Chùa Việt

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo

Chủ nhật, 07/04/2013 10:54

Chùa vẫn tìm lại và lưu giữ được những “báu vật” vô giá như bốn cột đá ở hiên chùa chính, chân trụ đá còn nguyên vẹn. Chiếc khánh đá cổ, nặng khoảng 50 người khiêng; quả chuông cổ, mấy bức bia cổ…

Tọa lạc trên sườn núi Ốc (hay còn gọi là Ốc Sơn – xã Hà Phong – huyện Hà Trung – tỉnh Thanh Hóa), chùa Long Cảm với dáng vẻ nghiêm trang, tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần nên thơ. Từ bao đời nay, nơi đây trở thành nơi tu hành của các Ni cô; đồng thời là điểm đến của du khách gần xa và của tất cả những người có tấm lòng nơi cửa Phật.

Tương truyền, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, đến vùng phủ Quảng Hòa (huyện Hà Trung ngày nay) đã dừng chân trên sườn núi Ốc Sơn. Đêm đến, Vua nằm mộng thấy rồng vàng. Nghĩ là điềm lành, sau khi giành thắng lợi, về tới kinh đô, nhớ lại giấc mộng tại núi Ốc, vua đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa, lấy tên là Long Cảm (Long: rồng; Cảm: tạ ơn, trả ơn)…

Năm 1992, chùa Long Cảm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi chùa tọa lạc trên sườn núi Ốc, tựa lưng vào núi, ở độ cao khoảng 60m so với chân núi. Sau những bước chân thong dong trên những bậc đá rợp mát bóng cây và mùi hương thiên nhiên tinh khiết dẫn lên chùa, mở ra trước du khách và người hành hương một không gian tâm linh, thành kính và hướng thiện của đất Phật. Chùa được xây dựng quay về hướng Nam, cấu trúc liên hoàn bao gồm cổng Tam Quan, sân chùa, chùa chính, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Tiếp đến là nhà khách và nơi ở của sư trụ trì.

 Biển chỉ dẫn vào khu di tích chùa Long Cảm
 Con đường dẫn vào chùa Long Cảm
 Bậc đá dẫn lên Tam quan chùa
Toàn bộ khuôn viên chùa trở thành một vọng đài nhô lên trên nền trời. Nhìn từ xa, mái chùa cong cong, thấp thoáng sau những tán lá xanh mát. Từ khoảng sân hẹp của ngôi chùa, phóng tầm mắt ra bốn phía thấy cả đồng ruộng, làng mạc trù phú của vùng đất Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Nga Sơn; cây cầu Đò Lèn lịch sử ẩn hiện bắc ngang sông…
 

Bác Hoàng Thị Thược, 73 tuổi, xã Hà Lâm (huyện Hà Trung) cho hay: Nghe các cụ kể lại, trước kia, bao quanh núi Ốc là đồng ruộng mênh mông. Muốn đi lên chùa chỉ có phương tiện duy nhất là phải đi bằng thuyền qua con kênh nối từ đường lớn vào chân núi.

Từ xa xưa, giữa một bãi cây rừng, lau lách um tùm, ngôi chùa chỉ là mấy gian nhà tranh cũ kỹ, ọp ẹp… Sau nhiều lần tu sửa, đặc biệt từ những năm 2003 – 2010, được sự hỗ trợ của xã Hà Phong, sự hảo tâm công đức của khách thập phương, đóng góp của các phật tử; sự nỗ lực của nhà chùa mà đứng đầu là Ni sư trụ trì Thích Đàm Quang, Sư cô Thích Đàm Tâm, chùa đã được tôn tạo, xây dựng khang trang.

 Bốn cột đá ở hiên chùa chính
 

Bác Thược một phật tử địa phương cho biết: Gia đình bác, từ thời các cụ đã thường xuyên đi lễ chùa. Bác cũng đã đến đây thắp hương, chiêm bái mấy chục năm nay.

Năm 2006, gia đình đã quy tiên về chùa để tiện việc nhang khói, lễ Phật. Cùng với đó, mỗi năm, gia đình cũng tham gia đóng góp, cung tiến xây dựng chùa hàng triệu đồng; cùng phật tử khắp nơi đóng góp nhiều ngày công trong thời gian chùa xây dựng.

