Sách Phật giáo

Nghi thức Lễ Hằng thuận (P.4)

Chủ nhật, 06/06/2014 10:54

Nhân dịp lễ Hằng thuận, hai cháu cần phải nhất tâm hướng về Tam bảo, để Quy y Thọ giới, đây là dịp để hai cháu xác nhận niềm tin và lời nguyện của mình đối với đức Phật. Tuy nhiên, muốn quy y thọ giới, hai cháu cần phải sám hối cho thân khẩu ý được thanh tịnh.




5. PHẦN PHỤ LỤC:

5.1. NGHI THỨC TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI

(Nếu tân lang, tân nương chưa thọ Tam quy Ngũ giới, trong dịp này vị trụ trì nên bảo hai cháu phát tâm Quy y)

KHAI THỊ

Hai cháu lắng nghe:
    
Là người theo đạo Phật, thì cần phải quy y Tam bảo, để trở thành người Phật tử chính thức. Vì thế, hôm nay nhân dịp lễ Hằng thuận, hai cháu cần phải nhất tâm hướng về Tam bảo, để Quy y Thọ giới, đây là dịp để hai cháu xác nhận niềm tin và lời nguyện của mình đối với Đức Phật. Tuy nhiên, muốn quy y thọ giới, hai cháu cần phải sám hối cho thân khẩu ý được thanh tịnh.
    
Giờ đây, hai cháu hãy quỳ xuống chấp tay thành kính và nói theo thầy, để sám hối tội lỗi nghiệp chướng trong đời này cũng như nhiều kiếp về trước, hoặc cố ý gây ra hoặc vô tình phạm phải, đều cần phải sám hối cho thanh tịnh. Thầy đọc trước hai cháu lặp lại sau.

Đệ tử chúng con, chí tâm sám hối:
Từ vô thỉ tạo ra ác nghiệp,
Bởi tại vì tham độc sân si,
Gốc do thân, ngữ, ý nầy,
Con nay Sám hối bất kỳ trọng khinh.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ tát Ma ha tát. (bài kệ này đọc 3 lần, mỗi lần 1 lạy) o o o


- Vừa rồi hai cháu đã sám hối, ba nghiệp đều được thanh tịnh rồi; giờ đây mới được lãnh thọ Tam quy và Tam kiết, hai cháu hãy lắng lòng nghe kỹ, nói theo thầy để nhận lãnh.
 
Tân lang và Tân nương đáp:

- Mô Phật.

Chư Tăng (Ni) bảo:

Đệ tử chúng con, xin nguyện suốt đời:

Quy y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng,
Quy y Phật là Đấng Lưỡng túc
Quy y Pháp là cách lìa dục
Quy y Tăng là bậc đáng kính
(Nói 3 lần, mỗi lần 1 xá) o

Đệ tử chúng con suốt đời :

Quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
Quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
Quy y Tăng rồi, khỏi đọa bàng sanh.
(Nói 3 lần, mỗi lần xá 1 xá) o o o


Hai cháu đã thọ Tam quy, Tam kiết rồi, giới thể đã tròn đủ, nên bước lên một bậc nữa là thọ Ngũ giới. Vậy trước khi thọ Ngũ giới hai cháu cần phải biết rõ Ngũ giới là gì?

Ngũ giới là năm điều răn cấm như sau:

1. Không được giết hại chúng sanh, tức là không được tự tay giết, không được sai bảo người khác giết hoặc thấy chúng sinh bị giết mà sinh lòng hoan hỷ là phạm giới. Trường hợp Phật tử tại gia còn ăn mặn, nếu mua cá thịt làm sẵn, về nấu ăn thì không phạm giới, nhưng chỉ bảo người khác làm thịt con cá này hoặc con gà kia là phạm giới. o

2. Không được trộm cắp, tức là ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc, của cải,v.v…thuộc quyền sở hữu của người khác, nếu người ta không cho mà mình cướp giựt, trộm cắp, hoặc cậy thế ỷ quyền mà lấy, hoặc lừa đảo tráo trở để lấy, cho đến bóc lột sức lao động của công nhân hoặc đi làm việc trễ giờ, đều thuộc về tội trộm cắp cả. o

