Lời Phật dạy
Lời Phật dạy về nhân quả báo ứng
Chủ nhật, 22/10/2019 11:03
Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Nếu chúng ta không tin nhân quả, ta sẽ sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ biết tham lam ích kỷ để làm tổn thương người khác.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về luật nhân quả
Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, sự diễn biến từ nhân đến quả còn tùy thuộc vào các duyên, nhân quả có thể báo ứng liền tức khắc như chúng ta đang đói, chỉ cần ăn vào một thứ gì đó thì được no và kết quả của nó cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Nhân quả ở đời vốn rất chính xác và rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
Do nhận thức đúng về nhân quả nên người con Phật luôn thận trọng trong mỗi việc làm, lời nói và suy nghĩ của chính mình. Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát trong hiện tại, ta sẽ dễ dàng nhận ra quả báo trước mắt của những việc làm tốt hay xấu.
Suy nghĩ và cảm xúc của con người luôn thay đổi và chịu tác động nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Ví dụ, khi nhận được một thông tin tốt đẹp có lợi cho mình, thì lập tức ta có thái độ hoan hỷ vui vẻ, lạc quan. Ngược lại, nếu nhận được tin xấu, ngay khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, buồn phiền, bực bội và có thể nóng nảy với những người khác.
Theo luật nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết gieo nhân thiện ích giúp người cứu vật.
Trên thế gian này với nhiều thể chế chính trị và rất nhiều tôn giáo đều lý giải nhân quả theo cách riêng của mình, đa số đều nghiêng về có một đấng tối cao ban phước giáng họa. Tuy nhiên theo quan điểm của đạo Phật, luật nhân quả báo ứng là nền tảng sống của muôn loài vật, không ai có thể tách rời luật nhân quả mà tồn tại. Cho nên Phật giáo, đối với “nhân quả báo ứng“, có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt, Phật dạy chính chúng ta là chủ nhân của bao điều họa phúc, mình làm lành được hưởng phước tốt đẹp, làm ác chịu quả khổ đau.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo tốt đẹp, còn làm các điều xấu xa tội lỗi bị quả báo khổ đau. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo tương xứng khác nhau.
Ai làm mười điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo nghiệp ác nhẹ hơn, sẽ bị tái sinh vào loài quỷ đói và các loài súc vật để chịu khổ báo. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, mà làm người thấp kém và tiếp tục bị thọ các quả báo xấu còn xót lại.
Để cho chúng ta có đủ niềm tin về nhân quả, xin mời tất cả quý vị cùng nghe bài kinh triết lý sâu sắc về tội lỗi, bởi gieo nghiệp xấu ác.
Tiến trình diễn biến từ nhân đến quả, có thể báo ứng ngay trong hiện tại mà cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần quan sát trong hiện tại, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra quả báo nhãn tiền của những việc làm ác.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo:
Này các Tỳ kheo, có hai loại tội. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại và tội có kết quả trong đời sau.
Thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Này các Tỳ kheo, khi thấy nhà vua bắt được kẻ trộm, kẻ vô lại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ bị đánh bằng roi cho đến bị chặt đầu. Thấy vậy liền suy nghĩ: Do làm ác nghiệp nên mới bị các hình phạt như vậy.
Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong hiện tại.
Và này các Tỳ kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: Quả báo dị thục của thân miệng ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Nghĩ vậy, người ấy sợ hãi tội lỗi trong đời sau.
Do vậy, này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong hiện tại và đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt, phần Hai loại tội [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.94)
Đây là bài kinh đức Phật nói tại thành Xá-vệ, nơi khu đất mà trưởng giả Cấp-cô-độc mua để làm Tịnh-xá, người học Phật cần phải suy xét và chiêm nghiệm, tất cả mọi hiện tượng trong bầu vũ trụ bao la này từ con người cho đến muôn loài vật, đều chịu sự chi phối của nhân quả.
Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, việc làm ác cũng lại như thế. Phật dạy: Dù chúng ta có lên núi cao hay trốn xuống vực thẳm, cũng không thể nào tránh được nghiệp quả khi đủ nhân duyên. Do chúng ta đã tin sâu về nhân quả nên người học Phật, luôn cẩn thận và có sự quán xét trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.
