Sách Phật giáo

Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh

Thứ bảy, 11/09/2014 06:19

Nếp sống phạm hạnh của Tăng đoàn Phật giáo luôn tỏa sáng rực rỡ suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, giờ đây vẫn chưa phải muộn màng để chúng ta thực hiện nếp sống ấy hầu xây dựng một tập thể xuất gia vững mạnh

DẪN NHẬP

1. Lý do chọn đề tài:

Âm hưởng của cung đàn có thể dư ba mãi trong lòng thính giả bởi người nghệ sĩ tài ba. Tương tự, Phật giáo có thể trường tồn cùng lịch sử chính do Tăng già hoằng hóa.

Ngay từ những ngày tháng đầu tiên sau khi chứng ngộ, Đức Thế Tôn đã thiết lập Tăng đoàn, mở đầu bằng sự quy ngưỡng Phật pháp của năm anh em tôn giả Konỉdỉanõnõa (Kiều Trần Như). Nhóm bạn đồng tu khổ hạnh này đã trở thành những thành viên đầu tiên của Tăng đoàn Phật giáo. Từ đó Tăng đoàn phát triển dần thành một hội chúng đông đảo. Khoảng mấy năm sau, Thế Tôn chấp thuận việc nữ giới xuất gia và giao cho Tỳ kheo Ni Mahàpajàpati Gotamì trông coi hội chúng Ni giới. Có thể nói, một trong những đóng góp lớn lao nhất của đức Phật là việc thành lập Tăng đoàn. Sự xuất hiện của Tăng đoàn Phật giáo gây tiếng vang rất lớn trong xã hội, làm thay đổi hệ thống tư tưởng triết học Ấn Độ đương thời, mở ra một cái nhìn mới mẻ cho nhân loại về con người và cuộc đời. Sự xuất hiện của mọi giai tầng xã hội trong Tăng đoàn Phật giáo đồng nghĩa với việc Đức Thế Tôn thực hiện một cuộc cách mạng xã hội: xóa bỏ quan niệm phân biệt giai cấp và giới tính, quan niệm hẹp hòi sai lầm đã ngự trị lâu đời trong xã hội Ấn Độ khiến con người đau khổ không lối thoát.

Về mặt giáo hội, Tăng già là rường cột của Phật pháp. Vì thế, Đức Thế Tôn đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện từng cá nhân trong Tăng đoàn. Ngài sẽ chưa vào Niết-bàn khi chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni chưa thành tựu Giới-Định-Tuệ, chưa đủ khả năng truyền bá chánh pháp ở đời. Đó là lời Thế Tôn tuyên bố với Ác ma. [1,601] Điều này nói lên rằng, Đức Thế Tôn đã xác nhận Tăng đoàn là những người thay thế Ngài nối truyền ngọn đèn Chánh pháp ở thế gian. Hẳn nhiên, đó là Tăng đoàn thanh tịnh gồm những thành viên đã và đang nỗ lực trên con đường phạm hạnh. Chỉ có sự hưng thịnh của Tăng đoàn thì Phật giáo mới thăng hoa theo chiều lịch sử. Sự tồn tại của Tăng đoàn là sự tồn tại của Chánh pháp.

Sự phát triển của Tăng đoàn là mạch nước ngầm ngấm sâu vào lòng đất để nuôi sống vạn vật cỏ cây. Điều này cũng có nghĩa là nếp sống Giới-Định-Tuệ của những thành viên trong Tăng đoàn đã thực sự len lỏi trong từng nhịp sống của con người và xã hội. Lịch sử đã chứng minh điều ấy. Hạnh phúc thay khi được dự vào hàng ngũ của Tăng đoàn. Người viết thực sự hạnh phúc khi nghĩ về điều này và luôn tự hỏi làm thế nào để xứng đáng được nương tựa vào ba ngôi báu? Có lẽ, nỗ lực tự thân là chính. Thế nhưng, cuộc sống là dòng chảy với muôn mối duyên sinh nên không thể có một cá nhân nào tồn tại độc lập mà không liên hệ với cộng đồng. Vì thế, mặc dù con đường giải thoát là phải tự mình cất bước – những bước đi của tâm linh âm thầm, đơn độc… nhưng chúng ta luôn có mối quan hệ mật thiết với Tăng đoàn. Sinh hoạt với Tăng đoàn là nét nổi bật của vị tỳ kheo đệ tử Phật. Làm sao để Tăng đoàn hưng thịnh, luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người, mọi giới, cũng như lòng mong mỏi thiết tha Chánh pháp được trường tồn, người viết chọn đề tài “Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh” để thực hiện tiểu luận này.

