Sách Phật giáo

Giáo dục Hình đồng Sa di - Nền tảng của giáo dục Phật giáo

Thứ sáu, 15/05/2014 09:32

Muốn chấn chỉnh Phật pháp thì công việc thiết yếu nhất đó là hoàn chỉnh sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài, mà trọng tâm là giai đoạn giáo dục Hình đồng và Sa di. Chỉ có giáo dục Sa di như pháp, đúng qũy đạo thì hết thảy sự tu học sau này mới có nền tảng vững chắc và phát triển thăng hoa.

Ngày 26/03/2014, tại Trường Trung cấp Phật học Tp.Hà Nội (số 2 phố Thanh Bình, P.Mộ Lao, Q.Hà Đông) đã diễn ra Hội nghị Ban Giáo dục Tăng, Ni Tp.Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của Thượng tọa Thích Tiến Đạt với tiêu đề "Giáo dục hình đồng Sa di - Nền tảng của toàn thể hệ thống giáo dục Phật giáo" điều đó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về câu nói: “Qúy Hồ Tinh - Bất Qúy Hồ Đa".

DẪN NHẬP: 

Nói đến hoằng dương Phật pháp, trang nghiêm Tam Bảo, hoàn toàn quan hệ đến tố chất và hành nghi của tăng ni xấu hay tốt. Vì thế muốn Tam Bảo thường trụ, hưng long, thật chứng, thì công việc quan trọng nhất chính là công tác giáo dục đào tạo tăng tài. Nhưng công tác giáo dục đào tạo Tăng tài, nội dung có ngàn vạn đầu mối, do thời đại thay đổi mà có những trọng tâm khác nhau, chẳng thể nói đại khái mà hết được. Căn cứ vào quan điểm đó mà nhìn nhận thì giai đoạn giáo dục tập sự xuất gia (Hình đồng và Sa di) là quan trọng nhất.

Giáo dục truyền thống của Phật giáo Việt Nam là giáo dục sơn môn tự viện, dùng phương thức thị phạm - thân giáo và ngôn giáo để kiện toàn chỉnh thể giáo dục sinh hoạt xuất gia tại tùng lâm tự viện. Tuy nhiên, quan niệm giáo dục không thật minh xác về mục đích, nội dung và phương pháp. Hiện tại nền giáo dục Phật giáo đã chuyển từ giáo dục sơn môn sang giáo dục học đường, đối với phương thức giáo dục truyền thống hoàn toàn bị lãng quên. Mặt khác, các sơn môn không còn sự duy trì, phát sinh chế độ nhất tăng nhất tự, các bậc long tượng lại vắng bóng…

Do các điều kiện hoàn cảnh khách quan và chủ quan nên giáo dục truyền thống đã không có điều kiện để duy trì. Giáo dục học đường hiện nay, ngoại trừ một số ít có tố chất căn bản ra phần lớn đều không có kết qủa tốt.

Đối với phương pháp giáo dục hiện nay là dựa vào lối giáo dục học đường của thế tục mà kiến lập, tuần tự nhi tiến, học nhiều xen tạp, chú trọng kiến thức mà thiếu thực hành, Tăng Ni học chung, học tập, sinh hoạt và tu tập tách rời nhau. Người dạy và người học dường như không có mối liên hệ Thầy - Trò, có quản chúng mà không có Sư phụ, trọng ngôn giáo mà thiếu đi thân giáo.

Chỉ có thiểu số quản lý đa số mà là tăng tục, nam nữ tạp loạn, sinh hoạt hành vi, uy nghi tiến thoái không người uốn nắn rèn cặp. Khóa lễ khóa niệm, tiếng chuông tiếng mõ, giọng điệu xướng tán, tiến chỉ lễ lạy đều không được chỉ dạy. Khóa trình phức tạp mà không tinh thuần thực tế.

Các giảng sư kiến giải sai khác, không cách gì điều thích được, qúa chú trọng kiến giải và học thuật, mà thiếu đi hành trì, rèn luyện thân tâm…

