Sách Phật giáo

Nếp sống đạo (Phần VII)

Thứ bảy, 30/01/2013 10:13

Đức Phật dạy chúng ta hãy xả bỏ tất cả một cách có hiểu biết. Có như vậy chúng ta mới không bị vọng niệm dẫn dắt ta lạc vào vòng lẩn quẩn của phiền não khổ đau, tâm hồn ta sẽ trong sáng thoải mái, linh động, không gợn một vết nhơ

Trong cuộc sống, có những người có tri giác sai lầm, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo thu mình, biệt lập với xã hội bên ngoài. Suy nghĩ như vậy là không đúng với đạo Phật. Giống như người nhìn quả trứng và cho rằng quả trứng tuy tròn, nhưng bên trong thì rỗng không. Song thực tế, quả trứng không phải là rỗng không mà chứa đầy đủ các yếu tố vốn có của nó. Đạo Phật cũng vậy. Hãy nhìn vào lịch sử của đức Phật, chúng ta sẽ thấy đời sống của Ngài là một tấm gương sống động, phản chiếu và soi rọi lại những hy sinh lớn lao của Ngài, tất cả cũng chỉ vì hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại trên cõi đời này.

Từ một Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc với đủ quyền uy và vợ con xinh đẹp, nhưng vì nỗi thống khổ của chúng sinh nên Ngài đã từ bỏ tất cả để vào núi sâu tu tập và thành đạo Bồ đề. Từ đó mà dấu chân hoằng hóa của Ngài dọc ngang khắp xứ Ấn Độ để thuyết giảng về nguyên nhân của khổ và phương pháp diệt trừ để đạt đến sự yên vui tối thắng. Giờ đây, chúng hãy nhìn sự đóng góp của những người xuất gia cho hạnh phúc yên vui của con người và xã hội thì sẽ thấy sự tích cực của đạo Phật đối với cuộc đời.

 

Đâu phải ai tu tập theo truyền thống đạo Phật đều phải lìa bỏ gia đình. Đức Phật đã từng nhắc nhở, nếu ai hôm nay có đủ duyên thì hãy xuất gia, còn điều kiện nhân duyên chưa đủ thì tu tập tại gia vẫn tốt. Đức Phật từng dạy cho chúng ta những luân lý sống đơn giản, hài hòa giữa người này với người khác, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Ngài đã đề cao tinh thần trách nhiệm với cha mẹ, con cái, chồng vợ, những người thân trong gia đình, nhằm tạo nên một cuộc sống êm ấm hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Chính Ngài đã dạy rằng nghèo khổ tuy không phải tội ác và thiếu văn hóa, nhưng nó lại là nguyên nhân chính đưa đến tội ác và thiếu văn hóa. Ngài đã dạy cho ta biết về giá trị của cải và sự quan trọng của việc phát triển kinh tế trong đời sống hạnh phúc. Theo Ngài thì những tội ác như cướp bóc do nghèo khổ mà ra thì không thể nào ngăn chặn bằng hình phạt mà phải tạo ra công ăn và việc làm, từ đó con người sẽ vui sống thoải mái, không mắc nợ và không tội lỗi.

Tóm lại, đức Phật đã chỉ cho chúng ta sự gần gũi giữa gia đình và xã hội. Ngài chỉ cho chúng ta những điều phải chớ không mê tín mù quáng. Ngài đã vạch ra cái gì là phải, cái gì là trái, cái gì tốt và cái gì không tốt. Theo Ngài thì nếu chúng ta sống trong phẩm hạnh và lòng từ bi, tức là chúng ta đã thật sự an lạc rồi vậy. Ngược lại, nếu chúng ta để cuộc sống kéo lê trong chuỗi ngày dài khổ đau về thể xác và tinh thần, tức là chúng ta đã đánh mất hạnh phúc thực tại rồi vậy.
 
Đạo và đời

Đạo và cuộc sống hằng ngày nếu được hòa hợp tự nhiên và trọn vẹn giữa thân và tâm thì cuộc đời này, người ta sẽ sống tràn đầy hỷ lạc và có nhiều hạnh phúc lớn. Chúng ta đều biết tâm ta là con vượn chuyền cành và ý là con ngựa rong chơi ngoài đồng nội. Từ đó mà những vọng tưởng phiền não như vui buồn, thương ghét, oán giận, đến tham lam, bỏn xẻn tỵ hiềm, có khi những ý tưởng đó đến và đi trong khoảnh khắc nhẹ như một cơn gió thoảng hay chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Phần lớn sự suy nghĩ của chúng ta chạy theo Lục trần và tư tưởng dẫn chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó. Nếu chúng ta không được sung sướng, thoải mái, thì chúng ta phiền muộn, tức giận, chán ghét và khổ đau. Có khi nào ta mơ ước có được một phút thảnh thơi, thanh tịnh để cuộc sống có được niềm vui hay không? Bởi vậy, nỗi khổ và niềm đau cứ chiếm trọn trái tim và không có cơ hội để ta phóng thích những niềm đau đó. Đạo Phật dạy chúng ta hãy sống với sự “thiểu dục tri túc”, nghĩa là chúng ta phải thấy đủ và biết đủ trong mỗi công việc và những gì hiện có hằng ngày, đừng để cho sự ham muốn lôi cuốn. Vì cuộc đời là giả tạm vô thường, mới ngày hôm qua có người rất cao trên cương vị giàu sang quyền quý nhưng hôm nay lại rơi vào vòng tù tội kiềm tỏa, mới vinh hoa đó rồi nhọc nhằn đó, mới vui đó rồi buồn đó. Ngồi ngẫm lại những gì còn mất chỉ như một cơn gió nhẹ thoảng hay chỉ là một giấc chiêm bao.

Vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta hãy xả bỏ tất cả một cách có hiểu biết. Có như vậy chúng ta mới không bị vọng niệm dẫn dắt ta lạc vào vòng lẩn quẩn của phiền não khổ đau, tâm hồn ta sẽ trong sáng thoải mái, linh động, không gợn một vết nhơ. Tham, sân, si sẽ không còn có cơ hội nảy mầm và phát triển trong mảnh đất tâm thức của chúng ta, từ đó cuộc sống của chúng ta mới thật sự có an lạc và giải thoát.


Tác giả  Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo
loading...