Sách Phật giáo

Làm theo Lời dạy của đức Đệ Nhất Pháp chủ GHPGVN

Thứ bảy, 07/12/2013 09:47

"Trong Phật giáo, các Tăng ni phải lấy giới luật của Phật làm thầy, vận dụng giáo lý Lục hòa làm chuẩn mực cho nếp sống tu học. Các nam nữ phật tử phải giữ gìn thanh tịnh Thân, Khẩu, Ý bằng cách thực hành Mười giới hướng thiện. Ngoài xã hội, tất cả Tăng ni và phật tử đều phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà Nước đề ra..."

Lời dạy, cũng là lời di chúc của Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Nhuận đã viết tại chùa Hồng Phúc - Hòe Nhai, thủ đô Hà Nội, ngày 15/02/Đinh Mão (1987) nhắn nhủ tất cả Tăng ni, phật tử ở trong nước và ngoài nước, trước khi Ngài viên tịch ngày 11/11/Quý Dậu (23/12/1993), hưởng thọ 97 tuổi.

Những lời dạy của Ngài được tóm lược như sau: "Trong Phật giáo, các Tăng ni phải lấy giới luật của Phật làm thầy, vận dụng giáo lý Lục hòa làm chuẩn mực cho nếp sống tu học. Các nam nữ Phật tử phải giữ gìn thanh tịnh Thân, Khẩu, Ý bằng cách thực hành Mười giới hướng thiện. Ngoài xã hội, tất cả Tăng ni và Phật tử đều phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà Nước đề ra, đồng thời thân thiện và đoàn kết với các tôn giáo bạn trong tiến trình xây dựng hòa bình và hội nhập thế giới, đặc biệt không được mê tín, dị đoan, lên đồng bóng, xóc thẻ, xin xâm, đốt vàng mã. Vì đốt vàng mã thường làm cho tốn phí tiền của, tạo ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí bởi khói bụi và có thể dễ gây ra hỏa hoạn".

Đến đây, chúng tôi muốn góp phần giải thích thêm đôi điều mà Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận đã chỉ dạy, hầu mong những người nghe và người đọc dễ hiểu hơn bài tham luận này. Thí dụ như giáo lý Lục hòa và Mười giới hướng thiện.

Giáo lý Lục hòa

Giáo lý Lục hòa có nghĩa là sáu đạo lý hòa hợp và đoàn kết trong nếp sống cộng đồng  của Giáo hội Tăng ni, gồm 6 tiêu chuẩn:

Thân hòa cộng trụ

Nghĩa là, các thành viên phải sống chung hòa hợp, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, nhằm xây dựng, bảo tồn và phát triển Giáo hội Phật giáo.

Khẩu hòa vô tránh

Nghĩa là, các thành viên trong cộng đồng Phật giáo phải ăn nói chính xác và thân thương, không để xảy ra những sự tranh cãi về quyền lợi riêng tư, về Giáo hội, về Phật pháp, về thế quyền và giáo quyền… mà phải luôn luôn thực hiện tinh thần hòa hợp và đoàn kết.

Ý hòa đồng sự

Nghĩa là, các thành viên trong cộng đồng Phật giáo phải đồng tâm nhất trí trong chủ trương hòa hợp, đoàn kết Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội, để cùng chung phụng sự mục đích hạnh phúc, tự do, bình đẳng cho Phật giáo và đất nước Việt Nam.

Kiến hòa đồng giải

Nghĩa là, các thành viên trong cộng đồng Phật giáo cần phải sống và làm việc bằng chính kiến, hiểu biết chính xác rõ ràng. Nếu có sáng kiến và kinh nghiệm tích cực, nên cùng nhau chia sẻ và giải thích, nhằm phục vụ những lợi ích chung cho Giáo hội và cộng đồng dân cư, tuyệt đối phải tránh những tà kiến, mê tín, dị đoan.

Giới hòa đồng tu

Nghĩa là, trong cộng đồng Phật giáo, các Tăng ni phải nghiêm trì giới luật, ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phải chấp hành Hiến chương và Nội quy Tăng sự Trung ương.

Ngoài xã hội, các thành viên phải làm tròn nghĩa vụ công dân, đồng thời phải tuân theo chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hầu mang lại nề nếp, phát triển cho Giáo hội; kỷ cương, hòa bình, hạnh phúc và dân chủ, văn minh cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Biết rằng, giới luật của Tăng ni gồm có: 10 giới của Sa Di và Sa Di Ni; 6 giới của Thức Xoa Ma Na Ni; 250 giới của Tỷ Khưu; 348 giới của Tỷ Khưu Ni và 58 giới của Bồ tát.