Sư cô Thích Đàm Tâm cho biết thêm: Thời kỳ chiến tranh, nơi đây được chọn đặt ụ pháo bảo vệ cầu Đò Lèn trước sự bắn phá ác liệt của giặc Mỹ hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối hai miền Nam – Bắc. Từ đây, theo đường bộ khoảng 2km là tới chân cầu. Ngoài ra, các cánh cổng chùa còn được tháo dỡ dùng làm cáng thương binh. Bởi vậy, ngôi chùa không chỉ là nơi dừng chân của tăng ni, phật tử mà còn là căn cứ quân sự quan trọng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

 
 Các ban thờ chính
 
 

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, cùng với thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết, chùa bị hư hại nặng nề. Sau những lần tu sửa, cải tạo, kiến trúc ban đầu của ngôi chùa không còn nguyên trạng. Đặc biệt, chùa vẫn tìm lại và lưu giữ được những “báu vật” vô giá như bốn cột đá ở hiên chùa chính, chân trụ đá còn nguyên vẹn. Chiếc khánh đá cổ, nặng khoảng 50 người khiêng; quả chuông cổ, mấy bức bia cổ…

 Bia đá cổ
 Vườn tháp
 Nhà bia
 Chiếc khánh đá cổ

Câu chuyện của Sư cô Thích Đàm Tâm làm chúng tôi chú ý hơn đến chiếc khánh đá 50 người khiêng. Đó là vào trước những năm 1970, khi ấy chùa gần như bị xuống cấp, hư hỏng gần hết, người dân trong vùng đã khiêng khánh đá về dưới làng. Có gia đình đã đập khánh đá để nung vôi. Tuy nhiên, đập mãi mà khánh đá vẫn không vỡ. Tự nhiên, người đàn ông trong gia đình không ốm không đau mà chết. Sợ quá, gia đình nọ vội khiêng khánh đá ra mương nước của làng và bỏ lại đó. Sau nhà chùa tìm lại được và mượn bà con khiêng trở lại chùa.

Ngôi chùa còn có cây muỗm (xoài) trên 1.000 năm tuổi, cây to 2 người ôm không hết, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rượi sân chùa. Xung quanh thân cây, từ gốc lên tới ngọn được quấn quanh bởi chi chít cây tầm gửi. Sư cô Thích Đàm Tâm cho biết, lạ là mưa to, gió lớn, bão bùng cũng không quật ngã, làm gãy đổ được cây. Bên cạnh đó là cây ngâu tuổi đời cũng đã 500 năm tuổi. Mùa hoa ngâu, mùi hương ngâu hòa quyện với mùi trầm lan tỏa khắp không gian trầm mặc, tôn nghiêm của chùa.

 Cây Ngâu có tuổi đời 500 năm

Hiện ngôi chùa đang xây dựng khu đại Giảng đường - Nhà khách dưới chân núi để có nơi hoằng dương chính pháp, và mở các khóa tu cho tín đồ phật tử. Bởi khu chùa chính chỉ vẻn vẹn 100m2, không có địa thế  tổ chức các khóa tu và nghe giảng cho tín đồ phật tử. Tổng giá trị kinh phí xây dựng trên 6 tỷ đồng.

Nhà chùa hiện mới xây hoàn thành phần móng; dự kiến đến năm 2016 đưa công trình Giảng đường - Nhà khách vào sử dụng. Bởi vậy, chùa Long Cảm rất cần tấm lòng, sự chung tay đóng góp về tài chính của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cũng như tăng ni, phật tử gần xa, để công trình đại Giảng đường – Nhà khách sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Được biết, mới đây, nhà chùa cũng đã viết bức Tâm thư kêu gọi ủng hộ, đóng góp tài chính xây dựng công trình trên. Tin rằng, khi công trình được hoàn thành, cùng với sự uy nghiêm, linh thiêng của ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi, phong cảnh thơ mộng, hữu tình nơi đây, chùa Long Cảm sẽ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của tăng, ni, phật tử và nhân dân gần xa; trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của huyện Hà Trung cũng như của tỉnh Thanh Hóa.


Phương Thảo - Nguyễn Văn Tuấn


Thanh Hóa: Tâm thư kêu gọi ủng hộ xây dựng chùa Long Cảm


loading...