Kiến thức
Buông ngay trong hành động
Thứ bảy, 28/07/2022 09:38
Càng buông, ta càng thấy nhẹ hơn, càng thấy hạnh phúc hơn. Qua hạnh phúc của việc buông bỏ mà tâm có đủ can đảm, có sức mạnh để thấm nhuần cách sự vật như thế nào. Tâm bất an thường yếu đuối, tản mạn, rời rạc, không có sự vững chãi nội tại của định.
Một trong những lời dạy được biết đến nhiều nhất của thiền sư Luang Por Chah (Ajaan Chah) là sự buông bỏ. Và một trong những câu ngài thường dùng để giải thích buông bỏ là gì, làm sao để phát triển đức tính đó là ta phải biết buông “ngay trong hành động” (within action). Điều đó ngay lập tức nhắc nhở chúng ta rằng buông bỏ không phải là kiềm chế hành động một cách thụ động, mà là sự buông bỏ ngay chính trong hành động.
Là tăng ni tu theo trường phái Lâm tế Thái Lan, đôi khi chúng tôi tự thấy mình chấp vào giới luật quá mức. Đó là sự kết tội khó chối bỏ. Nếu ai cho rằng bạn quá chấp vào giới (Vinaya), có phải là bạn phải dừng việc giữ giới để chứng tỏ là bạn không chấp chặt vào chúng? Sư nghĩ là cần có sự phân biệt giữa sự bám víu, dính chấp với sự nhiệt thành, nguyện ước.
Thật vậy, trong Pali, có sự phân biệt giữa hai từ quan trọng này: upādāna và samādāna. Upādāna là từ có thể nhiều bạn cũng đã biết, thường được dịch là “sự bám víu” hay “dính chấp”. Samādāna là từ thường thấy trong giới luật. Điều khác biệt là với upādāna ta dính chấp do vô minh. Với samādāna, ta bám giữ điều gì đó với trí tuệ, ta giữ chặt nó cho đến khi nào không còn cần thiết. Ajahn Chah giải thích điều này bằng cách nói rằng không phải là ta không nắm giữ vật gì. Thí dụ, khi đổ nước vào chai, ta cầm chai nước, nghiêng chai cho đến khi đầy, thì ta sẽ để chai xuống. Nếu ta không cầm đến chai nước, ta sẽ không thể đổ được nước vào chai. Vì thế samādāna là cầm nắm vật gì đó, nguyện giữ một giới luật nào đó hay hành pháp với trí tuệ. Hoặc khi đã nguyện ước điều gì, ta nhớ nghĩ đến nó với lòng chí thành.
Buông bỏ không có nghĩa là ta không chịu trách nhiệm, không hành pháp, nhưng là ta buông bỏ ngay chính trong các pháp hành này. Vậy thực sự là ta buông bỏ cái gì? Ta buông bỏ năm uẩn. Đó là thân, thọ, tưởng, hành –các pháp thiện và bất thiện trong tâm- và thức. Khi ta nói buông bỏ chúng, đây là cách nói ngắn gọn có ý nghĩa là ta buông bỏ các tham ái và bám víu vào vật chất do vô minh. Nhưng dầu ta ở đâu, ta là ai, ta đang hành theo pháp nào, ta vẫn luôn phải đối mặt với năm uẩn này (khandhasor).
Chúng ta buông bỏ mọi dính chấp vào thân vật chất. Không có nghĩa là ta lơ là hay không uống thuốc khi bệnh tật, nhưng là ta luôn quán sát tâm và cẩn thận để không coi thân này là ta. Trong xã hội ngày nay, áp lực khiến ta coi thân này là của ta rất lớn. Trước đây, phần đông sống trong các cộng đồng nhỏ, không có nhiều cơ hội đi đây, đi đó, nhất là ở Thái Lan, hay ngay cả ở các nước phương Tây trước cách mạng công nghệ. Những lần bạn phải đối mặt, gặp gỡ hình ảnh của ai đó hấp dẫn, đẹp mắt hơn bạn là điều hiếm hoi. Nhưng ngày nay, nhất là bạn sống đời thế tục, bất cứ đi đâu bạn cũng bị bao vây bởi hình ảnh của những người quyến rũ, đẹp đẽ. Có thể là trên các biền quảng cáo, truyền hình, hay trong các tạp chí, bạn luôn cảm thấy phải so sánh bản thân, so sánh thân mình với thân người, để cảm thấy không bằng lòng với thân của mình. Nhất là khi phần đông phụ nữ trong lịch sử luôn bị tẩy não hay áp lực để coi sự hấp dẫn của thân xác họ là thước đo giá trị cá nhân họ.
