Kiến thức
Tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha trong thời hiện đại
Thứ năm, 25/03/2024 06:00
Chúng ta không thể nào làm lợi ích hay chuyển hóa người khác, khi ta chưa thực sự vững vàng, tự do và hạnh phúc. Nhưng tự lợi và tự giác thì đến bao giờ mọi người chung quanh được thừa hưởng.
Có nhiều hành giả bị đắm chìm trong cảnh giới an lạc tịch tĩnh, mà quên mất chí nguyện chia sẽ cho người khác nên đạo hạnh của họ cũng dừng lại ở mức độ tương đối, vì chỉ có tâm mở rộng hướng đến tha nhân chúng sanh vô số thì trí tuệ được trải khắp.
Đức Phật thường chê những người tu hành theo đó chỉ hạnh giống khô, không thể lại tạo cho thế hệ mai sau đã đành, mà còn trở nên vô trách nhiệm với ân đức của vô số nhân duyên điều kiện trong trời đất đã cưu mang trợ duyên họ. Ngược lại, có những người háo hức hướng đến người khác để giúp đỡ trong khi mình còn yếu kém và quá nhiều sự ràng buộc khổ đau thì cũng dễ dàng bại trận vấp ngã. Đã không giúp được ai mà còn chịu lấy phiền não. Do vậy, chúng ta nên chọn con đường nào đây?
Theo tuệ giác của đức Phật thì ta nên chọn con đường trung đạo, vừa đi từ trong ra ngoài mà cũng vừa đi từ ngoài vào trong. Chúng ta nên vừa tu tập gột rửa tập khí khổ đau từ nhiều kiếp, mà cũng vừa hướng tới người khác để nhắc nhở, khuyến nhủ, sách tấn, tác động, động viên, an ủi, chia sẽ hay trực tiếp chuyển hóa trong khả năng vừa đủ có thể. Trong khi làm những công tác đó, bên cạnh ta phải phòng ngự kịp thời trước những cám dỗ của vật chất năng lượng độc hại bên ngoài và tránh dấy động khởi lên phiền não bên trong, biết vận dụng hoàn cảnh thuận nghịch trao đổi làm tăng trưởng phẩm chất tu tập nơi tự thân. Chúng ta thường nghe: “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng lý chúng Tăng tàn”. Chính vì thế, chúng ta hãy sống trong lục hòa cộng trụ, gần gũi với đoàn thể Tăng già để có sự yểm trợ và soi sáng đúng lúc kịp thời. Con đường này giúp chúng ta vừa không bị kẹt vào sự hưởng thụ cho bản thân, vừa không để đánh mất mình trong khi vì người khác.
Tuy vậy, ý niệm chính ban đầu của chúng ta ngay từ khi bước vào thiền môn là sự thực tập quay về nơi chánh niệm tự thân. Sự chuyển hóa bản thân vẫn là nền tảng căn bản, nếu không có bước đi này thì con đường Trung đạo cũng không thể thiết lập được.
Thi hào Nguyễn Du cũng từng nói: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Được như thế, khi ta biết cách thương mình cho hay, cho khéo thì mới thương người khác được một cách trọn vẹn. Bằng không, chúng ta sẽ trở nên ích kỷ theo chiều hướng thỏa thích hưởng thụ của bản thân, không đáng gì một hòn sỏi bên đường.