3. Không được tà dâm, Phật dạy: Người Phật tử tại gia giữ năm giới, chỉ cấm tà dâm, tức là cấm chồng, cấm vợ lén lút tư tình, quan hệ bất chính. Nếu chưa kết hôn, phải giữ lễ nghĩa cho nghiêm, vì quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là tà dâm. o

4. Không được nói dối, nói dối tức là nói sai sự thật, không đúng sự thật. Nói dối có bốn hình thức:

a/ Nói không chân thật
– Là nói không đúng với sự việc đã xảy ra. Ví dụ như: chuyện có nói không, chuyện không nói có; người tốt nói là xấu, người xấu nói là tốt,... Nguy hiểm nhất là làm chứng gian dối, khiến người lương thiện bị hàm oan.

b/ Nói thêu dệt
– Là dùng lời nói ngọt ngào hoặc cứng rắn nói thêm, nói bớt để xúi giục, thuyết phục người khác làm điều bất thiện.

c/ Nói lưỡi đôi chiều – Cũng gọi là nói “đòn xóc” nghĩa là đến người này nói chuyện xấu người kia, đến người kia nói chuyện xấu người này, gây mâu thuẫn hiểu lầm, chia rẽ giữa hai bên, khêu gợi đấu tranh lẫn nhau, làm cho tình nghĩa chia lìa.

d/ Nói lời thô ác
– Là nói lời thô tục, độc ác như nguyền rủa, mắng nhiếc, nói nặng, nói nhẹ người khác.o

5. Không được uống rượu, vì rượu có khả năng làm người say mê, nghiện ngập nguy hiểm; uống rượu có hại cho sức khỏe, dễ nóng giận, dễ sinh bệnh tật, tai nạn nguy hiểm, gây nhiều lầm lỗi, phiền phức cho vợ con và hàng xóm.
     
Khi nào bệnh nặng, thầy thuốc bảo cần phải dùng thuốc rượu, thì được tạm dùng đến khi bình phục. Nhưng trước khi dùng, cần phải bạch cho chư Tăng chứng biết. Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế chỉ có rượu là chất gây nghiện nguy hiểm, trong thời đại hiện nay, ngoài rượu còn có xì ke, ma túy, heroin, thuốc lắc,… cực kỳ độc hại, nguy hiểm vô cùng. Căn cứ tinh thần giới này, người Phật tử không được sử dụng xì ke, ma túy, heroin và các loại gây nghiện độc hại khác.
    
Qua những lời giảng giải nêu trên, các vị đã biết rõ lợi ích của việc giữ giới, vì năm giới này chính là năm điều đạo đức căn bản xây dựng tư cách con người, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội an ninh trật tự.

Phật chế ra năm giới này, để cho người tại gia thọ trì tu tập. Nếu ai giữ trọn năm giới, tức là giữ trọn nhân cách, kiếp sau được sinh vào gia đình nhân đức phú quý lễ nghĩa, khỏi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Do không có nhiều thời gian để giải thích đầy đủ về việc giữ gìn Ngũ giới và cũng chưa giảng dạy về ý nghĩa: Sám hối, Quy y Tam bảo. Vậy, sau lễ Hằng thuận này, hai cháu nên đăng ký học giáo lý, hoặc đến giảng đường nghe pháp và tự nghiên cứu tìm hiểu học hỏi thêm, để ứng dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống, mang đến lợi ích thiết thực ngay trong cuộc đời hiện tại.


Bây giờ đây, quý thầy sẽ trao giới tướng cho hai cháu; vậy hai cháu phải chí thành lãnh thọ và giữ gìn cẩn thận chớ cho trái phạm. Hai cháu phải thành tâm chú ý lắng nghe cho kĩ mà nhận lãnh.

