Kiến thức
Bậc tối thượng không ai sánh bằng
Chủ nhật, 19/02/2024 01:56
Giáo lý nhà Phật thường nói đến vô ngã, tức là không có cái ngã, không chấp ngã. Phần nhiều chúng ta cho rằng mình có một cái ngã (cái ta 5 uẩn). Con người tạo nhiều ác nghiệp, vọng nghiệp và mọi rối rắm trên đời cũng từ chấp ngã.
Nếu không chấp ngã thì không có tạo tội, quẩn quanh trong ba nẻo sáu đường.
Chấp ngã là cái gốc của luân hồi, muốn thoát ly sanh tử Đức Phật dạy vô ngã. Thế nhưng, khi Đức Phật thị hiện ở đời, chúng ta lại nghe Ngài nói: “Ta là bậc tối thượng, tối tôn ở trên đời”, hay “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Nhứt thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”. Nghĩa là, chỉ có Ngài là tối thượng, tối tôn trên đời, không ai sánh bằng. Tất cả người trên thế gian này đều chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết. Như vậy có phải là Ngài tự tôn, tự cao không?
Phàm con người, ai cũng phải trải qua sinh, già, bệnh, chết. Đức Phật xác lập Ngài là tối thượng, tối tôn, không ai ngang hàng vì Ngài không giống như phàm nhân. Ngài đã vượt qua sinh tử, làm chủ sinh tử, đến đi tự tại. Dưới cội bồ-đề, Ngài tuyên chiến với ma quân, trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài chiến thắng nội ma, ngoại ma, đoạn sạch phiền não vô minh tăm tối trong lòng. Vượt qua giới tuyến của ngã và pháp, chiến thắng chính mình, đó là chiến công oanh liệt nhất! Dứt sạch phiền não vô minh, không có nghĩa trở thành gỗ đá vô tri, mà Ngài nhận ra và sống với con người chân thật bất sanh bất diệt. Như vậy, tuy là vô ngã, nhưng không phải không còn gì, mà vẫn có cái biết rõ ràng, nói không thể đến. Nhà Thiền gọi là liễu liễu thường tri, rõ ràng thường biết, sờ sờ trước mắt. Cái tối thượng, tối tôn nơi Ngài khác với lối suy tiến bản ngã, tự đề cao mình, mà ở đây Ngài xác lập sự thật.
Kinh Tăng chi, phẩm Một người, phần Như Lai, Phật dạy:
“Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có đặt ngang hàng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác…”.
Trong Trung bộ kinh, tập III, số 123, kinh Hy hữu Vị tằng hữu pháp, Tôn giả Ananda nói với các Tỳ-kheo: “Thật hy hữu thay chư Hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp hy hữu! Thật vị tằng hữu thay chư Hiền, Như Lai được đầy đủ các pháp vị tằng hữu!”.
“Hy hữu”, “Vị tằng hữu” nghĩa là điều rất hiếm, chưa từng có, chưa từng xảy ra và có một không hai trong lịch sử nhân loại. Quả thật, sự thị hiện của Đức Phật là một điều hết sức hy hữu, vị tằng hữu cho nhân loại. Nơi Ngài có những điểm phi thường. Về vóc dáng hình hài, Ngài đẹp nhất trần gian, với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp không ai sánh bằng. Về tinh thần, Ngài là Bậc giác ngộ giải thoát, đầy đủ Từ Bi Hỷ Xả... Như vậy, có thể nói, trên thế gian không ai sánh bằng Ngài về mọi mặt.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có tám bộ chúng, các thầy nên biết. Thế nào là tám? Đó là chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Ba mươi ba, chúng Ma vương, chúng Phạm thiên.
