Kiến thức
Mùa Vu lan về nghĩ về tứ trọng ân
Thứ bảy, 31/07/2022 08:38
Thắng hội Vu lan đã từ lâu trở thành một đại lễ của Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Đây là nhịp cầu thiêng liêng nối liền giữa hai bến bờ tâm linh và đạo đức trong cuộc sống của mỗi con người.
Vu lan không chỉ là dịp để con cháu tưởng nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục vĩ đại của ông bà cha mẹ đối với mình mà còn là dịp niệm ân với cả Tổ quốc, thầy cô và đồng bào nhân loại. Vì lẽ đó, mỗi cá nhân cần phải có thêm những suy nghĩ, những hành động thiết thực hơn, ý nghĩa hơn, và có thêm tình yêu bao la rộng lớn hơn với thế giới xung quanh mình. Tình yêu, lòng biết ơn và biết đền ơn đó chính là con đường đi đến hạnh phúc của cuộc sống.
Cốt yếu của văn hóa Vu lan là giáo dục con người lòng hiếu thảo, biết đền ơn đáp nghĩa. Đó chính là hướng giáo dục tánh thiện từ bên trong của mỗi con người, từ góc độ gia đình cho đến bên ngoài xã hội. Vì điều căn bản nhất của mỗi con người là chữ hiếu, bởi bất kỳ ai cũng đều có cha mẹ sinh ra, và có hiếu thuận với ông bà cha mẹ thì mới biết thương con người, yêu thương muôn vật.
Trong Tăng chi bộ kinh, Phật có dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo. Có hai hạng người trả ơn không thể nào được. Thế nào gọi là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như thế suốt trăm năm cho đến một trăm tuổi, người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho cha mẹ”.
Cha mẹ là người chịu nhiều đau khổ và vất vả để sinh ta ra, nuôi nấng dạy dỗ ta nên người, đó là một quá trình dài dằng dặc, chứ không phải sớm tối một chiều. Và trên đời này không ai hy sinh cho con cái hơn cha mẹ, công lao trời biển ấy đâu có thể cân đo đong đếm được. Phận làm con nếu không thấy rõ điều này coi như một sai lầm lớn nhất của kiếp làm người.
Biết hiếu, nói hiếu không chỉ bằng cái miệng, mà là ở chỗ tư tưởng và hành vi. Nuôi dưỡng cha mẹ mà không thờ kính cha mẹ thì có khác gì nuôi con vật! Đó là chữ hiếu méo mó, tật nguyền không sử dụng được. Làm người phải “một lòng thờ mẹ kính cha” phải “cho tròn chữ hiếu” mới làm con trọn đạo. Nhưng, thế nào là cho tròn chữ hiếu? Đó là khi cha mẹ còn sống phải biết vâng lời dạy bảo, làm cha mẹ vui lòng, thờ kính cha mẹ, hướng cha mẹ đến với Chánh pháp. Khi cha mẹ già phải nuôi dưỡng chăm sóc. Khi cha mẹ qua đời thì ma chay tế lễ cho đàng hoàng tử tế.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tế lễ này có rất nhiều điều ngộ nhận. Ma chay tế lễ đàng hoàng không có nghĩa là giết gà giết lợn thiết đãi linh đình. Đó chẳng qua là làm cho tội nghiệp của người đã khuất càng thêm nặng nề mà thôi. Chúng ta phải hiểu rằng, lúc cha mẹ còn sống vì trăm kế mưu sinh, vì nuôi nấng con cái mà vướng vào không ít nghiệp báo, tại sao cha mẹ mất rồi mà ta còn làm cho cha mẹ phải mang thêm phần nặng đó! Chính vì vậy, hiếu thuận với cha mẹ là mong cầu, tạo nhiều phước báo cho cha mẹ được siêu sinh Tịnh độ, là thoát ra khỏi luân hồi sanh tử, chứ không phải kéo cha mẹ vào địa ngục A tỳ để chịu trầm luân đau khổ.
Từ trọng ân của cha mẹ, ta nghĩ đến trọng ân của các bậc thầy cô. Vì mỗi con người sinh ra để phát triển toàn diện phải được nuôi dưỡng bằng cả lúa gạo lẫn tri thức. Mà tri thức ta có được là do công lao của thầy cô dạy dỗ. Đó là nền tảng cơ sở để con người trưởng thành, có nhân cách, phát triển nghề nghiệp, thích ứng, dung hòa với cuộc sống, với cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, làm người không thể không biết ơn và trả ơn này.