Tạp loạn, mơ hồ, không có thứ lớp, thiếu tính chỉnh thể, thiếu tính thứ lớp, tăng ni lẫn lộn, thiếu thực tu, đạo tâm không kiên cố, tăng cách không đủ đó chính là kết qủa của giáo dục học đường hiện nay thì sẽ không có được tăng tài cho Phật pháp.
 TT.Thích Tiến Đạt phát biểu
Giáo dục Sa di (Bao quát Sa di Ni - Thức xoa) chính là thành tựu một vị Tỷ khiêu (Ni) trong tương lai, đây là giai đoạn giáo dục cơ bản, nền tảng. Ngày nay tố chất phẩm đức của người xuất gia không được tốt, xem xét kỹ không phải ở kiến thức, tri thức không đủ mà chính là thiếu sự huấn luyện tu dưỡng về Hành nghi và Đạo tâm cơ bản, mà có quan hệ đến phương diện giáo dục chính là giai đoạn giáo dục Hình đồng và Sa di. Thực tế giai đoạn này hoàn toàn do nghiệp sư huấn luyện, do sự sai khác về nhận thức, phương thức và trình độ của các nghiệp sư đã đào tạo nên những sản phẩm không hoàn thiện.

Do vậy, muốn chấn chỉnh Phật pháp thì công việc thiết yếu nhất đó là hoàn chỉnh sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài, mà trọng tâm là giai đoạn giáo dục Hình đồng và Sa di. Chỉ có giáo dục Sa di như pháp, đúng qũy đạo thì hết thảy sự tu học sau này mới có nền tảng vững chắc và phát triển thăng hoa.

I. Sa di - Danh nghĩa và phân loại 
Sa di là dịch âm tiếng Phạm. Trung Quốc có ba cách dịch:

1. Cựu dịch Sa di - Luật sư Đạo Tuyên dịch nghĩa là Tức Từ: Dứt trừ thói nhiễm thế tục, nuôi dưỡng lòng từ bi, cứu vớt chúng sinh. Tân dịch có hai: 1. Đại sư Huyền Trang dịch là Thất Lợi Ma La Lộ Ca dịch nghĩa là “Cần sách” tức là tinh tiến siêng năng, không lười biếng, cảnh tỉnh sách tiến xa lìa các điều ác; 2. Đại sư Nghĩa Tịnh dịch là: “Thất Na Mạt Ni” dịch nghĩa là “Cầu tịch” nghĩa là cầu lấy Tịch Tĩnh viên mãn, cứu kính cực quả Niết Bàn. Sa Di có hai loại ba phẩm (xem trong Sa Di Luật nghi yếu lược tập giải).

Từ ý nghĩa của Sa di đã nói trên để khảo sát: “Tức Từ” là coi trọng việc đoạn trừ tập nhiễm thế tục, đồng thời bồi dưỡng lòng từ bi không giết hại, thương xót cứu giúp chúng sinh “cần sách” thì coi trọng sự tích cực tu tập, siêng năng làm việc khó nhọc, phục vụ đại chúng để bồi dưỡng gieo trồng phúc báo. Đến như “Cầu Tịch” thì coi trọng khai phát đạo tâm xu hướng Đại thừa, cầu chứng giải thoát Niết Bàn. Tuy nhiên đây cũng là mục đích chung của hết thảy hành giả tu học Phật Pháp. Nhưng trên danh nghĩa Sa Di để thấy được mục đích giáo dục là tu học của giai đoạn Sa Di phải chú trọng vào những điểm này. (Xem thêm Sa di Luật nghi yếu lược - Tập giải).

II. Đối tượng và thời điểm giáo dục Sa Di:

Giáo dục Sa Di theo nghĩa hẹp mà nói thì đối tượng của nó đương nhiên là Sa Di (Ni), nhưng theo nghĩa rộng mà luận thì là giai đoạn giáo dục chuẩn bị cho Tỷ khiêu (Ni). Thời điểm bắt đầu từ khi còn là Bạch y chuẩn bị xuất gia đến ở trong chùa làm Tịnh nhân kéo dài cho đến khi thụ giới Tỷ khiêu (Ni). Trong đó tuy có nhiều trọng tâm và phương thức khác nhau cho từng thời điểm cụ thể nhưng đối tượng của nó chỉ bao hàm trong hai loại ba phẩm sau đây:

                                                Khu ô
1. Hình đồng Sa Di     Ứng pháp
                                                Danh tự
                                                Khu ô
2. Pháp đồng Sa Di     Ứng pháp
                                                Danh tự

Đối với Ni chúng thì thêm Thức Xoa Ma Na Ni

Do vậy, nếu đứng trên quan điểm quảng nghĩa thì giáo dục Sa Di bao hàm từ thời điểm chuẩn bị xuất gia đến chùa làm Tịnh nhân, cạo đầu làm Hình đồng, thụ giới làm Sa Di cho đến khi đăng đàn thụ giới Cụ túc.

