Sách Phật giáo
Ba tác phẩm về Phật đạo của cư sĩ tại gia Lý Tứ ra mắt độc giả
Chủ nhật, 24/11/2019 06:48
3 tác phẩm: Vô đối môn, Phật giáo và thiền, Tâm Pháp của cư sĩ tại gia Lý Tứ đã ra mắt độc giả Việt Nam.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Kinh sách Phật giáo hay
3 cuốn sách Phật đạo được tác giả dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và viết trong suốt ba mươi năm tu học đã được hàng ngàn độc giả cả nước đón đọc như một bộ sách "cẩm nang tu học Phật đạo".
Nếu trong cuốn Vô đối môn, tác giả đã sử dụng những ví dụ minh họa gần gũi, thiết thực với đời sống thường nhật, bố cục cuốn sách được trình bày dưới dạng hỏi đáp về những kiến thức Phật đạo từ dễ đến khó đã cuốn hút người đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng thì cuốn Phật giáo và Thiền lại hướng những người ban đầu học Phật tiếp cận và tạo hứng thú cho bạn đọc tìm hiều sâu hơn những khái niệm phổ thông trong Phật giáo.
Mở đầu Phật giáo và Thiền tác giả viết: "Trên 2.500 năm trước đây, chúng sanh đau khổ vì sanh tử như thế nào thì bây giờ cho tới tận cùng đời vị lai chúng sanh đau khổ cũng giống như vậy....Trước đây chư hiền thánh dạy chúng sanh giải quyết đau khổ như thế nào bây giờ cũng chỉ giải quyết như vậy cho tới tận cùng đời vị lai cũng chỉ giải quyết như vậy mới mong đoạn tận khổ đau".
Khác với Vô Đối Môn và Phật giáo và Thiền, cuốn Tâm Pháp lại được tác giả xây dựng như một cuốn tiểu thuyết cổ trang, các nhân vật hư cấu: Đại sư Huyền Không, Trương Tam, Lý Tứ, Trung Nguyên Cửu Tuyệt…
Không gian trong Tâm Pháp đậm chất trữ tình. Đó là dòng Ô Giang trong đêm trăng huyền ảo với những nhân vật: kiếm khách giang hồ, người lái đò, người lữ khách …
Điều đặc biệt trong Tâm Pháp là số lượng nhân vật không nhiều, tác giả không chú trọng khai thác đời sống riêng tư của mỗi nhân vật. Ông không hướng vào xây dựng một "Tiểu thuyết Phật giáo" với một số phận cụ thể nào. Dường như tác giả từ chối tái hiện, khắc họa số phận nhân vật dưới góc độ "thân phận" mà luôn trên tinh thần "gác lại quá khứ, nhìn về tương lai".
Con người thân phận trong Tâm Pháp đã lùi về hậu cảnh để nhường chỗ cho con người "thiết tha cầu đạo" với một tinh thần dấn thân, vô ngã, xả niệm. “Con người trói buộc” nhờ ánh sáng giáo pháp, phút chốc đã tự mở toang cánh cửa để bước vào thế giới tự do, ngập tràn trong trí tuệ của "đạo giải thoát".
Chẳng hạn như "Cửu đệ" là một thương gia nặng trĩu tâm tư, "Bát đệ" là một nghệ sĩ, "Lục đệ" là một người ham thích đọc tụng kinh điển, "Ngũ đệ" thân mang trọng bệnh... Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người một số phận nhưng phiền não, vô minh thì ai cũng như ai.
3 tác phẩm, 3 góc độ nhưng chỉ một tinh thần: "tự giác, giác tha; từ bi, hỉ xả", những điều ấy đã tạo nên một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp hơn 30 tu học và chia sẻ Phật pháp của tác giả - cư sĩ Lý Tứ.
Theo Vietnamnet