Sách Phật giáo

Luận về Mười điều lành trong Kinh "Hành thập thiện"!

Thứ năm, 27/04/2013 02:44

Đức Phật đã dạy chúng ta tu thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phước báo để đời này được an vui, và kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy Hành thập thiện đem lại lợi ích vô cùng to lớn 

Muốn chấm dứt hoàn cảnh khổ đau trong cuộc sống, vượt thoát cảnh tù tội của thế gian, hoặc những tai nạn hiểm nghèo, những bệnh tật khó trị, những xung đột tỵ hiềm, nhỏ mọn, ích kỷ, dối trá, xảo quyệt, v.v... Đức Phật đã dạy chúng sinh phải biết tu mười điều lành tức Hành thập thiện!

Thập Thiện hay còn gọi là Thập Thiện Nghiệp, Thập Thiện Giới, Thập Thiện Pháp. Tên gọi khác nhau là do tùy cách diễn nghĩa theo các phương diện ứng dụng, tùy theo cách nói về nghiệp, nói về giới luật hay nói về pháp tu.   

Hành thập thiện là những điều mà Đức Phật giảng tại Long cung Sa Kiệt La, trước tám ngàn Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ tát. Đó là bản Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Kinh này do Ngài Thực Xoa Nan Đà, đời Nhà Đường (618 – 907) bên Trung Quốc dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Ở Việt Nam ta, hiện nay đã có những bản dịch ra tiếng Việt của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ[1], một bản dịch khác do Cố Đại lão Hòa thượng Thích Hòan Quan[2] và có thể còn có một vài vị khác nữa đã dịch ra tiếng Việt như của Hòa thượng Thích Tâm Châu[3].

Hành thập thiện là phương pháp tu đưa nhân loại đến với hạnh phúc chân thật, giúp con người thoát cảnh đau khổ trên trần thế, rèn luyện con người tu tập để trở thành những nhân tố tốt cho xã hội. Tu thập thiện  giúp cho người ta trở nên điềm đạm, có đức tính khiêm hạ, giản dị, có nhân cách cao đẹp và có đủ sức kiên trì nhẫn nại để vượt qua những khó khăn của đời sống. Tu thập thiện sẽ chuyển cảnh khổ đau, đói rét thành cảnh an vui, no ấm, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống có đạo đức, chân thật, làm gương tốt cho mọi chúng sinh. Tu thập thiện giúp chúng ta tránh mọi tham lam, sân hận, si mê, không tham đắm ngũ dục, do đó giúp cho con người không thể trở thành những kẻ hung ác, giết người, trộm cướp, hiếp dâm. Nhờ thế tâm hồn con người sống trên trần thế không còn lo sợ phải tù tội và đọa lạc vào ba đường ác. Thập thiện giúp cho thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm lỗi lầm, không tạo nghiệp ác.

Người không biết tu thập thiện thì ba nghiệp (thân, khẩu, ý) tạo đủ mười điều ác do đó sẽ phải gánh mọi nghiệp quả khổ đau, sẽ bị đọa vào địa ngục là con đường khổ đau nhất trong sáu nẻo luân hồi. Những người như thế ngay khi còn sống họ cũng đã phải chịu một cuộc đời đau khổ, nếu họ không làm mười điều lành mà chỉ làm mười điều ác (sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, tham lam, sân hận, và si mê). Những kẻ một đời làm ác, sẽ không có lúc nào được an vui, dù họ ở vào địa vị nào trong xã hội, dù có quyền lực, giàu sang hay nghèo hèn thì bản thân và tâm hồn của họ vẫn luôn đen tối và đau khổ triền miên.

Đức Phật đã dạy chúng ta tu thập thiện cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phước báo để đời này được an vui, và kiếp sau cũng được giàu sang, sung sướng, thỏa mãn mọi nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy Hành thập thiện đem lại lợi ích vô cùng to lớn không những cho kiếp này mà còn cho những kiếp mai sau.

Đó là nói về con người thế gian nói chung. Còn đối với hàng xuất gia, tức là các nhà tu hành thì Hành thập thiện không những sẽ giúp cho các hành giả hưởng một cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau sẽ sinh lên sáu cõi tầng trời[4] hưởng cảnh vui thú, an nhàn hoặc đạt đến quả vị cao hơn.