2. Giới hạn đề tài:

Đề tài nói về bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh nên giới hạn của nó đã khá rõ ràng. Vì vậy, ngoài chương dẫn khởi phát họa đôi nét về sự hình thành và một vài đặc điểm của Tăng đoàn, toàn bộ các phần khác của tiểu luận sẽ tập trung xem xét và thảo luận về bảy yếu tố căn bản của chủ đề.

Trong bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Đức Thế Tôn đã đưa ra rất nhiều yếu tố để xây dựng Tăng đoàn hưng thịnh. Những yếu tố ấy được ghi lại bàn bạc trong Luật tạng và Kinh tạng Pàli, nhưng tựu trung không ngoài việc phát huy Giới-Định-Tuệ. Bảy yếu tố được nói đến trong kinh Đại bát Niết Bàn, Trường bộ, gồm: 1. có Tín tâm, 2. có Tàm, 3. có Quý, 4. Đa văn, 5. Tinh tấn, 6. Chánh niệm, 7. Trí tuệ có thể được xem là những yếu tố căn bản cho sự phát huy sức mạnh của Tăng đoàn mà người viết sẽ trình bày trong tiểu luận này.

3.Phương pháp nghiên cứu:

Thiết nghĩ, vấn đề này đối với những nhà học giả nghiên cứu Phật học thì không còn mới mẻ nữa. Thế nhưng, nó cũng sẽ không bao giờ cũ đối với những hành giả đang tu tập như chúng ta. Bởi cho đến bao lâu, chúng ta còn chưa thể nhập được nếp sống thanh tịnh của Tăng đoàn thì vấn đề này luôn là đề tài còn phải quan tâm.

Trong khi thực hiện đề tài này, người viết dùng phương pháp phân tích tổng hợp và chứng minh để trình bày một vài khía cạnh nhỏ về những yếu tố xây dựng con người của tập thể phạm hạnh, đồng thời nêu lên những tính chất và đặc điểm nổi bật của Tăng già. Ở đây, không liên hệ sâu rộng đến cơ cấu tổ chức mang tính hành chánh và cũng không lạm bàn đến đường hướng phát triển gồm nhiều lĩnh vực của sinh hoạt Tăng đoàn.
 
NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: TĂNG ĐOÀN

Như biển cả mênh mông sẵn sàng đón nhận mọi con sông xuôi dòng đổ vào; cũng vậy, Tăng đoàn Phật giáo sẵn sàng mở rộng cánh cửa chào đón tất cả mọi người. Đức Phật ra đời thuyết pháp vì hạnh phúc an lạc cho số đông và ngài thành lập Tăng đoàn cũng nhằm mục tiêu phụng sự hạnh phúc an lạc cho mọi người. Những ai muốn gia nhập Tăng đoàn để theo đuổi nếp sống phạm hạnh đều được chấp nhận, được sống an ổn, không hề có sự phân biệt về mọi phương diện: địa vị, giai cấp, giới tính… Bởi vì, Tăng đoàn Phật giáo không phải là một tổ chức tôn giáo mang hệ thống đẳng cấp, không phải là một tổ chức theo chế độ trung ương tập quyền, đơn giản nó là một tổ chức dành cho những người muốn sống đời sống thanh tịnh xả ly, với một số quy định về đạo đức làm tôn chỉ cho mọi thành viên dựa theo đó mà sống và hành. Vai trò lãnh đạo tối cao hay độc tôn không hề hiện hữu ở Tăng đoàn Phật giáo, vì kinh điển ghi lại rằng, đức Phật không hề di chúc cho bất cứ ai lãnh đạo Tăng già trước ngày nhập diệt. Thế Tôn cũng không hề tuyên bố Ngài là vị lãnh đạo của chúng tỳ kheo. Trước giờ thị tịch, Ngài chỉ khuyên các đệ tử hãy nương tựa mình và nương tựa pháp.

