Kiến thức
Học Phật, hiểu Phật, làm theo Phật
Thứ năm, 06/03/2021 09:40
Phật khuyên chúng ta cần cẩn trọng, bĩnh tĩnh, sáng suốt để giải quyết từng việc thích hợp nhất. Đó chính là thể hiện yếu lý của pháp quy y Phật là phát huy trí tuệ.
BS.Đỗ Hồng Ngọc: “Đức Phật, bậc Y vương”
Kỳ trước chúng ta đã nói về Đức Phật và 1.250 vị Thánh La-hán đến thành Vương Xá, vua Tần Bà Sa La đã cung kính tiếp đón và tổ chức lễ trai tăng cúng dường lớn nhất ở thành này. Sau đó, nhà vua lại dâng cúng Đức Phật khu vườn Trúc Lâm để làm nơi cư trú cho các Tỳ-kheo. Vì nhà vua thấy nếu được Đức Phật và các vị Thánh Tăng giáo hóa thì dân chúng nước này sẽ được an cư lạc nghiệp theo pháp Tam quy Ngũ giới.
Và trong buổi thuyết pháp tại thành Vương Xá lúc bấy giờ cũng có hoàng hậu Vi Đề Hy đưa thái tử A Xà Thế cùng với con các quần thần đến lễ Phật. Bà thỉnh Phật nói bài pháp dành cho các trẻ nhỏ.
Đức Phật mới quán nhân duyên, với vua thì Ngài nói pháp trị nước an dân, nhưng nói với trẻ con, Phật kể chuyện vào kiếp xa xưa, Ngài làm cây hoa sứ. Trong mùa nắng hạn, ao nước khô cạn khiến tất cả các loài tôm cá trong đó cảm thấy khổ sở. Bấy giờ, con cò đứng trên bờ quan sát liền nói với tôm cá rằng các cậu ở ao khô này phải chịu nóng bức, bực bội, nhưng gần đây có một hồ sen rộng mát. Nếu các cậu bằng lòng, tôi sẽ chở sang đó ở thoải mái hơn, nhưng mỗi lần chỉ đi được một cậu thôi.
Cá tôm mới họp lại, nói với nhau rằng cha mẹ mình đã dạy nếu thấy cò thì phải tránh, vì cò chuyên ăn thịt cá tôm, nhưng trước mắt bác cò hứa sẽ đưa chúng đến ở chỗ tốt hơn.
Chúng quyết định lựa một bác cá có vẩy cứng như cá rô, hay cá lóc cho bác cò gắp chở đi, thả vào ao sen để quan sát tình hình thực hư thế nào. Sau đó, bác cá trở về kể lại gần đây có ao sen mát thiệt, nên cả lũ cá tôm đều chịu cho bác cò gắp qua ao sen ở. Nhưng chúng đã bị bác cò lừa, vì từng chú cá tôm đều bị cò gắp lên, không đưa đến ao sen nào cả, nhưng đưa chúng lên cây hoa sứ rồi ăn thịt hết.
Sau cùng chỉ còn một con cua, cò cũng muốn ăn nó luôn mới bảo rằng cá tôm đã qua ao sen mát mẻ rồi, anh muốn đi thì tôi đưa anh đi luôn. Cua nghĩ không biết giả thật thế nào, nhưng cũng bằng lòng cho cò gắp mình. Nhưng vì con cua to nên cò hả miệng gắp cua không được. Cua nói anh để tôi đeo vào cổ anh rồi anh chở tôi đi. Cò bằng lòng. Thế là cua kẹp ngay cổ cò rồi cò cũng bay lên cây hoa sứ. Đứng trên cây hoa sứ, cò khoái chí nói với cua rằng anh đã hết số rồi, hãy nhìn xuống xem dưới gốc cây hoa sứ đầy xương cá tôm kìa.
Cua giựt mình nghĩ con cò này thực gian ác, xảo trá, cua liền nói nếu anh không chở tôi qua ao sen, tôi sẽ kẹp đứt cổ anh luôn. Vừa nói cua vừa thử kẹp cổ cò. Cò đau quá vội van xin cua tha cho nó, nó sẽ đưa cua đến ao sen. Nhưng cua nhớ đến các bạn cá tôm vừa bị cò ăn thịt, nó liền nổi giận và báo thù cho bạn, nên đã kẹp đứt cổ cò.