Để vượt ra khỏi ba cõi thế gian, đạt đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác thuộc hàng Nhị thừa, hành giả phải tu theo các pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên[5] và để đạt đến hàng Bồ tát Đại thừa, cần phải qua pháp Lục Độ[6] mới đi đến giác ngộ hoàn toàn. Muốn thực hiện được các pháp môn đó, hành giả không thể bỏ qua được pháp môn Tu thập thiện. Tu Thập thiện nghiệp như một nấc thang quan trọng cần phải vượt qua nếu muốn đạt được thành quả cao hơn nữa. Vì lẽ đó, người ta nói Hành thập thiện là cái gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (kinh về Mười nghiệp lành) do Đức Phật thuyết giảng về việc tu tập thực hành mười nghiệp lành. Nghiệp là hành vi tạo tác. Thập thiện nghiệp là mười hành vi lành. Bộ kinh dạy chúng sinh biết làm mười điều lành, tránh mười điều ác. Mười điều lành này không những dạy cho hàng tại gia mà cho cả hàng xuất gia. Trong hàng xuất thế gian, muốn đạt đến phẩm hạnh cao như Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát cũng đều phải qua kinh qua tu hành thập thiện.

 

Đức Phật nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (kinh Mười điều lành) bao gồm:    

          - 3 nghiệp về thân : không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm

          - 4 nghiệp về miệng (tức về khẩu ngữ) : không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói ác khẩu, không nói lời thêu dệt,

          - 3 nghiệp về ý : không tham lam, không sân hận, không si mê tà kiến.

Sau đây là nội dung của hành thập thiện:

A. Ba điều lành về thân nghiệp:

1. Không sát sinh :

+ Sát sinh là diệt mạng sống của kẻ khác hoặc loài khác, nói chung là chúng sinh hữu tình. Sát sinh là tự mình cầm khí giới trực tiếp sát hại hoặc dùng phương tiện như bẫy, thuốc độc giết hại, hoặc sai bảo người khác giết hại, hoặc thấy sự giết hại mà trong tâm mình hoan hỷ, đều là nghiệp sát sinh cả. Nghiệp sát sinh này tùy theo tâm trạng khi sát sinh, tùy theo đối tượng bị sát sinh và tùy theo thời gian thực hiện mà phân biệt tội nặng nhẹ khác nhau.

Theo tâm trạng, thì nặng nhất là tội do tâm sân hận, biết phạm pháp luật mà vẫn cố ý giết hại kẻ khác, tội này phải bị đày vào địa ngục Vô gián, A Tỳ. Thứ đến là tội tuy có sân hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ ràng mà không sân hận trong khi thực hiện việc sát sinh. Tội nhẹ là không sân hận, không hiểu biết mà giết lầm.

Theo đối tượng bị giết cũng có nặng nhẹ khác nhau. Như phá hủy thân Phật, giết hại các bậc thánh nhân, A La Hán, giết hại cha mẹ và các ân nhân của mình là tội nặng nhất, phải đọa vào địa ngục A tỳ. Thứ đến là phạm tội giết các người khác và tội giết hại các loài chúng sinh để ăn thịt. Tất cả đều là tội sát sinh.

Theo thời gian thực hiện giết hại cũng có tội nặng nhẹ khác nhau. Nếu trước khi giết hại mà tâm thấy vui, khi đang giết và sau khi giết rồi, tâm vẫn vui vẻ không có lòng hối hận là tội nặng nhất. Nếu sau khi giết rồi mà sinh tâm hối hận là tội bậc trung. Còn không có lòng sân hận mà giết lầm và sau khi giết rồi, sanh lòng hối hận là tội nhẹ.

+ Các hình thái sát sinh : Tội sát sinh thể hiện nhiều hình thái khác nhau trên hai đối tượng chính là con người và loài vật.