Đối với giới Phật tử, trong ân đức giáo dưỡng, cần phải biết ân Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng). Ơn của Đức Phật với chúng sinh quả là vô cùng vĩ đại. Vì ngài đã dám bỏ tất cả hạnh phúc riêng tư, hy sinh cuộc đời mình để tầm đạo, giác ngộ ra chân lý cứu độ chúng sinh ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau. Và chân lý ấy chính là pháp của Ngài để lại cho nhân loại sau này. Khi Đức Phật nhập Niết-bàn thì Pháp chính là thầy, nhờ có pháp mà chúng sinh mới biết phân biệt đâu là tội ác, biết đường tìm về với chính mình, biết hướng giải thoát ra khỏi luân hồi sanh tử để đi đến hạnh phúc viên mãn. Để làm được điều đó thì phải có Tăng. Tăng là những bậc chân tu phẩm hạnh, là chiếc cầu nối giữa pháp của Phật đến với chúng sinh để gieo hạt giống an lành. Tăng cũng là người truyền huyết thống tâm linh cho mỗi chúng ta. Đó cũng là cái thế giới thiện giúp ta biết chế ngự mọi cái xấu ác để mà sống tốt… Chính vì vậy chúng ta không thể không hiểu biết về trọng ân này.
Nhưng để thực hiện được hai trọng ân trên, chúng ta không thể quên trọng ân của quốc gia xã hội. Chỉ có một đất nước thanh bình, ổn định thì mọi thành phần trong xã hội mới có cơ hội sinh hoạt yên lành và phát triển, nhân dân bá tánh mới có cơm no áo ấm, mới được học hành và an cư lạc nghiệp. Chiến tranh chỉ đem lại sự giết chóc, tàn phá, sự đau khổ và di chứng của sự đau khổ triền miên. Để có được một đất nước yên ổn, phát triển như hiện nay, cha ông ta đã phải trải qua mấy ngàn năm xương rơi máu đổ. Biết bao bậc minh quân, anh hùng tướng sĩ, những người mở cõi khai hoang, những nhà chính trị vì dân vì nước, những chiến sĩ âm thầm nơi biển đảo xa khơi… tất cả sự là sự hy sinh không hề nhỏ, tất cả phải đổi bằng máu và nước mắt. Chính vì vậy mà có thể nói, đây là một trọng ân trong những trọng ân, chúng ta không thể không báo đền.
Ngoài trọng ân với cha mẹ, sư trưởng và Tổ quốc, còn một trọng ân khác là với chúng sanh vạn loại. Vì mỗi con người chúng ta không thể sống độc lập, tự cấp tự túc mọi thứ cho mình, mà phải sống trong mối tổng hòa của tất cả các mối quan hệ xã hội. Vạn loại chúng sinh luôn phải tương hỗ cho nhau từ manh áo, chén cơm, viên thuốc đến tất cả các phương tiện sinh hoạt khác hàng ngày. Có thể nói, muôn loài muôn vật là một chuỗi móc xích với nhau, muốn duy trì thì phải kết nối, bởi vậy cái ơn của tha nhân, tha vật là chúng ta phải thọ nhận luôn luôn trong mỗi phút mỗi giây của cuộc sống. Biết cái ơn này chúng ta mới phát tâm với tình yêu rộng lớn, mới bỏ qua sự ích kỷ hẹp hòi, mới không tàn hại nhau một cách vô tội vạ, mới thấu hiểu thế nào là “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Vì bản chất của vũ trụ là hòa đồng, còn người còn chấp ngã mới chấp mê, một khi đã hiểu ta chẳng phải là ta, mà ta cũng chẳng là ai cả thì mới đích thực hạnh ngộ pháp thân, mới thực sự hạnh phúc trọn vẹn.
Có thể khẳng định một điều rằng, tứ trọng ân là bốn trụ cột cơ bản nhất của xã hội học Phật giáo. Mà Vu lan là một nghi lễ cơ sở để mọi người nhìn thấy được vấn đề một cách thấu đáo thông qua những bậc hiền trí. Từ việc hiểu thế nào là ân, rồi đi đến việc đền ân đáp nghĩa cho phải lẽ là một quá trình mà con người phải hết sức tinh tấn huân tập, chứ không phải là một ý nghĩ thoáng qua hay một lời nói suông. Biết ơn, trả ơn là nền tảng căn bản nhất của đạo đức làm người. Vì con người ứng xử với nhau là nhân văn nhân bản, nhưng ứng xử với muôn loài muôn vật phải với tư cách là nhân loại trung tâm.
Ngày nay Vu lan đã trở thành một lễ hội mang tầm tinh hoa của nhiều dân tộc Á Đông, phải làm thế nào để nó trở thành một nếp nghĩ, một nếp sinh hoạt mang ý nghĩa thiêng liêng thường nhật, ăn sâu vào tâm khảm của mỗi con người thì mới thực sự mới có cuộc sống an lành tốt đẹp. Bằng ngược lại rơi vào các trò cúng bái giải oan, giải nghiệp, những trò mê tín dị đoan, hoặc hiếu đễ hình thức thì vô vàn tai hại. Một xã hội văn minh không thể chấp nhận những sai lầm lệch lạc đó, cũng như một con người đối với mình mà còn giả dối thì hỏi làm sao chân thật với người khác được.
Phước Lộc Thanh Sơn