Tỳ-kheo nên biết! Từ trước đến nay, Ta đi vào trong chúng Sát-lợi, cùng họ chào hỏi, nói năng đàm luận, cũng không người nào bằng Ta. Ta đi một mình không bạn bè, cũng không ai ngang hàng. Ta ít muốn biết đủ, niệm không lầm loạn, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
Lại tự nhớ nghĩ, Ta vào trong chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ thiên vương, chúng trời Ba mươi ba, chúng Ma vương, chúng Phạm thiên vương, cùng họ chào hỏi nói năng đàm luận, Ta đi một mình không bạn bè, cũng không ai ngang hàng, ở trong ấy tối tôn, cũng không người sánh bằng. Ta ít muốn biết đủ, ý không lầm loạn, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn.
Bấy giờ, trong tám bộ chúng, Ta đi riêng một mình không bạn bè, vì bao chúng sanh làm tàng che lớn. Khi ấy tám bộ chúng không thể thấy đảnh, cũng không dám nhìn mặt, huống gì cùng luận nghị. Vì sao? Vì Ta cũng không thấy trong cõi Trời, cõi Người, trong chúng Ma hoặc Thiên Ma, chúng Sa-môn, Bà-la-môn có ai có thể thành tựu tám pháp này, trừ Như Lai. Cho nên Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện thực hành tám pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”.
Đây là đoạn trích trong kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 42 Bát nạn [2], Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1998, tr.133.
Khi còn là Thái tử, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc và tất cả vinh hoa phú quý, quyết tìm ra ánh sáng chân lý, sau đó đem chân lý chỉ bày cho chúng sanh. Có tất cả những gì quý giá nhất trên đời, nhưng Ngài từ bỏ, không đam mê, thì không lý gì sau khi chứng ngộ, Ngài lại tự cao tự đại. Ở đây, Đức Phật nói nghĩa quyết định để chúng ta thấy rằng, sự thật trên thế gian không ai sánh bằng Ngài. Tám bộ chúng là nói đại loại, đại lược mang ý nghĩa bao trùm, bao gồm:
Chúng Sát-đế-lợi là giai cấp vua chúa, các bậc quan lại có phẩm trọng lớn, là giai cấp thống trị, nắm quyền sinh sát trong tay. Đức Phật trước khi xuất gia cũng xuất thân từ giai cấp Sát-đế-lợi, nhưng Ngài từ bỏ thân phận Thái tử cao quý, ra đi vì lý tưởng giác ngộ, giải thoát. Đối với Ngài, ngai vàng hay bất cứ thứ gì quý giá cũng đều không quan trọng trong cõi đời huyễn mộng này. Cho nên, dòng Sát-đế-lợi, Ngài là Bậc tôn quý.
Chúng Bà-la-môn, giai cấp này y cứ vào các kinh Vệ-đà để dạy dân chúng. Họ nói rằng Phạm Thiên sinh ra bốn giai cấp, trong đó Bà-la-môn là giai cấp cao quý, sanh ra từ miệng Ngài; giai cấp Sát-đế-lợi sanh ra từ ngực; giai cấp Phệ-xá (thương buôn) sanh ra từ đầu gối; giai cấp Thủ-đà-la (nô lệ) sanh từ gót chân, chỗ thấp hèn, hạ tiện nhất. Như vậy, Bà-la-môn cho rằng họ là giai cấp cao quý, được Phạm Thiên sanh ra để thống trị về mặt tư tưởng, tâm linh.
Chúng Trưởng giả, những người thương buôn, người làm tiểu thủ công nghiệp, do sức lao động, kinh doanh các ngành nghề, gầy dựng được sự nghiệp giàu sang, có nhiều của cải, có kẻ hầu người hạ, v.v...
Chúng Sa-môn là những người xuất gia, không gia đình, không nhà cửa, nay đây mai đó, trì bình khất thực và tu hành hướng đến giải thoát, không bị ràng buộc.
Chúng Tứ Thiên Vương là cõi trời Tứ Thiên Vương. Từ cõi nhân gian trở lên thì Tứ Thiên Vương là cõi trời đầu tiên trong Dục giới. Dục giới có các cõi trời từ thấp đến cao, đó là: Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Đây là những cõi trời cực kỳ sung sướng, tuổi thọ rất lâu dài. Tuổi thọ của con người nếu so với tuổi thọ của các cõi trời Dục giới chỉ giống như phù du, như hoa sáng nở tối tàn, không đáng kể gì.
