Sách Phật giáo
Hệ phái Khất sĩ và những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng GHPGVN
Chủ nhật, 26/02/2014 09:39
Hệ phái do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập được truyền thừa hết sức mạnh mẽ tại hàng chục tỉnh thành ở khắp miền Nam Việt Nam và đến nay đã lan tỏa và có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới.
Bối cảnh ra đời, đặc điểm và sự phát triển của Hệ phái Khất sĩ
Trải qua hơn 25 thể kỷ phát triển, Phật giáo với tư cách là một tôn giáo đã có mặt ở hàng trăm quốc gia trên quả địa cầu, Phật giáo có nhiều hướng phát triển, từ tổ chức, đến hệ phái, pháp môn tu tập.
Nhưng dù theo truyền thống nào Nam tông hay Bắc tông, biệt truyền hay nối truyền; dù là hệ phái, tông phái, truyền thống lịch sử nào thì các bậc tăng, ni, phật tử đều phụng thờ đấng giáo chủ đã khai sáng ra đạo Phật là đức Phật Thích Ca, đều tuân theo những giới luật mà Phật đã dạy.
Để lý giải về sự đa dạng của các tông phái, môn phái có nhiều cách tiếp cận khác nhau, trong đó có những ảnh hưởng tùy theo những thay đổi, bối cảnh tác động của lịch sử - xã hội, ngoài ra còn là căn cơ, trình độ, tâm lý, phong tục và ảnh hưởng văn hóa đời sống của phật tử có khác nhau dẫn đến phương pháp tu tập, hành trì và việc phát huy giáo lý có điểm tương đồng và có điểm dị biệt.
Ở Việt Nam, Phật giáo đã có lịch sử trên 2000 năm thích ứng và phát triển, các sơn môn pháp phái, hệ phái vì thế mà mở rộng trong ngôi nhà chung mang tên Phật giáo Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử đó, vào những năm 50 của thể kỷ XX tại miền Nam Việt Nam đã khai sinh thêm một Hệ phái mang tên, Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam.
Đến năm 1981, Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ là một tông phái Phật giáo trong số 9 tổ chức, hệ phái tham gia thành lập nên tổ chức thống nhất của Phật giáo Việt Nam trong ngôi nhà chúng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hệ phái thành lập vào năm 1944 do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”.
Tổ sư đã chắt lọc các tư tưởng trong giáo pháp của hai truyền thống Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông và đã chọn đường hướng tu tập và hành đạo mang tên tư tưởng “Nối truyền Thích Ca chánh pháp - Đạo phật Khất Sĩ Việt Nam”.
Ngài đã tự phát nguyện thọ giới Tỳ-kheo, giữ gìn và thực hành 250 giới cấm theo quy định về giới luật của Phật giáo Bắc tông theo bộ luật Đàm Vô Đức và lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang.
Ngài còn đưa ra cho Hệ phái Khất Sĩ một hình thức dung hoà giữa hai tông phái Nam Tông và Bắc Tông: Về y phục Ngài chọn hình thức tam y nhất bát, ăn ngọ của Phật giáo Nam tông. Hình thức này giống như hình ảnh đức Phật thời cổ đại. Đồng thời Ngài cũng tiếp thu về cách ăn chay và thu nhận Ni giới xuất gia tu học của Phật giáo Bắc Tông.
Về mặt kinh luận, Ngài đã ấn soạn bộ kinh Chơn Lý, gồm 69 bài giảng bao gồm cả nội dung về kinh, luật, luận.
Bộ Chơn Lý là sự tập hợp những bài thuyết giảng của Ngài, trong đó là các quan điểm về vũ trụ, chúng sinh, con người, nhân duyên…Từ đó, Ngài đã xây dựng những phương pháp tu tập như du hành, khất thực, thiền định, trên cơ sở giáo lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Vô Lậu Học.
Ngài giảng giải nghĩa lý bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, rõ ràng, cụ thể, không ẩn ngữ, trực tiếp diễn giải và lập luận rõ ràng vững chắc theo phương pháp Tam đoạn luận.
Chính sự giản dị, mộc mạc, thanh thoát, cao thượng trong pháp tu, trong pháp hành, trong sở đắc và đặc biệt trong cách giảng dạy cho hàng đệ tử, nên chỉ trong trong một thời gian ngắn, từ lúc khai lập Hệ phái (1947) đến lúc Ngài vắng bóng (1954), Ngài đi đến đâu các Tịnh Xá được gây dựng đến đó, hàng đệ tử xuất gia và tại gia được rộng mở và phát triển rất nhanh.
Đây là một đặc điểm nổi bật nhất và đáng tôn thờ nhất và cũng là niềm tự hào của cả Hệ phái.
Tổ sư Minh Đăng Quang đã đưa đạo Phật đến gần với đời sống cộng đồng bằng cách hành đạo đặc biệt, khai đạo và tập hợp quần chúng – tín đồ từ trong chính đời sống thanh cao, gần gũi và giản dị của Ngài.
Hệ phái do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập được truyền thừa hết sức mạnh mẽ tại hàng chục tỉnh thành ở khắp miền Nam Việt Nam và đến nay đã lan tỏa và có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới.
Những đóng góp trong quá trình Gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Sau khi miền Nam giải phóng, Hệ phái Khất sĩ đã có sự phát triển ổn định. Trong giai đoạn từ 1954 – 1975 có rất nhiều Tịnh Xá của Hệ phái Khất sĩ là cơ sở cách mạng, tham gia và ủng hộ cách mạng. Kế thừa truyền thống đó, Hệ phái đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi thống nhất Phật giáo nước nhà.