- Như trên đã nói, giết người là tội vô cùng nặng, nhất là tội giết cha mẹ anh em ruột thịt, giết đồng loại vì lòng tham, vì sân hận. Ở phạm vi hẹp là giết một người hoặc một vài người. Ví dụ một đứa con ngỗ ngược, ăn chơi, nghiện hút không có tiền, xin cha mẹ tiền không được đã đang tâm giết cha hoặc mẹ để lấy tiền, hoặc người tình giết người tình vì ghen tuông, hoặc cướp của giết người lấy tiền ăn chơi, thỏa mãn dục vọng dưới mọi hình thức như cầm dao búa, súng đạn, bóp cổ, dùng thuốc độc, chẹt xe, gây tai nạn, dìm chết dưới nước v.v… Ở phạm vi rộng là gây chiến tranh chiếm đoạt tài sản, lãnh thổ của cả một đất nước, một dân tộc, giết hại dân lành một cách phi nghĩa dưới mọi hình thức bom đạn, bắn giết ngoài chiến trường, tàn sát làng mạc, rải thuốc độc hóa chất, phá hồ tháo nước, thiêu đốt làng xóm núi rừng…

- Tội giết loài vật để ăn thịt nhằm thỏa mãn chút vị ngon, hoặc giết loài vật, mổ xẻ khác đem đi bán dưới mọi hình thái như giết bằng dao, bằng búa, bằng điện, bằng bẫy, cung nỏ, súng đạn, nhấn chìm dưới nước, hoặc lấp hang phá ổ v.v… Cần phải thấy rằng ngày nào con người còn giết hại thú vật để ăn là ngày đó còn có chiến tranh, còn có cảnh con mất cha, mẹ mất con vì chiến tranh tàn phá. Chiến tranh không bao giờ chấm dứt bởi con người còn nghiệp sát sinh hại vật.

Tất cả những tội sát sinh đó, kinh Phật đã dạy : Tội giết hại thường làm chúng sinh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ để chịu khổ báo. Nếu đầu thai trong loài súc sinh phải chịu làm thân hùm beo, chó sói, hoặc làm thân rắn độc, rết độc, ôm lòng hiểm ác, hoặc làm thân hươu nai, thỏ beo, luôn luôn sợ hãi. Nếu được làm người mắc phải hai thứ quả báo : một là nhiều bệnh hai là chết yểu.

Vì vậy, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy con người không được có hành động sát sinh bởi vì :

Mọi vật sinh ra trong vũ trụ kể cả con người đều sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Con vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả được, vì thế tha mạng chết cho người (ân xá), tha nạng chết cho vật (không sát sinh) là một ân huệ lớn. Thực hiên không sát sinh mà còn phóng sinh, là nghiệp lành đứng đầu trong việc Hành thập thiện nghiệp.

Con ngưởi ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật. Con vật khi bị giãy giụa trên thớt, dưới dao còn khổ hơn con người ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức. Niềm đau, nỗi khổ của con người và loài vật cũng giống nhau không khác!

Muốn không sát sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon mà tạo nên tội lỗi, máu đổ thịt rơi. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sinh cũng là nỗi khổ của mình để tránh sát sinh. Người tu hành còn phải biết quán chiếu ăn thịt chúng sinh như ăn thịt con mình hay cha mẹ trong tiền kiếp của mình.

Đức Phật đã chỉ ra rằng tất cả các chúng sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo nên phải sinh tử luân hồi sáu nẻo[7], thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi, đang tâm giết hại, sát sinh để ăn thịt là cái nhân gây ra bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải đền bằng máu xương, dù trốn đi đâu cũng không tránh khỏi.

Trong kinh Bổ Tát Giới, Phật nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính như nhau không khác, nếu chúng ta giết chết một con vật tức là bóp chết lòng từ bi của mình, giết luôn vị Phật tương lai và giết lộn ăn lầm người thân trong quá khứ. Có chuyện kể rằng ở thành Vương Xá có một ông trưởng giả nghe lời người Bà la môn giết rất nhiều loài vật để tế thần, Ngài Mục Kiền Liên đi qua thấy thế nói với ông trưởng giả rằng ông đã giết cha mẹ anh em người thân của mình trong quá khứ chứ không ai xa lạ. Ông trưởng giả không tin, Ngài Mục Kiền Liên bèn dùng phép thần thông trình bày những kiếp trước giữa ông trưởng giả và những con vật bị giết đều là quyến thuộc. Trưởng giả thấy thế, vô cùng sợ hãi, ăn năn sám hối, phát tâm quy y, ăn chay, nguyện trọn đời từ bỏ nghiệp sát hại súc vật.

