Chùa Việt

Chùa Thần Quang: Tuyệt tác nghệ thuật đúc đồng

Thứ bảy, 27/02/2013 08:19

Ngày 14/9/2002, đại tượng này được rước từ cơ sở đúc đồng Ý Yên về an tọa tại chùa Non Nước (Sóc Sơn, Hà Nội). Đó là kỷ lục mới thời khoa học - kỹ thuật hiện đại. Cả hai vị đại tượng này đã trở thành huyền thoại sống, ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi tăng ni, phật tử

Chùa Thần Quang (Hà Nội) được xây dựng cách đây gần 250 năm, vào cuối đời Hậu Lê, từ một am tranh thờ Phật. Chùa uy nghi, bề thế, là một trong những nơi thu hút nhiều thế hệ phật tử ngưỡng vọng về cửa Phật. Điểm đặc biệt của chùa là nghệ thuật đúc đồng, giữ kỷ lục tượng phật to, đẹp nhất nước ta.

CôngThương - Từ ý nguyện của vị thượng tọa

Các tư liệu lịch sử cho biết, từ nửa đầu thế kỷ XX, trụ trì ngôi chùa Thần Quang là Thượng tọa Vĩnh Tường thuộc hệ phái Tào Động. Xuất phát từ lòng thành kính tu đạo, ông bày tỏ ý nguyện: “Tôi nghĩ cần có sự trang nghiêm và tôn kính thờ Phật. Hàng trăm pho tượng nhỏ, bình thường không gây được trong lòng người sự khởi kính và lòng tin mạnh mẽ. Từ lâu nay, tôi có ý định chỉ thờ trên chùa ba pho tượng: A Di Đà ở giữa, hai vị Bồ tát (Đại Thế Chí và Quán Thế Âm – TG) lập hai bên. Tượng phải thật nguy nga, đồ sộ. Tôi muốn làm một điều gì thật khả dĩ khiến người nước ngoài phải chú ý tới phật giáo Việt Nam. Hơn nữa, đề cao trình độ văn hóa - mỹ thuật nước nhà, ghi nhận bước tiến mới trong kỹ thuật đúc tượng…”.

Ý tưởng của ông được các tăng ni, phật tử và toàn cư dân, nghệ nhân và thợ đúc đồng làng Ngũ Xã (nay thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) nhiệt tình ủng hộ. Một phong trào vận động quyên tiền của cả trong làng và các làng lân cận được phát động. Kết quả, đã thu được 800.000 đồng Đông Dương và lượng lớn vàng để xây dựng chùa.

Những tay nghề tuyệt diệu

Một ban chỉ đạo kỹ thuật được bầu ra do các thợ cả tinh thông tay nghề và đứng đầu là Nguyễn Văn Tùy. Các thợ lành nghề trợ giúp gồm: Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Văn Dùng và Lại Văn Ngân. Thiết kế mẫu do ông Nguyễn Văn Hậu, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đảm nhận. Để làm được công trình trình kỳ vĩ này, kíp thợ đã làm việc trong suốt 3 năm (1949 - 1952). Từ tính toán và bản vẽ trên giấy rồi làm khuôn mẫu, ghép trong, lồng ngoài… cho tới nấu đồng nóng chảy để rót vào khuôn là cả một quá trình học hỏi, lao động miệt mài và sáng tạo của kíp thợ.

 Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng tại chùa Thần Quang do nghệ nhân làng Ngũ Xã đúc từ năm 1949-1952.

Ngày 25/10/1952 khởi đầu cho công đoạn quyết định: Nấu đồng chảy để rót vào khuôn. Riêng công đoạn này, ban chỉ đạo đã phải huy động đến 300 người nấu đồng và phục vụ đúc tượng. Từ ngày 26/10/1952 (tức ngày 8/9 năm Nhâm Thìn), nhiều người dân gần, xa đã nô nức đổ về làng Ngũ Xã như đi hội, là tín hiệu tốt lành với sự thành công của việc đúc đại tượng này. 10 giờ sáng hôm đó, đồng được rót vào khuôn. Công việc tiến hành liên tục cho tới 13 giờ 10 phút. Đó là 3 tiếng đồng hồ lịch sử của người dân Ngũ Xã…

Đây là pho tượng thể hiện trình độ kỹ thuật đúc đồng có một không hai của Việt Nam: Đúc liền khối mà rỗng. Nét mặt ngài cân đối, đầy vẻ từ tâm, trang nghiêm mà đôn hậu của Đức Vô lượng quang Phật, Vô lượng thọ Phật...

Đại tượng Phật A Di Đà hiện đứng thứ hai về trọng lượng, chỉ sau đại tượng Đức Phật tổ Như Lai của nghệ nhân Vũ Văn Thuấn (làng đúc đồng Ý Yên, Nam Định). Ngày 14/9/2002, đại tượng này được rước từ cơ sở đúc đồng Ý Yên về an tọa tại chùa Non Nước (Sóc Sơn, Hà Nội). Đó là kỷ lục mới thời khoa học - kỹ thuật hiện đại. Cả hai vị đại tượng này đã trở thành huyền thoại sống, ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng mọi tăng ni, phật tử, khách hành hương và là minh chứng sống về sự phát triển của nghề đúc đồng Việt Nam.


Tác giả: Hồng Quang/Nguồn: www.baocongthuong.com.vn
loading...