Sau khi quý thầy hỏi mỗi điều giới rồi, hai cháu phải thưa lớn lên: “Mô Phật, dạ giữ được”. Nếu giới nào chưa giữ được thì im lặng, tạm thời gác lại, khi đủ nhân duyên phải gìn giữ nghiêm túc. o

Tân lang, Tân nương đáp:

- Mô Phật.

Giới sư nói tiếp:

- Các Phật tử hãy lắng nghe đây:

1/- Giới thứ nhất: “Không được giết hại chúng sanh”, các Phật tử có giữ được hay không?

Giới tử đáp:

- Mô Phật, dạ giữ được. o

2/- Giới thứ hai: “Không được gian tham trộm cắp”, các Phật tử có giữ được hay không?

Giới tử đáp:


- Mô Phật, dạ giữ được. o

3/- Giới thứ ba: “Không được tà dâm”, các Phật tử có giữ được hay không?

Giới tử đáp:

- Mô Phật, dạ giữ được. o

4/- Giới thứ tư: “Không được nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều và không nói lời thô ác”, các Phật tử có giữ được hay không?

Giới tử đáp:

- Mô Phật, dạ giữ được. o

5/- Giới thứ năm: “Không uống rượu và các chất gây nghiện độc hại”, các Phật tử có giữ được hay không?

Giới tử đáp:

Mô Phật, dạ giữ được. o

Quý Thiện nam Tín nữ! Các vị đã Quy y thọ giới rồi, kể từ hôm nay trở đi, quý vị phải tinh tấn siêng năng học hỏi giáo lý, rồi y theo đó mà tu hành. Hằng ngày, ăn uống nên kiêng: thịt trâu, thịt ngựa, thịt chó, thịt mèo…Vì chúng là những gia súc thân cận có nhiều ân nghĩa với chúng ta. Đối với các động vật hoang dã được luật pháp bảo vệ, Phật tử cũng phải kiêng cữ.

Ngoài ra, các vị cũng không nên dùng các loại gia vị như: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, vì chúng hôi nồng và kích thích lòng tham dục, sân hận. Để cho lòng từ bi tăng trưởng, quý vị nên phát nguyện ăn chay mỗi tháng ít nhất là bốn ngày, là mùng 1, 14, 15 và 30 hoặc 29 âm lịch, nếu tháng thiếu, nên khuyến khích cả nhà cùng ăn chay trong bốn ngày nêu trên, được như vậy rất tốt.

Trong những ngày sám hối, Bố tát và các ngày lễ vía, quý vị nên về chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe chư Tăng Ni giảng dạy. Khi đi, quý vị cần phải tắm gội sạch sẽ, ăn mặc trang nghiêm, kín đáo, màu sắc thanh nhã. Lúc vào các điện thờ thì đừng mang giày dép vì sợ mang đồ dơ bẩn vào mà có tội.

Ở nhà, quý vị nên lập một bàn thờ Phật, để chiêm ngưỡng và lạy Phật, tụng kinh, cho tăng trưởng phước lành. Về cách thờ, tụng thế nào cho đúng phép, thì quý vị nên xem trong quyển Phật học Phổ thông khóa thứ nhất hoặc thỉnh vấn chư Tăng, chư Ni.

5.2. TÁC BẠCH THỈNH TĂNG TÁC LỄ HẰNG THUẬN  
(Điển lễ nhịp 2 tiếng, đánh 3 tiếng, lôi thất, đánh 3 hồi kiểng, dứt tứ, chủ hôn hoặc ông sui trai đọc):


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch: chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức.

Đệ tử tên là ...., pháp danh ….thay mặt cho hai họ, họ…và họ…nay có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch. o (1 lạy, quỳ xuống đọc tiếp):
    
Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch chư Tôn đức,

Hôm nay nhân ngày lành tháng tốt, được sự chấp thuận của cha mẹ và họ hàng hai bên:

- Tân lang…………pháp danh …..…..,….tuổi, là trưởng/thứ/quý nam của Phật tử…………………pháp danh………………

- Tân nương…..........pháp danh,……....,….tuổi, là trưởng/thứ/quý nữ của Phật tử ……………….…. pháp danh………………

kết duyên tơ tóc, nên nghĩa vợ chồng. Vâng lời chỉ giáo và được sự cho phép của HT (TT, ĐĐ) Bổn sư tổ chức lễ Hằng thuận.
    
