Sống an vui

Du lịch thuần chay lên ngôi

Thứ bảy, 07/02/2023 02:55

Nhu cầu “xê dịch” của người dân tăng cao, cùng với những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để lại, dự kiến sẽ tạo nên nhiều xu hướng du lịch mới trong năm 2023. Các hoạt động chăm sóc cơ thể như spa, yoga, ăn chay, thiền định… sẽ trở nên phổ biến trong các chuyến nghỉ dưỡng...

Audio

 “Veganury”- tháng Giêng ăn chay là thử thách hàng năm do một tổ chức phi lợi nhuận ở Anh khởi xướng từ năm 2014 nhằm khuyến khích trải nghiệm lối sống thuần chay trong vòng một tháng. Trong bối cảnh đại dịch, người dân toàn cầu ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ bền vững giữa con người với môi trường sống. Do đó, trong hai năm 2021 – 2022, thử thách Veganuary đã vượt ra phạm vi nước Anh, truyền cảm hứng cho hàng triệu người ở 192 quốc gia áp dụng “sống xanh” trong tháng 1 Dương lịch và tháng Giêng (tại các quốc gia theo Âm lịch) cùng nhiều thời gian khác trong năm.

Trào lưu du lịch ăn chay thịnh hành trên toàn thế giới

Từ các phong trào ăn chay như thử thách Veganuary, nhiều năm qua trào lưu du lịch ăn chay đã thịnh thành trên thế giới. Du lịch ăn chay không chỉ phục vụ đối tượng người ăn thuần chay, mà cả những người mới ăn chay lần đầu hoặc những người muốn tìm một trải nghiệm mới để gần gũi với thiên nhiên hơn. Từ đó, khái niệm du lịch thuần chay (vegan tourism) được hình thành và ngày càng trở nên phổ biến.

ĐẬU HỦ RANG MUỐI HỒNG KÔNG VÀ GỎI NẤM CẦU VỒNG
 Việt Nam với nền ẩm thực phong phú có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thuần chay. - Ảnh: Mầm Vegetarian

Không đơn thuần là chỉ sử dụng thực phẩm chay trong chuyến đi, nhiều khách du lịch thuần chay còn hạn chế sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng tiêu cực đến động vật, hoặc các hoạt động du lịch có khai thác liên quan tới động vật. Một nghiên cứu vào tháng 8/2022 của Công ty tư vấn Anh Simon-Kucher & Partners, có trụ sở tại 27 quốc gia trên thế giới, cho thấy 61% số người dân nước này khi được hỏi đều sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một chuyến du lịch “xanh”. Họ chấp nhận di chuyển bằng những phương tiện giao thông xả ra ít khí thải hơn như xe điện, xe đạp; ăn chay; dùng mỹ phẩm thuần chay; hạn chế tối đa dùng cốc nhựa, chai nhựa và ưu tiên vật liệu tái chế.

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thuần chay trong những năm qua đã giúp những lựa chọn của khách du lịch thuần chay trở nên phong phú hơn rất nhiều về cả điểm đến và nơi lưu trú. Đầu năm 2019, Tập đoàn Hilton đã khai trương phòng suite thuần chay đầu tiên tại khách sạn Hilton London Bankside, mang đến trải nghiệm du lịch thuần chay toàn diện cho du khách. Từ bàn làm thủ tục check-in, sàn nhà, thẻ mở cửa phòng cho đến các tiện nghi như chăn, thảm, đồ dùng phòng tắm, minibar,… đều được làm từ những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và thân thiện với người ăn chay.

Sự tăng trưởng của chuỗi khách sạn Veggie Hotels của Đức với hơn 500 cơ sở lưu trú trên toàn thế giới dành cho khách du lịch thuần chay cũng là một minh chứng cho tiềm năng phát triển của xu hướng du lịch này. Khách sạn Aloft của Marriott Bonvoy gần đây đã bổ sung thêm các món ăn sáng thuần chay và bàn buffet chay tại các sảnh lớn ở hơn 150 khách sạn Bắc Mỹ. Khu nghỉ dưỡng Anse Chastenet ở St. Lucia thì cung cấp các lớp học nấu ăn thuần chay, nhà hàng thuần chay và các loại bia thuần chay sản xuất tại chỗ từ sắn và trái cây.

Công ty lữ hành Responsible Travel (tạm dịch: Du lịch Có trách nhiệm) tại Anh cho hay, số lượng đơn đặt phòng cho các kỳ nghỉ du lịch thuần chay của họ đã tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây, cụ thể tăng 120% từ năm 2019 đến đầu năm 2021. Công ty lữ hành Vegan Real Food Adventures thì cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ghi nhận sự bùng nổ về chủ nghĩa ăn chay và số lượng du khách theo lối thuần chay tìm các tour đến Ấn Độ, Thái Lan và Italia.

Bà Johanna Bonhill-Smith, chuyên gia phân tích Du lịch & Lữ hành tại GlobalData cho rằng lối sống thuần chay đang ngày càng có sức hút và không còn là một thị trường ngách nữa. “Mức độ hài lòng càng cao thì cơ hội thu hút khách hàng trung thành càng lớn. Đây là triển vọng phục hồi cho các doanh nghiệp du lịch. Nếu các hãng lữ hành mong muốn mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa cho từng du khách, thì thuần chay sẽ là một khía cạnh cần được quan tâm nhiều hơn và không thể bỏ qua”, bà Bonhill-Smith nhận định...

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam

loading...