Lợi hòa đồng quân

Nghĩa là, quyền và lợi phải bình đẳng chia đều trong cộng đồng Phật giáo trên nguyên tắc “Công bằng xã hội”, cùng ở, cùng ăn, cùng làm việc một cách hòa đồng, tự giác. Một ngày không làm, một ngày không ăn (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực). Nói cách khác, hệ thống kinh tế và tài chính của cộng đồng Phật giáo phải được tổ chức dân chủ và phân chia bình đẳng tùy theo khả năng làm việc của mỗi thành viên. Có như vậy, cộng đồng Phật giáo mới có thể tồn tại và phát triển hòa đồng, vững mạnh.

Mười giới hướng thiện

Đây là Mười giới hướng thiện mà đức Phật đã quy định cho các nam nữ phật tử, tức là Thập thiện giới.

Thứ nhất, không được sát sinh

Nghĩa là, Phật tử phải tôn trọng sự sống và quyền sống của mọi người, không được sát sinh, không được gây chiến tranh, không được phá hoại môi trường sống và môi trường xã hội, phải thực hiện nếp sống nhân văn, hòa bình, văn minh và nhân ái.

Thứ hai, không được trộm cắp

Nghĩa là, phật tử phải tôn trọng tài sản và tiền bạc của mọi người, không được dùng bất cứ cách nào để ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp và chiếm đoạt những tài sản sở hữu ấy kể cả việc tham nhũng, hối lộ của Nhà nước.

Thứ ba, không được tà dâm

Nghĩa là, phật tử cần thực hiện quyền bình đẳng nam nữ nói chung, quyền vợ chồng trinh khiết, thương yêu, hòa thuận nói riêng, vì thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, để xây dựng gia đình hạnh phúc. Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng như nhau”. Cho nên, vợ chồng không được ngoại tình, tà dâm, mà phải thủy chung, bình đẳng, đúng nghĩa vợ chồng, tức là, không được gây bạo động đánh nhau, chửi nhau. Được như vậy thì mới có nếp sống vợ chồng hạnh phúc, văn minh. Nói chung, giữ gìn trọn vẹn được ba giới nói trên, sát sinh, ăn cắp và tà dâm, tức là Phật tử có một mạng sống, thân người trong sáng và tiến bộ.

Thứ tư, không được nói dối

Theo lời Phật dạy, khi giao lưu đối thoại, khi phát biểu ý kiến cá nhân nên dùng những lời chính ngữ và ái ngữ, nghĩa là nói những điều xác thực và thân thương để bày tỏ quan điểm của mình, không được nói sai sự thật; nói thêu dệt; nói lưỡi hai chiều, trước mặt sau lưng; nói thô bạo hay nói tục chửi thề. Nói ngắn gọn, phật tử không nên dùng bốn cách nói trên để tu dưỡng khẩu nghiệp cho được hoàn chỉnh thanh tịnh, đồng thời cũng không được sử dụng ma túy và rượu say. Theo thuật ngữ Phật giáo thì thứ tư, không được vọng ngôn;

Thứ năm, không được ỷ ngữ;

Thứ sáu, không được lưỡng thiệt;

Thứ bảy, không được ác khẩu.

Về mặt tinh thần, đức Phật dạy: “Mỗi người thường có ba độc tố trong tâm lý. Đó là tham dục, sân hận và si mê. Vì thế, người ta cần phải tu tập giới luật, thiền định và trí tuệ để diệt trừ ba độc tố ấy”. Nguyên nhân chính của ba độc tố ấy là do tinh thần chấp ngã vị kỷ, cho cái ta là độc tôn, trên người khác, không biết sự tương quan sinh tồn - Lý duyên sinh - trong xã hội. Mặt khác, về mặt vật chất, là do nghèo đói, bệnh tật và thất học. Bởi vậy, Phật tử cần phải thực hiện an sinh xã hội, y tế và giáo dục, song song với việc làm giúp đỡ cụ thể cho nhân dân bằng tài thí, vô úy thí và pháp thí của Phật giáo. Cho nên, Phật tử phải thực hành ba giới hướng thiện sau đây:

Thứ tám, không được tham dục ích kỷ;

Thứ chín, không được nóng nảy sân hận;

Thứ mười, không được si mê cố chấp.

Nói tóm lược

Muốn tu dưỡng Thân nghiệp thì có ba giới,

Muốn thu dưỡng Khẩu nghiệp thì có bốn giới,

Muốn tu dưỡng Ý nghiệp thì có ba giới.

Tựu trung lại, phật tử có 10 giới hướng thiện để hoàn thiện và thanh tịnh Thân, Khẩu, Ý đúng như lời dạy của Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận. Ngoài ra, Tăng ni và phật tử còn phải làm tròn bổn phận nhằm đền đáp bốn ân, đó là: ơn đất nước, ơn cha mẹ, ơn thầy bạn và ơn Tam Bảo. Có như vậy, chúng ta mới là người công dân xứng đáng và phật tử thuần thành trong Đại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày viên tịch của Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.   

Hòa thượng Tiến sĩ Thích Đức Nghiệp 
Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam            

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...