Chùa Việt

Bí ẩn ngôi chùa Phúc Lâm có thất mật tu ở Nam Định

Thứ sáu, 07/09/2014 09:27

Theo lời kể của một người bạn phật tử, tôi tìm về thăm mái chùa cổ kính đã xuống cấp trầm trọng và khám phá được rất nhiều điều kỳ lạ và huyền bí xung quanh mái chùa cổ uy nghiêm.

Nhiều năm nay cái tên chùa Phúc Lâm - chùa độ âm đã trở nên quen thuộc với bất cứ người dân nào của thôn Mễ Hạ - xã Yên Khang – huyện Ý Yên – Nam Định bởi sự kỳ lạ và linh thiêng khó lý giải.

Có một số bệnh nhân, ốm bệnh tật đến đâu cứ về chùa làm công quả là một thời gian thì lành bệnh, qua những trường hợp có thật là câu hỏi khó tìm lời giải với bất cứ ai. 

Mảnh đất kỳ lạ hồi sinh bệnh nhân chờ “diêm vương gọi sổ”
Bức ảnh hiếm hoi của thầy trụ trì chụp cùng phật tử
Nằm lọt thỏm trong khu dân cư với những con ngõ quanh co, chùa Phúc Lâm thoạt nhìn cũng giống như bao ngôi cổ tự khác với bóng bồ đề, tượng Phật uy nghiêm, chùa nhỏ giản dị. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ những câu chuyện ly kỳ dưới mái già lam cổ kính này thì ai cũng phải tò mò và kinh ngạc. Bề ngoài chùa Phúc Lâm không có gì khác với những ngôi chùa ở miền Bắc với lối kiến trúc cổ kính hai tầng tám mái, chính điện thờ Tam bảo uy nghiêm, trầm mặc. Với chính điện đơn sơ, cổ kính và dãy nhà dành cho chư ni nhỏ bé chùa Phúc Lâm có diện tích vừa phải. Vườn cỏ xanh tái hiện khung cảnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cội bồ đề trong vòng 49 ngày với sự thanh tịnh, an lạc.
Nơi thờ tự tạm thời
Tuy nhiên điều đáng chú ý ở đây khiến mỗi người dân thôn Mễ Hạ vô cùng tôn kính và tự hào về ngôi chùa là địa khí linh thiêng của chùa tỏa ra. Người dân thôn Mễ Hạ và rất nhiều người dân các tỉnh khác luôn cho rằng đây là ngôi chùa có linh khí thiêng nhất trong vùng. Lý giải cho những lời nói này nhiều phật tử xã Yên Khang nói rằng có rất nhiều người mắc phải bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa nhưng khi về chùa lại dần khỏi bệnh và sống khoẻ mạnh.

Bà Nguyễn Thị Huệ (74 tuổi, Xã Yên Lộc – huyện Ý Yên, Nam Định) tâm sự: “Tôi đã đi chùa hơn 30 năm nhưng không hiểu gì về Phật pháp cả, đã đi chùa rồi còn đi hầu thánh, giết vô số sinh linh, tham ăn uống đồ mặn…thế nhưng thân tâm chẳng an lạc, người lúc nào cũng bệnh nọ, tật kia. Cho đến 5, 6 năm nay phước duyên được gặp thầy, biết chùa, được thầy chỉ dạy cách tu tập tôi mới thấy tâm mình an lạc, lại hiểu về đạo pháp. Chứ trước kia thì có biết gì đâu, ngay cả tụng kinh cũng không hiểu ý nghĩa mình tụng làm gì…”.

Cảnh chùa yên lặng, mỗi người một việc không ai bảo ai đều tự giác làm mọi việc từ nhẹ đến nặng, ngay cả những việc vất vả không hợp với tuổi già các cụ đều làm với vẻ thầm lặng, thoải mái. Tôi thắc mắc không hiểu vì sao chùa tuy nhỏ nhưng lại có nhiều vãi già đến thế. Hỏi ra mới biết họ đều là những người bệnh từ cõi chết trở về đang làm công quả bòn phước đức tại chùa.

Tại sao lại nói rằng có một số bệnh nhân đã từ cõi chết trở về đó là bởi vì họ mắc những căn bệnh nan y, không thể chữa nổi, bị bệnh viện trả về vì không thể điều trị. Thế nhưng khi về chùa một thời gian họ lại khỏi và sống cuộc sống bình thường của người khoẻ mạnh.

Cô Thiều Thị Nơ người thoát chết kỳ diệu đang kể chuyện dần hồi phục
Cô Hoàng Thị Én (44 tuổi, Vụ Bản – Nam Định) chia sẻ: “tôi là người bị bệnh lupus ban đỏ giai đoạn cuối ban đỏ đã chạy khắp cơ thể tôi, vào thận, tim… Chữa mãi ở bệnh viện Bạch Mai cuối cùng người ta cũng trả về vì giai đoạn cuối rồi. Tôi uống thuốc tây, thuốc ta, thuốc nam, thuốc bắc gì cũng đều vô ích nên khi nghe người ta khuyên đến chùa Phúc Lâm tôi cũng đi hi vọng còn nước còn tát. 

