Chùa Việt

Giác Lâm - ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Nam

Thứ sáu, 04/03/2013 01:36

Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Tổng các hạng mục của khu Tam Bảo gồm: chính điện, trai đường và giảng đường, bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật

Chùa tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa được xây cất vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744). Lúc đầu, chùa có tên là Sơn Cang, còn gọi là chùa Cẩm Đệm. Vào năm 1774, Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc, trụ trì chùa Từ Ân, đã đổi tên chùa Sơn Cang thành chùa Giác Lâm và cử Thiền sư Viên Quang về trụ trì, theo dòng thiền Lâm Tế.

                                                      Cổng tam quan

Chùa đã được trùng tu nhiều lần, lớn nhất là lần trùng tu là vào các năm 1798-1880. Lần đại trùng tu thứ hai vào các năm 1908-1909. Lần trùng tu thứ hai này, chùa đã sử dụng 7.454 đĩa kiểu cẩn dọc theo hai mặt tường của tây đường, điện Phật, tháp Tổ, nóc mái v.v. . . và còn giữ đến nay. Kiến trúc chùa hiện nay mang rõ dấu ấn của lần trùng tu thứ hai này.

                                                     Toàn cảnh chùa

                                                                               Ngôi Chính Điện

Các năm sau đó chùa sửa chữa và xây thêm các phần phụ. Năm 1939-1945, xây tường rào. Năm 1955, xây tam quan. Sau năm 1975, lợp lại ngói, lót gạch ở sân trước chính điện, xây cổng tam quan bên ngoài.

Năm 1994, chùa hoàn thành bảo tháp Xá lợi Phật 7 tầng, hình lục giác, cao 32,70m, diện tích hơn 600m2. Tầng dưới cùng thờ tượng Di Đà Tam Tôn, các tầng kế trên thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát như: đức Phật Thích Ca, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Di Lặc, giữa là tháp Xá lợi thờ đức Phật Thích Ca.

                                             Bảo tháp Xá lợi

Chùa có hai tam quan và ba khu tháp mộ. Tam quan cũ được xây dựng năm 1955. Tam quan mới được xây dựng năm 1999, sát đường Lạc Long Quân, cách tam quan cũ khoảng 80m. Hai cổng đều xoay mặt về hướng Nam. Khu tháp mộ có tổng cộng 47 tháp. Trước khu tháp tổ có miếu Linh Sơn thánh Mẫu.

Hai cột trụ Tam quan cũ có câu đối bằng chữ Hán:
Giác ngộ quảng khai từ thiện đồng lai quy hướng tổ
Lâm truyền phổ nhuận ngộ mê cộng hưởng tuệ vi đình.
(Giác giúp mở rộng lòng bi quay về nương với tổ
Lâm truyền nhuần khắp hiểu mê hưởng tuệ gọi là đình.)

Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Tổng các hạng mục của khu Tam Bảo gồm: chính điện, trai đường và giảng đường, bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật, chiều rộng 22m, chiều dài 65m. Trước chánh điện có sân hình chữ nhật, ngang 20m, rộng 10m. Trước sân là sân vườn, có miếu nhỏ đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá màu.  Trong sân vườn có cây Bồ đề do ngài Narada- một vị cao tăng của Tích Lan tặng.

                                                   Điện Phật

Chùa có đến 119 pho tượng (trong đó có 113 pho tượng cổ) với nhiều chất liệu khác nhau. Điện Phật gồm có ba bàn: Bàn Di Đà, bàn Hội đồng, bàn Tam Bảo.

Tập tin:Inside Giac Lam Pagoda.jpg
                                 Một số tượng cổ thờ tại chùa
 
                                                Đài Quan Âm

Chùa còn bảo tồn nhiều công trình chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao: 23 bao lam chạm lộng, 23 bức hoành phi, 86 câu đối, 46 bàn thờ và nhiều pháp khí, đồ thờ cổ . . .

Nhà Tổ có đôi câu đối:
Tự cổ tăng nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ
Sơn thâm thế cách, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.
(Chùa cổ tăng nhàn, thường lấy yên hà vui bầu bạn
Non cao thế cách, chỉ nhờ cây cỏ nhớ thời gian.)


              Tháp Tổ

                Đĩa kiểu trang trí ở nóc chùa
 
Chùa Giác Lâm là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất. Nhiều vị cao tăng xuất thân từ ngôi chùa này đã vân du hoằng hóa khắp vùng đất Nam bộ.

                             Sinh viên trường du lịch viếng chùa
 
Hiện nay, chùa Giác Lâm là ngôi chùa có số lượng du khách đến viếng đông nhất  tại thành phố Hồ Chí Minh.


Thích Tâm Bình- Kim Liên
loading...