Sống an vui
Muốn sống an lạc hãy học Phật
Chủ nhật, 30/06/2023 08:17
Học vô thường và vô ngã, hành trì giữ giới luật, người Phật tử sẽ có an lạc trong cuộc sống.
Lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại dưới dạng Kinh, Luật, Luận. Hai ngàn sáu trăm năm đã trôi qua, bánh xe Đạo Pháp chuyển động không ngừng, dạy con người cách sống an lạc. Đọc, học những lời Phật dạy, người học phải liễu tri và biết vận dụng vào cuộc sống thường nhật trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Người học đừng cứng nhắc từng câu chữ, bởi ‘‘Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan’’, nhưng cũng phải biết ‘‘Ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết’’. Đó là khôn khéo của người học Phật.
Phải nương vào Kinh, học Kinh với tất cả sự thông minh và khéo léo mới không bị kẹt vào những câu chữ trong kinh điển. Hiểu đúng lời dạy của Phật, từ đó học đúng, hành trì đúng lời dạy của Phật, cây Phật Pháp sẽ ngày càng nở hoa, đơm trái, tạo những cành lá sum suê, vững chãi. Có như vậy mới xứng đáng là con cháu của Phật, hoàn thành được chí nguyện của người Phật tử đó là:
Phật nhật tăng huy
Pháp Luân thường chuyển.
Vô thường
Lời dạy đầu tiên của Phật dành cho năm vị đồng tu khổ hạnh là thế gian vô thường. Sông núi là vô thường, con người là vô thường, thể chế chính trị là vô thường. Không có điều gì thường hằng. Bông hoa hôm nay rất đẹp nhưng ngày mai nó sẽ héo đi. Nhưng không vì vô thường của hoa mà mình thôi, không gieo trồng, không chăm sóc và không ngắm sắc màu tươi thắm khi hoa nở. Hiểu vô thường làm mình quý hoa hơn. Bởi vô thường khi hoa tàn mình không tiếc nuối. Hoa tàn hoa sẽ về với đất, để ngày nào đó đủ duyên, bông hoa mới sẽ nở. Vô thường không chỉ là khái niệm, vô thường còn là một phép tu tập giúp mình tiếp xúc với thực tại.
Học vô thường, người học phải tự hỏi vô thường có liên hệ gì đến cuộc sống hàng ngày của bản thân. Công việc, sức khỏe, được mất trong cuộc sống thường nhật, những điều đó mình phải chánh kiến bằng tuệ nhãn vô thường.
Hiểu vô thường giúp con người sống an lạc. Người học phải hiểu nếu không có vô thường thì cuộc đời không có nghĩa. Không có vô thường thì em bé không có thể thành người lớn. Không có vô thường, chắc chắn con người không trưởng thành. Không có vô thường hoa sẽ không nở. Đối với người chưa có duyên học Phật, vô thường làm người đó đau khổ. Vô thường không gây ra đau khổ. Đó là ngộ nhận. Bởi sự ngộ nhận, ảo vọng về thường hằng trong cuộc sống làm người đó đau khổ. Bài hát “Mong ước kỉ niệm xưa ”là một bài hát được giới học sinh, sinh viên yêu thích. Bởi bài hát thể hiện diễn tả được nuối tiếc của giới học sinh, sinh viên. Đó là ước muốn bất biến về thời gian.
Nếu có ước muốn cho cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Ước mơ thời gian trở lại để thực hiện những điều mà quá khứ họ chưa nỗ lực để làm. Chưa hết mình với tình bạn. Chưa hết mình phấn đấu học tập. Những khát vọng, những ước mơ mãi còn dang dở. Sở dĩ họ tiếc nuối bởi họ chưa trân quý phút giây hiện tại. Họ chưa biết về vô thường. Nếu các bạn trẻ đang ngồi trong ghế nhà trường biết được vô thường, phấn đấu hết sức với hoài bão ước mơ của mình, thì sau này họ sẽ không tiếc nuối. Bởi những gì làm được họ đã cố gắng hết sức để làm.