Hệ phái Khất Sĩ trở thành thành viên chính thức trong 9 tổ chức, hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài việc tích cực hưởng ứng sự thống nhất Phật giáo. Hệ phải còn có những đóng góp rất lớn về tư tưởng, tinh thần dân tộc, khi các bài kinh tụng đều được Việt hóa, phần nhiều là viết theo kiểu văn vần, thơ ca mộc mạc, dễ hiểu…
Sự thừa nhận về mặt Hệ phái chính là điều tự hào để Hệ phái hội nhập tiếp bước cùng hai tông phái chính thống Nam Tông và Bắc Tông.
Hệ phái chỉ mới hình thành (1947) nhưng đã phát triển từ miền Trung ra miền Bắc vào cuối miền Nam Việt Nam, và lan tỏa ra hàng chục quốc gia, như: Mỹ, Canada, Úc, Pháp… và tinh thần “Cái sống là phải sống chung; cái biết là phải học chung và cái linh là phải tu chung” đã thấm nhuần trong xương tủy của hàng đệ tử trong Hệ phái. Do vậy, chính những đặc điểm này đã làm cho Phật giáo Khất Sĩ ngày càng phát triển và có thể sánh vai cùng với các truyền thống lớn của Phật giáo.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, cụ thể là các Chư tôn giáo phẩm nối tiếp để phát triển Hệ phái đã góp phần cùng chư tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để đưa đạo vào đời, đem ánh sáng từ bi, trí tuệ làm tốt đạo đẹp đời, viết tiếp trang sử đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong hơn 2000 năm qua.
Tùy duyên mà hóa đạo
Từ khi thành lập Hệ phái và kể cả sau này khi đã gia nhập vào GHPGVN, Hệ phải với tinh thần của Tổ Sư Minh Đăng Quang “tùy duyên mà hóa đạo” nên đã có sự phát triển vững chắc. Theo đó Hệ phái Khất sĩ vẫn sử dụng các phương pháp tu tập trong Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam vô lậu học… làm cơ sở lý luận để phát triển tư tưởng, sự giác ngộ.
Khi đi thuyết pháp và khất thực thì người nghe, người cúng dường được phước, thỏa mãn về phần tâm linh, còn vị tu sĩ thì hưởng được của cúng dường để nuôi thân, đó chính là lý tưởng lợi người lợi mình, xin để mà cho, nhận để mà dạy, chứ không cầu ăn ngon, mặc đẹp.
Người Khất Sĩ quan niệm “ăn không cầu no, ở không cầu yên, chỉ cần chăm lo trau dồi đức hạnh, làm gương quý báu cho đời, vì con người thể chịu thiếu kém về sự ăn mặc hoặc chỗ ở, vật chất còn có thể sống được, chớ thiếu đạo đức trí tâm ắt sẽ phải khổ nạn chết hết”
Sử dụng phương pháp du hành để thuyết pháp và hóa duyên như thời đức Phật còn tại thế, Tổ sư muốn làm sống lại những hình ảnh và mục đích độ sinh như thời đức Phật. Theo Tổ Sư người tu theo Hệ phái phải có phẩm hạnh, để tín đồ nhìn thấy Tăng như thấy Phật.
Muốn vậy người tu sĩ phải nghiêm trì giới luật, phải có phẩm hạnh thanh cao, sở học tốt, pháp Phật am tường. Vì thế, trong Luật, nghi Khất Sĩ Tổ sư thường nhắc nhở chư đệ tử: “Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi đứng nằm ngồi, ăn mặc nói làm mỗi cách cư xử đều phải giống như Phật, cho đặng thiện tín, hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật. Tăng chúng giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ở ăn theo Phật, thì sẽ khêu gợi được lòng tín ngưỡng của bá tánh”[3].
Hệ phái Khất Sĩ chú trọng con đường hành đạo, một phần dẹp bỏ bản ngã tự cao, tự đại, phải xin vật chất để nuôi thân mạng, xin giáo pháp, kinh nghiệm trong cuộc sống để trưởng dưỡng trí tuệ, phải biết đủ trong mọi hoàn cảnh, gắn chặt với đạo pháp, với lý tưởng sống chung tu học, hòa hợp với cộng đồng, làm lợi người, lợi mình, sống trong giới luật, thiền định an trú trong chánh pháp, khi đó an lạc sẽ hiện hữu mà không phải tìm kiếm đâu xa.
Với hình ảnh y bát chơn truyền, du hành khất thực trở nên sinh động, đặc biệt là chư Ni tu theo Phật giáo ở Việt Nam cũng được trì bình khất thức như chư Tăng. Điều này chỉ được thể hiện ở Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam.
Tuỳ nhân duyên mà hoá độ chúng sanh, tông chỉ tu học của Phật giáo Khất Sĩ là bình đẳng, không phân biệt sang giàu, vùng – miền mà chỉ với mục đích cứu cánh là đưa tất cả mọi người đến quả vị giải thoát, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Cho nên khi đến với Phật giáo Khất sĩ cũng chính là đến với cội nguồn của đạo Phật, đến với tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
-
Hơn 600 bạn trẻ phục vụ lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng
-
Tp.HCM: Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng
-
Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Bộ "Chơn Lý"