Kiến thức

Gieo hạt giống bố thí cúng dường – Cội nguồn phúc đức vô tận

Chủ nhật, 21/03/2024 08:39

“Làm phúc bồi thêm phúc, hưởng phúc phúc sẽ cạn”. Người Phật tử chúng ta nếu hiểu sâu sắc về lý nhân quả này thì sẽ cố gắng gieo thật nhiều hạt giống bố thí cúng dường, giúp đỡ và đem Phật pháp chuyển hoá tha nhân.

Đây mới chính là cội nguồn phúc đức vô tận giúp chúng ta luôn sống an vui, có ý nghĩa giữa cuộc đời này. 

Bất kể tu sĩ hay thường dân

Ai hay giữ giới hạnh thanh bần

Khéo vượt khổ ải sang bờ giác 

Cúng dường người ấy phúc bội phần 

(Kinh Người áo trắng)

Trong bài kệ này, Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta về sự thực tập hạnh bố thí cúng dường để vun trồng phúc đức một cách đúng đắn, bền vững. Từ “cúng dường” nghĩa là cung cấp hoặc dâng cúng, đồng nghĩa với các từ bố thí, biếu, tặng, dâng, hiến, cho,… đều có nghĩa là lấy những vật thuộc sở hữu của mình đem cho người khác. Riêng đối với chư Tăng, chúng ta dùng từ “cúng dường”, còn đối với cha mẹ, những bậc tôn kính thì dùng từ “biếu”, “dâng”. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Mục đích cúng dường Tam bảo của người Phật tử là để hỗ trợ chư Tăng có đủ điều kiện tu học, xây dựng được cơ sở tự viện, góp phần hoằng dương Phật pháp. Tuy rằng phân định người tại gia, người xuất gia, nhưng tất cả chúng ta đều là đệ tử Phật, đều phải có trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp tu học và hoằng truyền chính pháp. 

Người tại gia lo về ngoại hộ Phật pháp, tức phần cơ sở về vật chất. Người xuất gia lo về hoằng pháp, tức phần nền tảng tâm linh. Tăng là ruộng phúc, cho nên ta hãy nhìn vào phẩm chất của Tăng thân để lựa chọn vị thầy hướng dẫn ta tu học. Người thầy ấy hội tụ nhiều yếu tố căn bản như: nghiêm trì tịnh Giới, đức hạnh vẹn toàn, thực học thực tu đủ vững chãi cho chúng ta trở về nương tựa. Vậy nên giá trị của một tu sĩ là nằm ở những phẩm hạnh tốt đẹp của giới hạn và giải thoát chứ không phải nằm ở nguồn gốc giai cấp, địa vị, học thức. Những vị xuất gia chuyên trì tịnh Giới, thực chứng giải thoát chính là ruộng phúc cho chúng ta gieo trồng hạt giống bố thí cúng dường. 

Về mặt tu dưỡng thân, việc bố thí cúng dường là cách giúp chúng ta buông bỏ bớt tâm tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn cố hữu, mở rộng lòng từ. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật có dạy rằng, sự bố thí có năm lợi ích như sau:

1. Được nhiều người ưa thích

2. Được thân cận với bậc đức hạnh

3. Tiếng đồn tốt được truyền đi

4. Không có sai lệch pháp của người gia chủ

5. Khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi lành. 

Người Phật tử chúng ta nếu hiểu sâu sắc về lý nhân quả: “Làm phúc bồi thêm phúc, hưởng phúc phúc sẽ cạn” thì sẽ cố gắng gieo thật nhiều hạt giống bố thí cúng dường, giúp đỡ và đem Phật pháp chuyển hoá tha nhân. Đây mới chính là  cội nguồn phúc đức vô tận giúp chúng ta luôn sống an vui, có ý nghĩa giữa cuộc đời này. 

Phật dạy bố thí cúng dường 

Để ta gieo phúc và thương muôn loài

Tham, sân, si bỏ ra ngoài 

Bình an giải thoát chẳng hoài kiếp tu.    

Nguồn: Đại Tùng Lâm Hoa Sen

loading...