Trong giai đoạn này, tuy căn cứ vào tố chất, tuổi tác và thụ giới có sai khác mà có trọng điểm giáo dục khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu. Vì thế việc xác lập mục tiêu và hoàn thành mục tiêu giáo dục Sa Di chính là trọng tâm mà giáo dục Phật giáo cần phải nỗ lực hoàn thành.

III. Đặc tính và trọng tâm giáo dục Sa di
 
Bắt đầu từ việc một người phát tâm xuất gia, đến ở chùa với thân phận là một Tịnh nhân, cho đến khi đăng đàn thụ giới Cụ Túc, bất luận là tuổi tác, trình độ văn hóa, trình độ Phật học, cho đến thụ giới hay chưa đều thuộc giai đoạn giáo dục Sa Di.

Nhân vì một giai đoạn này xét về luân lý trong Phật Pháp thì họ có thân phận thấp nhất, chỉ có trong bối cảnh thân phận này, mới dễ dàng đặt định thực thi phương pháp giáo dục (như chấp lao phục dịch, học thuộc uy nghi cảnh sách, khóa tụng, tiếp nhận sự chỉ bảo của mọi người để mài mòn tập khí, siêng năng tụng kinh bái sám để tiêu trừ nghiệp chướng,…).

Căn cứ vào nhu cầu tu học lâu dài thì cách thức giáo dục và huấn luyện giai đoạn này là để tạo nên Tăng cách và sự tự lập cho một Tỷ khiêu (Ni) tương lai. Thậm chí, nhờ có nền tảng vững chắc của giai đoạn này, mới có thể đảm bảo cho tương lai tu học thành tựu, mà không bị dụ hoặc đi vào đường rẽ.

Hoặc giả cũng có người cho rằng: Kể cả đã thụ giới Cụ Túc vẫn phải bổ túc giai đoạn giáo dục Sa Di này. Sở dĩ có ý kiến này là vì có người trong giai đoạn làm Sa Di (Ni) chưa nhận được sự giáo dục một cách đúng đắn. Việc này giống như đối với một người đã trưởng thành, mà đi học tiểu học thật không thích hợp. Tỷ khiêu học lại giai đoạn giáo dục Sa Di cũng như vậy, khi ấy giáo dục Sa Di đối với một vị Tỷ khiêu mà nói (trừ trường hợp đặt biệt) đã là không khế lý, khế cơ, khế thời,…

Mặt khác, Tỷ khiêu là địa vị đại biểu cho Tăng Bảo cũng là địa vị thầy của trời người, căn cứ vào tinh thần giới luật và luân lý trong Tăng thì họ có địa vị cao, nếu không có lý do đặc thù mà lại giáng cấp lấy giáo pháp Sa Di giáo dục cho họ, đối với sự tu học của cá nhân hoặc giả hữu ích, song đối với luân lý và hình tượng của Tăng già dường như không ổn.

Hiện tại có không ít Tăng Ni chính kiến không đủ, đạo tâm không kiên cố, uy nghi không tốt, phóng túng rông rỡ, cống cao ngã mạn, khinh Pháp mạn Tăng, báng pháp hủy giới, tham đắm ngũ dục, thích làm thầy người, tâm địa hành vi thô tháo không khác gì thế tục… Xét kỹ việc đó há chẳng phải nhân vì không có chân làm tiểu, giai đoạn làm Sa Di (Ni) học hành khiếm khuyết đó ư?

Nuôi dạy Sa Di không như pháp liền đã cho họ thụ giới Cụ Túc, sau này ngày tháng qua đi, nếu như bản thân họ không học, không hiểu, không hành thì ai còn dạy bảo họ được? Ai quản lý được họ?

Người ta quả thật là “Vô tự tính” ban đầu phát hảo tâm xuất gia, bản thân họ đâu có muốn biến thành như thế, chỉ vì ban đầu họ không có được cơ hội giáo dục như pháp, nên sơ tâm đã bị sai lạc, chính pháp đã không được nhập tâm, lâu dần tập khí xấu ác từ vô thủy tự nhiên có cơ hội trỗi dậy. Trong hoàn cảnh thiếu khuyết cơ sở huấn luyện, đối mặt với tập khí từ vô thủy làm sao trụ vững được, lâu ngày hảo tâm xuất gia cũng thoái đọa, đó là điều tự nhiên.

Ngày nay tố chất, phẩm đức của người xuất gia trì trệ không thấy được cải thiện, đó là kết quả của việc xem thường giai đoạn giáo dục Sa Di.