Dĩ nhiên, nếu bạn tự coi thân là mình, tức bạn xác tín mình với một thứ sẽ phản bội bạn. Thân không phải là bạn tốt của ta đâu. Ta làm mọi thứ cho thân, chăm sóc nó kỹ lưởng, tốn rất nhiều thời gian để quan tâm đến nó… ta quá tử tế với thân, nhưng cuối cùng thì nó đã trả ơn ta như thế nào? Nó trở nên già nua, bệnh hoạn, rã rời, rồi chết. Đây là sự nhắc nhở về một sự thật cơ bản mà ta cần luôn để tâm đến: đó là không có gì bền vững. Thật là một câu nói xác thực. Nó nhắc nhở ta đến một sự thật đơn giản, rất đơn giản của vô thường (anicca). Không có gì kéo dài. Khi hướng tâm đến các chân lý rất đơn giản này ta nhận thấy tất cả chúng ta đều khó chấp nhận chúng.
Chúng ta đã ao ước nhiều thứ được kéo dài biết bao nhiêu, ít nhất là những thứ ta ưa thích? Ta thấy trong các truyện tình cảm lãng mạn: đêm trăng, chàng trai trẻ, cô gái trẻ, ‘ước muốn là đêm nay sẽ kéo dài mãi mãi, không tàn’. Sao họ lại nói thế? Vì họ biết rằng đêm sẽ không thể kéo dài mãi. Vì đêm trăng và các cảm xúc lãng mạn sâu sắc sẽ không kéo dài, vì thế người ta thường nói câu, ‘Giá mà điều này có thể còn mãi, giá mà ta có thể giữ chặt giây phút này’. Nhưng ta không thể. Không có gì bền vững.
Thân không còn mãi. Nên ta càng chăm chút cho ngã chấp, ngã mạn, và coi thân là ta, thì ta đã chuẩn bị để đón nhận khổ đau. Vấn đề không phải là ta cần phải có một thái độ như thế nào đối với thân, mà là việc ta phải có ý hướng quán sát nó thật rõ ràng. Khi quán sát thân của người khác, ta có thể thấy mình thiên kiến, kỳ quặc như thế nào, khi ta thường có khuynh hướng chỉ nhìn ở một vài phần của thân, chứ không chú tâm đến những phần khác. Tâm thường bị cuốn hút bởi những phần thân thể được coi là hấp dẫn, dễ nhìn, mà ta cho là đẹp, là xinh. Khi ta thấy ai đó hấp dẫn, thì chỉ một phần của vẻ bề ngoài của họ thu hút ta.
Chúng ta ít khi nào cảm thấy thích thú với những chất thải trong lỗ tai, lỗ mũi hay các thứ đại loại như thế. ‘Tôi đang đi trên đường, và thấy một cô gái xinh đẹp, mũi cô đang chảy nước dãi, lấp loáng trong ánh nắng mặt trời… và tôi biết đó là tiếng gọi của tình yêu’. Có ai tả người yêu của mình như thế chưa? Chắc chắn là không phải thế! Nhưng các chất thải trong mũi, trong tai, cũng thuộc cơ thể như mọi thứ khác trong cơ thể như tóc, ngực, chân tay, mà người nam và người nữ cảm thấy thu hút nhau. Nên nếu quán sát, ta sẽ thấy sự hấp dẫn của thân chỉ là phiến diện, không đầy đủ. Nói thế không có nghĩa là ta phải trở nên khổ sở, và nhìn mọi người là những thân thể dơ bẩn, gớm ghiếc. Nhưng ta quán sát để nhận biết là việc ta ưa thích thân có phiến diện không, vì cái nhìn một chiều thường do vô minh mà ra. Và ở đâu có vô minh, ở đó có tham ái. Ở đâu có tham ái, ở đó có chấp, có thủ. Ở đâu có thủ, ở đó có khổ. Vì thế, khi ta cảm thấy ái luyến thân, ta phải cố gắng nhận ra được sự ái luyến đó, để thấy khổ đã tiềm ẩn trong đó. Để từ đó ta có động lực, nguyện ước từ bỏ sự ái luyến đó.
