Má và tôi

Chủ nhật, 09/05/2023 10:52

Tờ lịch trên tường chỉ rõ còn năm ngày nữa mới đến giữa tháng mà má đã nhắc nhở “Sắp rằm rồi đó con”. Nghĩa là tôi bận bịu đến cỡ nào thì lo mà thanh toán công việc cho xong trước rằm. 

Vì sao phải xong trước rằm? Là để tôi tham dự khóa tu trong tâm trạng thanh thản. Má nói đi chùa mà thanh thản thì mới tiếp nhận ý tứ lời kinh một cách sâu sắc được, chứ hai tai nghe thầy giảng mà tâm trí vướng víu chuyện này kia thì chẳng ích gì.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vậy nên nhiều khi tôi lấy chính lý lẽ của má để trốn đi chùa. Tôi nói:

- Má ơi tuần này công ty nhiều chuyện quá, đầu óc con không còn trống chỗ để nghe thầy giảng.

Thật tình, không phải lúc nào tôi cũng vì công việc, nhất là đêm rằm trăng sáng rạng rỡ thì người trẻ nào chẳng muốn cùng bạn bè rong chơi  phố phường. 

Má đi guốc vô bụng tôi, chẳng hiểu sao má đoán được khi nào tôi thật sự vì công việc và khi nào là vì đi chơi. Má nói mười sáu mươi bảy trăng vẫn tròn và  sáng rực, cắc cớ gì mà cứ nhè đúng rằm rủ nhau đi chơi? 

Vào dịp rằm, chùa Từ Bi thường tổ chức khóa tu “Một ngày an lạc”. Tôi đi làm công ty nên chỉ có thể tham gia nếu rằm đó trùng với chủ nhật. Có khi vì công ty có đơn hàng gấp nên dù rằm trùng với chủ nhật thì tôi vẫn phải đi làm.

Má làu bàu:

-  Lại là đơn hàng gấp hả?

Lý do chính đáng vậy mà má nói kiểu như là tôi kiếm cớ trốn đi chùa. 

Rồi má nghĩ ra một chiêu để tôi không thể trốn vì bất cứ lý do gì, vì má biết tôi thương má nhất trên đời. Má nói:

- Con đi chùa là đi giùm luôn cho phần của má đó. Con được bao nhiêu phước thì chia cho má một nửa.

Từ khi khôn lớn tôi đã quen mắt thấy má suốt ngày bên mấy nồi chè.

Mỗi ngày má nấu năm loại chè và thường xuyên thay đổi để khách không bị ngán. Cho dù loại chè nào thì má cũng thức dậy lúc ba giờ sáng để đến năm giờ rưỡi là đẩy xe hàng ra tới chợ. Bán đến trưa về cơm nước xong thì má luôn tay chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai: xay nếp, đãi đậu, xát bắp, rang mè… Buổi tối, trong khi cha và chị em tôi ngồi coi ti vi thì má phải đi ngủ sớm để có sức mà thức dậy giữa khuya.

Có mấy lần tôi hỏi sao má muốn con dự khóa tu mà má không đi luôn cho vui? Má liếc nhìn ba rồi cười cười lảng chuyện khác. Khi tôi gặng hỏi thì má trả lời rằng việc buôn bán giữa chợ không dễ dàng gì, có thêm được người khách mới thì mừng đã đành mà khách quen lại càng phải giữ mối. Người ta tới ăn chè của mình mà gặp lúc nghỉ bán họ đi qua hàng khác rồi quen chân đi luôn qua bên đó thì coi như xong. 

Vậy, má không đi chùa dù chính má luôn nhắc nhở tôi. Má nói hồi còn trẻ không được ai khuyên bảo nên tới già mới biết đi chùa học được nhiều điều hay thì đã muộn rồi, tôi được có má khuyên bảo từ khi con trẻ là may mắn lắm, đừng có lười biếng mà uổng phí. 

Có lần má hạ giọng thì thầm:

- Con gái lớn rồi, đi chùa cũng là cơ hội được gặp chàng trai nào đó dễ thương biết ăn chay và kính Phật.

Có lẽ tôi sẽ mãi vô tâm tin rằng mình đi chùa và chia phước cho má ở nhà là chuyện bình thường, nếu tôi không gặp bà cụ tóc bạc trong khóa Tu Xuất Gia Gieo Duyên.

Hôm đó, tôi đến chùa để phụ giúp nhà bếp. Ngang qua chánh điện, tôi đi chậm lại để nhìn ngắm. Tôi rất thích quang cảnh mọi người mặc áo tràng cách đều nhau nghiêm trang trên chánh điện, hình ảnh rất đẹp.

