Sách Phật giáo

Để trở thành người phật tử chân chính (P.10)

Thứ sáu, 22/08/2014 03:13

Sám hối có thể xem như sự mạnh dạn ăn năn nhận lỗi của người thế gian khi mình làm cho người nào đó buồn phiền, tức giận. Trong Phật giáo cũng thế, ý suy nghĩ điều xấu ác, lời nói không khéo dẫn đến thân hành động sai, nay nhận ra lỗi lầm của mình ta tha thiết hối lỗi, ăn năn sám hối quyết không tái phạm nữa.

BÀI 10- SÁM HỐI ĐỂ TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG

Đã làm người ai cũng có thể phạm phải lỗi lầm, nếu chúng ta can đảm đến trước bàn Phật hay gặp người có đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi sẽ nhanh chóng được tiêu trừ. Chúng ta là những phàm phu do vô minh si ám che lấp nhiều đời, là người đang thực tập hạnh buông xả theo lời Phật dạy nên không sao tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Chúng ta biết có lỗi nên thành tâm sám hối không dám tái phạm khiến tội lỗi được tiêu trừ cho đến khi không còn nữa. Sám hối là phương pháp sách tấn mạnh mẽ nhất đối với người Phật tử chân chính, nhờ vậy ta càng ngày càng ít vấp phải lỗi lầm hơn.

Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời hoặc chối bỏ sự thật của tội lỗi mà tìm cách sám hối để làm mới lại chính mình. Sám hối là sám lỗi trước, nguyện không cho tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh kể từ ngày hôm nay. Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến.

Sám hối có nghĩa là ăn năn hối cải những tội lỗi đã làm, chúng ta biết hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm nữa. Nhờ sám hối chúng ta không phạm tội cũ, không gây lỗi mới là nhờ biết hổ thẹn và xấu hổ. Chúng ta biết hổ thẹn và cầu tiến nên ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát chừa bỏ không lập lại lỗi lầm xưa.

Sám hối có thể xem như sự mạnh dạn ăn năn nhận lỗi của người thế gian khi mình làm cho người nào đó buồn phiền, tức giận. Trong Phật giáo cũng thế, ý suy nghĩ điều xấu ác, lời nói không khéo dẫn đến thân hành động sai, nay nhận ra lỗi lầm của mình ta tha thiết hối lỗi, ăn năn sám hối quyết không tái phạm nữa.

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm chúng ta có thể đổ thừa cho người khác. Ai cũng cho rằng bản thân mình đúng, thật ra người không biết nhận lỗi chính là muốn qua mặt người khác. Chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác để họ phải chịu mang tiếng xấu, đó là điều không nên làm của người Phật tử chân chính.
 Ảnh minh họa
Bất kỳ một sai lầm nào cũng có trách nhiệm của chúng ta và không ai khác chính chúng ta biết rõ mình đang lừa dối mình và người khác, tại sao chúng ta không dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm đó. Đổ lỗi cho người khác là một thói quen xấu gây ra sự chia rẽ và hiểu lầm nhau mà dẫn đến oán giận, thù hằn không có ngày thôi dứt. 

Chúng ta hãy học cách nhận lỗi về phía mình, hãy tự xấu hổ với chính mình và đừng bao giờ đổ lỗi cho những người xung quanh. Đó là hành động của kẻ tiểu nhân, người hèn nhát, không phải là người Phật tử chân chính.

Khi chúng ta biết nhìn nhận lỗi về phía mình, chúng ta sẽ nhìn thấy được những sai lầm của bản thân. Rất nhiều người có thói quen xấu, họ thà chết đem theo chứ không chịu nhận lỗi dù biết mình làm sai vì sĩ diện và vì lòng tự trọng quá cao.

Sám hối trong nhà Phật có ý nghĩa tương tợ như cách xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn thì biết mình có lỗi nên gan dạ đến xin lỗi. Nếu người rộng lượng họ sẽ tha thứ, người quá cố chấp thì cũng giảm bớt đôi chút buồn phiền. Biết ăn năn lỗi cũ, không gây tạo tội mới thì tội lỗi ngày càng được tiêu trừ theo thời gian.