Tăng già (Sangha) là danh từ thường dùng để chỉ hội chúng những người xuất gia, gồm: Bhikkhu (Tỳ kheo), Bhikkhuni (Tỳ kheo Ni), Sikhamànà (Thức xoa ma na), Samanera (Sa di), Samaneri (Sa di Ni). Trong số này, hội chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni đã thọ Cụ túc giới, đầy đủ giới hạnh của người xuất gia, đúng danh xưng là Tăng già; ba chúng còn lại thì ở vào giai đoạn sửa soạn, tu tập các phần căn bản để thực sự trở thành thành viên của Tăng già.

1.1. Khởi nguyên của Tăng đoàn:

1.1.1. Sự thành lập Tăng đoàn:

Theo tài liệu Mahàvagga thuộc luật tạng Pàli thì sau khi thành đạo và trải qua bảy tuần hưởng pháp lạc ở Bodhagàya (Bồ-đề đạo tràng), Đức Thế Tôn quyết định đi đến Isipatana (vùng Chư Tiên đọa xứ ), tức Sarnath, thuộc thị trấn Banares (Ba-la-nại) để thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh (năm anh em tôn giả Konỉdỉanõnõa). Nhóm sa môn khổ hạnh này sau khi liễu tri được Chánh pháp đã trở thành đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Thế Tôn. Từ đó Tăng đoàn được hình thành.

Như vậy, Tăng đoàn Phật giáo được thiết lập ngay vào năm thứ nhất, kể từ lúc đức Phật thành đạo (vào thế kỷ thứ sáu TCN). Sau đó, Đức Thế Tôn hóa độ và thâu nhận nhiều thành viên khác vào Tăng đoàn như tôn giả Yasa cùng năm mươi bốn người khác tại thành phố Banares. Bấy giờ, Tăng đoàn lên đến sáu mươi mốt vị đều chứng A-la-hán quả, rồi chia nhau đi khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho mọi người, theo lời khuyên của đức Phật. Tại Uruvela (Ưu-lâu-tần-loa), Thế Tôn độ ba Tôn giả Kassapa (Ca-diếp) và ngót một ngàn đệ tử của ba vị này, khiến tất cả đều đắc quả A-la-hán. Hai tháng sau mùa an cư đầu tiên, Thế Tôn đến Vương Xá (Ràjagaha) độ Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và hai trăm năm mươi môn đệ của ngoại đạo sư Sanõjaya. Kể từ đây, luôn luôn có mặt một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử A-la-hán theo sau Thế Tôn trên đường hoằng hóa.

Một điều đặc biệt của Tăng đoàn Phật giáo ở buổi ban sơ là mọi nghi thức về xuất gia hay truyền giới đều rất đơn giản. Ấy chỉ là lời mời gọi và hoan nghênh của đức Phật đối với những ai muốn gia nhập Tăng đoàn: “Đến đây, này Tỳ kheo” (Ehi bhikkhu- Thiện lai Tỳ kheo). Nhưng khi Tăng đoàn trở nên đông đảo, Thế tôn cho phép các vị Tỳ kheo làm lễ thế phát và truyền giới cho ai muốn gia nhập đời sống Tỳ kheo. Thủ tục lúc này đã có một vài thay đổi. Theo tập Mahàvagga (Đại phẩm), trước tiên, người muốn xuất gia phải cạo bỏ râu tóc, khoác y vàng, tiếp đến vị ấy phải đảnh lễ chúng tỳ kheo, chấp tay ngang ngực và lập lại nghi thức quy y Tam bảo :

Con thành tâm quy y Phật bảo (Buddham saranam gacchàmi).

Con thành tâm quy y Pháp bảo (Dhammam saranam gacchàmi).

Con thành tâm quy y Tăng bảo (Sangham saranam gacchàmi).

Tiếp theo, vị ấy được trao truyền 10 giới và được gọi là sàmanena (Sa di) . Đây là nghi thức Pabajjà (xuất gia). Khi đủ 20 tuổi, các Sa di được trao truyền giới tỳ kheo. Đây gọi là lễ Upasampadà hay thọ Cụ túc giới. Đó là những gì có liên quan đến sự thành lập hội chúng tỳ kheo vào buổi ban sơ .