Vì vậy có thể khẳng định giáo dục Sa Di chính là nền tảng căn bản của toàn bộ giáo dục Phật giáo. Trong giai đoạn giáo dục này cũng là thời cơ giáo dục hết sức trọng yếu. Một khi đã bỏ lỡ thời cơ, thì việc bổ túc, sửa đổi lại là hết sức khó khăn. Điều này những ai quan tâm đến giáo dục đào tạo Tăng tài nên đặc biệt chú ý. Giáo dục Sa Di có nội hàm đặc biệt rõ ràng đó là đặc biệt chú trọng phương pháp và thời cơ giáo dục.

Chỉ có nhận thức một cách đúng đắn tính trọng yếu của giáo dục Sa Di, mới làm tốt được giáo dục Sa Di (nó không giống với việc giáo dục học đường), mới kiến lập chân chính mục tiêu giáo dục, lý luận và phương pháp giáo dục Sa Di một cách phù hợp. Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay.

VI. Ý nghĩa của giáo dục Sa Di
 
Nếu như cho rằng giúp cho Sa Di đến trường học, lên lớp nghe giảng, ghi chép, tụng kinh, lễ Phật, chấp tác vì đại chúng phục vụ gọi đó là giáo dục Sa Di (Ni) thì e rằng đó là suy nghĩ qúa thô thiển. Lên lớp, tụng kinh, lễ Phật, chấp tác hoặc giả cũng là một bộ phận của nội dung giáo dục Sa Di, nhưng vấn đề ở chỗ, học môn gì, tụng kinh gì, lễ Phật như thế nào, chấp lao phục dịch của Sa Di là kiến lập ở quan niệm gì?

Một vị Tỷ khiêu cũng cần phải lên lớp, tụng kinh, lễ Phật, chấp tác nhưng hai vấn đề này thảy không giống nhau. Giống nhau là tu hành, nhưng tâm trí, tâm tính và tập tính xuất gia của Sa Di khác với Tỷ khiêu. Nếu đem tâm thái của Tỷ khiêu, phương pháp tu hành áp dụng cho hành giả Sa Di thì không thích hợp, đó là tu học vượt thứ lớp. Nhẹ nhàng thì tự phí công phu, khó mà thành tựu nghiêm trọng thì e rằng tu mù luyện càn, tri kiến điên đảo, thậm chí thoái thất đạo tâm.

Nói đến giáo dục Sa Di: Về nghĩa rộng chính là đối với một người đệ tử xuất gia chưa thụ giới Cụ Túc trao cho họ một sự giáo dục đặc thù. Về mặt biểu hiện thì định nghĩa này không có gì mới, nhưng trọng điểm của nó ở bốn chữ “Giáo dục đặc thù”. Giống như giáo dục mẫu giáo, tiểu học là một loại giáo dục đặc thù thì giáo dục Sa Di là một loại giáo dục đặc thù trong giáo dục Phật giáo mà không thể áp dụng theo lối giáo dục phổ thông của các trường Trung, Cao cấp Phật học hiện nay.

V. Tông chỉ giáo dục Sa Di

Như trên đã nói, giáo dục Sa Di là một giai đoạn giáo dục đặc thù, do vậy mục tiêu và nội dung giáo dục cần chỉ ra tông chỉ rõ ràng. Trên thực tế giáo dục học đường kết qủa không cao, nguyên nhân chủ yếu là do công tác giáo dục Tăng ni đối với tông chỉ giáo dục không có nhận thức rõ ràng, hoặc hỗn tạp, hoặc không xác định được. Do vậy xác lập chính xác tông chỉ giáo dục Sa Di, chính là làm tốt bước thứ nhất trong giáo dục Sa Di.

Vậy tông chỉ giáo dục Sa Di là gì? Trả lời cho một vấn đề này phải từ địa vị của Sa Di trong toàn thể chỉnh thể của Phật pháp để khảo sát.

Sau khi Phật thành đạo, ban đầu chuyển pháp luân nơi vườn Lộc Uyển, đều dùng phương thức Thiện Lai Tỷ khiêu độ cho nhóm năm người của ông Kiều Trần Như xuất gia, từ đó Tam Bảo được hình thành, pháp hóa lưu truyền bắt đầu từ đây.