Trong kinh Địa Tạng có nói đến một chuyện: Trong thời kỳ Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai ra đời, cách đây a tăng tỳ kiếp (vố số kiếp), từ rất xa xưa, có một nữ nhân tên là Quang Mục do thương xót người mẹ sau khi mẹ chết, đã đi lễ và được vị La Hán cho biết người mẹ khi còn sống thường sát sinh, ăn cá, ba ba và rất nhiều trứng của loài đó nên đã bị đọa vào địa ngục. Quang Mục liền chí thành tô đắp tượng Phật, một lòng cung kính lễ bái thì chiêm bao thấy Phật báo rằng: Chẳng bao lâu nữa, mẹ con sẽ sinh vào nhà con. Quả nhiên sau đó, người đầy tớ gái trong nhà sinh được một bé con chưa được ba ngày mà đã biết nói, và đứa bé đã nói với Quang Mục rằng xưa là mẹ của Quang Mục do nghiệp sát sinh hại vật đã bị đọa vào địa ngục, may nhờ con thành tâm cung kính lễ bái mới được đầu thai làm kẻ hèn hạ, sống ngắn ngủi đến mười ba tuổi rồi bị chết non lại đọa vào đường ác.

Muốn tránh xa nghiệp sát sanh cần phải tu theo ba pháp môn: giới, định, tuệ. Trước tiên tu theo giới mà bỏ nghiệp sát sanh, thân không hành động giết hại. Thứ hai, tu thiền định làm cho tâm không khởi lên việc giết hại nhưng cũng chưa dứt hẳn. Cuối cùng là tu tập theo định huệ, dứt sạch chủng tử thói quen từ vô thủy kiếp đến nay. Chỉ khi chứng đến quả Phật mới hoàn toàn dứt hẳn nghiệp sát sinh mà thân tâm được thanh tịnh.

Ngày xưa đức Phật khi còn tại thế, đã cùng Xá Lợi Phất đứng xem một đàn chim. Bầy chim thấy Phật thì không sợ hãi mà thấy ngài Xá Lợi Phất thì cuống cuồng bay đi. Ngài Xá Lợi Phất hỏi Phật vì lẽ gì? Đức Phật dạy: "Ngươi dù đã chứng đến A La Hán, tuy không còn tâm sát hại nhưng vì thói quen chủng tử sát hại từ vô thủy đến nay chưa dứt hẳn, cho nên loài chim lại gần thì sinh lòng sợ hãi". Trong các kinh và sách về Phật học, có rất nhiều câu chuyện nói về những kẻ phạm vào tội sát sinh thì ngay trong đời này hoặc trong các kiếp sau phải gánh nghiệp nặng, hoặc phải lấy mạng đền mạng hoặc bị đọa vào ba đường ác không biết bao giờ mới thoát ra được. (Một số chuyện kể về nghiệp sát sinh, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này)

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: Nếu ai không sát sinh thì sẽ được mười điều lợi ích như sau:

1/. Tất cả chúng sinh đều kính mến.

2/. Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh.

3/. Trừ sạch thói quen giận hờn.

4/. Thân thể thường được mạnh khỏe

5/. Tuổi thọ được lâu dài.

6/. Thường được Thiên Thần hộ trì.

7/. Ngủ ngon giấc và không chiêm bao, ác mộng.

8/. Trừ được các mối thù oán.

9/. Khỏi bị đọa vào ba đường ác.

10/. Sau khi chết được sinh lên cõi Trời.