1.1.2. Thành lập Ni đoàn:

Theo học giả E.J.Thomas, vào năm thứ năm sau ngày thành đạo, Thế Tôn trở về cung thành Kapilavatthu để thăm vua Suddhodana đang lâm bịnh và thuyết pháp giúp vua cha chứng đắc A-la-hán quả trước giờ lâm chung . Vào dịp này, di mẫu Mahàpajapàti đến công viên Nirodha, nơi đức Phật đang tạm trú, cầu xin Ngài cho phái nữ được gia nhập Tăng đoàn, sống đời sống không gia đình, Sau ba lần từ chối lời thỉnh nguyện, đức Phật trở về Vesàli, di mẫu Pajapàti cùng với nhiều phụ nữ dòng Sàkya tự xuống tóc khoác cà sa vàng, bộ hành đến Vesàli để gặp đức Phật. Xúc động trước sự kiên định và lòng tha thiết xuất gia tu hành của số phụ nữ Sàkya này, tôn giả Ànanda đồng ý chuyển lời thỉnh cầu của họ đến Thế Tôn. Ba lần Ànanda thay mặt họ cầu xin đức Phật cho phép nữ giới xuất gia, Thế Tôn lại ba lần từ chối. Tôn giả Ànanda hỏi: “Bạch Thế Tôn sự kiện một phụ nữ xuất gia, sống đời sống không gia đình, sống trong Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng có thể có khả năng chứng được Tứ quả Sa môn hay không?”. Đức Phật trả lời: “Này Ànanda, người nữ có khả năng chứng Tứ quả Sa môn”. Sau đó, Tôn giả Ànanda thưa, nếu như vậy, di mẫu là người có ơn nuôi dưỡng ẳm bồng Như Lai lúc ấu thơ…, Người xứng đáng được Thế Tôn cho phép xuất gia, gia nhập Tăng đoàn. Cuối cùng, Đức Thế Tôn đồng ý cho nữ giới xuất gia và chế Bát kỉnh pháp, tức tám điều cung kính đối với chư Tăng mà chư Ni phải trọn đời vâng giữ. Di mẫu Pajapàti và nữ giới dòng Sàkya đều hoan hỷ tuân hành. Giáo hội Tỳ kheo Ni ra đời từ đó .

Tăng già là một tập thể mở rộng, được thành lập và sinh hoạt trên căn bản tinh thần thanh tịnh, hòa hợp, bình đẳng, dân chủ không kỳ thị màu da sắc tộc… . Đây là tập thể cấp tiến ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Do vậy, tập thể này mang ý nghĩa đặc biệt và có những đặc điểm mới mẻ mà sự tồn tại hơn 25 thế kỷ qua của nó đáng để suy ngẫm.

1.2. Ý nghĩa (tính chất):

Tăng già là dịch âm từ chữ Sangha (của Pàli, Sanskrit), có nghĩa là một nhóm người sinh hoạt trong cùng một mục đích và lý tưởng chung. Thuật ngữ Sangha không phải dùng riêng cho tăng đoàn Phật giáo, mà dùng để chỉ chung các tổ chức tôn giáo thuộc phong trào Sràmana (Sa môn), vì vào thời đức Phật có nhiều đoàn thể tôn giáo cũng gọi là Sangha. Thế nhưng, Sangha của Phật giáo mang hai yếu tố đặc trưng nhất để phân biệt với các tổ chức tôn giáo khác, đó là: tính chất hòa hợp và thanh tịnh.

Hòa hợp là thái độ hiền hòa dung thông với mọi người. Mục đích xuất gia của mỗi tỳ kheo là sống cuộc sống không gia đình trong giáo đoàn Phật giáo, để giúp đỡ tương trợ nhau nhằm chứng ngộ chân lý, rồi chia sẻ những kinh nghiệm về tri thức cũng như tâm linh đã đạt được cho hạnh phúc tha nhân. Do vậy, các thành viên trong Tăng đoàn đều có khả năng chung sống hòa hợp. Tất cả tổ chức sinh hoạt như An cư, Tự tứ, Bố tát, những cơ sở giới luật, lễ lạc …đều thể hiện tính hòa hợp trong tổ chức và thực hiện.

Thanh tịnh là sự trong sạch thuần khiết của tâm hồn do việc hành trì giới bổn liên hệ đến việc phát triển tuệ giác đưa đến giải thoát tối hậu. Ý nghĩa này được ví với tám đặc tính sau:

Như biển mỗi ngày trở nên sâu thẳm, cũng vậy, sự học tập trong Tăng già dần dần phát triển .

Như nước trong biển không bao giờ vượt ra khỏi bờ, cũng thế, đệ tử đức Phật không bao giờ phá giới .

Như biển không bao giờ chứa xác chết, và luôn quăng chúng lên bờ, cũng thế, Tăng già luôn buộc tội và trục xuất những người phạm đại giới.

