Chùa Việt
Bửu Hưng tự - Ngôi chùa gắn liền lịch sử Nam bộ
Chủ nhật, 02/03/2020 09:49
Bửu Hưng tự, còn gọi là chùa Cả Cát, hay Cái Cát, tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cách thị xã Sa Đéc 9km. Ngôi cổ tự này gắn liền quá trình khai khẩn và lịch sử ở Nam bộ.
> Khám phá những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam
Theo tư liệu lưu tại chùa, Bửu Hưng tự được khai sơn vào nửa sau thế kỷ XVIII (1777-1789 năm Kỷ Dậu đến năm Đinh Dậu), khi Thiền sư Nguyễn Đăng từ miền Trung vào Nam và dừng chân nơi này khai sơn thảo am thờ Phật. Hiện không biết hành trạng của Thiền sư Nguyễn Đăng, chỉ biết chút ít nhờ bài thơ cổ ngũ ngôn khắc trên vách ngôi mộ của Thiền sư:
Vạn lý kinh đô biệt
Nhật ngộ đạo phi quân
Thiệp thủy đăng sơn viễn
Tâm ấn phục Huỳnh Mai
Ân ảnh tùng trung khứ
Dạ nguyệt độc chinh Nam
Lữ hành vô Phật địa
Thiếu thất tỵ thời hồ.
Bài thơ cho biết Thiền sư Nguyễn Đăng ở Kinh đô Phú Xuân theo đường bộ vào Nam lập am ẩn tu, sống một mình trong thất, quyết chí noi gương lục tổ Huệ Năng, khôi phục và truyền bá Thiền Tông của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Huỳnh Mai.
Sau khi Thiền sư Nguyễn Đăng viên tịch, kế thế thảo am là Thiền sư Tịnh Châu du hóa đến nơi này. Thảo am tuy nhỏ hẹp nhưng với đạo đức của Thiền sư Nguyễn Đăng lúc sinh tiền và danh tiếng tu hành của Thiền sư Tịnh Châu, gần xa có mười vị tăng sĩ đến tu thiền, phải dựng thêm tăng đường, cũng bằng tre nứa, tranh vách trát bùn. Bên phía Tây do thiền sinh ở tham thiền học đạo, bên hướng Đông chùa đào một cái ao chứa nước để dùng trong mùa nắng. Chùa Bửu Hưng lúc này còn hoang sơ vắng vẻ, cây rừng ẩm thấp, đêm ngày thỉnh thoảng vẫn có thú rừng đến ao uống nước. Vẻ thâm u cô tịch, lại xuất hiện cọp, beo cũng đến thảo am uống nước và nghe kinh chú nguyện của Tổ Tịnh Châu, thế nên sau này trong nhà Tổ có 2 tấm biển thờ để ghi lại sự kiện trên. Tấm biển ghi “Tây Thập - Đông Hổ” có nghĩa phía Tây chùa có nhà tăng cho mười vị ở tu, phía Đông có hồ nước đêm ngày có cọp thú đến uống nước. Tấm biển thứ hai khắc bốn chữ “Vô sở trụ tâm” nói lên tôn chỉ tu của chùa lúc bấy giờ là Thiền Tông, theo phép Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng.
Các đời trụ trì của Bửu Hưng tự cho thấy ngôi chùa gắn bó mật thiết với các Thiền sư góp công phát triển Phật giáo ở Nam bộ. Khi Thiền sư Tịnh Châu viên tịch, bấy giờ ở Mỹ Tho có Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm (sinh năm 1780, viên tịch năm 1859) thuộc phái Lâm Tế đời thứ 37, đệ tử của Thiền sư Tổ Trí Khánh Hưng ở chùa Đức Lâm, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thiền sư Từ Lâm tu hành chân chánh, giới hạnh tinh nghiêm, sở học uyên bác, về trụ trì chùa Bửu Lâm cũng trong thành phố Mỹ Tho và chùa Sắc Tứ Long Tuyền, Thạnh Phú, Xoài Hột (Rạch Gầm, Xoài Mút xưa). Năm 1803, Thiền sư sang Sa Đéc và kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng, từng bước xây đắp trở thành ngôi đại tự và cử pháp đệ là Thiền sư Tiên Tâm Bửu Châu đại trùng tu chánh điện, cất chùa quy mô như chùa Bửu Lâm, Sắc Tứ Long Tuyền ở Mỹ Tho. Sau đó, ngài giao lại cho sư Bửu Châu trụ trì.
Đời trụ trì thứ tư ở Bửu Hưng tự là Thiền sư Tiên Tâm Bửu Châu, quê quán ở Mỹ Tho, xuất gia ở chùa Đức Lâm (sinh năm 1788 và viên tịch năm 1879), là pháp đệ của Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm. Sư Tiên Tâm Bửu Châu về Bửu Hưng hoằng hóa cho đến ngày viên mãn. Trụ trì tiếp theo của chùa Bửu Hưng là Thiền sư Minh Phước Tư Trung, đệ tử của Hòa Thượng Tiên Thiện Từ Lâm. Sau thời gian ngắn trụ trì chùa Bửu Hưng, Thiền sư Tư Trung Minh Phước về khai sơn và trụ trì chùa Phước Hưng (tục gọi là chùa Hương) ở thị xã Sa Đéc cho đến khi viên tịch năm Giáp Thân (1884). Thay thế trụ trì chùa Bửu Hưng là Thiền sư Minh Tịnh Bửu Thanh (là sư huynh của sư Minh Phước Tư Trung), sinh năm 1832 (Nhâm Thìn) xuất gia tu học tại Tổ đình Đức Lâm, Mỹ Tho. Sau đó về trụ trì chùa Bửu Hưng cho đến khi viên tịch năm 1889 (Kỷ Hợi).