Những người thường giúp đỡ, săn sóc người nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, khổ đau, v.v... thì bản thân họ ít bệnh tật, ít tai nạn. Nếu ai biết lo tạo phúc lành thì ngay trong đời hiện tại chắc chắn họ được khỏe mạnh, tinh thần được thư thái và an vui. Không sát sinh là hành động từ bi, là học theo hạnh nguyện từ bi của Bồ Tát đối với vạn vật trong vũ trụ. Để trau dồi tâm từ bi thì chẳng những chúng ta không sát sinh hại vật, mà còn phải thực tập ăn chay. Ăn chay tức là không ăn thịt chúng sinh, không ăn thịt người thân quyến thuộc của mình trong nhiều đời kiếp trước. Sự nghiệp ăn chay đem lại rất nhiều điều lợi, về mặt khoa học sẽ tránh được việc ăn phải những chất độc tiết ra trong máu thịt con vật khi chúng bị giết do sợ hãi kêu khóc. Không những cần ăn chay, để phát triển hạnh nguyện từ bi, người Phật tử còn cần thường xuyên thực hiện phóng sinh thì phúc đức sẽ vô cùng to lớn. Việc phóng sinh tức là cứu được nhiều mạng sống của chúng sinh khi chúng sắp bị sát hại, tức là đem lại phúc đức cho chúng sinh và cho bản thân người thực hiện việc phóng sinh.

Ngoài ra, ở mức độ cao hơn, hành giả và Phật tử khi đi kinh hành còn phải lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cỏ cây và những sinh vật nhỏ bé nằm dưới đất. Đó cũng là hạnh nguyện từ bi tránh sát sinh hại vật mà Đức Phật răn dạy.

Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Thế nên Đức Phật dạy cho hàng cư sĩ Phật tử, sau khi qui y thì phải từ bỏ những nghề có làm tổn hại tâm từ bi như nghề đổ tể giết súc vật, nghề buôn bán vũ khí, cung tên, dao kiếm, súng đạn, buôn bán rượu và thuốc độc, nghề săn bắn hại vật, những nghề liên quan đến sát sinh, hại người, hại vật v.v..cũng là để trau dồi hạnh từ bi và đức hiếu sinh vậy.

2. Không trộm cắp:

+ Trộm cắp là lấy những vật chất, tiền tài, của cải thuộc quyền sở hữu của người khác. Trong cuộc đời, người ta phải có nhu cầu để sống như phải có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa để ở và những nhu cầu khác về vật chất và tinh thần. Do đó phải có đồng tiền để tiêu, để trang trải những nhu cầu của cuộc sống, để học tập, để chữa bệnh khi ốm đau, để giải trí nghỉ ngơi nhằm phục hồi sức khỏe, dành cho lao động. Vì vậy mọi người ai cũng cần phải nỗ lực làm việc để có tài sản đảm bảo cho đời sống hiện tại và tương lai cho mình, cho con cháu mình. Do phải bỏ nhiều công sức lao động mới có điều kiện sống cho nên con người ta rất quý trọng tài sản của mình. Chính vì vậy quyền tư hữu tài sản là một quyền thiêng liêng và quan trọng. Nếu vì một lý do gì, người ta bị đoạt mất tiền tài của cải hoặc tài sản thì người ta sẽ vô cùng đau khổ, buồn phiền như cảm thấy chính mình bị mất một phần sinh mạng. Họ sinh ra thất vọng, buồn bực đến nỗi có khi đau ốm bệnh tật, có khi nghĩ đến tự tử, và trên thực tế cuộc đời đã có những sự việc đau buồn như vậy.

Theo lẽ công bằng, đã không muốn ai lấy của mình, thì đừng lấy bất cứ cái gì của người khác. Không muốn người khác trộm cắp của mình, làm cho mình đau khổ, thì mình cũng đừng làm đau khổ cho người. Xã hội chỉ tồn tại được, khi mọi người đều tôn trọng lẽ công bằng.  Trong kinh Phật có nói : "Vật của người khác thì người đó giữ. Dù một lá rau cọng cỏ mà họ không cho cũng không được lấy, huống chi trộm cướp". Của trộm cướp là của phi nghĩa, thường vào cửa trước ra cửa sau, tiêu hao nhanh chóng không được bền lâu, nó đến rất nhanh rồi đi cũng rất nhanh, rốt cục thì tay trắng cũng hoàn tay trắng mà còn bị người đời khinh bỉ, phỉ báng, xấu hổ cho mình và cho con cháu về sau.