Như nước các con sông không còn mang tên gọi riêng khi đổ về biển, cũng vậy khi gia nhập Tăng đoàn, người ta sẽ từ bỏ tên tuổi, dòng họ của mình và chỉ được gọi là các tỷ kheo đệ tử Phật .

Như vị mặn tồn tại khắp biển cả, cũng vậy, vị giải thoát sẽ thẩm thấu khắp thành viên Tăng già .

Như nước trăm sông đổ vào biển cũng không làm biển tăng lên hay giảm xuống, cũng thế dù có bao nhiêu thành viên nhập Niết-bàn, Tăng già cũng không tăng giảm .

Như vô số kho tàng được cất chứa trong biển, cũng vậy, giáo pháp vi diệu được tìm thấy trong Tăng già .

Như các con cá lớn chỉ sống trong đại dương, cũng vậy, những vị đệ tử nổi tiếng, ưu việt sống trong Tăng già. [6,557-565]

Như vậy dù thời đại nào, Tăng già vẫn phát triển trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh để xứng đáng là ngôi báu, xứng đáng ở vị trí lãnh đạo tinh thần của đoàn thể cư sĩ, và khi Tăng già giữ đúng vị trí của mình thì chánh pháp luôn hiện hữu ở đời. Ý nghĩa này chỉ được thể hiện một cách sinh động trong nếp sống tu học chung. Do vậy, Đức Thế Tôn thành lập Tăng đoàn hẳn đã mang mục đích cao thượng và cần thiết nhất cho những người dấn thân vào con đường thoát khổ.

1.3. Mục đích thành lập Tăng đoàn:

Mục đích tối thượng của đạo Phật là tự mình thoát khổ và thuyết giảng con đường thoát khổ cho đời . “Này các tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ”. Lời dạy này được ghi lại nhiều lần trong các kinh điển. Do vậy, mọi việc làm của đức Phật, kể cả việc thành lập Tăng đoàn, cũng không ngoài mục đích ấy.

Trước hết, Tăng đoàn được thành lập nhằm tập hợp những người có ước muốn sống đời phạm hạnh theo lời Phật dạy để thực hiện hai mục tiêu: Thứ nhất, hổ trợ nhau để tất cả các thành viên đều chứng đắc đạo quả thanh tịnh và thứ hai, mở rộng chánh pháp, thuyết giảng con đường thoát khổ khiến mọi người ra khỏi khổ đau. Để yên tâm thực hiện hai mục tiêu vừa có tính cách cá nhân vừa mang tính xã hội ấy, Tăng đoàn chính là môi trường lý tưởng nhất có thể giúp cho các tỳ kheo thực hiện lý tưởng đó.

Như thế, Tăng đoàn được thành lập không phải vì củng cố thế lực, danh tiếng hay uy tín…mà đức Phật thành lập Tăng đoàn vì sự an ổn và thuận lợi cho chúng đệ tử tu tập Giới - Định - Tuệ, làm lợi ích cho đời .

Ngoài ra, Tăng đoàn có vai trò gìn giữ Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp rộng rải khắp nhân gian, giúp mọi người thông hiểu Phật pháp và sống đúng Chánh pháp, vì chỉ có Chánh pháp mới có đầy đủ năng lực cảm hóa và cải thiện con người trở về chân thiện mỹ.

Chúng ta cần lưu ý rằng, đức Phật đến cuộc đời này để tìm con đường giải thoát cho chúng sanh, chứ không phải để thành lập đoàn thể, nếu cần có đoàn thể giáo đoàn thì đó chỉ là phương tiện truyền bá Chánh pháp. Cho nên, đức Phật chấp nhận thế gian pháp để hiển bày xuất thế gian pháp. Nói cách khác, phương pháp truyền bá Chánh pháp của đức Phật là chuyển hóa, là thay đổi chứ không phải đạp đổ, xóa bỏ. Làm sao xóa bỏ được một truyền thống, một niềm tin đã ăn sâu vào tâm thức của cả một dân tộc qua bao thế hệ? Cho dù có xóa bỏ, đạp đổ được chăng nữa, công cuộc xây dựng lại cũng không đơn giản. Vì thế, đức Phật chấp nhận niềm tin truyền thống, nền tảng có sẳn, chỉ cần chuyển đổi cho phù hợp với Phật pháp để truyền bá giáo lý đến cuộc đời. Đó không chỉ là phương pháp, nghệ thuật sống mà còn là nghệ thuật làm cho Phật giáo sống còn. Đây là tinh thần tùy duyên rất diệu dụng để đạt được mục đích cứu khổ của đạo Phật.