Chúng ta khi làm điều gì sai quấy mà không chịu phát-lồ sám hối vì sợ người khác biết mà khinh thường, mất danh tiếng nên cố tình che giấu thì không ngờ tội lỗi ngày càng thêm chất chồng. Chúng ta hãy nhớ rằng, người có lỗi mà biết xin lỗi hoặc phát lồ sám hối là một điều tốt, cũng như chiếc áo dơ chúng ta giặt thì áo sẽ mới sạch trở lại. Khi chúng ta cố tình che giấu tội lỗi thì tội lỗi ngày càng thêm lớn và trong lòng thường ăn năn, ray rức, buồn bã không yên. 

Chính vì thế, khi chúng ta có lỗi thì không được che giấu mà phải phát-lồ sám hối, phát nguyện chừa bỏ không tái phạm nữa thì tội ấy dần hồi mới được trong sạch. 

Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã dù ít hay nhiều, nhưng điều quan trọng hơn hết là khi bị vấp ngã ta có can đảm đứng lên hay không. Với lòng thành tha thiết chúng ta đảnh lễ Phật - Bồ - tát, quì gối chí tâm phát lồ sám hối và phát nguyện chừa bỏ, cầu chư Phật - Bồ - tát chứng minh để ta có đủ lòng tin vượt qua tội lỗi và không tái phạm nữa. 

Tuy nhiên, khi đã thành tâm sám hối lẽ ra chúng ta không được tái phạm lỗi lầm cũ, song vì tập khí thói quen nhiều đời đã khiến cho ta phạm lại lỗi lầm xưa. Chúng ta biết mình đã dở lắm rồi, do đó phải kiên trì, bền chí thành tâm sám hối đừng nản lòng thì có ngày sẽ dứt trừ được tội lỗi. 

Sám hối với tinh thần cầu tiến biết hổ thẹn và mạnh dạn vạch trần những lỗi lầm đã làm với lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm nữa, người này chắc chắn sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau. Người biết hổ thẹn sẽ không dám để tội lỗi phát sinh hoài, nhờ vậy tội lỗi sẽ dần được tiêu trừ.

Chúng ta tu mà không gan dạ sám hối thì quả là người hèn nhát, luôn che dấu tội lỗi thì không thể nào chuyển hóa hết phiền muộn, khổ đau do tham lam, sân giận và si mê gây ra. 

Người biết sám hối là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối thì dù chúng ta là người xuất gia đi nữa cũng chưa phải là người biết tu. Sám hối với tâm chí thành, một lòng tha thiết xấu hổ về những lỗi lầm đã phạm và dứt khoát không tái phạm nữa thì người này sẽ từ từ hết tội. 

Nhờ sám hối mà tâm ta ngày càng trong sạch. Dám sám hối là một việc làm can đảm, khiến tâm cống cao ngã mạn, tự ti, mặc cảm, lần lần thuyên giảm, nhờ vậy ta càng ngày càng sống tốt hơn và ít phạm phải lỗi lầm.

Tu mà không gan dạ sám hối quả thật là người hèn nhát, không xứng danh là một con người. Sám hối là phương pháp sách tấn mạnh nhất, nhờ sám hối dù có tạo tội bao nhiêu chúng ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau.

Trong kinh đức Phật thường tán thán: "Ở đời có hai hạng người đáng được khen ngợi. Hạng thứ nhất là người không có gây tạo lỗi lầm, hạng thứ hai là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối hứa chừa bỏ". 

Tất cả mọi chúng sinh trong đời sống hằng ngày không ai là không có lỗi do vô tình hoặc cố ý tạo nên. Phật tử chân chính là người dám mạnh dạn nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm phải. Trong Phật giáo sám hối không phải là "rửa tội" hay "xá tội" như một số quan niệm của các tôn giáo khác, đây là một hành động có ý thức khi mạnh dạn nhận ra lỗi lầm để rồi sau đó tự mình sửa đổi.

Tóm lại, sám hối là một phương pháp tu hành rất thiết thực, có lợi ích cho hiện tại và mai sau. Người đời vì không biết nên một khi có lỗi lầm thì ém nhẹm, giấu diếm, không cho ai biết và tìm cách che giấu tội lỗi. Vì thế, tội lỗi ngày càng thêm chồng chất, cuối cùng hết phước sẽ chịu họa khổ đau không có ngày thôi dứt. 

Người xưa nói: "Dù người có gây tạo tội lỗi tới đâu mà biết ăn năn sám hối thì cũng có ngày hết tội". Ai làm người mà biết hồi đầu tỉnh thức thì khi lầm lỗi sẽ biết sám hối là điều cần thiết cho tất cả mọi người.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


loading...