Với cảm thọ cũng thế; hãy xét xem cuộc sống của ta bị chế ngự bởi các cảm xúc vedanā, như thế nào, chúng hạn chế các hành vi của ta ra sao. Đã bao lần ta quay lưng lại với các việc thiện lành, cao cả, đẹp đẽ, chỉ vì ta sợ cảm thọ khổ, dukkha-vedanā, các cảm xúc khó chịu mà ta có thể phải đối mặt khi hành các việc thiện đó? Đã bao lần ta thực hiện các hành vi mà ta biết là sẽ đưa đến khổ đau –những việc ngu dại, tầm thường, xấu xí –chỉ vì sự khao khát được có các cảm thọ dễ chịu phát khởi khi thực hành chúng? Đã bao lần ta phản bội lại chính các lý tưởng của mình vì yếu đuối nhưng lại coi đó là sự thể hiện của cảm xúc dễ chịu, tránh được các cảm thọ khó chịu?
Trong xã hội tân tiến, một trong những đức tính thường bị quên lãng, coi thường nhất là kiên nhẫn –kiên nhẫn chịu đựng. Một trong những tiện ích của tiền bạc được coi là sự tự do mà nó mang đến, để ta có thể tránh phải chịu đựng những thứ ta không thích, trong khi ngược lại ta có thể có mọi thứ trong tầm tay bất cứ khi nào ta muốn, ngay khi ta muốn. Ngay cả trong chốn thiền môn, đôi khi ta nói, ‘Thật là kinh khủng, nhưng ít nhất tôi cũng có sự kiên nhẫn chịu đựng’. Giống như một thứ quà tặng bất ngờ. Nếu ta không được gì từ một việc gì đó, thì ít nhất ta cũng có sự kiên nhẫn chịu đựng. Kiên nhẫn không còn là một đức tính được mọi người, ngay cả các thầy tu ngày nay, đề cao, khuyến khích. Tuy nhiên, khi ta đọc ovāda pāṭimokkha[1], ta nghe Đức Phật nói gì? Ngài nói rằng kiên nhẫn chịu đựng, khanti, là chất đốt thượng hạng cho các uế nhiễm.
Nói đúng ra, nếu bạn thành tâm muốn xóa bỏ các uế nhiễm, thì khi ai đó có hành động khiến bạn thực sự bực mình, đến nỗi chỉ còn biết kiên nhẫn chịu đựng, thì bạn cần phải hết sức mang ơn họ vì họ đã giúp bạn thiêu đốt uế nhiễm của mình. Khi ta thấy mình phải vận dụng sự kiên nhẫn, không có nghĩa là ta không đang tu tập, hay đó chỉ là việc thực hành phụ, không quan trọng. Thực ra đó là trọng tâm của việc thực hành. Nhưng ở đây có điều ta phải nhớ tới, đó là sự kiên nhẫn thực sự, khanti, không tính kể thời gian. Nếu bạn nghiến răng, suy nghĩ ‘Còn bao nhiêu phút nữa? và ‘Khi nào cảnh này mới chấm dứt?’ Đó không phải thực sự là khanti. Trái lại khanti không có ý niệm về thời gian. Nó là một sự kiên nhẫn toàn hảo.
Có một câu nói rất tuyệt vời của Luang Por Sumedho: ‘Sự bình an cùng hiện hữu với sự không bình an’. Hãy quán sát thái độ của bạn đối với các cảm thọ khổ và lạc, và tìm phương cách để buông bỏ chúng. Dĩ nhiên, khi hành thiền, chúng ta nhằm đạt đến sự an bình, thanh tịnh, tâm sáng suốt. Nhưng đồng thời ta cũng cần nhận thức rằng thiền chỉ là một phương cách để ta có thể đối mặt với bản thân. Giống như ta đang đặt tâm dưới kính hiển vi. Và một trong những thứ ta cần phải chú tâm quán sát khi hành thiền là thái độ, phản ứng của ta đối với các cảm thọ lạc hay khổ.