Với ý nghĩa và mục đích chân chính như thế, Tăng đoàn Phật giáo nhanh chóng thoát khỏi cái nhìn hệ lụy của xã hội và khoác lên cho mình một tinh thần sinh hoạt mới mẻ đầy nhân bản .

Chính vì thế, Đức Thế Tôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nếp sống Tăng đoàn. Xây dựng nếp sống Tăng đoàn chính là bồi dưỡng phẩm chất cho từng tỳ kheo. Vì phẩm chất của mỗi tỳ kheo quyết định sự hưng suy của Tăng đoàn, quyết định sự tồn tại của Phật pháp. Cho nên, những lời giáo huấn về hành vi thái độ của từng tỳ kheo luôn được Thế Tôn nhắc nhở. Những lời ấy xuyên suốt Luật tạng và Kinh tạng Pàli. Ngay những ngày tháng cuối cùng, Đức Thế Tôn cũng không ngừng quan tâm, huấn luyện chư Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni nỗ lực đoạn trừ tham ái. Đồng thời, Ngài đúc kết lại những điều cốt lõi nhất trong giáo pháp và tha thiết dặn dò các đệ tử phải ghi nhớ thực hành nhằm xây dựng và củng cố nếp sống thanh tịnh của Tăng đoàn. Bảy yếu tố sắp trình bày dưới đây là một trong những yếu tố tiêu biểu mà mỗi vị tỳ kheo phải hành trì để làm cho Tăng đoàn trở nên hưng thịnh .
 
CHƯƠNG 2 : BẢY YẾU TỐ KHIẾN TĂNG ĐOÀN HƯNG THỊNH

Mọi tổ chức xã hội đều do con người dựng nên và số phận thịnh suy của nó tùy thuộc vào con người. Dĩ nhiên có rất nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định sự thịnh suy của một tổ chức, nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt. Con người có tốt thì tổ chức mới tốt. Trong ý nghĩa như vậy, đức Phật đã thành lập Tăng đoàn, lấy trí tuệ làm nền tảng, dùng đức hạnh làm thăng hoa tổ chức. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét đặc điểm này của tổ chức Tăng đoàn Phật giáo thông qua sự nhấn mạnh của đức Phật về bảy yếu tố phát huy đức hạnh và trí tuệ của con người.

Bảy yếu tố khiến Tăng đoàn hưng thịnh hay còn gọi là bảy pháp bất thối được đề cập trong bài kinh Đại bát Niết bàn, gồm: Có Tín tâm, có Tàm, có Quý, Đa văn, Tinh tấn, Chánh niệm và Trí tuệ. Đây là những yếu tố quan trọng được đức Phật đặc biệt nhấn mạnh như là nền tảng cho sự hưng thịnh của Tăng đoàn do ngài thành lập. Bài kinh là một tài liệu lịch sử quý giá, ghi lại cuộc hành trình cuối cùng của Đức Thế Tôn khởi sự từ Vương xá và kết thúc tại Kusinarà – nơi Ngài quyết định vào Niết-bàn. Trong những ngày tháng cuối cùng này, Đức Thế Tôn ân cần nhắc nhở các đệ tử những điểm giáo lý quan trọng, những điều cốt lõi trong giáo pháp. Dừng chân mỗi trú xứ, Thế Tôn khuyên nhắc những vấn đề khác nhau đầy ý nghĩa và súc tích. Đó là những gì tâm huyết nhất của bậc Đạo sư dành cho chúng đệ tử. Đặc biệt khi ở Vương xá thành, vì sự hưng suy của Tăng đoàn, vì sự tồn vong của Phật pháp, Đức Thế Tôn nêu ra những điều cần thiết để xây dựng một hội chúng hưng thịnh. Bảy yếu tố đã nêu trên như tóm thâu tất cả tinh hoa của giáo pháp và được xem là kim chỉ nam áp dụng vào nếp sống phạm hạnh của mỗi thành viên trong Tăng đoàn ở mọi thời đại.