Nhân trộm cướp trong hiện đời sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt… và tiếp tục chịu quả báo xấu trong tương lai. Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác, khi chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc về tội trộm cướp. Tham lam muốn chiếm lấy của người khác, để làm của riêng cho mình là do thói quen thâm căn cố đế của những người không tin nhân quả.
Tuy nhiên vì lòng tham mà chúng ta có thể tìm đủ mọi cách để lường gạt người khác, là nhân dẫn đến tù tội và nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.
Lại nữa, tiền bạc tài sản vật chất là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm giờ thì đội nón ra đi. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình mình và người khác.
Sự đền trả xứng đáng của quả báo này, trước tiên là bị giam cầm tù tội, bị nhiều người khinh chê, gia đình ly tán vợ con khốn khổ, rồi mai sau nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của, thì cũng không thể tự do sử dụng để giúp đỡ người.
Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhãn mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hội mà báo chí thường đăng tải là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt.
Nhân quả trong thời hiện đại, thường được hiểu như một luật thưởng phạt công bình: "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ" hoặc "gieo gió gặt bão"... Bởi thế có rất nhiều người quá sợ hãi luật nhân quả nên họ không dám làm những điều xấu ác, vì gieo nhân xấu thì gặt quả ác trong hiện tại và mai sau. Hoặc ngược lại, có rất nhiều người làm phước thật nhiều để mong mai sau thọ hưởng phước báo nhiều hơn.
Luật nhân quả theo quan điểm của Phật giáo, đúng là gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, nhưng theo sự hiểu biết của chúng tôi nó không phải chỉ là luật thưởng phạt bình thường, mà là một luật cần thiết cho nhu cầu đời sống và sự tiến bộ của con người.
Ðức Phật dạy: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Tất cả mọi người ai cũng có khả năng thành Phật như nhau, vì ta đã có nhân Phật trong người, cái vì biết khi thấy, cái vì biết khi nghe….. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho các đệ tử sau này ai sẽ thành Phật hiệu gì, ở đâu ... Như vậy ta thấy không những đệ tử của Phật sẽ thành Phật mà tất cả chúng sinh đều sẽ thành Phật, vì tính bình đẳng dù phải trải qua vô lượng số kiếp về sau.
Nhân quả theo ta như bóng với hình
Cuộc sống của chúng ta với đủ mọi sắc thái, tầng lớp: giàu có sang trọng, nghèo khổ bần cùng, hiền lành chất phát, hung dữ ác độc, thông minh hay ngu dốt... Chúng ta có mặt trong cuộc đời là đã ghi tên và được nhận vào đại học đường tức trường đào tạo con người.
Bổn phận của học sinh là phải học để nâng cao trình độ hiểu biết về mọi phương diện. Nếu chúng ta lười học, bỏ học thì ta sẽ trở thành những kẻ ngu dốt, chỉ làm tốn tiền cha mẹ mà chẳng được lợi ích gì.
Mục đích chính của việc học là để chúng ta biết cách hoàn thiện chính mình đến khi bằng Phật mới thôi. Trước tiên bài học cao quý nhất cần phải hiểu là bài học "sống để yêu thương". Thương yêu chính mình và mọi người khác.
Nhưng chúng ta thương yêu cũng phải biết cách, tức là thương yêu bằng từ bi và trí tuệ, nhờ vậy ta không luyến ái ích kỷ giống như những người thường tình ở thế gian. Chính vì vậy, chúng ta cần phải học thêm bài học "hiểu biết để thương yêu bằng tình người trong cuộc sống".
Hiểu biết để thương yêu, thương yêu để có hạnh phúc chân thật nhờ biết cảm thông và tha thứ cho nhau. Hiểu biết ở đây không phải là loại kiến thức thông thường biết về đời sống kinh tế, kinh doanh mua bán, khoa học kỹ thuật, chính trị, v.v... Có rất nhiều người học giỏi, đậu bằng cấp cao về những chuyên môn trên, rồi cuối cùng đi làm kiếm tiền, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình người thân được sống để tồn tại.