Năm 1900, thầy Yết Ma Như Lý Thiên Trường kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng. Thầy sinh năm Đinh Sửu 1877, quê ở làng Điều Hòa, Định Tường, xuất gia lúc 9 tuổi. Tu học với Hòa hượng Minh Tông Nhứt Bổn Thông Nam ở Tổ đình Bửu Lâm, Mỹ Tho; sau theo hầu Hòa thượng Minh Tịnh Bửu Thanh, khi Tổ Minh Tịnh Bửu Thanh viên tịch, Thiền sư Như Lý Thiên Trường kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng (1919-1930) và trụ trì luôn cả Bửu Lâm, Mỹ Tho. Ngài tịch năm 1969 tại chùa Bửu Lâm.
Năm 1909-1911, Bửu Hưng tự được đại trùng tu xây chánh điện, trạm trổ thêm bao lam, thần vọng, biển thờ, tạo thêm hoành phi, câu đối, chấn chỉnh già lam... Đồng thời chỉnh sửa khu mộ tháp lâu đời, tôn tạo cây cảnh. Ngày nay, ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, xen lẫn những bụi trúc xanh tươi. Trước chùa là hồ sen và trước nữa là con rạch tươi mát chảy xuôi ngang chùa, phía trên có chiếc cầu vòng cung bắc ngang rạch, phong cảnh nên thơ. Cổng chùa gồm cổng chính ở giữa và cổng phụ hai bên. Sau cổng là thần đạo dẫn vào chùa, được xây cao ráo. Giữa sân chùa tôn trí tượng đức Phật Quan Âm.
Ngôi chùa có tới 100 chiếc cột. Chánh điện và nhà Tổ cách nhau một cái sân thiên tĩnh. Từ nhà Tổ đi lên chính điện là ba bộ cửa bức bàn. Mỗi bộ có bốn cánh lớn được chạm lộng rất công phu. Gờ cửa, khung cửa cũng được chạm thành những đường hoa văn.
Bàn thờ ở chính điện, ngoài các pho tượng Thích Ca, Địa Tạng, Thiện Hữu, Ác Hữu... còn có tượng Phật Di Đà bằng gỗ cao 2,5m. Pho tượng này đã được Vua Minh Mạng từ Huế gửi vào. Trên bàn thờ và ở hai bên gian bên đều có bao lam chạm trổ rồng phượng, hoa điểu...
Chùa có nhiều câu đối. Riêng đôi câu đối ở hai bên bàn thờ chính điện được chạm trổ công phu, nền rồng mây, chữ nổi, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo.
Ngọc chất giáng hoàng cung, thổ thủy cửu long tề mộc dục,
Kim thân tu tuyết lĩnh, hàm hoa bách điểu cộng triều cung.
Tạm dịch:
Chất ngọc giáng cung vua, phun nước cửu long cùng gội tắm,
Thân vàng tu núi tuyết, ngậm hoa bách điểu thảy về chầu.
Phía trước bàn thờ có tấm biển viết tháo bốn chữ Vạn Thế Trường Hưng, nét bút bay bướm điêu luyện.
Trên bàn thờ Tổ, ngoài linh vị còn có chân dung Tổ Thích Chơn Minh viên tịch năm 1992. Ba mộ tháp bên cạnh là của các Tổ Tiên Tâm, pháp danh Giác Châu (đời 37), Minh Tịnh, pháp danh Bửu Thành (đời 38) và Quang Minh, pháp danh Giác Đạo (đời 41).
Đôi câu đối treo ở cửa vào khu mộ tháp rất ý nghĩa:
Bật thảo điêu tàn do vị tử,
Đàm hoa lạc khử hữu dư hương.
Tạm dịch:
Cỏ bí dẫu tàn còn chửa mục,
Hoa đàm tuy rụng vẫn vương hương.
Ý nói các vị Tổ tuy đã viên tịch như cỏ bí kia, nhưng vẫn chưa kể là mất hẳn, đạo đức của các vị ấy còn để lại tiếng thơm như hoa đàm kia dẫu rụng rồi mà vẫn còn dư hương(1).
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa cũng là nơi chính quyền cách mạng tại địa phương tổ chức họp hội, chỗ trú ngụ của nhân dân. Đầu năm 1946, Pháp tái chiếm Sa Đéc, nhân dân ở tỉnh lỵ Sa Đéc, làng Tân Phú Đông tản cư vào Long Thắng, số lượng lên tới vài trăm người, được nhà chùa cưu mang và tiếp đãi cơm nước. Để đối phó với những hoạt động của Việt Minh và cũng để trấn an tinh thần binh sĩ, chiều ngày mùng 3 tháng 2 năm 1947 hai chiếc máy bay của Pháp đã ném 4 quả bom xuống khu vực chùa Bửu Hưng và bắn theo nhiều loạt đạn, làm chết 3 vị tăng ni và làm bị thương 2 phật tử khác ở gần chùa. Hai vị sa môn của chùa Bửu Hưng là thầy Khương và thầy Vinh đã xếp áo cà sa tham gia kháng chiến. Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, năm 1946, nhà chùa cũng đã hiến một đại thần chung để chế vũ khí đánh Pháp. Thời chống Mỹ, thanh niên trong vùng vô chùa làm phật tử để trốn quân dịch, có lúc lên đến khoảng 40-50 người (2).
Bửu Hưng tự đã trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển. Chùa vẫn giữ được nhiều cổ vật quý giá như các bức tượng gỗ có tuổi đời hàng trăm năm, các đồ đồng, đồ gốm... Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng chùa là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BVHTT ngày 3-8-2007.
(1) Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.160-161.
(2) Ngô Văn Bé (2011), Bửu Hưng tự,Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay, số 31, tr.38.
Theo Báo Cần Thơ