Kiến thức

Làm thiện nhiều, tâm ngạo mạn vẫn đọa súc sinh

Chủ nhật, 12/02/2024 10:52

Người bố thí nhiều dĩ nhiên là có nhiều phước. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sinh tâm ngã mạn, xem mình là người ban ơn, coi thường kẻ nhận thí thì chính tâm niệm ấy lại thiêu rụi công đức phước báu đã làm. Nếu ngã mạn càng nhiều, phước đức càng tiêu hao, dẫn đến đọa lạc.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.

Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài, nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:

- Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa.

Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà (biết sự tình…) liền đến Thắng lâm, vườn Cấp Cô Độc…

Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật, nói với Thế Tôn rằng:

- Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

 - Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực.

- Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não?

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

- Ta nói với con chó trắng rằng, ‘Người không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết la ó rồi lại sủa’.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:

- Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?

Đức Thế Tôn bảo:

- Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn ba lần. Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:

- Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận gấp bội. Ông nói với Đức Thế Tôn:

- Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao, thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung nhất định sinh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà sinh vào loài chó hạ tiện này?

Đức Thế Tôn bảo:

- Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy nên sinh vào loài chó hạ tiện".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Căn bổn phân biệt, kinh Anh vũ, số 170 [trích, lược])

Thế Tôn có thiên nhãn, biết được sự tạo nghiệp và sinh tử không ngừng của chúng sinh. Chuyện ông Đô-đề (cha của Anh Vũ) một đời bố thí rộng lớn, thiết trai cúng dường hậu hĩ nhưng sau khi chết vẫn bị đọa, tái sinh làm chó trắng ngay trong chính căn nhà của mình, thật đáng lưu tâm.

Người bố thí nhiều dĩ nhiên là có nhiều phước. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sinh tâm ngã mạn, xem mình là người ban ơn, coi thường kẻ nhận thí thì chính tâm niệm ấy lại thiêu rụi công đức phước báo đã làm. Nếu ngã mạn càng nhiều, phước đức càng tiêu hao, dẫn đến đọa lạc.

Thế nên thực hành bố thí cũng cần phải học mới thực sự lợi ích. Trước khi bố thí tâm phải tịnh tín, trong khi bố thí tâm cần thanh tịnh và kính trọng, sau khi bố thí lòng sinh hoan hỷ. Vật thí phải trong sạch, do chính mình làm ra. Tự tay bố thí, biết rõ quả phước và hiểu được mục đích cao thượng của việc đang làm.

Bố thí cho người mà thực chất chính là cho mình. Buông bỏ tài vật là tiền đề để buông bỏ bản ngã, hướng đi đúng đắn của pháp hành bố thí. Cẩn thận với tâm ngã mạn để bảo vệ phước quả bố thí đã làm.

loading...