Sống ở đời, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù khôn hay dại, dù tốt hay xấu, ai ai cũng muốn được sống sung sướng hạnh phúc. Quả thì ai cũng muốn được tốt đẹp nhưng mà nhân thì chúng ta không chịu gieo. Hoặc đã gieo nhân ác mà cứ muốn quả lành trái ngọt, thật là vô lý.
Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc mãi mà không thấy, chỉ thấy toàn phiền muộn khổ đau. Khổ quá chúng ta bèn tìm đến các chùa, tìm người cầu chỉ dạy. Ðạo Phật dạy gì cho chúng ta? Trước tiên dạy luật nhân quả, để chúng ta biết làm lành hướng phước tốt đẹp và tránh xa nhân xấu ác làm tổn hại người khác, vì gieo nhân nào thì gặt quả nấy.
Ta đau khổ trong tình cảm vì bị người yêu ruồng bỏ, ta đâu biết rằng trong nhiều kiếp trước mình đã phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác, nên bây giờ ta phải chịu hậu quả đau thương.
Nguyên nhân đưa đến khổ đau, không phải do hoàn cảnh, không phải do người khác, mà chính tự nơi mình đã gây ra. Vì mải chạy theo vật chất, tham đắm sắc dục, chúng ta lãng quên tâm linh sáng suốt, không tin nhân quả, không học cách sống để thương yêu, bằng trái tim hiểu biết.
Do đó mà ta phải chìm nổi lênh đênh trong biển khổ sông mê không có ngày thôi dứt, bây giờ có duyên được học lại bài học nhân quả, là ta phải biêt thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Có nhiều bậc cha mẹ thương con nhưng không biết cách chỉ dạy con cái, nuông chiều chúng muốn gì được nấy làm cho nó thêm lười biếng và ỷ lại. Cha mẹ đưa con đến trường rồi phó mặc cho thầy cô giáo hướng dẫn dạy dỗ. Nhưng trường học thời đại bây giờ, người ta chỉ dạy cho có bằng cấp, có nghề trong tay để ra đi làm ăn kiếm sống nuôi gia đình.
Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Nếu chúng ta không tin nhân quả, ta sẽ sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ biết tham lam ích kỷ để làm tổn thương người khác.
Khi đau răng, chúng ta mới hiểu được nỗi khổ của những kẻ đau răng. Có nhiều người rất mạnh khỏe, chưa bao giờ bị bệnh nên thấy người khác bệnh thì cho rằng người này dỡ nên khinh thường.
Nhân quả nghiệp báo tốt xấu sẽ đến sớm hay muộn là tùy theo duyên, bây giờ ta chưa đau bệnh, nhưng sau này sẽ bệnh rồi ta cảm nhận sự thống khổ của nó mà có thể cảm thông người đã bệnh. Khi hiểu được như vậy chúng ta sẽ thương mình và người khác, nhờ đó nghiệp khổ ngày càng được giảm bớt và tiêu trừ. Nếu chúng ta không hiểu như thế mà cứ đi chùa để cầu khẩn van xin, mong Phật, Bồ tát gia hộ cho mau hết bệnh là người chưa có niềm tin sâu sắc về nhân quả.
Con người có hai phần: thể xác và tinh thần. Do đó chúng ta phải biết quay lại chính mình mà sống với tâm Phật sáng suốt, thì mọi bệnh khổ sẽ được tiêu trừ. Sự diễn biến từ nhân đến quả cũng không nhất định, có thể báo ứng liền trong hiện tại hoặc xảy ra sau một thời gian, khi làm ác chúng ta có thể qua mặt được luật pháp. Nhưng luật nhân quả sẽ không chừa bất cứ một ai, khi nhân duyên chín mùi.