+ Các loại hình trộm cắp : Tội trộm cắp (hay nói ở mức độ cao hơn là trộm cướp), có nhiều loại hình khác nhau và cũng theo từng loại hình mà tội sẽ nhẹ hay nặng khác nhau :        

- Do vô tình, không cố ý hoặc do người có của đánh rơi hay vô ý để quên mà nhặt được rồi sinh lòng tham không trả người ta, lấy làm của riêng cho mình.

- Tội do buôn bán gian lận, đổi chác hàng hóa, đem của xấu trộn lẫn vào của tốt, cân non cân thiếu, giảm bớt kích thước vật bán, nói chung là tội gian dối trong buôn bán để mong cầu chút lợi một cách không hợp tình, hợp pháp cũng là một loại hình trộm cắp.

- Do nghèo túng hoặc do chơi bời, cờ bạc, hút nghiện mà cố tình đi ăn trộm, ăn cướp của người khác như đột nhập vào nhà lấy của, cướp chặn ngoài đường mà không hại đến tính mạng của người mất của, đó là tội trộm cướp cố ý nhưng không bị thêm tội sát sinh. Nếu hại đến sinh mạng người bị mất của khi trộm cướp thì thêm tội sát sinh.

- Tội lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người khác, hoặc lợi dụng lòng ham muốn có nhiều tiền bạc một cách nhanh chóng của người khác mà lừa gạt họ để lấy tiền tài hoặc của cải của họ mà không trả, tức là tội lừa đảo chiếm đoạt cũng là một dạng của tội trộm cắp.

- Tội do dùng quyền lực, cậy thế vay mượn không trả, tội dùng mưu mẹo và quyền lực làm cho người quen, xóm giềng bị thiệt hại như lấn đất, chiếm nhà người khác, hoặc cậy thế vu khống người khác để đoạt tài sản, ao vườn của họ làm cho họ khuynh gia bại sản. Tội lợi dụng quyền lực dung túng hoặc tạo điều kiện cho kẻ khác ăn cắp của riêng hoặc của công để mình được hưởng lợi hoặc lợi dụng chức vụ ăn cắp của công và của các tổ chức kinh tế, của cá nhân khác. Đó là những tội tham nhũng, đều thuộc loại hình trộm cắp.

Tất cả các tội trộm cắp đó đều là nghiệp ác gây ra phải nhận quả ác ngay trong đời hiện tại hoặc trong các kiếp sau. Bởi thế trong kinh Phật đã nói: "Tội trộm cướp làm chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, chịu khổ vô cùng. Nếu đầu thai trong đường súc sinh, phải chịu làm thân trâu, ngựa, la, lừa, lạc đà v.v…đem máu thịt của mình trả nợ kiếp trước cho người. Nếu được làm người, phải chịu làm thân tôi mọi cho kẻ khác, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa, bần cùng khốn khổ…". Vì vậy Phật cấm trộm cướp là để trưởng dưỡng lòng từ bi cho chúng sinh. Người mắc tội trộm cướp là người nhẫn tâm lấy đi tiền của, tài vật của người khác làm cho họ phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đứng ngồi không yên, âu sầu tìm kiếm, bỏ dở công việc làm ăn, có khi vì bị mất quá nhiều mà sinh ra buồn rầu, đau ốm, tuyệt vọng, tâm trí rối loạn, điên cuồng, dẫn đến tự tử. Người gây ra như vậy phạm tội rất nặng. Người đời thường nói : "Tiền của là huyết mạch", nếu ai đó nhẫn tâm lấy đi tức là cướp đoạt xương máu, giết chết sinh mạng của người khác rồi. Do đó tội trộm cướp không những gây ra cái nhân xấu cho tâm từ mà còn gây nhân xấu trong đời sống hiện tại, gây ra cảnh tù tội. Họ làm cho mọi người khinh bỉ, phỉ nhổ, xa lánh, tự làm xấu hổ cho bản thân mình và con cháu. Họ tự làm mất tất cả nhân phẩm đạo đức, làm cho uy tín bị chôn vùi, công danh sự nghiệp bị sụp đổ, tương lai chắc chắn đen tối.

