Kinh Phật
Bài kinh Di Giáo - Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn
Chủ nhật, 08/05/2022 09:51
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lúc mới Chuyển pháp luân độ ông A-nhã Kiều-trần-như, đến khi thuyết pháp lần cuối cùng độ ông Tu-bạt-đà-la.
Giữ giới luật
“Tỳ-kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, nên tôn trọng, cung kính đối với giới luật, như ở chỗ tối tăm được thấy ánh sáng; như người nghèo được của báu. Nên biết rằng giới luật là thầy của các ông, cũng như ta đây còn trụ thế, không hề khác biệt."
“Người giữ giới trong sạch không được làm việc buôn bán đổi chác; mua giữ ruộng đất, nhà cửa; nuôi dưỡng nô tỳ, súc vật để cầu lợi. Tất cả những loại giống cây trồng cùng mọi thứ của cải quý báu đều phải nên xa lánh, như tránh xa hầm lửa vậy. Không được đốn chặt cây cỏ, cày ruộng, đào đất; bào chế thuốc thang; xem tướng lành dữ; nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm."
“Hãy dè dặt giữ mình có tiết độ, ăn uống đúng giờ, nuôi sống bằng cách trong sạch. Không được tham dự những công việc của người đời, làm người đưa tin, làm sứ giả. Những việc như luyện chú thuật, thuốc tiên; giao hảo với người sang trọng, khinh thường kẻ thân cận gần gũi, đều không nên làm."
“Phải tự mình luôn giữ chính niệm, tâm ngay thẳng cầu thoát sanh tử. Không được che giấu lỗi lầm, hay làm những việc dị thường để mê hoặc người khác. Đối với bốn món được cúng dường nên có chừng mực, biết vừa đủ. Khi được cúng dường, chẳng nên chứa trữ lại."
“Đó là nói sơ qua hình tướng của việc giữ giới. Giới luật chính là thuận theo gốc của giải thoát, cho nên gọi là tùy thuận giải thoát. Nhờ nương theo giới luật mà sanh ra các môn thiền định và trí huệ diệt khổ. Vì vậy mà Tỳ-kheo phải giữ giới trong sạch, không để có sự hủy phạm, thiếu sót. Nếu ai giữ giới trong sạch, ắt được các pháp lành. Nếu không giữ giới trong sạch, thì các công đức lành đều chẳng thể sinh ra. Nên phải biết rằng, giới luật là chỗ trụ an ổn bậc nhất sinh các công đức."
Chế tâm
“Tỳ-kheo các ông! Đã có thể trụ yên nơi giới rồi, nên chế ngự năm căn, chớ để phóng dật, chạy theo năm dục. Ví như người chăn bò, cầm gậy canh giữ, chẳng để cho tự do chạy bậy, xâm phạm ruộng người."
“Nếu buông thả năm căn, chẳng những là chúng chạy theo năm dục không có giới hạn, không thể chế ngự được, lại như ngựa dữ không dây cương kiềm chế, sẽ lôi người xuống hầm hố. Như bị giặc cướp làm hại, chỉ khổ một đời này thôi, nhưng bị giặc năm căn gây hại, khổ nạn kéo dài nhiều kiếp, lại rất nặng nề, không thể không thận trọng."
“Vậy nên người có trí chế ngự các căn, chẳng hề tùy theo; phòng giữ như giặc cướp, không để buông thả. Nếu buông thả ra, chẳng bao lâu ắt phải diệt mất vì xúc chạm.”
“Tâm là chủ của năm căn. Vậy nên các ông phải khéo chế ngự tâm. Tâm rất đáng sợ, hơn cả rắn độc, thú dữ, kẻ giặc thù, nạn lửa lớn tràn lan... Những thí dụ như thế cũng còn chưa đủ. Sự nguy cấp giống như người tay cầm bát mật, đi lại nhanh nhẹn, mắt chỉ nhìn vào mật nên chẳng thấy cái hố rất sâu dưới chân; như con voi điên không có móc sắt để kiềm giữ; lại như con vượn được lên cây, mặc tình nhảy nhót, khó bề ngăn cấm, chế ngự. Phải mau mau kiềm chế, chớ để phóng dật. Nếu buông thả tâm, tất cả việc lành sẽ bị hủy hoại mất; chế ngự được tâm rồi, không việc gì không xong."
“Vậy nên chư Tỳ-kheo phải siêng năng tinh tấn, chế ngự cho được tâm.”
Ăn uống có tiết độ
“Tỳ-kheo các ông! Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi."