Đức Phật nói đó là oan gia từ quá khứ dẫn đến hiện tại, hãy nhìn lại xem ở thành Vương Xá này, xưa kia ai là cua, ai là cá tôm, ai là cò và từ quá khứ đó mà sanh lại gặp nhau ở thành này để báo oán.
Lược truyện đức Phật Thích Ca - Vui thay Đức Phật ra đời
Phật kể câu chuyện tiền thân hay là chuyện ngụ ngôn mà cũng là bài học cho thái tử A Xà Thế và cũng là bài học cho chúng ta. Phật khuyên phải có trí tuệ, không nên nghe lời đường mật của kẻ xấu. Phải quan sát kỹ nhân cách, lời nói, hành động của người để đoán biết được tâm họ thiện hay ác, việc làm của họ đúng hay sai, tùy theo đó chúng ta có cách xử trí thích hợp.
Phật thuyết pháp xong, các vị Tỳ-kheo tùy tùng với Ngài dời về tịnh xá Trúc Lâm mà vua Tần Bà Sa La đã dâng cúng. Các vị Tỳ-kheo này đều đã đắc Thánh quả A-la-hán, nên các ngài đều hiện tướng trang nghiêm, từ xa đã thấy tướng hảo của các ngài, đến gần thì càng thấy hảo tướng sáng hơn và nếu được tiếp xúc, thấy tâm các ngài thực an lạc, giải thoát nên đã tác động cho người cảm nhận an lạc theo. Chẳng bao lâu, nếp sống an lạc giải thoát của Đức Phật và Thánh chúng đã được lan truyền khắp nơi khiến cho dân chúng thành Vương Xá đều hướng tâm về Trúc Lâm tịnh xá và họ rủ nhau đến học đạo với Đức Phật, với các Tỳ-kheo. Nhưng khi có nhiều người theo Phật cũng khiến một số người ganh tức.
Thiết nghĩ sống trên cuộc đời này, bao giờ chúng ta cũng có người thương và có cả người ganh tức. Ganh tức vì quyền lợi, hay vì túc duyên giữa họ với mình. Vì vậy, Phật khuyên chúng ta cần cẩn trọng, bĩnh tĩnh, sáng suốt để giải quyết từng việc thích hợp nhất. Đó chính là thể hiện yếu lý của pháp quy y Phật là phát huy trí tuệ.
Triển khai yếu lý này, kinh Hoa nghiêm nói tự quy y Phật nghĩa là phải trở về ông Phật của chính mình, làm ông Phật của chính mình hiện ra, tức làm trí tuệ mình sáng để chúng ta xử trí mọi việc tốt đẹp.
Tin đồn lan truyền đến vua Tịnh Phạn rằng thái tử tu đắc đạo nên được hàng ngàn người theo, hàng vạn người kính trọng. Vua Tịnh Phạn liền họp quần thần để chọn người đến thỉnh Phật về hoàng cung. Trong số đó có người bạn cũ của Phật khi Ngài làm thái tử là đại tướng Ca Lưu Đà Di tình nguyện đi thỉnh Phật về hoàng cung. Và cũng có người hầu cận Phật ngày xưa là Xa Nặc xin đi theo Ca Lưu Đà Di.
Hai người này đến thành Vương Xá, tìm tới Trúc Lâm để gặp Phật. Đến đó, họ thấy Phật đang thuyết pháp cho hàng vạn người, thấy Phật dạy vua Tần Bà Sa La mà ông vua này tỏ lòng rất kính trọng Phật. Họ cũng thấy trưởng giả Cấp Cô Độc cung kính thỉnh Phật về thành Xá Vệ thuyết pháp.
Tất cả sự việc này làm ông Ca Lưu Đà Di xúc động đến mức quên cả việc chính yếu của ông là thỉnh Phật trở về Ca Tỳ La Vệ thăm hoàng cung. Đến khi giựt mình nhớ lại, ông vội vàng cung thỉnh Phật về thăm vua Tịnh Phạn vì vua cha rất nhớ Ngài.