Điều gì thường xảy ra khi chân, gối hay lưng bạn bắt đầu đau nhức trong lúc hành thiền? Bạn có thấy trầm cảm? Bực bội? Bức rứt? Các phản ứng gì đã xảy ra? Nếu các phản ứng tiêu cực thường phát khởi khi bạn thấy đau ở thân khi ngồi thiền, bạn có thể khá chắc chắn rằng các phản ứng tương tự cũng xảy ra trong đời sống hằng ngày của bạn khi bạn phải chịu đựng điều gì đó không như ý, dầu đó là vấn đề của thân hay tâm. Khi hành thiền, bạn phơi bày và có thể nhìn rõ hơn các phản ứng tâm lý khá phức tạp đối với các trải nghiệm xảy ra trong đời sống hằng ngày, nhưng nó giống như đang xảy ra trong phòng thí nghiệm.
Đối với các lạc thọ cũng thế. Một số thiền giả e ngại các lạc thọ một cách đáng ngạc nhiên, họ sợ bị cuốn trôi theo nó, sợ chìm đắm, bám víu vào đó. Nhiều người có thể sợ đến mức họ không thực sự quán sâu đối tượng thiền quán đúng như đòi hỏi. Đó là nỗi sợ của một ân sủng tràn đầy. Đôi khi nhu cầu tự chủ có thể còn mạnh mẽ hơn sự chuyển tiếp đến hạnh phúc và bình an nội tại. Nhưng con đường đến giải thoát, con đường đến sự hiểu biết về khổ, cần phải được theo đuổi trọn vẹn, và khổ chỉ có thể thực sự được hiểu, với tâm hạnh phúc, sukha. Nếu bạn không có một tâm bình an, hạnh phúc, thì bạn luôn cảm thấy ‘nỗi khổ của tôi’. Cách duy nhất mà ta có thể hiểu về khổ như trong Tứ Diệu Đế là khi ta không có khổ, khi ta cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, tự tại, ít nhất cũng ở mức độ của vedanā (cảm giác). Vì thế sukha (lạc) là một phần trên đạo lộ. Và thiền giả, người thực hành, đang thiết lập một sự liên hệ khôn ngoan, trí tuệ với các cảm giác dễ chịu. Đó là sự buông bỏ các lạc thọ. Lạc thọ chỉ là lạc thọ: chỉ chừng đó, không hơn, không kém. Điều đó thật tuyệt vời nhưng không phải là tuyệt đỉnh. Tuy nhiên ta vẫn có thể cảm nhận và sử dụng nó trên con đường đạo.
Buông bỏ các cảm giác dễ chịu hay khó chịu, không có nghĩa là ta quay lưng lại với chúng, hay trở nên vô cảm. Hoàn toàn không như thế. Nhưng đó là sự tỉnh thức đối với trạng thái khó chịu, dễ chịu hay trung tính. Đa số chúng ta luôn có cảm giác không hài lòng và khó chịu trong tâm vì không hiểu rõ về cảm thọ. Nếu ai đó nói, ‘Này, tôi sẽ trao bạn một chút khổ thọ… một chút đau đớn, chỉ một chút ít thôi. Bạn có đồng ý không?’ ‘Không’ Không ai muốn nhận cả. ‘Tôi sẽ trao bạn một chút an nhiên, chỉ một chút xíu ân sủng, một tí tẹo an vui’. ‘Vâng, cảm ơn!’ Đó là sự quán tưởng về các chuyển động này trong tâm.
Một trong những giá trị của samādhi, sự định tâm có được là nhờ sự phát triển tâm, là một khả năng cực kỳ hiệu nghiệm khi ta trải nghiệm sự vật mà không bám chấp vào chúng, và có thể thấy cảm giác là cảm giác: khổ hay lạc thọ. Đó là cái ta muốn quan tâm. Vì thế nếu bạn ngồi thiền và cảm thấy đau, thấy khó chịu, không có nghĩa là bạn không thể hành thiền. Sự việc là thế này. Đó là vấn đề trụ một cách đầy đủ, hoàn hảo; tỉnh thức trong thực tại hiện tiền và tập buông bỏ các cảm xúc bên trong ta.