(Một số chuyện kể về nghiệp trộm cướp, xin xem trong Phần thứ Ba của sách này).

Con người ta sống theo Hành thập thiện, không những không trộm cắp mà cần phải chuyên tâm thực hành hạnh bố thí., nghĩa là không lấy của người khác mà còn đem tiền tài của cải của mình cứu giúp người nghèo khổ hoạn nạn. Hạnh bố thí là hạnh tu chủ yếu mà chư Phật, chư vị Bồ Tát dạy chúng ta thực hành để đem lại ích lợi, đem lại an lạc cho tất cả chúng sinh, ngay trên thế giới ta bà này. Bố thí là hạnh tu hàng đầu trong "Lục Độ Ba La Mật", gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bố thí cũng là hạnh tu hàng đầu trong "Tứ Nhiếp Pháp", gồm có: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Người tu tâm dưỡng tính theo đạo Phật, cần nên biết một cách rõ ràng về hạnh bố thí, để thực hành đúng theo chính pháp, để thực hành một cách liên tục, một cách hoan hỷ, để được phước báu vô lượng vô biên và để đem an lạc và hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Hạnh bố thí gồm có ba phần : tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là đem tiền tài, của cải, vật chất biếu tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Pháp thí là đem những điều đã học về Phật pháp giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống. Điều đó chẳng những có thể giúp người ta sống an lạc và hạnh phúc ngay trong đời hiện tại, ngay trong kiếp này, và cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau trong muôn kiếp sau.Vô úy thí là đem lại cho người khác sự không sợ hãi; hay nói cách khác, vô úy thí là làm sao giúp đỡ cho người khác bớt sự lo âu, giảm thiểu phiền muộn và  không còn sợ hãi.

Vì vậy, người thực hiện hành thập thiện không trôm cắp thì thì theo Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ được hưởng những phúc lành

1/  Của cải đầy nhà, không sợ giặc, nước, lửa và con hư phá mất.

2/. Được nhiều người yêu mến.

3/. Không bị người đời lừa gạt.

4/. Được mười phương khen ngợi.

5/. Không lo tổn hại.

6/. Tiếng lành đồn xa.

7/. Ở chốn đông người không sợ.

8/. Của cải, mệnh thọ, sức lực, yên vui, biện tài đầy đủ                      

9/. Thường sẵn lòng bố thí, làm phúc

10/. Sau khi mệnh hết được sinh lên cõi trời.

Những người thực hành hạnh lành, không trộm cắp bao giờ lòng dạ cũng được thảnh thơi, thoải mái, không phải trông trước nhìn sau, không phải lo nghĩ sợ hãi bị luật pháp truy tìm trừng phạt. Những người như thế chẳng phải lo ai thù oán mình. Một xã hội không có tình trạng trôm cắp thì không có cảnh tượng giành dựt, cướp đường, cướp chợ, mọi người không phải lo nghĩ vì sợ mất của, của đánh rơi ngoài đường không bị mất và sẽ được trả lại, nhà nhà không phải cửa kín then cài, xã hội sẽ được thái bình, an lạc, hạnh phúc.

Thực hiện hạnh nguyện này, con người ta không những có cuộc sống an vui, hạnh phúc mà còn đem lại phúc đức cho mình, cho con cháu mình và cho người mà mình cứu giúp.

4. Không tà dâm :

Tà dâm là cái nghiệp gây ra sinh tử luân hồi. Đối với người tại gia, hàng Phật tử, cư sĩ thì không được tà dâm. Còn trong hàng xuất gia, Phật dạy phải đoạn trừ với dâm dục.

Trong đời sống hằng ngày của con người, Phật chỉ ngăn nạn tà dâm, nghĩa là vợ chồng có cưới hỏi chính thức mới được ăn ở với nhau, nhưng phải có tiết độ và không được lang chạ, ngoại tình.

Còn trong hàng xuất gia, dâm dục là ma chướng làm ngăn trở  bước đường tu tập đi đến giải thoát. Bởi vậy người xuất gia muốn chứng thành đạo quả thì phải đoạn trừ với dâm dật ngay từ trong tâm, phải diệt trừ ngay những ý nghĩ dâm dục phát ra không cho nó biểu hiện một chút nào trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm có nói : "Lòng dâm không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao".