Trời Ba mươi ba (Đao Lợi Thiên) là trời Đế Thích. Cho đến chúng Ma. Thế nào gọi là Ma? (Ma vương, Ma dân). Trong Kinh tạngA-hàm, Nikàya, Đức Phật định nghĩa: Người nào cho rằng cuộc đời này là thường tại, sung sướng, không nên bi quan; cõi này là Niết-bàn, không nên tìm ở đâu nữa và họ chủ trương hưởng dục, không tu hành. Trên cuộc đời có bao nhiêu sung sướng thì hưởng thụ hết không bỏ sót điều gì, đó chính là Ma. Người có thế lực lớn, có đẳng cấp trong chủ trương này, thì gọi là Ma vương. Cũng ham mê hưởng thụ nhưng không có quyền lực thì là Ma dân. Những ai bài bác không nên ham mê ngũ dục, lục trần thì bị họ cực lực chống đối. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có một phần Ma, nhưng chúng ta có chí hướng bỏ Ma, theo Phật. Phiền não vô minh tăm tối, đam mê tuy vẫn còn, nhưng chúng ta vẫn đang trên đường tu tập đoạn ly chúng. Mỗi bước tu tập được tiến bộ thì thế lực của Ma giảm dần, yếu dần, đó là làm cho cung Ma chấn động.
Phạm Thiên được người theo đạo Bà-la-môn tôn thờ như là đấng Sáng tạo, sinh ra loài người. Đây là vị Đại thiên thần được sinh ra trước nhất trong một chu kỳ thế giới này, nên tưởng rằng mình là sáng tạo thế giới, là chủ thế giới, nhưng thực ra cũng chỉ là một chúng sinh, dù cao quý hơn hẳn nhưng cũng nằm trong vòng sinh tử luân hồi.
Trong tám bộ chúng kể trên, Đức Phật là tối thượng, tối tôn. Ngài đi vào trong tám bộ chúng này cũng chào hỏi, nói năng, đàm luận nhưng không ai bằng Ngài. Đó là Ngài nói sự thật. Khi đọc trong các kinh Phạm động, Phạm võng của A-hàm và Nikàya, chúng ta thấy Ngài vượt qua 62 kiến chấp của ngoại đạo (tựu trung là chấp thường chấp đoạn, chấp có chấp không, v.v...). Khi còn là Thái tử ở trong cung, vua cha mời các thầy về dạy cho Ngài, nhưng vị thầy nào cũng phải thán phục trước trình độ uyên bác và sự thông minh của Ngài. Trong quá trình dạy và học đó, Ngài đặt ra những câu hỏi mà các vị thầy chưa thông suốt, chưa trả lời được, khiến cho họ lấy làm hổ thẹn vì không xứng làm thầy cho một bậc trí tuệ như Ngài. Cho đến tất cả các môn thi thố tài năng như võ thuật, bắn cung, cỡi ngựa... Ngài luôn xuất sắc, đạt hạng nhất. Rõ ràng không ai có thể sánh bằng Ngài.
Với trí tuệ như vậy, nhất là sau khi Ngài thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài đến trong các hội chúng thì tất cả Luận sư, Đại luận sư đều khâm phục, quy y theo Ngài. Dần dần Tăng đoàn và những người dân quy y theo Ngài càng lúc càng đông, làm cho chúng Sa-môn, Bà-la-môn đương thời phải chao đảo, nghiêng ngửa, các tư tưởng đã ăn sâu vào tâm thức dân chúng ở Ấn Độ cũng bị lung lay. Chính vì vậy, ngoại đạo kịch liệt chống phá Ngài.
Ngài đạt được trí tuệ, định lực, có sức tự tại vượt thường như vậy, trong tám bộ chúng không ai sánh bằng, bởi vì Ngài thành tựu được tám pháp: “Ta ít muốn biết đủ, ý không lầm loạn, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn”.