2.1. Có Tín tâm:

Niềm tin là cửa ngõ bước vào đạo. Người học Phật muốn thể nhập chân lý với trí tuệ thì trước hết phải có lòng tin chân chánh. Bởi vì, Saddhà (Đức tin, lòng tin) là tâm sở đi đầu trong các tâm sở thiện. Nó khởi sự cho mọi việc tiếp theo đều tốt đẹp. Đó là đức tính cần thiết làm nền tảng cho người mới bước vào đạo. Kinh Tiểu địa quán có câu “Vào biển Phật pháp lấy niềm tin làm gốc, qua sông sanh tử lấy giới pháp làm thuyền”. Do vậy, người có lòng tin chân chánh thì tất cả thiện pháp đều thành tựu. Vị ấy không đi quá xa, không đi ra ngoài pháp luật cuả Đức Thế Tôn thuyết giảng.

Saddhàụ (Tín) xuất phát từ ngữ căn Sam (tốt, khéo) + dah (đặt xuống, để xuống) nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn đối với Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), tin nghiệp nhân, nghiệp quả, tin khả năng giác ngộ của chính mình.

Saddhà có khả năng làm các phiền não nghi ngờ tiêu sạch như viên ngọc của vua chuyển luân làm nước lóng sạch cáu bẩn. [13,38] Nhiệm vụ của nó là đi vào, như sự khởi hành vượt qua bộc lưu (xem Kinh Tập, tr. 184). Nó được biểu hiện bằng sự không mù mờ hay sự quyết định. Saddhà nên xem như một bàn tay, vì nó nắm giữ thiện pháp được xem như là tài sản và như hạt giống (kinh Tập, tr. 182). Như vậy, lòng tin là điểm khởi sự cần thiết cho việc thực hành giáo pháp. Nó là bước đi đầu tiên trong những bước đi hướng về giải thoát, nếu chúng ta làm sụp đổ hay đánh mất ngay bước đi đầu tiên thì những bước đi kế tiếp không thể nào thực hiện được. Cho nên, hành giả phải hết sức cân nhắc về vấn đề này, để khỏi lầm đường lạc lối, khổ lụy muôn đời.

Trước hết, hành giả phải có lòng tin nơi Đức Thế Tôn. Thế Tôn là bậc đạo sư, từ địa vị con người, Ngài đã tự mình tu tập chứng đạt chân lý tối thượng và trở thành bậc Giác ngộ vĩ đại. Tin vào Pháp của Thế Tôn thuyết giảng có khả năng giúp con người ra khỏi khổ đau: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, tự chứng ngay hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, được người trí chứng biết”. [5-II,286] Tin vào Tăng đoàn là những người đã và đang nỗ lực trên con đường diệt khổ, là những người thay Phật thuyết giảng con đường cứu khổ cho đời, “Chúng đệ tử của Thế Tôn đã đi vào thiện đạo, trực đạo, chân đạo, chánh đạo nghĩa là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, cung kính chấp tay chào, là phước điền vô thượng của thế gian”. [5II,286] Người có niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo như vậy thì sẽ cố gắng tu tập theo Chánh pháp, dù gặp trở ngại gì cũng không thối chuyển.

Tuy nhiên, đức Phật dạy chúng ta nên tìm chân lý, chớ không nên nghe qua vội tin liền, dù người nói có nhiều uy tín đi nữa. Ngài dạy:“Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; vì truyền thống; vì nghe người ta nói; vì kinh tạng truyền tụng; vì nhân lý luận; chớ có tin sau khi suy tư một vài dữ kiện; chớ có tin theo thiên kiến định kiến; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình”. [5-II,212] Đức Phật bác bỏ những trường hợp đáng tin như vậy, rốt cuộc, chúng ta biết tin ai và tin cái gì ? Nhưng đến đây, Thế Tôn khuyên dạy thật nhẹ nhàng: Hãy tin chính mình, tin ở nơi lý trí phán xét của mình. Đức Phật dạy khi nào tự mình biết rõ các pháp này là bất thiện, có lỗi lầm, bị người trí chỉ trích, nếu thực hành và chấp nhận các pháp ấy sẽ đưa đến bất hạnh đau khổ thì chúng ta phải từ bỏ. Ngược lại, nếu biết rằng các pháp này là thiện, không lỗi lầm, được người trí tán thán, nếu thực hành và chấp nhận sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc thì phải chứng đạt và an trú. Như vậy, đức Phật luôn đứng ở vị trí con người để giáo hóa chúng sanh và đặt lòng tin vào khả năng của con người có thể phân biệt thiện ác, chánh tà. Con người có khả năng tự giải thoát, tự giác ngộ như ngài đã tự mình giác ngộ giải thoát. [12,32-33]

Dù ở góc độ nào, niềm tin luôn được Đức Thế Tôn đặt lên vị trí dẫn đầu. Trong kinh Cankì – Trung bộ II, số 95, đức Phật phân biệt ba trình độ tiếp cận chân lý: Hộ trì chân lý, giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý. Tất cả đều bắt đầu từ lòng tin, nhưng tin như thế nào mới là điều quan trọng.

