Kiến thức
Cầu nguyện mùa Vu Lan
Thứ bảy, 02/08/2022 12:53
Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, những lời Phật dạy không trái với truyền thống của dân tộc Việt, vì các nhà truyền giáo đắc đạo, với tâm trí sáng suốt, luôn ứng dụng tinh ba của giáo pháp thích hợp với đất nước, với tình cảm và sinh hoạt của nhân dân ta.
Với Chánh pháp được truyền bá theo tinh thần tùy cơ, ứng cảm như thế, lễ Vu lan Báo hiếu Báo ân của đạo Phật đã trở thành truyền thống của dân tộc chúng ta từ lâu đời.Thật vậy, lễ Vu lan đã kết hợp nhuần nhuyễn giáo lý Phật dạy với phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người dân Việt. Nói chung, tinh thần Phật giáo ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, nếp sinh hoạt của dân chúng, nên từ nghìn xưa, đạo Phật như ngọn đèn soi sáng truyền thống nhân dân Việt Nam; nói cách khác, đạo Phật và dân tộc là một.
Vì thế, lễ Vu lan là lễ Báo hiếu Báo ân của người Việt Nam, không phải tách riêng rẽ của Phật giáo. Từ đó, là Phật tử hay không phải tín đồ đạo Phật, đến mùa Vu lan, dân chúng đều đi chùa để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân quyến, bạn bè hoặc làm những việc phước thiện để hồi hướng cho người quá cố.
Nếu tìm hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu hơn, chúng ta thấy Đức Phật dạy rõ vấn đề báo hiếu, báo ân. Theo Đức Phật, con người tồn tại trên cuộc đời này đều có sự tương quan tương duyên với nhau, gọi là lý nhân duyên. Đức Phật đắc đạo, mới thấu tỏ được mối tương quan tương duyên chằng chịt giữa người với ông bà tổ tiên, giữa người với xã hội và giữa người với thần linh. Nếu sinh hoạt về chiều sâu tinh thần sẽ tiếp nhận dễ dàng ba mối tương quan tương duyên này.
Trước nhất, mối quan hệ về huyết thống giữa ta với cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã có từ nghìn xưa mà Phật giáo gọi là từ vô thỉ kiếp, tức không xác định được khởi điểm phát xuất, nhưng chắc chắn giữa mỗi người với ông bà tổ tiên dòng họ của mình vẫn có sự liên hệ hỗ tương cho đến ngày nay. Đó là sự liên hệ về tâm thức được truyền nối liên tục từ đời này sang đời khác, gọi là nghiệp. Trong sắc thân hiện tại của ta, về tư duy đã hàm chứa tâm thức của ông bà, cha mẹ ta. Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc sống, nếu một dòng họ giỏi ngành nghề nào thì cả gia đình ấy đều có khả năng nổi bật trong lãnh vực riêng của dòng họ. Nghĩa là mối quan tâm, suy tư của những người trong cùng một dòng họ giống nhau và được tiếp nối đầu tư cho một hoạt động chuyên môn một cách liên tục, gọi là cha truyền con nối trải qua nhiều đời, trở thành nghề truyền thống của gia tộc. Nếu có người ngoài dòng họ đến học việc, thường khó nắm bắt được “cái hồn riêng tư” ấy.
Tuy nhiên, cũng có những giai đoạn và những con người đi lệch hướng truyền thống của gia tộc. Điều này cũng do túc nghiệp đời trước (tức biệt nghiệp) của họ không ở trong dòng sinh hoạt truyền thống này. Vì thế, mặc dù là con cháu trong gia tộc, nhưng họ không cảm thấy có liên quan, hoặc chỉ có mối quan hệ một phần nhỏ với truyền thống của gia đình mà thôi. Ý này được Phật dạy trong lý nhân duyên rằng ngoài ảnh hưởng vì mối tương quan tương duyên với truyền thống gia đình, còn có mối tương quan vì ân hay oán mà tái sanh làm quyến thuộc của nhau trong một gia đình.
Nếu là oan gia, tức ác duyên gặp lại nhau, chẳng những không thể hưởng được truyền thống tốt đẹp của gia đình, không thể hòa hợp được trong dòng họ, mà còn gây rắc rối, buồn phiền cho cả gia tộc. Chẳng hạn những đứa con chơi bời bê tha trong một gia đình đàng hoàng, chúng là “nghịch tử” tái sanh theo mối tương quan tương duyên của “chủ nợ” đến đòi nợ.
Nhưng cũng có trường hợp gặp lại, sống với nhau theo thiện duyên, theo tâm niệm trả ơn. Trường hợp này, có khi không cùng suy nghĩ với truyền thống gia đình, nhưng họ rất thương cha mẹ, nên hy sinh suốt cả cuộc đời cho đấng sanh thành của họ. Thậm chí có người con sinh sống trong gia đình chuyên cờ bạc, nhưng họ không hề thích nghề xấu này, mà chỉ tận tụy làm việc, giúp đỡ gia đình. Đó là những người con sanh ra để đoạn trừ tâm thức của huyết thống gia đình, để trả nợ, để đáp đền ân nghĩa đời trước.
