Sách Phật giáo
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và nhà văn Nguyễn Tường Bách khuyên hành thiền
Thứ bảy, 31/12/2023 04:25
'Không riêng một quốc gia, nhóm người, khủng hoảng đang là vấn đề của toàn cầu. Chúng ta đã thấy nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường... và sau đại dịch là khủng hoảng tâm lý với mức độ trầm trọng hơn'.
Đó là nhận định của bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc tại buổi giao lưu tối 27/12 về chủ đề Cân bằng trong khủng hoảng.
Tọa đàm còn có sự góp mặt của tiến sĩ vật lý, nhà văn Nguyễn Tường Bách.
Cuộc trò chuyện bàn về những khủng hoảng tâm lý trong và sau đại dịch mà con người phải đối mặt và giải pháp vượt qua từ góc độ khoa học và thiền.
Khủng hoảng niềm tin và hiện sinh
Tại buổi giao lưu, nhiều ý kiến cho rằng sau đại dịch, con người phải đối diện với khủng hoảng tâm lý, trong đó có khủng hoảng niềm tin và hiện sinh.
Chúng ta mất đi niềm tin vào chính mình, những người xung quanh và đôi khi hoang mang không biết mình sống để làm gì.
Theo tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách, việc giãn cách xã hội trong đại dịch cùng với sự phát triển của Internet đã gây ra không ít tiêu cực cho sức khỏe tâm thần của nhiều người.
"Trong đại dịch, nhiều gia đình phải giam mình trong bốn bức tường. Cha mẹ, con cái không thể đi làm, đi học.
Họ bị tù túng, không có sự kết nối thực sự với xã hội, dẫn đến những tranh cãi, bất hòa. Và những cuộc ly hôn sau đại dịch tăng vọt", ông Bách phân tích.
Ngoài ra, cả hai diễn giả đều đồng tình rằng dù sự phát triển vượt bậc của Internet, mạng xã hội có nhiều lợi ích to lớn nhưng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc trong tâm lý.
Nhiều người trẻ đang "nghiện" Internet và không thể sống được nếu thiếu điện thoại.
Đã có không ít trường hợp mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và mất dần đi động lực sống đúng nghĩa vì dùng mạng xã hội quá đà.
Hành thiền để tìm lại sự cân bằng trong tâm lý
Nhà văn Nguyễn Tường Bách giải thích: "Hành thiền là lúc chúng ta ngồi lại để tìm sự an tĩnh trong tâm hồn. Đó là cách tốt nhất để chữa trầm cảm và lệch lạc trong tâm trí.
Lúc ấy, tôi tin rằng ta sẽ có cơ hội thấy rõ mình và còn có thể thấy được tâm của người khác. Từ đó, lòng từ bi sinh ra, tâm an thay thế tâm ác".
Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp hành thiền. Nhưng với bác sĩ Ngọc, việc tập trung vào hơi thở là quan trọng nhất.
"Chúng ta cần tập trung vào hơi thở để thả lỏng tâm trí. Khi hít thở đúng thì cơ thể sẽ tiết ra hormone hạnh phúc - serotonin", bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh việc thiền, tìm về với thiên nhiên, chơi thể thao, học một môn nghệ thuật cũng là những cách hữu ích giúp con người giải tỏa những khủng hoảng tâm lý.
Nguồn: TTO