Và điều đặc biệt, sau khi nhận thấy tận mắt đạo lực của Đức Phật khiến ông phát tâm xin Phật cho xuất gia làm Sa-môn, vì ông nghĩ Phật tu được kết quả tuyệt vời như vậy mà mình không theo Phật tu thì uổng quá. Phật trả lời rằng muốn tu cũng tốt, nhưng anh phải ở đây tu thử 3 tháng. Từ đó chúng ta có quy định tập xuất gia phải ở chùa 3 tháng công quả để xem nếp sống thiền môn có thích hợp thực với mình hay không. Nếu cảm thấy ở chùa được an lạc thực là có duyên với đạo mới cho xuất gia.
Lần trước tôi nói trưởng giả tử Da Xá muốn tu thì được Phật chấp nhận liền, vì Ngài thấy ông này quyết tâm tu và có tâm trạng chán ngán cuộc sống xa hoa thế tục cũng giống với Phật khi Ngài còn là thái tử. Thậm chí, năm nhà hiền triết Kiều Trần Như không xin xuất gia, mà chính Phật tìm đến độ họ, cho họ xuất gia. Còn ông Ca Lưu Đà Di xin Phật xuất gia, nhưng Phật bảo phải tu thử 3 tháng coi có kết quả hay không. Về sau, Phật chế luật tu cũng có nhiều điều liên quan đến Ca Lưu Đà Di.
Người không có túc nghiệp xuất gia tu dễ dàng ví như tờ giấy trắng, hay chiếc áo sạch nhuộm màu đạo là thấm liền. Người có ít nghiệp ví như chiếc áo dơ phải giặt sạch mới nhuộm màu đạo được. Người túc nghiệp nhiều ví như chiếc áo vừa dơ vừa rách, nếu giặt sạch thì áo lại rách thêm, không thể nhuộm màu, tức người này rất khó tu. Nói cụ thể là những người thất vọng, thất tình, thất chí, thất bại… đi tu. Họ mang cả tâm hồn rách nát, dơ bẩn mà mặc áo tu vào trông lem luốc không giống cái gì, vì khoác áo thầy tu, nhưng lời nói, đôi mắt, cử chỉ không phải là thầy tu thì rất nguy hiểm. Phải giặt giũ áo cho thật sạch, tức chuyển hóa thân tâm thật thanh tịnh. Thiên Thai tông buộc phải sám hối miên mật trong suốt 12 năm, nếu chưa sạch nghiệp cũng không cho xuất gia.
Cho xuất gia dễ dàng sẽ tạo ra lớp người làm trở ngại đạo. Phật dạy Ca Lưu Đà Di cũng là dạy chúng ta ngày nay chọn người xuất gia phải cân nhắc kỹ để chọn người xuất gia có đủ tư cách.
Và sau mùa an cư, Phật trở lại hoàng cung thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn cùng quần thần.
Trước đó, Ca Lưu Đà Di đã kể cho vua Tịnh Phạn nghe rằng Đức Phật nói pháp trị quốc an bang cho vua Tần Bà Sa La và dân chúng thành Vương Xá nghe theo Phật dạy nên cuộc sống ở nước này rất thái bình thịnh vượng, nhà nhà không cần đóng cửa, vì không có kẻ trộm cướp, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Nói cách khác, Phật dạy xây dựng xã hội tốt đẹp và vua dùng đức trị dân, tức thể hiện tư cách của vị Chuyển luân Thánh vương.
Vua Tịnh Phạn xin Phật thuyết lại bài pháp này cho quần thần nước Ca Tỳ La Vệ. Đức Phật đã dạy những điều cần thiết mà vua quan phải làm để nhân dân sống ấm no hạnh phúc, đất nước được yên bình, phát triển.
