Sách Phật giáo
Nghi thức Lễ Hằng thuận (phần cuối)
Chủ nhật, 08/06/2014 08:36
Ngày nay, sáu lễ tuy không còn được áp dụng đầy đủ trong việc gả cưới, nhưng thông qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc liên lạc của cha mẹ đôi bên và đôi bạn trẻ, nó hàm chứa ý nghĩa của ba cuộc lễ: Nạp thái, Vấn danh và Nạp cát.
5.6. HÔN LỄ NGÀY XƯA
Theo Văn Công Thọ Mai gia lễ, ngày xưa đàng Trai và đàng Gái muốn tiến đến hôn nhân, phải cử hành sáu lễ. Sách xưa có câu: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”. (Sáu lễ không đủ, trinh nữ không ra). Vậy sáu lễ ấy là những lễ gì?
Sáu lễ gồm những lễ nghi sau đây:
1. Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà Trai mang sang nhà Gái một cặp “nhạn” hoặc cặp “ngỗng” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. Vì nhạn và ngỗng là những loài vật có lòng chung thủy tuyệt đối.
2. Lễ vấn danh: là lễ do nhà Trai nhờ người làm mai mang trầu cau, hoa quả, bánh trà đến cúng Tổ tiên nhà Gái, hỏi họ tên, giờ ngày tháng năm sinh của cô gái và hỏi xem nhà Gái đã hứa hôn cô ấy với ai chưa. Đàng Gái có trách nhiệm ghi rõ các yêu cầu đó và trao cho người mai mối.
3. Lễ nạp cát: lễ báo tin lành cho nhà Gái biết rằng đã chọn được quẻ tốt; tuổi, cung, mạng hai cháu hạp nhau, cưới nhau tốt. Nếu có gì xung khắc thì tìm cách hóa giải.
4. Lễ Nạp tệ: cũng gọi là Nạp trưng, là lễ nạp đồ sính lễ, gồm nữ trang, tiền bạc, hàng vải,… cho nhà Gái làm bằng chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.
5. Lễ Thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ tốt và các chi tiết làm lễ Thân nghinh.
6. Lễ Thân nghinh: tức lễ rước dâu hay lễ cưới, chính bản thân chú rể phải đến nhà đàng Gái để xin rước dâu. Đúng ngày giờ đã định, họ nhà Trai mang lễ đến để rước dâu về. Sau khi rước dâu về nhà, hai hoặc bốn ngày sau chú rể phải đưa vợ về làm lễ Phản bái, lễ này gồm có các tiết mục: dâng hương cúng bái Tổ tiên, vấn an sức khỏe cha mẹ vợ, dở mâm trầu cau của nhà Trai đưa sang hôm làm lễ cưới. Sau khi dở mâm trầu thì chính cô dâu đi biếu trầu cau cho bà con cô bác bên nàng và tỏ lời cảm ơn những người đã có công giúp đỡ trong những ngày nàng Vu quy xuất giá. Đây cũng là dịp chàng rể cùng vợ đi thăm và làm quen với bà con bên vợ.
5.7. HÔN LỄ NGÀY NAY:
Ngày nay, sáu lễ tuy không còn được áp dụng đầy đủ trong việc gả cưới, nhưng thông qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc liên lạc của cha mẹ đôi bên và đôi bạn trẻ, nó hàm chứa ý nghĩa của ba cuộc lễ: Nạp thái, Vấn danh và Nạp cát. Bây giờ, thông thường chỉ còn 2 lễ, là lễ Hỏi và lễ Cưới. Lễ Hỏi thì bao gồm lễ Nạp tệ và lễ Thỉnh kỳ. Lễ Cưới tức là lễ Thân nghinh hay cũng gọi là lễ: Nghinh hôn, Rước dâu,....
Để buổi lễ Hỏi và lễ Cưới được diễn ra trang nghiêm trọng thể, phù hợp với truyền thống dân tộc và xã hội hiện đại, xin mời quý vị tham khảo hai chương trình sau đây, rồi tùy hoàn cảnh thực tế mà gia giảm.
5.8. CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỎI
Lưu ý chung về chương trình lễ Hỏi và lễ Cưới tại tư gia:
a. Đàng Trai, đàng Gái, mỗi bên cử một vị Chủ hôn. Chủ hôn có thể là ông sui Trai, ông sui Gái, hoặc là ông mai, bà mai, hoặc là người trưởng thượng trong họ hoặc trong làng. Vị này phải là người có uy tín, đạo đức tốt, đủ vợ đủ chồng, ăn nói vui vẻ khôn khéo lịch sự. Vị này còn có trách nhiệm phải bàn bạc với cha mẹ cô dâu chú rể về chi tiết cuộc lễ, chuẩn bị lời lẽ để mọi người phát biểu cho suôn sẻ.
b. Hành lễ ở họ nhà nào thì họ đó chủ trì buổi lễ. Khi ngồi, khi đứng thì chủ nhà bên trái, khách bên phải - từ trong nhìn ra. Khi đến chùa thì đàng Trai bên Trái, đàng Gái bên phải – Nam tả nữ hữu – từ ngoài đi vào.