Sau đó việc hoằng truyền và trụ trì Phật Pháp đều lấy Tam Bảo là trung tâm mà triển khai, đến sau khi Phật nhập Niết Bàn hoằng truyền và trụ trì Tam Bảo thì lại lấy Tỷ khiêu Tăng làm trung tâm mà đời đời truyền nối khiến chính pháp cửu trụ. Tăng tuy không được độ Ni, nhưng Ni chúng muốn thành tựu nhân duyên thụ giới Cụ Túc, cũng cần phải đối trước hai bộ Tăng Ni thụ giới mới được đắc giới như pháp. Thiện nam xuất gia cũng cần ở trong Tăng cầu vị Tỷ khiêu thích hợp đủ tư cách súc dưỡng Sa Di làm thầy thế độ, thụ giới. Do vậy về mặt lịch sử cũng như quy định của giới luật đều chỉ ra rằng Phật pháp lấy Tỷ khiêu làm trung tâm hoằng truyền và trụ trì.

Nếu nhận thức rõ điều này thì thấy người nam xuất gia trừ nhân tố tuổi tác mà không thể hoàn thành thân phận Tỷ khiêu ra, còn lại người xuất gia phải thành tựu Danh phù hợp với Thực bản chất của Tỷ khiêu, lấy đó làm mục tiêu trọng yếu tu học.

Tuy nhiên giải thoát không phân già trẻ, nam nữ, tăng tục, nhưng đứng trên phương diện lập trường phàm phu tu đạo mà nói: Thành tựu thân phận Tỷ khiêu như pháp; đối với tự thân chính là bắt đầu từ an trụ đạo tràng tu hành tự lợi, đối với người chính là thể hiện “Tam Bảo trụ thế” hoằng hóa độ sinh, cũng chính là yếu hạnh lợi tha.

Vì vậy, đối với người nam tử xuất gia mà nói, thành tựu như pháp, như luật pháp của Tỷ khiêu, Tỷ khiêu học hành và Tỷ khiêu thân phận (Ni chúng cũng như vậy) chính là cơ sở quan trọng tự lợi, lợi tha.

Do vậy, xét thấy thành tựu thân phận Tỷ khiêu có ý nghĩa quan trọng như thế, thì ở giai đoạn Sa Di, giai đoạn cơ sở nền tảng của Tỷ khiêu, nội hàm tu học và giáo dục tuy rất nhiều nhưng không ngoài hai vấn đề chủ yếu sau:

1. Tiêu trừ hết thảy chướng ngại trong ngoài Thân - Tâm để tương lai thành tựu một vị Tỷ khiêu như pháp.

2. Kiến lập hết thảy các điều kiện cơ sở cần và đủ để thành tựu một vị Tỷ khiêu như pháp trong tương lai.

Từ vấn đề kiến lập cơ sở, thì giáo dục Sa Di chính xác ở trình độ nào có thể xem là giáo dục nền tảng cho vị Tỷ khiêu tương lai? Từ vấn đề tiêu trừ chướng ngại thì giáo dục Sa Di hiển nhiên là một loại giáo dục đặc thù có đầy đủ tính giai đoạn, tính bức thiết, tính tất yếu, và tính đặc thù. Đó cũng chính là “giáo dục đặc thù” đã được nêu ở trên.

Vừa mới là Bạch y đổi thành người xuất gia, đây chính là giai đoạn trọng yếu lìa nhiễm nhập tịnh, nếu như không từ “quan điểm về thời gian”, nhận rõ “nhu cầu bức thiết” để chuyển hóa tập tính thế tục, chúng ta sẽ không biết làm thế nào để thiết lập khóa trình đặc thù cho giáo dục Sa Di, khiến cho trước khi thụ giới Cụ Túc đầy đủ điều kiện của một vị Tỷ khiêu “Đường đường tăng tướng, chúng đức uy nghiêm”.

Nên biết, một khi đã thụ xong giới Cụ Túc, tức là thân phận Tỷ khiêu (Ni) lập tức có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một vị Tỷ khiêu. Nếu trước khi thụ giới, không tùy học các pháp của Tỷ khiêu nên biết, tuy không chi tiết cụ thể, nhưng chí ít trên đại thể cũng phải có trình độ hiểu biết và kinh nghiệm thực hành nhất định mới được, sau khi thụ giới Cụ Túc nếu danh không xứng thực liền thành “Á Dương Tăng” (Tăng dê câm) mà không thể làm tròn bổn phận của Tỷ khiêu. Trong Hành Sự Sao có nói: “Uy nghi tiến chỉ của Sa Di, phàm chỗ làm, tu, luật đều chế đồng với Tỷ khiêu”. Chính lại là chỉ ra giáo dục Sa Di có đầy đủ nội hàm xác lập cơ sở của Tỷ khiêu hạnh.