Chúng ta chỉ cần quan sát trong hiện tại, sẽ biết rõ ràng quả báo trước mắt của những việc làm ác như: trộm cướp, lường gạt, nói lời dối gạt, cờ bạc, hút chích, đàn điếm, lừa tình, trù dập, hãm hại, buôn lậu, móc ngoặc hối lộ, tham ô chèn ép người quá đáng…..dẫn đến bị bắt, bị truy tố, bị giam cầm tù tội cho đến tử hình.
Chính vì thế, người Phật tử chân chính phải tin sâu nhân quả nên luôn sợ hãi với quả báo xấu xa, quyết không làm điều gì làm tổn thương đến người khác, tránh xa tội lỗi. Người đã có đủ tín tâm về niềm tin nhân quả, sẽ ý thức mà không làm các việc xấu ác, bởi nhân trộm cướp lường gạt của người dẫn đến quả báo hiện tại chịu tù tội, và tương lai chịu thiếu thốn, nghèo hèn.
Chúng ta hãy sợ hãi quả báo xấu trong đời này để biết cách tránh xa những điều tội lỗi, hay làm các việc thiện ích vì tình người trong cuộc sống. Một người sống tốt không làm tổn hại ai, một gia đình hoàn thiện về nhân cách đạo đức thì xã hội sẽ phát triển ổn định một cách bền vững và lâu lài, nhờ ai cũng tin sâu vào nhân quả nghiệp báo.
Xưa có một gia đình nọ vì quá nghèo nên hai mẹ con phải đi ở đợ cho ông phú hộ giàu có trong làng. Người mẹ đã lớn tuổi vì cuộc sống cơ cực bần hàn nên đã qua đời gần một năm, vào một đêm nọ, người con nằm mộng thấy mẹ về nói với ông: “Ngày mai có mưa to, phía sau nhà bếp sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh, ông phú hộ sẽ cho con, nhưng con chớ có nên ăn. Mẹ khi còn sống, đã từng trộm hai trăm đồng của ông phú hộ, nay vì ác nghiệp đó mà mẹ chưa được siêu thoát và phải thành con gà để trả nợ. Mẹ đã đẻ đủ số trứng và sinh ra nhiều lứa gà con nên trong đời này trả hết số nợ cũ, bây giờ ta có thể tái sinh cõi lành.
Hôm sau, quả đúng như lời nói trong giấc mộng, có một con gà mái chết cóng phía sau nhà bếp. Ông phú hộ liền cho người con, biêt được nguyên nhân đứa con khóc lóc thương tiếc nhớ đến mẹ mình rồi đem gà mái đi chôn. Ông phú hộ ngạc nhiên, mới gặng hỏi vì sao lại như thế. Không dấu diếm được nữa, người con liền đem sự thật kể lại cho ông phú hộ nghe. Kể từ hôm đó, ông phú hộ đối xử tốt với chàng trai và coi anh như người thân trong nhà.
Trộm ở đây có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt dưới nhiều hình thức khác đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.
Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả vì làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác chịu họa khổ đau hiện tại và mai sau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối và sẽ cho ra kết quả xấu khi đủ nhân duyên.
Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, người Phật tử chân chính nguyện mở rộng tấm lòng thương xót, không xâm hại tài sản vật chất của người khác để đem lại niềm vui sống đến với tất cả mọi người. Chúng ta phải có niềm tin về nhân quả trọn vẹn, dù là một cây kim cọng chỉ, nếu không phải của mình hay người khác không cho, thì mình không được tự ý lấy làm của riêng.
Ngoài những tội có kết quả trong hiện tại khi đủ nhân duyên, còn vô số những việc làm ác sẽ kết thành quả xấu trong tương lai vì nhân đã gieo dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất.
Con người khi gặp quả báo xấu mới than trời trách đất đổ thừa tại thì là….mà không chịu gieo nhân lành ngay nơi hiện tại. Nhiều người đã phạm tội nhưng chưa bị phát hiện bởi nhân xấu chưa kết thành quả, thì họ vẫn cứ ung dung hưởng thụ, thản nhiên như người vô tội, thậm chí còn phỉ báng luật nhân quả nữa. Đến khi phước hết họa đến chịu quả khổ đau không có ngày thôi dứt.