“Như con ong hút mật, chỉ lấy nhụy hoa mà chẳng làm tổn hại hương sắc. Tỳ-kheo cũng vậy, nhận sự cúng dường của người ta đủ trừ đói khát, chẳng được tham cầu nhiều, tổn hại đến lòng lành của người; như kẻ khôn ngoan biết lượng sức con bò kéo, chẳng ép quá nặng khiến phải kiệt sức.”
Đừng tham ngủ nhiều
“Tỳ-kheo các ông! Trọn ngày nên siêng năng tu tập thiện pháp, chẳng phí thời gian. Ban đêm, cũng chẳng nên bỏ mất lúc đầu hôm và lúc gần sáng. Còn lúc nửa đêm, lấy việc tụng kinh để tự biết mình. Đừng để việc ngủ mê làm cho một đời phải uổng phí không được gì cả. Thường nhớ đến ngọn lửa vô thường luôn thiêu đốt cõi thế, sớm lo cầu độ thoát lấy mình, chẳng ham mê ngủ. Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng tự thức tỉnh? Con rắn độc phiền não đang ngủ trong tâm, như con trăn dữ đang ngủ trong nhà. Hãy dùng cái móc sắt trì giới mà sớm trừ bỏ đi. Con rắn mê ngủ ấy trừ được rồi, mới có thể ngủ yên được. Chưa trừ được rắn ấy mà vẫn ngủ là không biết tự hổ thẹn.”
“Lấy sự tự hổ thẹn làm trang phục, đó là bậc nhất trong các món trang sức làm đẹp. Hổ thẹn giống như cái móc sắc, có thể giúp chế ngự được việc làm sai trái. Nên Tỳ-kheo thường luôn phải biết tự hổ thẹn, không lúc nào lơ đễnh. Nếu mình lìa khỏi sự hổ thẹn, ắt phải mất hết các công đức.”
“Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ, chẳng khác chi loài cầm thú.”
Không nóng giận
“Tỳ-kheo các ông! Nếu có người đến cắt xẻo thân thể ra từng mảnh, hãy tự nhiếp tâm không nên nóng giận; cũng phòng hộ nơi miệng, chớ nói lời ác độc. Nếu buông thả tâm nóng giận là tự mình làm hại đạo, mất hết lợi ích công đức."
“Nhẫn nhục là đức tính mà trì giới với khổ hạnh cũng chẳng bì kịp. Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Như người chẳng thể vui lòng nhận lời mắng chửi độc ác như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí huệ đã nhập đạo. Tại sao vậy? Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.”
“Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ, không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức, không gì hơn tâm nóng giận. Người thế tục thọ hưởng dục lạc, chẳng phải người hành đạo nên không có cách tự chế, nóng giận còn có thể tha thứ được; như người xuất gia hành đạo, không tham dục, mà còn ôm giữ sự nóng giận, thật không thể được. Như giữa trời xanh trong mát mà có sấm sét nảy lửa, thật không phải việc đáng có.”
Đừng kiêu mạn
“Tỳ-kheo các ông! Khi tự xoa đầu nhớ rằng đã xả bỏ những món trang sức đẹp, mặc áo hoại sắc, ôm giữ ứng khí lấy việc xin ăn mà nuôi sống. Tự thấy như vậy, nếu khởi tâm kiêu mạn thì hãy mau trừ bỏ đi. Người thế tục còn chẳng nên để lòng kiêu mạn tăng trưởng, huống chi là những kẻ xuất gia nhập đạo đã vì muốn được giải thoát mà tự hạ mình đi xin ăn?”
Trừ tâm siểm khúc
“Tỳ-kheo các ông! Tâm siểm khúc là trái với đạo. Vì vậy nên cần phải giữ lòng chân chất, ngay thẳng. Nên biết rằng tâm siểm khúc chỉ là để lừa dối. Người nhập đạo ắt không như vậy. Các ông nên giữ lòng đoan chính, lấy sự chân chất ngay thẳng làm gốc.”
Ít ham muốn
“Tỳ-kheo các ông! Nên biết rằng người nhiều ham muốn luôn cầu được nhiều món lợi, nên khổ não cũng nhiều. Người ít ham muốn không bị sự mong cầu, ham muốn gây ra cái hại ấy. Chỉ một việc ít ham muốn đó, rất nên tu tập; huống chi ít ham muốn lại có thể sanh ra các công đức nữa?"
“Người ít ham muốn thì không có tâm siểm khúc để cầu cho được vừa lòng người, lại cũng không bị các căn dắt dẫn. Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không lo sợ chi cả; cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ. Giữ tâm ít ham muốn, ắt được Niết-bàn. Như vậy gọi là ít ham muốn.”