Điều trọng yếu nhất trong hai vấn đề tông chỉ nêu trên chính là “Thành tựu một vị Tỷ khiêu như pháp”. Kỳ thực nói đến tu và học trong Phật pháp thì nội dung là vô lượng vô biên, khó có thể đưa ra một khóa trình thích hợp. Vì vậy trong công tác giáo dục Tăng ni thiết kế rất nhiều chương trình giáo dục trung cấp Phật học dành cho đối tượng là Sa Di, kết qủa xem ra nội dung rất phong phú, nhưng lại thiếu thực tiễn, mảy may không liên hệ đến trọng tâm giáo dục Sa Di (nếu có chỉ là hãn hữu).

Nên biết, hết thảy học trình giáo dục Sa Di đều phải lấy: “Làm thế nào để thành tựu một vị Tỷ khiêu (Ni) như pháp” để mà khảo cứu lấy đó làm trọng tâm. Đại bộ phận giáo dục Tăng ni khi đối diện với điều nghi ngại này đều cho rằng dần dần sẽ đúng quy luật, dần dần sẽ thành tựu. Vấn đề là thành tựu hạnh Tỷ khiêu (Ni) nào? Người xưa nói “Việc có trước sau, vật có gốc ngọn, biết có thấp cao thì gần với đạo vậy”.

Phật là bậc thầy giáo dục vĩ đại nhất, tùy cơ thuyết pháp, tùy bệnh cho thuốc, cho nên thích hợp căn cơ mà đạt kết qủa lớn.

Chúng ta là phàm phu, đối mặt với những thách thức to lớn trong công tác giáo dục đào tạo tăng tài nếu không xét kỹ thì nhầm mình, nhầm cho người, tội đó không nhỏ.

Mong rằng các tôn đức nhiệt tâm đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, quan tâm đến vấn đề này thì tương lai phật tử xuất gia có được diễm phúc lớn.

VI. Mục tiêu cụ thể của giáo dục Sa Di

Trên thực tế giáo dục Trung cấp Phật học (Sa Di) chỉ là trang bị một số kiến thức được gọi là “cơ bản” mà thôi. Giáo dục Sa Di đương nhiên có thể bị lý giải là một loại giáo dục cơ bản, vấn đề là hai chữ cơ bản này xem ra danh và thực còn chưa rõ ràng.

Đối với hai chữ cơ bản này trong giáo dục Sa Di hàm nghĩa thiết yếu nhưng lại thiếu khuyết mô phạm hữu hiệu, kết qủa khiến cho công tác giáo dục tăng, ni không có khả quan, không có đường hướng cụ thể, mà là đều dựa trên ý kiến chủ quan của mình, trăm nhà muôn vẻ không có sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục.

Ban giáo dục Tăng, Ni Trung ương cũng đã nhiều lần tổ chức Hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đào tạo Tăng tài, hy vọng bắt đầu từ sơ cấp (giáo dục tiền xuất gia), Trung cấp (giáo dục Sa Di), Học viện (Giáo dục Tỷ khiêu) có chung một bộ giáo trình thống nhất trong cả nước, nhưng trải qua bảy nhiệm kỳ của Giáo hội đến nay cũng chỉ là “bặt vô âm tín”.

Tuy có làm được việc đó đi chăng nữa chỉ bổ cứu một phần thiếu hụt về mặt nội dung mà không giải quyết triệt để được vấn đề giáo dục Sa Di.

Bởi vì khóa trình thích hợp, cố nhiên hỗ trợ cho giáo dục Sa Di được chuẩn hóa, hợp lý hóa và chế độ hóa, nếu như người đứng đầu các cơ sở giáo dục không nhận thức rõ tông chỉ của giáo dục Sa Di, thì giáo dục phần nhiều chỉ là khóa trình khô chết mà thôi (sự học không giúp gì cho sự tu).

Giáo dục sống là phải từ chữ nghĩa văn tự kiến giải dung nhập vào sinh hoạt thường nhật nhằm chuyển hóa tiêu trừ chướng ngại và kiến lập nền tảng cho một vị Tỷ khiêu như pháp trong tương lai.

Vì vậy phải căn cứ vào tông chỉ mà kiến lập mục tiêu cụ thể cho giáo dục Sa Di, mới là cải cách giáo dục phù hợp, hiệu quả.

Cuối cùng tông phong mỗi nhà mỗi khác, hoàn cảnh điều kiện trường lớp khác nhau, trình độ giảng sư sai biệt phương thức quản trị giáo dục bất đồng, thì việc ấn định một chương trình cụ thể chung cho cả nước phù hợp với tông chỉ và mục đích của việc giáo dục Sa Di lại chỉ là để tham khảo mà thôi.