Về chùa rồi chỉ vài tháng bệnh tình của tôi đã thuyên giảm, khoảng hai năm là gần như khỏi hẳn, đến giờ thì đã hết nhưng những dấu tích của bệnh vẫn còn như những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Mà nào tôi có phải uống viên thuốc nào đâu”.

Cô Thiều Thị Nơ ( 50 tuổi, Ninh Nhất – Ninh Bình) chia sẻ: “Tôi bị suy tim độ 3 nhưng với thể trạng yếu sẵn, gia đình cũng không có tiền chữa trị nên cũng trở về từ bệnh viện. Tôi cứ nằm nhà không ăn không uống được gì như người chờ chết. Khi nghe một người họ hàng nói về chùa tôi cũng tìm đến. Ngày vào chùa tôi như con mèo hen, chỉ nặng có 25kg, đến chiếc lá cũng không muốn nhấc. Nhưng về đến chùa ngày thứ 3 tôi thấy nhẹ hẳn người, lại có một giấc mơ vô cùng kinh ngạc, sợ hãi xen lẫn vui mừng. Trong mơ có người nói với tôi rằng nếu tôi không về chùa mà cứ ở ngoài thì sẽ bị......Vừa mừng vừa sợ tôi càng chăm chỉ đọc chú Lăng Nghiêm nhiều hơn và làm công quả nhiều hơn. Tròn một năm tôi đi khám lại thì không còn bệnh tật gì nữa”.
Căn chòi lá đơn sơ nơi Ni sư nhập thất tu tập

Còn rất nhiều những trường hợp lạ kỳ khác dường như được tái sinh từ ngôi cổ tự cũ nát nhỏ bé này. Nhưng điều ngạc nhiên nhất đối với bất cứ ai khi đứng trước câu chuyện này là những người bệnh từ ngày về chùa không hề uống một loại thuốc gì, kể cả thuốc đặc trị bệnh lý bác sĩ kê đơn. Họ chia sẻ với tôi cách chữa bệnh của họ là thực hành ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền, lao động, tụng kinh, phóng sinh để tiêu trừ nghiệp chướng.

Về chùa ở dù là bao lâu thầy cũng không lấy bất cứ một đồng tiền nào của người bệnh. Có lần có phật tử muốn cúng dường riêng thầy cũng không được, vì thầy không nhận.

Cách chữa bệnh tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại có hiệu quả với nhiều người bệnh xin ở tại chùa. Gia đình họ khi nhắc đến chùa Phúc Lâm đều hết lòng ca ngợi uy đức và tôn nghiêm của thầy trụ trì.

Trăn trở trước những khó khăn xây dựng gian Tam bảo

Ni sư Thích Đàm Duyên sinh năm 1957 trụ trì Phúc Lâm tự, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, Nam Định. Ni sư tuổi trung niên, dáng người nhỏ nhắn,  tu khổ hạnh. Nhắc đến thầy trụ trì chùa Phúc Lâm cô Nơ rơm rớm nước mắt chia sẻ: “ Thầy nghiêm trang nhưng cũng ân cần, quan tâm phật tử. Thầy từ bỏ mọi tiện nghi hiện đại, chọn lối tu khổ hạnh giữa chốn hiện đại. Thầy là bậc chân tu, thầy ăn chay trường, không hưởng thụ, giản dị, đạm bạc, ăn uống sơ sài, ngủ không giường không chiếu, không điện, không quạt. Tiền công đức công khai với tất cả phật tử. Thầy luôn hướng phật tử ăn chay trường, niệm Phật và phóng sinh để tiêu trừ nghiệp chướng”.

Hiện nay, chùa đã xuống cấp trầm trọng, phật tử viết đơn kêu gọi từ thiện để xây sửa lại chính điện. Nhưng chùa nhỏ, lại xa xôi thầy lại tu hành khổ hạnh, từ bỏ tiện nghi, ít ra ngoài do vậy kinh phí xây dựng vô cùng eo hẹp. Hơn một năm Ni sư Thích Đàm Duyên đã nhập thất tu hành, căn chòi nhỏ gần cội bồ đề là nơi vị chân tu đáng kính nhập thất mỗi ngày, phía trong không có gì ngoài một tấm bìa mỏng. Ngày ngày như thế nhưng mọi chuyện xảy ra bên ngoài thầy đều biết.

Lý giải cho việc khỏi bệnh kỳ lạ của các bệnh nhân tại chùa nhiều người cho rằng vì mảnh đất linh khí hội tụ và cũng vì uy đức, sự tu tập trân quý của thầy mà họ được nương nhờ. Phật pháp vô cùng vi diệu. Phải chăng vì lẽ đó mà chùa Phúc Lâm nghiễm nhiên đã trở thành mảnh đất lành cho nhiều phật tử tìm về chữa bệnh.
Tam bảo đang xây dựng...và không biết đến bao giờ mới hoàn thành được do thiếu kinh phí

Mọi sự ủng hộ của quý phật tử, thiện nam tín nữ và các nhà hảo tâm xin gửi về Chùa Mễ Hạ (Chùa Phúc Lâm) thôn Mễ Hạ, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Mạnh Cường

loading...