Sách Phật giáo

Nếp sống đạo (Phần VIII)

Thứ năm, 08/02/2013 10:22

Nếu chúng ta ý thức được rằng cái đẹp hình thức bên ngoài chỉ là phù du giả tạm, không bền chắc và có tác hại trên con đường tu tập của mình thì chúng ta đừng bám víu vào chúng, mà nên quay về với cái đẹp bên trong của mình

Sắc là một trong năm món Ngũ dục lạc, nó chi phối đời sống của con người rất mạnh. Nhan sắc thường thể hiện bên ngoài nên thường đập vào mắt ta, tạo cho chúng ta sự yêu thích và ham muốn. Sự cuốn hút của nhan sắc rất mãnh liệt làm nhiều lúc con người ta phải lệ thuộc vào no có khi phải bán rẽ chính ta để có được nó. Thông thường, ta thích thân cận cái gì đẹp và xa lìa cái xấu, song người ta lại không nghĩ rằng khi tưởng về cái đẹp hay xấu thì nó chỉ là một cảm xúc tạm bợ, sự yêu thích cái đẹp rồi cuối cùng cũng sẽ đi đến chán ghét và phiền muộn. Vui thích trong cái đẹp của thế gian sẽ luôn mang đến cho chúng ta sự trói buộc và gắn liền với đau khổ. Thực tế, lịch sử loài người đã chứng minh cho ta thấy rõ ràng rằng, bao nhiêu triều đại vua chúa sụp đổ tan tành cũng vì ham mê sắc đẹp, nên người xưa có câu:

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.

Ý muốn nói là mưa không có tính chất kiềm tỏa, nhưng nó có thể giữ chân chúng ta; sắc không có sóng gió bão bùng như biển cả mà nó có khả năng giết chết nhiều người và làm sụp đổ nhiều triều đại. Như vậy, đủ thấy sắc đẹp thường là một món thuốc độc ghê gớm, nó không chỉ có thể giết một người mà còn gây tai ương đến cho nhiều người. Cũng vì say đắm vào sắc nên chúng ta cứ mãi luân hồi vào ra ba cõi không lúc nào dừng, nên mới nói có sắc nên mới có sinh và tử.

“Có sinh có tử luân hồi

Không sinh không tử lấy đâu luân hồi”.

 
Nếu chúng ta ý thức được rằng cái đẹp hình thức bên ngoài chỉ là phù du giả tạm, không bền chắc và có tác hại trên con đường tu tập của mình thì chúng ta đừng bám víu vào chúng, mà nên quay về với cái đẹp bên trong của mình. Nhờ vậy, chúng ta mới thật sự sống trong chánh niệm và không còn bị đau khổ vì cái đẹp bên ngoài chi phối đời sống của chúng ta.

Phút giây hiện tại

Khi đến với đạo Phật, chúng ta đã ý thức được sự khổ đau của cuộc đời và dùng giáo pháp của đức Phật để tìm cách phóng thích và chuyển hóa những niềm đau và nỗi khổ. Chúng ta cầu mong cuộc sống hiện tại được an lạc và cầu giải thoát cho chính mình về kiếp sau khỏi bị luân hồi sinh tử trong Lục đạo của cõi Ta bà uế trược này. Tuy nhiên, cái lợi trước mắt là chúng ta sống cho hiện tại, sống lạc quan và yêu quý những gì mà ta đang có, đừng tưởng nhớ về quá khứ. Vì sao? Vì hạnh phúc và khổ đau của ngày hôm qua không phải là hạnh phúc và khổ đau của ngày hôm nay. Song cũng đừng mơ tưởng đến tương lai. Vì sao? Vì quá khứ đã trôi qua, còn hiện tại đang tiếp diễn và tương lai thì chưa đến. Tâm ta đã rong ruổi trong quá khứ nhiều rồi, đừng bắt nó phải rong ruổi nhiều thêm nữa. Hồi tưởng về quá khứ chỉ làm mất đi những phút giây hiện hữu quý báu của đời người mà thôi. Hãy giúp cho tâm ta thanh tịnh bằng việc tập trung sống tốt cho những gì có mặt trong hiện tại. Bởi vì ta mơ tưởng đến tương lai thì tâm hồn ta sẽ bị nhiều luồng tư tưởng làm xao động và không kiểm soát được. Phải chăng, nguyên nhân của việc sử dụng xì ke, ma túy trong giới thanh thiếu niên ngày nay cũng chỉ là một cách tạm quên đi sự chi phối của những vọng tưởng xáo trộn mà họ không còn cách giải quyết? Nhưng tại sao như thế? Phải chăng nguyên nhân sâu xa là người ta sống mất chánh niệm và bị những thứ dục vọng chi phối và cuốn hút người ta vào con đường sa đọa, đánh mất đi bản chất lương thiện của chính mình?

Vì vậy, muốn được bình an, thoải mái về tinh thần, chúng ta phải biết sống tỉnh thức, tập trung mọi thứ cho những phút giây hiện tại mầu nhiệm mà đừng mơ tưởng xa xôi. Dĩ nhiên, muốn đạt được điều này, đòi hỏi người ta phải có một tuệ giác, một công phu thiền tập tốt chớ không phải chỉ dựa trên những lý thuyết mong lung, không thực tế. Nếu thực tập được vậy, chúng ta mới có được an lạc và giải thoát ngay trong những phút giây hiện tại mà chúng ta đang có mặt.


Tác giả  Thích Nhuận Thạnh
Theo: Nếp Sống Đạo
loading...