Biết đủ
“Tỳ-kheo các ông! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Phép biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý.”
“Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kẻ không biết đủ thường bị năm dục dắt dẫn, nên người biết đủ lấy làm thương xót lắm. Như vậy gọi là sự biết đủ.”
Xa lìa
“Tỳ-kheo các ông! Muốn cầu tịch tĩnh, vô vi, an lạc, nên lìa chỗ tụ họp huyên náo, một mình ở nơi thanh vắng. Người ở nơi yên tĩnh, Đế-thích và chư thiên đều kính trọng. Vì vậy, chúng hội của mình, của người khác đều nên xả bỏ, đến ở một mình nơi chỗ thanh vắng, suy nghĩ mà diệt tận gốc khổ."
“Nếu ưa thích nơi chúng hội, tất phải chịu mọi khổ não. Ví như cây lớn, có nhiều chim chóc tụ họp, tất không khỏi mối họa cành nhánh khô gãy. Bị vướng buộc vào cảnh thế tục, tất phải chìm đắm trong bể khổ, như con voi già sa lầy, chẳng thể tự ra khỏi được. Như vậy gọi là sự xa lìa.”
Tinh tấn
“Tỳ-kheo các ông! Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Bởi vậy, các ông nên chuyên cần tinh tấn. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn thủng được hòn đá. Nếu trong tâm người tu giải đãi, biếng nhác, cũng giống như người xát cây lấy lửa, chưa nóng đã vội ngưng nghỉ. Dù người ấy muốn được lửa cũng khó mà được. Như vậy gọi là sự tinh tấn.”
Không mất chính niệm
“Tỳ-kheo các ông! Cầu được bậc thiện tri thức, cầu được người khéo phù trợ, cũng không bằng chẳng để mất chính niệm. Nếu người không mất chính niệm, giặc phiền não chẳng xâm nhập được. Vậy nên các ông phải thường thâu nhiếp chính niệm trong tâm. Nếu để mất chính niệm thì mất hết công đức. Như niệm lực được mạnh mẽ, bền bỉ, thì dù vào giữa đám giặc năm dục cũng chẳng bị hại; cũng như mặc áo giáp ra trận thì không sợ chi cả. Như vậy gọi là không mất chính niệm.”
Thiền định
“Tỳ-kheo các ông! Nếu người nhiếp tâm thì tâm được định. Nhờ tâm được định, có thể biết được các tướng của pháp sanh diệt ở thế gian. Vậy nên các ông thường phải tinh tấn tu tập các phép định. Nếu người được định thì tâm chẳng tán loạn. Ví như người muốn giữ nước, phải khéo đắp sửa bờ đê. Người tu cũng thế, vì giữ nước trí huệ, nên khéo tu thiền định, chẳng để cho rỉ chảy mất. Như vậy gọi là định.”
Trí huệ
“Tỳ-kheo các ông! Nếu có trí huệ thì không tham đắm, vướng mắc. Thường tự xét mình, chẳng để có sai sót. Như vậy thì ở trong pháp ta có thể được giải thoát. Nếu chẳng được vậy, thì chẳng phải người tu đạo, cũng chẳng phải người thế tục, chẳng có tên để gọi."
“Trí huệ thật là chiếc thuyền bền chắc đưa người vượt qua biển già, bệnh, chết; lại như ngọn đèn lớn sáng soi trong chỗ vô minh đen tối; như món thuốc hay trị được hết thảy bệnh tật; như cái rìu sắc bén đốn ngã cây phiền não. Vậy nên các ông phải lấy các môn trí huệ là nghe biết, suy xét, tu tập mà tự làm tăng thêm phần ích lợi. Nếu người được sự chiếu sáng của trí huệ, thì dù chỉ có mắt thịt, nhưng chính thật là người thấy rõ tất cả. Như vậy gọi là trí huệ.”
Không nói đùa
“Tỳ-kheo các ông! Nếu nói đủ thứ chuyện chỉ cốt để đùa chơi thì tâm phải tán loạn. Như vậy cho dù xuất gia nhưng chưa được giải thoát. Vì thế mà Tỳ-kheo phải mau mau lìa bỏ việc loạn tâm nói đùa. Nếu các ông muốn được niềm vui tịch diệt, chỉ nên khéo dứt trừ mối hại của việc nói đùa. Như vậy gọi là không nói đùa.”
