Kiến thức

Hoằng pháp lợi sinh

Thứ hai, 30/06/2023 09:09

Chúng ta không nên chỉ biết tu cho mình. Chúng ta phải tu như thế nào để bản thân ngày một tốt hơn và lan tỏa được sự an lạc, hạnh phúc đến với gia đình và mọi người xung quanh.

Audio

Người Phật tử phải có bổn phận và trách nhiệm đem những điều bản thân đã tu học được chia sẻ cho nhiều người, giúp họ hiểu Phật pháp, biết thực hành lời Phật dạy. Đây là việc mà chúng ta phải quan tâm và thực hiện cho bằng được. Bản thân tôi, từ khi xuất gia cho đến nay, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh, tôi đã cố gắng làm những việc lợi ích cho nhiều người. Nếu theo dõi các chương trình của chùa Hoằng Pháp, quý vị sẽ thấy và biết được những việc đó.

Người Phật tử chân chính phải có trách nhiệm phổ biến Phật pháp, giúp cho nhiều người hiểu được lời Phật dạy.

Người Phật tử chân chính phải có trách nhiệm phổ biến Phật pháp, giúp cho nhiều người hiểu được lời Phật dạy.

Thực ra, tôi học, tu hay thuyết pháp đều không giỏi, nhưng vì tâm nguyện hoằng truyền chính pháp, tôi làm được. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến việc hoằng pháp, nghĩ đến việc làm sao cho mọi người hiểu Phật pháp, biết tu hành. Tâm nguyện đó đã thúc đẩy tôi nghĩ ra nhiều chương trình, nhiều hoạt động khác nhau để truyền bá Phật pháp đến với mọi người, tùy theo sở thích của họ.

Hoằng pháp lợi sinh không chỉ là bổn phận và trách nhiệm của riêng chư Tăng, mà còn của cả Phật tử. Chúng ta cứ làm những việc phù hợp với khả năng của mình. Quý vị không thể giảng kinh, thuyết pháp thì có thể hoằng pháp bằng cách khác. Thí dụ như giới thiệu cho người ta nghe những bài giảng, những chương trình có nội dung về Phật pháp. Chỉ sợ quý vị không có tâm hoằng pháp, chứ nếu có tâm thì chắc chắn sẽ làm được.

Người Phật tử chân chính phải có trách nhiệm phổ biến Phật pháp, giúp cho nhiều người hiểu được lời Phật dạy. Khi hiểu Phật pháp rồi, họ sẽ biết tu, biết làm những điều thiện, điều tốt, biết hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát. Dần dần, từ một người tốt, lên mười người tốt, trăm người tốt, nghìn người tốt, rồi mọi người đều tốt. Lúc đó, cuộc đời sẽ rất đẹp và thế giới này sẽ trở thành Tịnh Độ.

Thực ra, tôi tu Tịnh Độ nhưng rất ít khi nói về thế giới Cực Lạc. Tôi chỉ khuyên Phật tử phải tu làm sao để có được an lạc. Quý vị có an lạc ở hiện tại thì mới có Cực Lạc trong tương lai. “Muốn là người tốt ở cõi Phật, hãy làm người tốt ở cõi trần”[7]. Ở cõi này, quý vị không “làm” người tốt, mà muốn “là” người tốt ở cõi Phật thì không thể được. Thí dụ, một người nghiện rượu, không biết tu hành, lúc ông ta sắp chết người nhà mời quý thầy đến hộ niệm; nếu đức Phật A Di Đà có đến tiếp dẫn thật thì có lẽ ông ta cũng sẽ không đi, vì ông ta có biết đức Phật A Di Đà là ai đâu? Có khi được về thế giới Cực Lạc rồi, ông ta lại muốn trở về vì ở thế giới đức Phật làm gì có rượu để uống. 

Thỉnh thoảng, có những người nghiện xì ke vừa đi cai nghiện về, người nhà gửi vào chùa Hoằng Pháp để họ tránh duyên, vì sợ họ gần những bạn xấu thì sẽ bị tái nghiện. Thế nhưng, vào chùa chừng vài bữa là họ chạy mất, không ở nổi. Chùa Hoằng Pháp là môi trường tốt, rất thanh tịnh và an lạc, nhưng vì họ không có tâm tu tập, sửa đổi nên thấy ở chùa gò bó, khó chịu, đau khổ, bắt buộc họ phải ra ngoài để đi theo con đường riêng của mình, mà thường thì đó là con đường đau khổ, tội lỗi. Cũng vậy, nếu hiện tại chúng ta không chịu tu thì khi về thế giới Cực Lạc cũng không ở nổi. Quý vị nghiện đủ thứ bia rượu, thuốc lá, cà phê, sắc dục,… về Cực Lạc rồi cũng phải xuống thôi, vì ở Cực Lạc đâu có những thứ đó để quý vị thỏa mãn cơn nghiện của mình. Cho nên, muốn về Cực Lạc hay muốn thành Phật thì quý vị hãy tu đi, hãy làm người tốt, sống có tình có nghĩa, sống làm sao để được mọi người yêu thương.

Đức Phật là người tốt một trăm phần trăm. Giả sử, bây giờ quý vị mới tốt mười phần  trăm  thì  phải tu thêm chín mươi phần trăm nữa mới được thành Phật. Điều này rất đơn giản và dễ hiểu. Là người học Phật, chúng ta phải thấy rằng mọi việc đều do nhân quả, phước đức, nghiệp báo quyết định, không thể cầu xin đức Phật cho mình một thứ gì, càng không thể cầu xin đức Phật cho mình thành Phật. Tất cả đều do chính chúng ta, gieo nhân thì hưởng quả, gieo nhiều hưởng nhiều, gieo  ít hưởng ít. Ô nhiễm hay thanh tịnh là ở mình. Hạnh phúc hay khổ đau là do mình. Siêu hay đọa cũng tự mình. Nghĩ được như vậy mới là người hiểu Phật pháp.

loading...