Giờ đây, thời đã đến, duyên đã đủ, chúng con xin nhất tâm cung thỉnh chư Tôn đức đăng lâm bảo điện tác lễ Hằng thuận cho hai cháu được ân triêm công đức.
    
Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma ha tát
(Chờ chư Tăng niệm Phật hứa khả xong, đọc tiếp):
    
Nam Mô A Di Đà Phật.
    
Kính bạch, chư Tôn đức đã niệm Phật hứa khả rồi, chúng con thành tâm đảnh lễ cung thỉnh tam bái. (lạy 3 lạy, đứng lên).

5.3. TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
(Tân lang và Tân nương)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch: chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng (Ni).
    
Đệ tử chúng con là:

- Tân lang………………..pháp danh………........., ….tuổi, là       trưởng/thứ/quý nam của Phật tử………………pháp danh…………

- Tân nương……………...pháp danh......................, ….tuổi, là trưởng/thứ/quý nữ của Phật tử………………...pháp danh…………

nay có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch. (1 lạy, quỳ xuống đọc tiếp):
    
Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch chư Tôn đức,

Chúng con là hàng Phật tử tại gia, được may mắn thấm nhuần ơn Phật pháp và cảm ngộ ân giáo hóa của chư Tôn đức Tăng Ni, nên chúng con mới rõ được sự nhiệm mầu lợi ích của Ba ngôi báu, cũng như ân nghĩa sanh thành dưỡng dục bao la như trời biển của cha mẹ, khó bề đền đáp trong muôn một.

Để làm tròn bổn phận “Nối dõi tông đường”, vâng lời cha mẹ đôi bên, hôm nay chúng con đã kết tóc se tơ nên duyên chồng vợ. Chúng con thành tâm phát nguyện: Trọn đời chung sống bên nhau một vợ một chồng, trọn lòng chung thủy và y theo lời Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh làm tròn bổn phận của người Phật tử tại gia trong ngôi nhà Chánh pháp.
    
Chúng con xin hồi hướng phước báu này cầu nguyện Phụ mẫu tại đường phước thọ tăng long, đạo tâm tăng trưởng, vợ chồng chúng con cùng bá gia bá tánh được ấm no hạnh phúc, con thảo cháu hiền, đồng tâm hiệp lực hướng về Chánh pháp. Đồng thời chúng con xin nguyện cầu Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại gia tiên của chúng con và chúng sanh được siêu thoát u đồ, tiêu diêu Cực lạc.

Ngưỡng mong chư Tôn đức thùy từ chứng minh và hứa khả cho vợ chồng chúng con được ân triêm công đức.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha tát
(chờ Quý Thầy ban đáp từ xong, đọc tiếp)

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch trên chư Tôn đức đã từ bi hứa khả rồi, lại ban cho những lời dạy bảo vô cùng quý báu về việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Vợ chồng chúng con xin nguyện y giáo phụng hành và thành tâm đảnh lễ cúng dường tam bái.
(lạy 3 lạy, đứng lên, đi dâng cúng lễ vật)

5.4. KỆ DÂNG HOA QUẢ (2)


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Tác Đại Chứng Minh.
    
Thiện nam tín nữ chí thành,
Cầu xin Phật độ cho thành lứa đôi.
Các con dâng lẵng hoa tươi,
Trái cây thơm ngọt lòng vui dạt dào.
Hương trầm quyện tỏa bay cao,
Ngày thành hôn lễ, Phật trao lời vàng.
Đôi trẻ lạy Phật tâm an,
Nghe lời thầy dạy, Phật ban phước lành.


Nam Mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát (3 lần).

Thượng tọa Thích Chơn Không

(Còn nữa…)

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...