Tự gắng sức
“Tỳ-kheo các ông! Đối với các công đức thường nên hết lòng. Từ bỏ sự phóng dật như tránh xa giặc thù. Những chỗ lợi ích mà đức Đại bi Thế Tôn đã thuyết đều có thể lấy làm cứu cánh, các ông phải nên siêng năng thực hành. Như khi ở chốn núi cao hoặc chỗ đầm lầy vắng vẻ, hoặc dưới gốc cây, hoặc buông bỏ mọi việc vào ở trong nhà vắng, đều phải luôn nghĩ nhớ đến các pháp đã thọ học, đừng để quên mất, thường tự gắng sức tinh tấn tu tập. Chớ để uổng phí cả một đời mà sau này phải hối tiếc.”
“Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải do lỗi nơi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi nơi người chỉ đường.”
Dứt lòng nghi
“Nếu các ông có chỗ nghi ngờ nơi pháp Tứ đế, thì mau hỏi đi. Đừng ôm lòng nghi mà chẳng cầu được làm rõ.”Lúc ấy, đức Thế Tôn nói đến ba lần như vậy, nhưng không ai hỏi chi cả. Vì sao vậy? Vì trong chúng hội thật không ai còn có lòng nghi.Bấy giờ, A-nậu-lâu-đà quán biết tâm ý của cả chúng hội, liền bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời lạnh đi, nhưng Phật thuyết pháp Tứ đế, không thể nào làm cho sai khác. Phật thuyết Khổ đế, quả thật là khổ, không thể nói thành vui. Nói Tập đế là nhân, thật là không còn có nhân nào khác nữa. Nếu diệt được khổ, tức là nhân đã diệt. Chính vì nhân đã diệt nên quả phải diệt. Đạo diệt khổ thật là đạo chân chính, không còn đạo nào khác nữa".
“Bạch Thế Tôn! Chư Tỳ-kheo nay đối với pháp Tứ đế đã tin chắc không có lòng nghi.”
Chúng sanh được độ thoát
“Trong chúng hội này, những người chưa đắc quả A-la-hán thấy Phật nhập diệt, ắt sanh lòng bi cảm. Những người vừa mới vào cửa Pháp, nghe lời Phật thuyết ắt sẽ được độ thoát ngay. Như trong đêm tối vừa có tia chớp sáng liền thấy đường đi. Còn những người đã đắc quả A-la-hán, vượt qua biển khổ, thì chỉ nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn diệt độ sớm thế sao!”
Tuy A-nậu-lâu-đà nói ra lời ấy, nhưng trong chúng hội ai nấy đều đã hiểu rõ nghĩa của Bốn Thánh đế.
Đức Thế Tôn muốn cho đại chúng đều được lòng kiên cố, nên lấy tâm đại bi, lại vì cả chúng hội mà nói lời này:
“Tỳ-kheo các ông! Đừng ôm lòng bi thương ảo não. Như ta có trụ thế trọn một kiếp, cuối cùng cũng phải diệt độ. Hợp mà không tan, thật không thể được. Chỗ lợi mình, lợi người, trong pháp ta đều đã dạy đủ. Nếu ta ở đời lâu nữa cũng không có ích gì. Những ai có thể cứu độ, ở cõi trời, người, đều đã được cứu độ. Còn những ai chưa thể cứu độ, ta cũng đã tạo nhân duyên cứu độ về sau rồi.”
Pháp thân còn mãi
“Từ nay về sau, đệ tử của ta cứ tuần tự y theo nơi pháp mà thực hành. Như vậy là Pháp thân của Như Lai vẫn thường còn chẳng mất. Nên phải biết rằng mọi việc trong đời đều vô thường, có tụ hội ắt có chia lìa. Đừng ôm lòng sầu khổ nữa, hình tướng ở đời là như thế. Hãy siêng năng tinh tấn, sớm cầu giải thoát, đem ánh sáng trí huệ mà trừ diệt ngu si u ám. Cuộc đời thật là mong manh, nguy hiểm, không gì bền chắc. Nay ta sắp nhập diệt, như trừ xong bệnh dữ. Cái hình tướng tội lỗi ác độc đáng xả bỏ này, giả tạm mà gọi là cái thân, chìm đắm trong chốn biển lớn sanh tử, bệnh lão. Có bậc trí nào đã dứt trừ được nó, như giết được kẻ giặc thù mà lại không vui?”
Kết
“Tỳ-kheo các ông! Thường nên hết lòng chuyên cần cầu học đạo giải thoát. Hết thảy các pháp động và bất động ở thế gian đều là tướng bại hoại, chẳng an ổn. Các ông thôi đừng nói gì nữa. Thời giờ sắp qua, ta sắp diệt độ. Đây là những lời dạy dỗ cuối cùng của ta vậy.”