Ngài từ bỏ ngai vàng đi tìm chân lý. Tuy có của cải, tài sản, vợ đẹp con xinh, nhưng biết rõ thân này và những gì đang có là không thật, là vô thường, duyên sinh giả tạm. Ngài ít muốn biết đủ, chánh niệm, thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu đa văn, thành tựu tinh tấn. Sức hiểu biết của Ngài không thể nghĩ bàn, cho nên trong thập hiệu Như Lai, Ngài được tôn xưng là: Thế gian giải, nghĩa là sự hiểu biết về mọi phương diện, về tất cả các lĩnh vực của thế gian. Trong khi đó, người bình thường chỉ giỏi về một chuyên môn, lĩnh vực nào đó, còn những lĩnh vực khác lại không biết. Đức Phật là Bậc giác ngộ, giải thoát, tự tại, cái gì Ngài cũng biết. Ngành Thiên văn hiện đại cũng phải ngưỡng phục. Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới, Hằng hà sa số thế giới… Ngài nói đúng hoàn toàn trước khi ngành khoa học Thiên văn hiện đại phát hiện ra thế giới rộng mở trong bầu hư không bao la vô tận. Ngài nói các pháp vô thường, duyên sinh, như huyễn, trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn không bị lỗi thời. Nói nhân quả, đó là sự thật. Nói vô ngã, bất nhị, trung đạo, đó là chân lý.
Thành tựu tinh tấn, nghĩa là năng lực tinh tấn của Ngài khác với người thường. Một người tinh tấn thì bất kể đi đứng nằm ngồi, ở nhà, ở chùa, hay ở chợ, lúc nào cũng dụng công tu tập trong từng thời khắc. Còn người bình thường, lúc thì siêng năng, lúc lại lười biếng, buông lung, dụng công đó không phải là chánh tinh tấn như Phật. Đức Phật thành tựu tinh tấn nghĩa là dụng công liên tục, chánh niệm tỉnh giác liên tục, dù gặp hoàn cảnh gì cũng không bị lui sụt.
“Bấy giờ trong tám bộ chúng, Ta đi riêng một mình, không bạn bè, vì bao chúng sanh làm tàng che lớn”. Khi cảm thấy buồn, chúng ta hay tìm bạn bè tâm sự cho đỡ buồn, đó là cái “cô đơn” của người phàm tục. Còn đối với người giác ngộ thì khác. Các Ngài thành tựu Giới-Định-Tuệ, tâm không nhiễm trần, không còn dính chấp một pháp nào hết thì gọi là “không bạn bè”, đây là sự cô đơn minh triết, thuần tịnh. Nhà Thiền nói “Chẳng cùng muôn pháp làm bạn” là ý nghĩa đó. Tâm khi ấy đứng riêng một cõi, nhận biết sáu trần, tất cả cảnh giới, biết nhưng không nhiễm, không dính mắc. Chính vì vậy, Đức Phật vì chúng sanh mà làm tàng che lớn. Ngài uốn nắn chúng sanh, chiều theo tánh dục của chúng sanh mà thiết lập mọi phương tiện để giáo hóa, nâng đỡ họ trên con đường giác ngộ, giải thoát.
Khi Ngài đi vào trong tám bộ chúng thì tám bộ chúng không thấy đảnh. Tướng đảnh của Ngài là vô kiến đảnh tướng, nghĩa là sự giác ngộ, trí tuệ tột cùng không thể thấy được. Đảnh tướng đó chính là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Chúng ta chưa thành tựu được Trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên chưa thể thấy đảnh. Không hiểu, không nhận thức được trí tuệ tột cùng như Ngài thì không thể nào thấy đảnh như Ngài, cũng không dám nhìn mặt huống là luận nghị. Ngài thành tựu tám pháp kể trên, cho nên Ngài tự tại trong dòng đời, là bậc tối thượng, tối tôn không ai sánh bằng. Thật kỳ diệu thay!