Nghe Phật giảng xong, vua Tịnh Phạn cùng quần thần đồng thỉnh Phật làm vua, đừng làm Phật nữa. Vì Phật dạy lấy đức trị dân, phải lo cho dân trước, rồi mới lo cho quần thần, còn vua hưởng sau cùng. Như vậy họ thấy không ai đủ tư cách và năng lực để làm việc này. Thực tế việc trị nước ở Ca Tỳ La Vệ thì ngược lại những gì Phật dạy, tức vua hưởng bổng lộc hạng nhất, kế tiếp là các quan đại thần, đám dân đen thì luôn đói khổ. Bằng chứng cụ thể khi Phật còn làm thái tử, Ngài đã có 3 tòa lâu đài sống thích hợp với ba mùa ở Ấn Độ.
Thiết nghĩ lời Phật dạy thật cao quý, nhưng thực hành không dễ. Thực tế cho thấy vua chúa, quan lại cũng có người ăn trên ngồi trước, hưởng bổng lộc cao làm dân đói khổ, nhưng cũng có người biết lo cho dân. Điển hình ở nước ta, người ảnh hưởng đạo Phật là Ỷ Lan thứ phi. Khi nhiếp chánh, bà nói rằng của cải do dân làm ra, dân đói thì phải cung cấp lương thực cho dân sống đủ. Bà đã thể hiện việc trị nước an dân theo Phật dạy. Vì vậy, dù chỉ áp dụng lời Phật được một phần thôi cũng tốt.
Và ngày nay, chúng ta cũng tiếp tục thực hiện lời Phật dạy. Khi đại dịch bệnh xảy ra, Tăng Ni và Phật tử đã nhiệt tâm giúp đỡ người bị bệnh dịch ở các khu cách ly, hoặc cứu trợ tiền bạc, thực phẩm đến người nghèo khó… Nhiều hoạt động thiện nguyện của giới Phật giáo chúng ta đã giúp cho thành phố thêm sức mạnh chống lại đại dịch, giải quyết phần nào đời sống dân nghèo bớt khó khăn trước nhu cầu sinh sống hàng ngày. Những việc thiện lành như vậy còn được mở rộng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, nơi nào giúp đỡ được, Tăng Ni và Phật tử đều sẵn lòng. Đó là học Phật, hiểu lời Phật và làm theo Phật dạy thì dù chúng ta sống cách Phật hơn 2.500 năm, nhưng theo Phật giáo Đại thừa thì tuy xa mà thực sự chúng ta rất gần Phật.
Nghe Phật giảng xong, vua Tịnh Phạn thỉnh Phật ở lại Ca Tỳ La Vệ để ông nhường ngôi vua cho Ngài, Phật không nhận lời. Vì Phật thấy nhân cách của Tỳ-kheo, hay của Phật cao quý hơn. Làm Phật không nắm quyền gì cả, nhưng các ông vua vùng ngũ hà, tức Ấn Độ đều kính trọng Phật và nghe lời Ngài. Điển hình là Phật tại thế, gần như các nước trong vùng ngũ hà đều bang giao tốt, ít có xung đột, hoặc có xung đột, Phật đến giải hòa, họ cũng nghe lời Phật, buông vũ khí, hòa bình được tái lập.
Trở lại việc 12 năm đầu Phật giáo hóa, Ngài chưa chế luật vì bấy giờ các Tỳ-kheo theo Phật đều thanh tịnh. Nghĩa là họ quyết tâm tu để giải thoát, đạt Niết-bàn. Vì vậy, việc phạm giới, phạm lỗi không có, nên Phật không cần đặt luật.
Đến năm thứ 13, uy tín Phật quá lớn khiến nhiều người muốn xuất gia làm Sa-môn. Vì họ thấy như Vô Não là kẻ sát nhân được Phật cho xuất gia cũng đắc La-hán, khỏi tội chết còn được vua kính trọng. Hay họ thấy Sunita là người hốt phân thuộc hạng ngoại cấp. Ông này xuất gia cũng đắc Thánh quả A-la-hán, được vua Ba Tư Nặc kính trọng. Hay Liên Hoa Sắc là kỹ nữ mà xã hội xem là người xấu, thậm chí bà này còn đến quyến rũ Mục Kiền Liên, nhưng được Mục Kiền Liên độ. Bà đã quy y và xuất gia làm Tỳ-kheo-ni cũng đắc La-hán.