Người hộ trì chân lý (tôn trọng sự thật) khi tin tưởng một điều gì thì cứ tin, nhưng không nên xác quyết rằng chỉ có điều ta tin mới thật đúng, ngoài ra đều sai lầm. Vì rằng, chấp trước là một xiềng xích nên tốt nhất ta cứ tin nhưng đừng cực đoan ôm chặt nó. Đây là thái độ buông xả khéo léo của người học pháp.

Giác ngộ chân lý cũng thế, niềm tin trước tiên là đối với bậc thầy. Một người khi xem xét một vị thầy, biết rõ vị thầy ấy không có tham, sân, si… và khéo thuyết giảng pháp đưa đến vô tham, vô sân, vô si…thì người ấy khởi lòng tin. Nhờ có lòng tin, vị ấy đến gần rồi thân cận thường xuyên để được chỉ dạy về Phật pháp. Khi được chỉ dạy, vị ấy biết lắng nghe, nghe xong phải thọ trì, khi thọ trì phải tìm hiểu ý nghĩa của pháp. Nhờ hiểu rõ ý nghĩa, vị ấy hân hoan chấp nhận và phát sanh ý muốn nỗ lực tu tập, cân nhắc pháp môn nào thích hợp với mình, vị ấy tinh cần tu tập một thời gian dài cho đến khi tự thân chứng đạt chân lý và thể nhập chân lý với trí tuệ. Như vậy từ lòng tin chân chánh, hành giả nỗ lực tu tập để bước vào ngôi nhà trí tuệ là cả một con đường dài cam go, mỗi chặng đường mở ra một khúc quanh mới, nếu hành giả thiếu thiện xảo có thể bỏ cuộc hoặc lạc đường.

Trong việc chứng đạt chân lý, mặc dù, tinh cần là yếu tố xuyên suốt trong lộ trình tu tập, nhưng muốn tinh cần phải cân nhắc, muốn cân nhắc phải cố gắng, muốn cố gắng phải có ước muốn, để có ước muốn cần phải hoan hỷ chấp nhận, muốn hoan hỷ chấp nhận phải tìm hiểu ý nghĩa, muốn tìm hiểu ý nghĩa phải thọ trì pháp, muốn thọ trì pháp phải nghe pháp, muốn nghe pháp phải lóng tai, muốn lóng tai phải thân cận giao thiệp, muốn thân cận giao thiệp phải đến gần, muốn đến gần phải có lòng tin. Đến đây, chúng ta thấy niềm tin luôn khởi đầu trong tiến trình tu tập, nó giúp hành giả dứt bỏ sự nghi ngờ hay sự mù mờ đối với các pháp. Nghi ngờ là một trong năm triền cái làm chướng ngại việc hành thiền.

Cho nên, mỗi hành giả phải có niềm tin chân chánh. Đó là niềm tin của vị tỳ kheo Thánh đệ tử – niềm tin của người đã thấy pháp bằng chính kinh nghiệm cá nhân, đã đoạn diệt hoài nghi pháp. Đây là nền tảng vững chắc của Thánh tín, bất động không thể lung lay, không thể biến hoại, cho dù trôi lăn trong sanh tử.

2.2. Có Tàm:

2.3. Có Quý:

Tàm và Quý là hai tâm sở thiện thường đi chung với nhau. Do vậy, chúng ta có thể trình bày xen lẫn nhau để làm nổi lên tính chất ưu việt của hai tâm sở này.

Trong kinh Tăng chi, đức Phật gọi Tàm và Quý là những vị “hộ trì thế gian”, vì đấy là nền tảng của giới, nền tảng của đạo đức. Cho nên, mỗi hành giả phải tự soi rọi lại chính mình và làm cho hai đức tính này luôn hiện hữu trong tâm để thăng hoa n̓
loading...