Giữa những mái tóc đen và muối tiêu ngồi thẳng lưng, tôi nhìn thấy một búi tóc nhỏ bạc trắng và tấm lưng còng. Mọi người ngồi cách đều nhau ngay hàng thẳng lối, nhưng chỗ của bà cụ thì mất cân đối vì có hai người trẻ mặc sơ mi quần tây ngồi hai bên. 

Bà cụ lạy Phật trong tư thế ngồi, rồi khi tất cả mọi ngươi cùng đứng thì hai người trẻ dìu bà cụ đứng lên. Tôi hiểu hai người trẻ có mặt là để giúp bà cụ. Từng cử động chậm rãi và thận trọng, đợi cơ thể của bà cụ dần thích nghi với việc thay đổi tư thế cho đến lúc đứng vững được thì thì hai người trẻ mới buông tay ra.

Bà cụ đứng yên chắp hai tay. Trong khi đó thì thầy xuống tóc cho những người ngồi hàng đầu, rồi tới những người ngồi hàng sau… Tất cả đều trong tư thế quỳ khi được xuống tóc. Đi tới chỗ bà cụ, thầy mỉm cười và nói gì đó, và tôi thấy hai người trẻ đỡ bà cụ ngồi xuống.

Có vẻ như bà cụ phản đối. Có vẻ như bà cụ muốn mình cũng giống mọi người, vì tiếp theo là tôi thấy bà cụ quỳ. Đợi cho bà cụ quỳ ngay ngắn và tấm thân gầy ngừng chao đảo, hai người trẻ giang tay ra phía trước và sau lưng bà cụ, chuẩn bị sẵn sàng nâng đỡ nếu lỡ bà cụ bị nhào nghiêng về bất cứ hướng nào.

Nãy giờ tôi quan sát từ phía sau, đến lúc này thì tôi nổi cơn tò mò, chẳng thể giải thích được nỗi xúc động bất chợt trong tôi. Tôi men theo bờ tường đi nhanh lên phía trên và quay nhìn lại. Thầy đang xuống tóc cho bà cụ, từng món tóc bạc rơi xuống khay. Bà cụ móm mém mỉm cười, khuôn mặt nhăn nheo sáng bừng niềm hạnh phúc mãn nguyện. 

Tôi hỏi và nghe kể lễ thượng thọ của bà cụ được con cháu hiếu thảo tặng nhiều quà lắm, và hỏi cụ thích gì nữa không? Cụ nói cả đời lo làm ăn lâu lâu đi chùa chỉ lạy mấy cái rồi về, nay già rồi muốn được dự một khóa tu gieo duyên là mãn nguyện.

Bà cụ khiến tôi nghĩ đến má. Bà cụ khiến tôi nhận ra bấy lâu nay mình quá vô tâm. 

Suốt ngày hôm đó, phụ gọt rau củ trong bếp mà tâm trí tôi nghĩ về má. Tôi hình dung má già cả nhăn nheo tóc bạc trắng quỳ trong chánh điện trên hai đầu gối run rẩy…  Lẽ ra, ừ, lẽ ra má nên có mặt trong khóa tu hôm nay, và cả trước hôm nay nữa. Má rất thích đi chùa mà sao lại không? Tôi chợt hiểu vì sao má mong muốn tôi gặp một chàng trai biết ăn chay và kính Phật. Cha tôi không ăn chay và cũng không đi chùa, cha nói chỉ cần làm ăn lương thiện là đủ rồi.

Có lẽ má tôi là phiên bản thời trẻ của bà cụ. Cơm áo gạo tiền, nỗi lo toan muôn thuở của kiếp người, và còn nỗi lo thầm kín là sợ làm trái ý chồng.

Nhưng đâu phải là không có cách. Ừ thì cơm áo gạo tiền, má không thể nghỉ bán được, thì tôi sẽ thay má ra chợ ngồi bán chè vào ngày rằm trùng với ngày chủ nhật. Vì hàng chè vẫn mở bán như thường ngày nên cha sẽ không có lý do để nổi giận rằng vợ mình bỏ bê công việc làm ăn.

Hình dung má kêu lên “Dân văn phòng ra ngồi giữa chợ không dễ đâu nghe”. Má sẽ lo lỡ tôi không có duyên bán hàng, hoặc là múc không đều tay, hoặc là không xoay sở kịp khi lũ học trò ào tới cùng lúc trong giờ ra chơi ngắn ngủi…

Có nhiều điều để má lo lắng như cả đời má đã lo. Cho nên tôi sẽ lặp lại điều má thường nói với tôi “Má hãy ngừng lo nghĩ, đi chùa với lòng thanh thản thì mới tiếp nhận ý tứ lời kinh một cách sâu sắc được...”...

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Hồ Thị Được - Pháp danh: Hướng Tâm; địa chỉ: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

loading...