Ai cũng có tưởng saññā, ký ức. Nhưng ta thường sống dựa vào tưởng quá nhiều, và mang trong đầu nhiều ý tưởng thường chưa được kiểm chứng; các ý nghĩ về người, về hoàn cảnh, về nơi chốn, vân vân. Tôi nhớ có lần tiếp chuyện với một nhà sư đang chỉ trích một vị sư khác. (Đúng vậy, ngay cả quý sư đôi khi cũng làm thế). Ông nói, ‘Vị sư đó từ đâu đến đây, mà không được tốt mấy. Ông ta có tánh xấu này, tánh xấu kia’. Tôi nói, ‘À, vậy sư biết sư đó rõ quá nhỉ? Sư kia nói, ‘Vâng, chúng tôi đã an cư mùa mưa cùng nhau, năm năm trước’. Vậy đó, sư ấy nghĩ mình biết rõ vị sư kia, dựa trên thời gian 3 tháng, 5 năm về trước. Đây là một thí dụ cho thấy ta nhìn người khác là những cái ngã, là thứ gì đó cứng nhắc, không lay chuyển, trong khi thực sự tất cả chúng ta là những chúng sanh luôn thay đổi. Không có gì bền chặt, không có gì không lay chuyển trong chúng ta. Điều này càng đúng hơn cho những ai đang trên đường tu tập.
Ở Thái Lan, cũng như ở nhiều quốc gia khác, các thầy bói, cô đồng coi chỉ tay rất được ưa thích. Nhưng người coi chỉ tay giỏi sẽ từ chối không coi chỉ tay của thiền giả, người tu hành rốt ráo. Họ nói rằng khi bạn bắt đầu hành thiền, khó thể đoán được gì ở bạn. Họ không tin rằng mình có thể đoán được tương lai của những thiền giả đã giữ sīla, samādhi, paññā, sự thực hành bên trong-bên ngoài một cách nhuần nhuyễn. Điều gì đó đã thay đổi. Sự đổi thay sẽ xảy ra. Đức Phật đã nói điều này một cách hoàn hảo trong một số sự kiện. Khi những ai trước đây vô tâm, quay lưng với vô tâm, trở nên chú tâm, bước chân lên con đường đạo, họ trở nên thật tuyệt vời. Họ tỏa sáng thế gian giống như mặt trăng tròn hiện ra sau đám mây. Đây có lẽ là giáo lý căn bản, nổi bật của Phật giáo –ý niệm rằng ta có thể chuyển đổi. Tương lai của ta không do đấng thần thánh nào, hay niềm tin hay các ngôi sao quyết định. Nó được quyết định bởi chính các hành vi của thân, khẩu và ý. Chúng ta có đủ khả năng để nhận lãnh trách nhiệm cho cuộc đời của mình và những chuyển đổi có hiệu lực, bền vững –các chuyển đổi vi diệu –nếu ta hành theo con đường Bát chánh đạo mà Đức Phật đã đề ra cho ta; không lựa chọn, so sánh, mà cả con đường, cả bao tầng bậc của giáo lý.
Vì thế hãy nhận thức xem chúng ta bị giới hạn bởi tưởng, bởi ký ức đến độ nào. Ta có những cái tưởng về bản thân như vô hy vọng, vô dụng, thiếu sót (hoặc ngược lại là người đầy khả năng, nhanh nhạy, vân vân). Nhưng tóm lại, những thứ này chỉ là tưởng. Đã từ lâu, bạn mang cái ý nghĩ về bản thân như là một loại người nào đó, rồi bạn nghĩ về nó quá nhiều, bám vào đó quá lâu, đến nỗi nó trở thành một sự thật không cần minh chứng. Rồi một ngày khi đang hành thiền, bỗng nhiên bạn thấy rằng chúng chỉ là bong bóng. Chỉ là một ý nghĩ khác. Một cái tưởng khác. Nó chỉ là cái phát sinh rồi qua đi.
Nhiều người thường đến với sự thực hành tâm linh, với thiền tập, với ý nghĩ rằng, ‘Tôi không hài lòng với việc tôi là ai. Tôi muốn chuyển đổi thành một con người khác’. Ý nghĩ rằng bạn là mẫu người bạn không thích, bạn muốn là một ai đó, là sai, lầm lạc và là một cái nhìn khá tiêu cực. Thay vào đó, khi quán xét kỹ, bạn nhắm vào việc quán sát và học hỏi từ những gì ở ngay hiện tại. Lúc đó, bạn sẽ thấy rằng các ý nghĩ của việc là ‘ai đó’ chỉ là những thứ phát sinh rồi qua đi. Không có gì bền vững với chúng cả. Nếu có ‘vấn đề’, thì đó không phải là một vấn đề.