Còn đối với người tại gia, do trong đời sống thường ngày, nhu cầu gần gũi vợ chồng, sinh con đẻ cái là một nhu cầu tất yếu của xã hội để duy trì nòi giống. Đó  cũng là một nhu cầu để gây tạo hạnh phúc và đời sống ấm cúng gia đình, nhưng phải theo chính pháp. Trong Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật chỉ ngăn cản tà dâm đối với người tại gia. Trong gia đình, vợ chồng có cưới hỏi chính thức, được họ hàng và pháp luật công nhận, nếu người chồng không thực hiện việc tà dâm, người vợ không có tính lang chạ, thì hạnh phúc gia đình được bền vững, không khí gia đình được đầm ấm. Trong những điều kiện như vậy, sự làm ăn ngày càng phát đạt, sự nghiệp ngày càng  bền vững, họ hàng êm ấm vui vẻ, làng xóm quý mến tôn trọng. Tuy nhiên trong sinh hoạt vợ chồng, cần phải thực hành một cách đúng đắn tức là không được thực hành phi đạo (không đúng đường hành dục), phi xứ (không đúng chỗ, không phải nơi phòng the của riêng vợ chổng) và phi thời (không đúng thời gian sinh hoạt).

Những người có thói tà dâm, cả vợ lẫn chồng đều gây ra ác nghiệp. Nhất là đối với người vợ, khi lạng chạ với người khác mà thụ thai thì con mình không phải là con của chồng mình, tức không phải là con của dòng họ chồng mình, không thuộc huyết thống của gia đình, dòng họ. Nếu người chồng biết đứa con do lang chạ không phải là con mình, thì hạnh phúc gia đình dễ đổ vỡ, gây đau khổ không chỉ cho vợ và chồng mà cho cả cha mẹ và con cái nữa. Người chồng khi thực hiện việc tà dâm với nhiều phụ nữ khác thì gây rất nhiều nghiệp nặng. Những đứa con do người nữ mà người chồng chung chạ được đẻ ra sẽ không có cha hoặc không biết cha, chúng sẽ có những đau khổ dằn vặt suốt đời. Nạn tà dâm còn gây ra cho xã hội những khó khăn phải giải quyết như việc nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi. Xã hội phải giải quyết những hậu quả của tệ nạn do những đứa trẻ không cha hoặc không mẹ, không được nuôi dưỡng dạy dỗ đầy đủ để thành người lương thiện, đã gây ra cho xã hội như nạn trộm cướp, nạn xì ke ma túy, nạn đĩ điếm, nạn xã hội đen v.v...

Hiện nay xã hội nước ta nạn tà dâm phát triển rất mạnh. Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là do ảnh hưởng của cuộc sống văn hóa phương Tây, lấy thỏa mãn dục vọng của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ làm tối thượng. Một lý do nội tại trong nước là kinh tế xã hội phát triển làm phân hóa khoảng cách giầu nghèo quá nhanh và quá lớn. Những người nghèo rất khó khăn trong cuộc sống do không tìm được nghề nghiệp chính đáng để nuôi thân, nhất là đối với phụ nữ nông thôn, nên đã đẩy họ theo đường làm nghề mãi dâm. Mặt khác những người quá giầu, có quá nhiều tiền, ăn tiêu phung phí, chơi bời trác táng, đam mê tửu sắc, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân nên nạn mại dâm lại càng phát triển. Do đó, ngày nay có rất nhiều kẻ chỉ mải lo kiếm tiềm để hưởng thụ lạc thú gây nhiều tệ nạn, mà không chịu lo tu tâm làm việc tốt gây khó khăn cho xã hội, họ đã góp phần đưa xã hội đến suy thoái đạo đức.

Những người biết tu tập thực hành viêc tốt, thực hành Thập thiện nghiệp, không những tránh được mọi nghiệp ác và gây được nhiều quả lành trong đời sống hiện tại. Người không tà dâm thì thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, gia đình được hạnh phúc, an vui, con cái được nuôi dưỡng đầy đủ. Không những thế họ còn đư

loading...