Khảo sát hai hạng mục tông chỉ chúng ta cảm nhận một khái niệm mãnh liệt, tức là hết thảy giáo dục Sa Di đều lấy mục tiêu thành tựu một vị Tỷ khiêu như pháp trong tương lai “Đường đường Tăng tướng, chúng đức trang nghiêm”. Muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta cần có những tiêu chuẩn nào? Sau đây xin đề xuất 9 nội dung sau:

1. Kiến lập chính xác nhân địa xuất gia

Ngày nay người xuất gia ưu tú không nhiều, phẩm đức của tăng ni không được tốt, họ bị nhiều yếu tố tác động dẫn đến sự dao động, ương ngạnh không chịu tiếp nhận sự giáo dục, chỉ bảo của thầy tổ, tăng đoàn… Một trong những nguyên nhân trọng yếu chính là do không ít người đối với nhân địa xuất gia của mình không có nhận thức rõ ràng, hoặc nhận thức thiên lệch, thậm chí căn bản là điên đảo tà kiến.

Nhận thức chính xác, rõ ràng ý nghĩa, mục đích của xuất gia, nhận rõ thân là một người xuất gia, thì thân phận phải đầy đủ ngoại biểu, nội hàm, tri thức, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ như thế nào? Tăng ni sở dĩ là người xuất gia là đại biểu cho Phật Pháp thì hình tượng phải như thế nào?

So với người thế tục sự khác biệt lớn nhất là ở chỗ nào? Việc gì có thể làm, việc gì nên làm, việc gì không thể làm, không nên làm, việc gì nên học, nên hiểu, việc gì nên bỏ, nên xà lìa v.v… đó là những việc trong giai đoạn tịnh nhân, Sa Di cần nên nỗ lực nhận thức rõ ràng.

Giáo dục Sa Di là chỉ cho giai đoạn còn là Bạch y đến ở chùa làm Tịnh nhân cho đến trước khi thụ giới Cụ Túc. Trong thời kỳ của giai đoạn này, họ cần phải liễu giải và làm thuần thục bao nhiêu công việc?

Cho đến người làm thầy phải đủ tư cách, phẩm đức dẫn đường, dùng các phương tiện “trước nói sự khổ” để khảo lượng nhân tâm, lòng tin, sự quyết tâm và đạo hạnh v.v… để tránh sau này phải hối hận, thậm chí hoại tăng phá pháp.

Nêu ra những vấn đề này đều nên bắt đầu từ khi còn là Bạch y mới phát tâm xuất ra, mỗi bước đối với họ chỉ rõ, hỏi han, khảo nghiệm, quan sát, đợi trải qua một thời gian tối thiểu là ba năm để họ có nhận thức và quyết định chắc chắn mới nên cạo đầu cho xuất gia.

Nhưng trước hết phải chưng cầu ý kiến của tăng (ni) và phải được Tăng già chấp thuận mới được thế phát. Nên biết việc độ người xuất gia liên hệ đến tố chất của Tăng già và mạng mạch của Phật Pháp.

Do vậy đối với nội dung này công tác giáo dục nếu có thể làm được thực chất (tiểu già hơn bà sư non) thà để cho xuất gia chậm lại, không thể không khảo nghiệm mà vội vàng cho cạo đầu xuất gia, thì trong tương lai nếu họ chẳng phải bậc siêu quần bạt tục thì chí ít không đến nỗi tri kiến điên đảo, tự phiền não, não hại tăng chúng, phá hoại hình tượng của Phật pháp.

2. Xác lập tri kiến căn bản về Phật pháp
 
Nhận thức nhân địa xuất gia chân chính đương nhiên là một loại chính kiến, nhưng không đủ để dẫn dắt người tu hành đi đúng đường lối tu hành chân chính. Phải nên kiến lập cơ sở tri kiến đầy đủ, mới có thể trong quá trình học tập và trưởng thành phát sinh chính xác sự vận động của ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý.

Bởi vì tri kiến là nguồn động lực cho hết thảy hành vi. Vì thế sau khi hoàn thành được mục tiêu nêu trên, thì mục tiêu này lại là hết sức bức thiết.