Nhưng dầu bạn có quán xét kỹ bản chất của tưởng và ký ức, bạn không thể sống mà thiếu chúng. Bạn phải buông bỏ ngay trong ký ức và tưởng. Buông bỏ bằng cách nhìn ký ức và tưởng như chúng là. Chỉ như thế. Đúng như thế. Giống như thế. Đó là cách của tâm. Tâm vận hành như thế. Và như thế là ổn.
Uẩn thứ tư là saṅkhāra. Đó là uẩn của nghiệp. Ta có thể nói về năm uẩn khandhas bằng nhiều cách khác nhau. Trong năm uẩn, thân rūpa, thọ vedanā, tưởng saññā và thức viññāṇa là vipāka, nghiệp quả của quá khứ. Trong khi hành uẩn saṅkhāra khandha được dẫn dắt, làm chủ bằng ý chí. Đó là uẩn tạo nghiệp: nghiệp thiện và nghiệp ác, các hành vi thiện và bất thiện. Và ý muốn, tư tưởng, sự chú tâm là các pháp mà ta cần buông bỏ.
Ở đây ta phải phân biệt giữa kusala và akusala. Chúng ta buông bỏ một số ý muốn bằng cách phớt lờ chúng. Có một số ý nghĩ, một số dòng tư tưởng, quá độc hại đến nỗi ta không dám để tâm nghĩ đến chút nào. Khi tâm ý thức rằng các pháp độc hại –tư tưởng bạo lực, muốn làm hại hay lợi dụng người khác, chẳng hạn- ở trong tâm, điều này đòi hỏi sự cứng rắn, sự chém gãy như một kiếm sĩ đối với những sự ích kỷ, sân hận, đầy dục vọng, các loại ý nghĩ mang tính phá hoại. Ở đây việc buông bỏ trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là sự cắt bỏ.
Đối với các ý thiện đó là vấn đề thực hành chúng nhưng không coi chúng là mình. Ta thực hành chánh niệm, phát triển tâm từ, thực hành kiên nhẫn chịu đựng, với nỗ lực không suy suyễn, không dừng dứt. Đây là những công việc ta tự đặt ra cho mình, mà không tạo tác ra một ‘cái ngã’ hay một ‘chúng sanh’ mới dựa trên đó. Nên chúng ta buông bỏ, không để tâm bị lôi kéo bởi những thứ ‘nên là’. Một khi bạn có ý nghĩ sự việc phải nên là, bạn sẽ bị đối mặt, bị bực bội khi sự việc không phải giống như bạn nghĩ chúng phải là.
Tại sao bạn coi hành vi của một người nào đó là lố bịch? Thường đó là vì bạn đã có ý nghĩ rằng họ không nên như thế. Vì thế khi tâm đã trụ trên ‘cái phải là’ và ‘không nên là’, bạn đã tự làm khổ mình. Tại sao người ta không nên ích kỷ? Tại sao người ta không nên lấn lướt? Tại sao người ta không nên làm những việc khủng khiếp mà họ đã làm? Tại sao không? Nếu tâm họ là như thế, nếu họ nhìn sự việc như thế, có loại quan niệm đó, những loại giá trị đó, thì tại sao không? Do đó hành vi của họ hoàn toàn là tự nhiên. Khi nhân duyên là vậy, thì hành vi sẽ giống như thế.
Khi bạn càng có thể nhìn mọi thứ qua nhân duyên, thì bạn càng dễ buông bỏ. Nếu có ai đó nói năng cộc cằn, thô lỗ, bạn thấy đó là vì cách họ nhìn sự vật như thế, vì họ đã phát triển loại thói quen đó, họ đã luôn nói năng theo cách đó. Bạn càng nhìn thấy được các nhân duyên ẩn chứa trong hành vi của người khác, bạn càng dễ buông bỏ.