Vì vậy, bấy giờ kẻ trộm cướp, người tội lỗi, nói chung tất cả thành phần tệ nạn trong xã hội đều hăng hái xuất gia để hưởng đặc quyền làm cho giáo đoàn trở thành quá phức tạp. Đức Phật phải chế luật để ngăn chặn bớt thành phần bất hảo đi tu.
Ngày nay, nếu chúng ta không theo luật Phật để gạn lọc thành phần tu không cầu giải thoát sẽ làm hàng ngũ tu hành trở thành nguy hiểm. Với người quyết tâm tu cầu giải thoát thực, chúng ta tạo điều kiện cho xuất gia để họ thăng hoa đời sống tu hành, trở thành Hiền Thánh là biểu tượng đáng quý trọng.
Với người không thực tu, phải loại ra để trong sạch hóa hàng ngũ Giáo hội thì Giáo hội chúng ta mới làm được lợi ích cho số đông.
Đức Phật vào Niết-bàn, chúng ta coi như thời kỳ tốt đẹp của Phật giáo chấm dứt và bắt đầu qua giai đoạn mới. Lịch sử ghi khi Phật vào Niết-bàn, có Tỳ-kheo than khóc rằng mình chưa đắc đạo mà thầy đã viên tịch thì biết nương tựa ai. Nhưng cũng có Tỳ-kheo vui sướng, vì không còn ai chế luật ràng buộc, rầy la.
Làm lễ trà tỳ Phật xong, 49 ngày sau, ngài Ma Ha Ca Diếp đã đứng đầu việc tổ chức kiết tập kinh điển lần thứ nhất của Phật giáo. Lần kiết tập kinh tạng đầu tiên này được gọi là Ngũ bách kiết tập với sự tham dự của 500 vị La-hán. Vì Phật dạy rằng nếu không có Phật, khi có việc quan trọng, các thầy nên tập hợp để lấy trí tuệ tập thể quyết định sẽ chính xác hơn.
Lịch sử ghi rằng ngài Ma Ha Ca Diếp đã triệu tập được 499 vị cao tăng, còn thiếu một người mới đủ túc số 500, vì lúc đó A Nan chưa chứng A-la-hán, ngài chỉ chứng A-na-hàm. Ngài Ma Ha Ca Diếp nói rằng Đức A Nan từng thân cận Phật rất lâu, nghe Phật rất nhiều và ngài nhớ dai, nên phải có Đức A Nan mới trùng tuyên kinh tạng được.
Trước việc quan trọng cấp bách này, Đức A Nan liền buông tất cả mọi việc và chỉ nhập định một đêm là ngài chứng quả A-la-hán. Vì ngài đã đắc quả A-na-hàm, tức mọi việc trần gian không chi phối ngài. Ngài đã ở vị trí Tứ thiền rồi, nên buông việc là trụ định được và từ thế giới thiền định vượt qua cõi Trời Hữu đảnh, tức vượt qua cùng tột của Sắc giới, ngài liền chứng A-la-hán.
Điểm đặc biệt của Đức A Nan nhập định khác với các vị La-hán nhập định. Các vị La-hán khác nhập định thì biết tất cả mọi việc, nhưng xả định, họ trở lại trạng thái bình thường, không biết. Thực tế là Mục Kiền Liên vào định, ngài là A-la-hán có thần thông đệ nhất nhưng xả định, trở về trạng thái bình thường, ngài bị ngoại đạo đánh chết.
Trong khi A Nan nhập định hay xả định, ngài cũng biết rõ sự việc, định này được gọi là Pháp hoa Tam muội.
Như vậy, một đời thuyết pháp của Đức Phật, về kinh thì do A Nan đọc lại, về luật do Ưu Ba Ly đọc lại. Còn các vị La-hán khác đồng ý rằng hai vị này đã lặp lại đúng lời Phật và kiết tập thành kinh tạng và luật tạng. Như vậy, việc kiết tập kinh tạng và luật tạng ở thời kỳ này là kiết tập bằng ký ức, không phải bằng văn tự. Đừng lầm thời kỳ kiết tập đầu tiên là kiết tập bằng văn tự, vì lúc đó chưa có văn tự.