Người học Phật, cần học trân quý giá trị của vô thường. Biết thân thể là vô thường sẽ bỏ thói quen có hại cho sức khỏe như ăn uống vô độ, thức đêm và chú ý tập luyện thân thể. Vô thường dạy cho chúng ta trân quý mỗi giây phút hiện tại. Vô thường giúp trân quý, yêu thương người thân của mình nhiều hơn nữa. Quá khứ hãy bỏ đi, hãy sống chánh niệm trong hiện tại. Bởi tương lai đâu biết như thế nào.
Người học Phật phải nuôi dưỡng tuệ nhãn vô thường mỗi ngày. Nếu làm được như vậy, mình sẽ ít đau khổ và cuộc đời nhẹ nhàng.
Vô ngã
Trong Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi hành trì thâm sâu đã thấy năm uẩn đều không “ ngũ uẩn giai không” và mắt, tai, mũi, thân, ý đều là không. Nội dung của Kinh văn, Bồ Tát muốn dạy các đệ tử vạn vật không tồn tại một mình, chúng phải tương tức với nhau.Không có uẩn nào tồn tại một cách độc lập.
Năm uẩn, là năm yếu tố của con người. Bao gồm sắc (hình tướng), thọ (cảm xúc), tưởng (nhận thức), hành (tinh thần), thức (ý thức). Năm uẩn luôn hoạt động không ngừng nghỉ và có liên hệ tương tức với nhau. Phổi và não là hai bộ phận có chức năng riêng rẻ, nhưng không thể tồn tại độc lập. Phổi cung cấp oxygen và thải cabonic là hoạt động thể chất thuộc phạm trù sắc. Hoạt động của não bộ thuộc phạm trù nhận thức. Phổi cung cấp oxygen để máu tuần hoàn lên não. Đến lượt não bộ giúp phổi có được nhiều oxygen bởi sự chánh niệm của não bộ trong hít vào và thở ra ( Kinh An Ban Ý thủ ). Vì vậy phổi và não bộ có quan hệ mật thiết với nhau. Tương tự trong cơ thể con người, từng bộ phận tạo ra mối quan hệ đan xen với nhau. Không có bộ phận tồn tại độc lập.
Uẩn nào trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng không, vì uẩn nào cũng không thể tự mình tồn tại độc lập. Uẩn nào cũng phải nhờ các uẩn khác phụ giúp mới có thể có được. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, do nhân duyên đã phối hợp lại để khởi thành. Ngày này, hiểu được tính không của giáo lý Phật giáo, là phương pháp giúp mọi người trên hành tinh chung tay bảo vệ môi trường có hiệu quả nhất. Bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước là chính bảo vệ mạng sống của bản thân chúng ta và con cháu chúng ta sau này.
Khi nhìn vạn vật bằng tuệ nhãn vô thường vô ngã, phá bỏ những khái niệm sinh - tử, có - không, đến - đi , một - nhiều, người học Phật giải thoát được lo âu, và trở tên an lạc.
Niết bàn
Niết bàn là dập tắt những khái niệm sinh diệt, có không đến đi , một nhiều. Sinh là một khái niệm, tử là một khái niệm. Có là một khái niệm, không cũng là một khái niệm. Dập tắt hết các khái niệm, người tu học không còn “ điên đảo mộng tưởng” và đạt đến cứu cánh Niết bàn. Điên đảo mộng tưởng là những tri giác sai lầm của chúng ta về vô thường và vô ngã. Mỗi khi tâm không chướng ngại, không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng, xa lìa điên đảo thì mình chắc chắn sẽ đến được bến bờ Niết bàn.
Học vô thường và vô ngã, hành trì giữ giới luật, người Phật tử sẽ có an lạc trong cuộc sống.