Mối quan hệ nhân duyên thứ hai là giữa con người với xã hội. Điều này dễ nhận thấy rõ. Sống trong một xã hội loạn lạc, hay bất công, nghèo đói, tất nhiên cuộc sống của chúng ta khó an lành. Trái lại, sống ở nước giàu có, văn minh, tiến bộ, mọi sinh hoạt của người dân phần nào được ảnh hưởng tốt đẹp.
Thứ ba là mối tương quan tương duyên giữa con người với các bậc Bồ-tát, các vị thần linh thuộc thế giới siêu hình đóng vai trò rất quan trọng, mà chỉ có những người đắc đạo mới biết rõ và biết sống tương ưng, hoặc những ai thể nghiệm tinh thần Phật dạy mới cảm nhận được bằng tâm. Những bậc Bồ-tát hay thần linh tái sanh nằm ngoài truyền thống gia đình, nói đơn giản theo dân gian là “Mượn bụng mẹ mà sanh ra”. Vì họ muốn hiện thân lại cuộc đời này để làm một việc gì đó với mục đích cứu nhân độ thế. Chính vì vậy mà họ có suy nghĩ và việc làm hoàn toàn khác với dòng họ, trở thành những bậc vĩ nhân, siêu nhân trên thế gian.
Bồ-tát hay thần linh từ thế giới siêu hình tái sanh lại cuộc đời này, mới có khả năng làm những việc đổi đời. Thí dụ khi xã hội được an bài, lần lần, những người giàu có, quyền thế thừa hưởng quá nhiều, trở nên độc ác, tạo ra sự bất công, bất bình trong xã hội. Những nỗi khổ đau và niềm khao khát, mong mỏi có sự thay đổi tốt đẹp của nhiều người đã tạo thành “từ trường” tương ưng với tâm từ bi của các bậc Bồ-tát, thúc giục các ngài xuất hiện trên cuộc đời này để lập lại sự công bằng cho xã hội. Các ngài làm mọi việc giúp cho người an vui, kể cả những việc trừng phạt mà nhìn bề ngoài, thấy rất ác như kinh Hoa nghiêm diễn tả vua Vô Yểm Túc sử dụng hình phạt rất nặng đối với phạm nhân hung dữ để răn đe, để xã hội được an ổn. Bên cạnh ông vua nghiêm khắc này, kinh Hoa nghiêm cũng vẽ lên hình ảnh vua Đại Quang hiền từ, dùng đức độ để phát triển đất nước, làm an lòng dân trong một xã hội không có người ngang bướng. Đó là những Bồ-tát hiện thân cứu đời theo tinh thần Đại thừa.
Đối trước sự xáo trộn, cuộc khủng hoảng, muốn thay đổi, tạo dựng một trật tự xã hội mới, tất yếu phải có con người đầy đủ tư cách và khả năng đặc biệt mà người bình thường không có, tác động toàn bộ đến cộng đồng xã hội, hoặc ảnh hưởng cả thế giới. Sức mạnh tinh thần của những con người đặc biệt này được ươm mầm và nuôi dưỡng từ thế giới siêu nhiên. Thực tế cho thấy không ít những người con tài giỏi làm chấn động thế giới, trong khi cha mẹ của họ lại rất tầm thường, hoặc gia đình ác độc lại sanh ra người con hiền lành, cứu đời. Hoặc trong thời kỳ Thế chiến thứ nhất, thứ hai, hiện hữu những con người gây ra chiến tranh và tạo lập sự thăng bằng mới trên toàn thế giới.
Riêng ở Việt Nam, lịch sử cho thấy rõ từ thời kỳ dựng nước, giữ nước cho đến đất nước được thống nhất, trải qua hàng ngàn năm vẫn luôn xuất hiện những bậc anh hùng tài ba lỗi lạc đã cống hiến cả cuộc đời vì nước vì dân. Với sức mạnh trí tuệ của các bậc tiền bối hữu công kết hợp cùng với hồn thiêng của đất nước bốn ngàn năm văn hiến mới giữ vững được giang sơn bờ cõi Việt Nam trường tồn và phát triển như ngày nay, góp mặt cùng các nước bạn trên khắp thế giới.
Có thể nói Phật giáo đã quan sát sự hiện hữu của con người và thấy được mối tương quan tương duyên mật thiết của con người với truyền thống gia đình, với cộng đồng xã hội và thế giới siêu nhiên. Với sự thấy biết theo lý duyên sinh như thế, trong mùa Vu lan Báo hiếu, nhớ nghĩ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã tạo ra mình, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình, chúng ta cầu nguyện cho tất cả người thân không còn hiện hữu được vãng sanh thế giới Phật.
Ngoài ra, chúng ta cũng cầu nguyện cho cộng đồng xã hội được tốt đẹp, vì đất nước có thịnh vượng, thanh bình thì chúng ta mới có thể sống an vui.
Đặc biệt là đệ tử Phật, chúng ta hướng tâm cầu nguyện Phật, Bồ-tát, Hộ pháp thiện thần luôn gia hộ cho tất cả mọi người được an lành, phát huy tình thương và hiểu biết sáng suốt trên con đường mang an vui đến cho muôn loài, mọi giới.