Thật vậy, bộ kinh Nikaya mà chúng ta có ngày nay, vào khoảng 300 đến 500 năm sau khi Phật vào Niết-bàn mới được ghi chép trên lá bối ở nước Tích Lan (Sri Lanka). Đó cũng chính là thời kỳ Nam truyền Phật giáo. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ để đừng lầm Phật giáo Nguyên thủy với Phật giáo Nam truyền.
Phật giáo Nguyên thủy là thời kỳ chư Tăng sinh hoạt giống với thời Phật còn tại thế theo đó tất cả Tỳ-kheo phải khất thực, phải ăn một bữa, phải ở trong nhà nhỏ gọi là cốc chỉ có một cửa ra vào.
Đến khi các nhà sư Thượng tọa bộ thuộc Phật giáo Nguyên thủy từ Ấn Độ truyền bá đạo Phật xuống phía Nam nên được gọi là Phật giáo Nam truyền, truyền sang các nước Tích Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào và Thái Lan. Vì vậy, Phật giáo Nam truyền giống với Phật giáo Nguyên thủy mà ngày nay còn giữ lại ở 5 nước vừa nói, theo đó việc chính yếu là tất cả các Tỳ-kheo phải đi khất thực.
Đức Phật – Người Thầy vĩ đại về nhân cách
Tuy nhiên, có người khất thực thể hiện đúng ý nghĩa cao quý của việc hóa duyên độ sanh, nhưng cũng có người khất thực theo quán tính, theo hình thức, không thực hiện được yếu lý của khất thực.
Thật vậy, tôi đã tiếp xúc với nhiều Tỳ-kheo Nam truyền Phật giáo, có người nói rằng trước khi đi khất thực, họ ngồi thiền để suy nghĩ xem sẽ gặp ai và nói gì. Hoặc thiền định thấy đến chỗ nào đó sẽ gặp nạn và sau đó, họ đi khất thực nhận thấy thực tế xảy ra đúng với những gì đã thấy trong thiền định. Như vậy là khất thực đúng pháp, tức đã đạt được kết quả tốt đẹp của pháp quán nhân duyên theo Phật dạy.
Riêng tôi không theo Nam truyền Phật giáo, nhưng trước khi đi làm Phật sự, tôi giữ Chánh niệm, vào Chánh định để quan sát xem đến đó làm được không. Nếu thấy tâm bất an, tôi không đi. Điều này khiến tôi phát hiện thêm rằng chỗ không lành đã đánh động tâm tôi, tức báo trước cho biết việc không hay sẽ xảy đến.
Hoặc Phật cũng dạy trong kinh Nguyên thủy rằng có thể chư Thiên báo mộng, vì chúng ta không thể dùng mắt để thấy người vô hình là Già lam Thánh chúng. Thí dụ tôi thuyết pháp trên mạng on line trong mùa đại dịch ở giảng đường không có người nghe, nhưng tôi cảm nhận có Già lam Hộ pháp nghe.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, khi nhận được lực vô hình có thể là chư Thiên hay Hộ pháp tác động làm tôi cảm thấy chỗ muốn đến có sự bình yên thì tôi mới tới và thực tế tới đó tôi cũng làm được việc. Nhưng nếu nhận được tác động không yên thì tôi không tới.
Người tu theo Nam truyền Phật giáo thực tập có kết quả đúng như Phật dạy, chúng ta phải tin theo, dù mình tu Đại thừa hay Kim Cang thừa. Thiết nghĩ mỗi người tu có hoàn cảnh riêng, có sở đắc riêng, chúng ta nên học với tất cả thiện tri thức để góp nhặt những kinh nghiệm hữu ích mà tự trang nghiêm cho thân tâm sẽ giúp chúng ta tránh được những nguy hiểm khó khăn và tiến được trên đường đạo.
Sau khi Phật vào Niết-bàn, mỗi người đi một hướng tùy theo hoàn cảnh, tùy theo chỗ họ đến khác nhau mà có sự hành đạo khác nhau. Từ đó bước qua thời kỳ Phật giáo bộ phái hay thời kỳ Phật giáo phát triển.