Cảm giác rằng mình là độc nhất nằm ở đâu? Chúng ta nói rằng, ‘Tôi thực sự là vậy. Đó là tôi. Đó là điều khiến tôi khác với mọi người. Đây là thứ khiến tôi đặc biệt. Đây là thứ khiến tôi là tôi’. Đó là nơi ảo giác có mặt. Đó là nơi dính chấp có mặt. Cái nhu cầu muốn được khác biệt, muốn nổi bật giữa đám đông hay chìm trong bóng tối; đây là những phản ứng đối với nhu cầu cơ bản muốn tạo ra một thiên đàng an ổn, một nơi ẩn náu ở nơi không thích hợp. Chúng ta tìm chỗ ẩn náu. Chúng ta tìm thứ gì đó bền vững, an toàn, dài lâu,… ở một nơi chốn không bền vững, vô thường và không kéo dài. Không có gì sai với thân. Không có gì bất ổn với thọ, tưởng, ý nghĩ, cái thấy, cái nghe, nếm, tất cả mọi thứ. Những thứ này chỉ là như thế. Nhưng vấn đề chỉ phát khởi khi ta đòi hỏi, hy vọng, mong ước những thứ này mang cho ta những thứ chúng không thể có. Những thứ ta tìm kiếm một cách vô vọng là sự thường hằng, hạnh phúc, bền vững và những thứ chỉ có thể tìm được trong sự giải thoát khỏi dính chấp, trong sự thấm nhuần Tứ Diệu Đế.
Vấn đề không phải là ta có đối trị được các uế nhiễm hay không. Vì uế nhiễm có mặt và chỉ có thể hiện hữu khi ta không nhìn thấy sự vật rõ ràng. Ta không nhận thức được rằng bên trong năm uẩn này có điều gì đó muốn vươn tới niết-bàn, khiến ta cảm thấy muốn hướng tới niết-bàn; muốn buông bỏ mọi dính chấp vào thân, thọ, tưởng, ý nghĩ, giới hạnh, các thói vô đạo đức và thức. Qua việc thực hành, chúng ta tập ‘có mặt’ trong hiện tại, sống động, tỉnh thức đối với cách các sự vật có mặt, hơn là cách ta nghĩ chúng là, cách chúng ‘phải’ là. Ngay lúc này điều gì đang xảy ra? Cuộc sống này là gì? Thân là gì? Các cảm thọ là gì? Các tưởng là gì? Các thức là gì qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân? Đây là tâm biết tìm tòi, khảo sát, tự vấn.
Đức Phật không hề muốn chúng ta chỉ biết tin vào những điều Ngài dạy. Đây không phải là một hệ thống niềm tin. Đức Phật đã cho chúng ta các dụng cụ để đào sâu vào bản chất cuộc sống, để ta chỉnh sửa ngày càng rõ ràng hơn, ngày càng xác thực hơn, với những gì đang thực sự xảy ra ngay tại đây và bây giờ. Vì thế hãy buông để nhận thấy khi dính chấp vào sự vật, gánh nặng đó sẽ như thế nào, sẽ giới hạn như thế nào, sẽ tăm tối như thế nào; bám chấp vào thân, thọ, tưởng, tất cả những thứ chướng ngại này, với hy vọng và nguyện cầu rằng chúng sẽ cho ta điều mà chúng không thực sự có thể có.
Càng buông, ta càng thấy nhẹ hơn, càng thấy hạnh phúc hơn. Qua hạnh phúc của việc buông bỏ mà tâm có đủ can đảm, có sức mạnh để thấm nhuần cách sự vật như thế nào. Tâm bất an thường yếu đuối, tản mạn, rời rạc, không có sự vững chãi nội tại của định. Chỉ qua khả năng buông bỏ các đắm nhiễm như tưởng về quá khứ hay tương lai, cùng với sự từ bỏ các cảm giác nhỏ nhặt, tầm thường, mà tâm có thể thấm nhuần những gì sâu xa hơn.
Tỳ Kheo Jayasaro (thế danh: Shaun Chiverton) sinh năm 1958, tại Anh Quốc. Năm 1978, ông tham dự khóa thiền tích cực với Sư Sumedho, trải qua một mùa an cư tại đó (Thiền Viện Amaravati, Anh quốc).
Năm 1979, thọ giới sa di tại thiền viện Nong Pah Pong, bang Ubon Rajathani, Thái Lan.
Năm 1980: thọ giới tỳ kheo tại Nong Pah Pong với vị Thiền sư trưởng lão nổi tiếng, ngài Ajahn Chah, là sư tế độ.
Từ năm 1997-2001: trụ trì chùa Pah Nanachat (Lâm Tự Viện Quốc Tế), bang Ubon Rajathani, Thái Lan.