Kiến thức
Cuộc sống thú vị của người tu
Chủ nhật, 22/08/2022 04:46
Người xuất gia cũng nhiều hoạt động “giải khuây” chứ chẳng phải ít: tụng kinh, ngồi thiền, khi nào ngồi mệt thì đứng dậy kinh hành, lạy Phật.
Ngày xưa, tức là cái ngày mà Phật còn tại thế, Ngài và chư vị đệ tử cả Thánh lẫn phàm, mỗi buổi sáng đều đi trì bình khất thực từ thôn xóm này đến làng mạc nọ. Buổi trưa về trú xứ để thọ trai, có khi là một gốc cây ven đường hay an cư tại tinh xá (nếu mùa mưa). Chiều đến, các ngài vấn đạo, thiền tư, thiền tọa, kinh hành và buổi đêm cũng như vậy. Cuộc sống đơn giản mà vui. Bằng chứng là vị Tỳ-kheo Bhaddiyā đã cảm thấy đời sống an lạc hơn trước kia, tuy ông làm vua nhưng không được hạnh phúc:
“Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng “An lạc thay! An lạc thay!”.
(Tiểu bộ, Kinh Phật tự thuyết, bài kinh 1.20 - Bhaddiyā)
Cũng có trường hợp không được an lạc như vậy. Đó là trường hợp của hoàng tử xứ Bạt-kỳ (Vajji) xuất gia làm sa môn, câu chuyện được kể lại trong Tích truyện Pháp Cú, phẩm Tạp Lục, câu kệ 302. Một tối nọ kinh hành trong rừng gần thành Tỳ-xá-ly (Vesāli), sư nghe tiếng người nô đùa, đàn hát tiệc tùng. Tâm sư bất an. Sư cũng muốn vui cuộc vui đó và tự nghĩ: “Nếu không đi tu thì giờ này ta đã là vua của một đất nước rồi, có ai bất hạnh hơn ta không? Đời sống xuất gia thật cô độc và bất hạnh, như khúc cây bị vứt bỏ giữa rừng, thật là khổ sở biết chừng nào!”.
Hai câu chuyện, hai mảnh đời, hai cảm nhận nhưng cùng một địa vị xã hội.
Chúng ta thời nay thì sao? Vui hay buồn với đời sống tu hành?
Vui hay buồn cũng tại bản thân mà thôi. Tỳ-kheo Bhaddiyā đã trung niên tuổi, đã trải qua “nửa đời hương phấn” nên chán ngán thế sự. Hoàng tử xứ Bạt-kỳ còn trẻ, còn hừng hực sức trai nên tính tình ham vui, thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là đằng sau sự việc đó, có phấn chấn tu tập tinh tiến trở lại hay không mới là điều đáng nói.
Một người tại gia có rất nhiều sinh hoạt giải trí khuây khỏa như tụ tập bạn bè ăn uống, đi xem phim, đi ca hát, đi nhậu nhẹt, đi các khu vui chơi...v.v...
Người xuất gia cũng nhiều hoạt động “giải khuây” chứ chẳng phải ít: tụng kinh, ngồi thiền, khi nào ngồi mệt thì đứng dậy kinh hành, lạy Phật. Ngoài ra, có thể viết văn làm thơ, đọc sách, nghe pháp. Đó là những hoạt động nội tại cá nhân. Mặc khác, ta có thể phụng sự đóng góp cho đời bằng những chuyến đi từ thiện, phóng sanh, tổ chức khóa tu học cho Phật tử tại gia. Ta đi dạy, ta giảng kinh, ta thuyết pháp. Ta xê dịch hình bóng sa môn trên khắp mọi nẻo đường, cốt yếu để nhân gian có niềm tin yêu hơn với những người khất sĩ. Đạo Phật đại thừa nâng Từ Bi ngang tầm với Trí Tuệ chính ở chỗ này.
Làm gì thì làm, mỗi ngày vẫn nhớ dọng tiếng chuông chùa, khiến nó ngân vang là được!
“Tiếng chuông chùa hay tiếng lòng tỉnh thức
Thức tỉnh mình, thức tỉnh cả thế nhân.”