về sau. Nhưng điều trớ trêu là từ những cái rất đúng, rất đẹp đó, một sai lầm xuất hiện. Đó là tâm kiêu mạn.
Tâm kiêu mạn là một loại tình cảm thích thú, khoái trá, hả hê, sung sướng khi thấy mình hơn người khác.
Chuyện hơn thua nhau là chuyện bình thường ở trên đời. Có khi ta hơn người, có khi người hơn ta. Khi ta hơn, ta vẫn biết là ta hơn; khi người hơn, người vẫn biết là người hơn. Đó là chuyện bình thường không có gì là sai trái. Điều nguy hiểm chính là tình cảm khoái trá đi kèm theo đó. Sự khoái trá đó gây cho người ta cảm giác hạnh phúc. Nhiều người còn bị ảo tưởng là mình vượt hơn người khác trong khi thật sự thì thua kém rất nhiều. Nhưng khi tự cho mình hơn người, một sự khoái chí, sung sướng cũng có mặt.
Mỗi khi hưởng thụ niềm vui sướng hạnh phúc, chúng ta luôn luôn bị hao tổn bớt phước mà mình đã gây tạo trong quá khứ, đó là quy luật tất nhiên của Nhân quả. Nhưng có những niềm vui không làm hao tổn phước bao nhiêu, ví dụ như cảm giác hạnh phúc khi làm được việc từ thiện. Hoặc thậm chí có loại niềm vui còn làm tăng thêm công đức, ví dụ như ta vui mừng khi thấy người khác thành công hạnh phúc, theo đúng Hỷ tâm trong Tứ vô lượng tâm. Còn lại, hầu hết sự thụ hưởng niềm vui đều làm tiêu hao bớt phước trong quá khứ.
Tuy nhiên, có một khoái cảm, mà khi hưởng thụ nó, làm chúng ta thiệt hại không lường được, đó là sự sung sướng khi cho rằng mình vượt hơn người khác. Khoái cảm đó, ý nghĩ đó gọi là tâm kiêu mạn.
Đến khi nào chúng ta xuất hiện một tình cảm của sự khoái trá thích thú vì được hơn người khác, đó là lúc tai họa bắt đầu. Tâm kiêu mạn đó trước hết sẽ phá vỡ những đức tính tốt đẹp có sẵn trong lòng mình. Ví dụ, trước đây ta là người trầm tĩnh, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, sự trầm tĩnh đó sẽ biến mất, thay vào đó là sự hấp tấp, vụt chạc, dễ nỗi nóng. Ví dụ, trước đây ta là người hiền lành, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ác độc. Ví dụ như trước đây ta sống đời thanh bai trong sạch, nhưng sau một thời gian kiêu mạn, ta sẽ trở thành người ô nhiễm, v.v…
Sau khi những đức tính tốt đẹp trong tâm biến mất, điều chắc chắn là chúng ta sẽ bắt đầu làm nhiều điều bậy bạ sai lầm để tổn phước trầm trọng. Ví dụ chúng sẽ bắt đầu có thái độ hống hách khinh dễ người khác, hoặc nộ nạt mắng chửi, hoặc mưu mô thủ đoạn, hoặc sa đọa đồi trụy…
Tiếp theo việc hết phước là tài năng biến mất dần dần. Theo luật nhân quả, phước đức sinh ra tài năng. Phước hết, tài năng sẽ mất theo.
Tóm lại, khi kiêu mạn xuất hiện thì những đức tính tốt khác bị đánh vỡ - khi những đức tính tốt bị đánh vỡ thì những nghiệp bất thiện sẽ được gây tạo - khi những nghiệp bất thiện được gây tạo thì phước hết - khi phước hết thì tài năng cũng biến mất theo. Đó là tiến trình tất nhiên của tâm kiêu mạn.
Thế là từ những thành công tốt đẹp, từ những khả năng đáng quý, từ những ưu điểm nổi bật, chúng ta sẽ khởi lên tâm kiêu mạn. Và rồi tâm kiêu mạn đó sẽ đưa chúng ta trở lại tầm thường như buổi đầu chưa có gì cả.
Ngay khi thành công, mầm mống của thất bại đã có mặt; ngay khi tài giỏi, mầm mống của kém dở đã khởi động; ngay khi được ưu điểm, mầm mống của khuyết điểm cũng sinh ra. Đó là nghịch lý đau đớn, khiến chúng sinh khó lòng bứt phá để vượt lên thành một vị thánh siêu thoát. Tất cả chỉ bởi tâm kiêu mạn.
Hiểu được điều này, chúng ta phải tu tập, phải chuẩn bị trước tâm khiêm hạ rất kỹ lưỡng để đón chờ những thành công đến với cuộc đời mình. Vì do phước đời trước, biết đâu chúng ta cũng sẽ có những thành công đáng kể nào đó trong đời. Bây giờ thì chưa có gì, nhưng ai biết được ngày mai điều diệu kỳ nào sẽ tới…
Nhưng nếu chúng ta không đủ lòng khiêm hạ thì những thành công tương lai sẽ là con đường dẫn đến địa ngục.
(Trích Tâm lý đạo đức – Bài 4: “Khiêm hạ”)