Căn bản chính kiến được hợp lại từ hai bộ phận: Một là, thái độ học tập chân chính, hai là liễu giải chính xác dụng ý nội dung học tập và tính trọng yếu của nó v.v… Trong giáo nghĩa căn bản của Phật pháp là giáo nghĩa của Phật giáo nguyên thủy chung cho cả Đại tiểu thừa, hiển, mật để tránh đi qúa sớm đi vào tư tưởng của Tông phái, giúp cho tương lai học tập sâu rộng, bồi dưỡng tâm lượng rộng lớn. Điều chú ý là: Xác lập hai bộ phận chính kiến này đều không thuần túy, chỉ là chữ nghĩa giải thoát sáo rỗng trên lớp học mà cần phải áp dụng vào thực tiễn sinh hoạt thường nhật của người xuất gia mới gọi là hoàn thành được mục tiêu thứ hai này.

3. Thích ứng sinh hoạt xuất gia và thuần thục những kỹ năng cơ bản của người xuất gia
 
Xuất gia với tại gia có sự khác biệt rất lớn, chưa cần bàn về sự sai biệt của tâm, điều khác biệt rõ nhất chính là giới luật có hay không? Song bản thân giới luật lại không có mảy may nào rời khỏi sinh hoạt thường nhật, vì vậy thích ứng với sinh hoạt xuất thế, cắt đứt hoàn toàn sinh hoạt thế tục đó là tiêu chuẩn đầu tiên mà người bắt đầu xuất gia phải đối mặt.

Mặt khác, tùy theo nội hàm sinh hoạt khác nhau đòi hỏi các kỹ năng sinh hoạt một cách thuần thục, vì như đánh chuông mõ, mộc bản, chắp tay, lễ bái, giọng điệu xướng tụng cho đến ăn cơm, mặc áo, tắm giặt vệ sinh, sự Sư chấp tác v.v… tọa thiền tụng kinh niệm Phật sám hối, bố tát…. cũng phải nên học tập và rèn luyện thuần thục. Đó là an trụ Tăng tướng, thành thục Tăng nghi, đây là hạng mục huấn luyện cực kỳ trọng yếu.

4. Chuyển hóa tập khí thế tục và luyện thành tâm nhu thuận:
 
Xuất gia vốn là một loại sinh hoạt tu đạo và thực tiễn thể hiện tìm cầu giải thoát, nó đương nhiên không chỉ là biểu hiện bên ngoài là cạo đầu, mặc áo người xuất gia mà thôi. Cổ đức có nói “sống chuyển thành chín” chính là đòi hỏi ở trong nhận thức, quan niệm tập tính và hành vi của người mới xuất gia dần dần mài mòn đến triệt để. Bởi khi ở thế gian tham đắm ngũ dục, phóng túng tự do, ngu si cống cao và ương ngạnh tự dụng… Nay đem nó đổi thành thiểu dục tri túc, tiến thoái có phép tắc, ba nghiệp nghiêm cẩn và nhu thuận khiêm hạ… Cũng chỉ có như vậy họ mới có thể tương ứng với tâm xuất ly. Mà có niệm thanh tịnh của tâm xuất ly, mới có thể trong sinh hoạt tu đạo trường kỳ sau này khi đối mặt với hoàn cảnh thuận nghịch để khảo nghiệm mới không điên đảo, mê hoặc. Mặt khác, có tâm nhu thuận mới có thể trong sinh hoạt, tu đạo tập thể lâu dài tùy thời tiếp nhận thiện tri thức, đồng tu đồng học chỉ bảo, sách tiến phản tỉnh và tu chỉnh.

Đó là một loại công tác sinh hoạt chuyển hóa cho người sau khi xuất gia rất bức thiết, không thể thiếu, cũng không thể mất đi thời cơ đạt hiệu qủa cao nhất. Hoàn thành được mục tiêu này chính là đảm bảo cho người xuất gia, ví dù tương lai sau này không gặp được thiện tri thức và đồng tu thiện hữu chỉ dạy, sách tiến đi nữa, đối với con đường tu học sẽ không bị sai đường lạc lối. Phàm là người muốn xuất gia hoặc các vị thầy đối với điều này càng phải sâu sắc thể nghiệm. Đó cũng chính là giáo dục đặc thù đối với Sa Di.

5. Nuôi dưỡng đạo tâm kiên cố, và nhận thức về Tăng cách cao siêu
 
Các mục tiêu nêu trên chú trọng ở chỗ dứt ác và kiến lập tâm lý tiếp nhận sự giáo dục, ở mục tiêu này tiến thêm một bước tích cực kiến tập động cơ tu học. Từ biết khổ, chán sợ khổ đến cầu xa lìa khổ, phát tâm trợ giúp người khác lìa khổ, viên mãn tự lợi lợi tha, giải thoát, chính là một vị hành giả Đại thừa, đánh dN
loading...