c. Khi đến chùa làm lễ Hằng thuận hoặc khi đi chào bà con, chú rể bên trái, cô dâu bên phải – theo nguyên tắc: nam tả nữ hữu.
d. Lễ phẩm gồm: trầu cau, bông trái, 2 đôi đèn cầy, (lại quả 1 đôi) bánh trà, tiền bạc, nữ trang... Các lễ vật này đặt vào trong các mâm quả phủ khăn đỏ. Mỗi cái đều phải đủ đôi đủ cặp. Nhà đàng Gái phải nhớ lại quả cho đàng Trai. Theo tinh thần giới luật nhà Phật, chúng tôi sẽ không đề cập đến rượu, mà thay vào đó là trà – Nước trà cúng Tổ tiên và đãi khách cần nóng và ngon miệng.
e. Tùy theo tập tục mỗi nơi, có cách lễ bái khác nhau, nhưng để tiện lợi cho người cao niên cũng như cô dâu chú rể khi lễ bái, chúng ta nên quỳ lạy.
f. Đàng Trai, khi đến nhà đàng Gái để làm lễ Hỏi, lễ Cưới trước phải thắp hương khấn Tổ tiên, kiểm tra và giao các mâm quả cho các phụ lễ. Riêng nữ trang, khi đến nhà đàng Gái mới để vào quả và phải có mặt ở nhà đàng Gái trước 1, 2 giờ đồng hồ trước khi chính thức cử hành lễ Hỏi hoặc lễ Rước dâu.
g. Về trang phục: Trong ngày vui của hai họ, cô dâu chú rể là hai nhân vật chính, cho nên cần có nhiều bộ trang phục phù hợp với lễ nghi và không gian của từng nơi. Ví dụ khi lễ Tổ tiên và lễ Hằng thuận, cô dâu chú rể nên mặc quốc phục tức là áo dài khăn đóng, nó có ý nghĩa vừa tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa tiện lợi khi lễ bái. Khi đến nhà hàng chiêu đãi khách mời có thể mặc âu phục.
1. NHÀ TRAI ĐẾN NHÀ ĐÀNG GÁI.
Khi đàng Trai đến cổng nhà đàng Gái, cử 2 người đại diện: Chủ hôn và 1 thanh niên bưng khay lễ vào rót trà ngỏ lời xin phép đàng Gái vào nhà để làm lễ Hỏi, đàng Gái nhận lời, mời vào và ra cửa đón, phái đoàn, nhà Trai trao các mâm quả lễ, đàng Gái đón nhận, bưng vào đặt mâm quả lên bàn, bày trước bàn thờ Tổ tiên.
Đại diện đàng Gái giới thiệu bên nhà Gái, đại diện đàng Trai giới thiệu bên nhà Trai. Đàng Gái phát biểu chào mừng, Đàng trai trình các mâm quả lễ Hỏi. Sau đó, hai họ dùng trà và thăm hỏi thân mật với nhau.
3. SỬA SOẠN NHANG ĐÈN, chờ đến giờ tốt tiến hành lễ Hỏi trước bàn Tổ tiên.
4. LỄ CÚNG ĐẤT ĐAI.
Cúng Đất đai do ông sui Gái khấn với nội dung như sau:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (xá 1 xá).
Kính thưa: Chư vị thiện thần Ngũ phương Ngũ thổ, các vị chủ đất từ trước đến nay.
Hôm nay là ngày …., tháng …., năm …., con tên họ là ……,….tuổi, hiện ở nhà số…….cùng toàn thể gia quyến, thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả, làm lễ Hỏi:
- Hôn phu là trưởng/thứ/quý nam…….pháp danh….,…tuổi
- Hôn thê là trưởng/thứ/quý nữ…...…..pháp danh …,…tuổi
Nguyện cầu chư vị thiện thần linh thiêng chứng giám và gia hộ hai cháu: nên duyên chồng vợ, loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
Nam Mô A Di Đà Phật (xá 3 xá).
5. LỄ GIA TIÊN.
Người Chủ hôn đàng Gái:
Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ,
Kính thưa quý quan khách và cô bác, anh chị hiện diện
Hôn nhân là việc thiêng liêng cao cả, do nhân duyên phước báu nhiều đời, sự độ hộ của Tổ tiên ông bà và sự chấp thuận của cha mẹ đôi bên mà hai cháu nên duyên chồng vợ.
Giờ đây, trong không khí trang nghiêm thành kính, chúng ta cùng đôi trẻ nhất tâm hướng lên ơn trên để tỏ lòng thành kính và hiếu thảo. Chủ hôn cầm 3 cây nhang lớn khấn:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Hôm nay là ngày …, tháng…. năm…., nhằm ngày… tháng... năm…, chúng con thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả thiết lễ Đính hôn cho hai cháu:
- Hôn phu…………pháp danh ……….,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nam của ông ………….. và bà … tại tư gia số: ………………(địa chỉ đầy đủ)
- Hôn thê ………… pháp danh ………,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nữ của ông …………..và bà …….tại tư gia số: ………………(địa chỉ đầy đủ)
Kính cẩn nguyện cầu Hoàng thiên Hậu Thổ, chư vị Hỷ Thần và Cửu Huyền Thất Tổ linh thiêng chứng giám, từ bi gia hộ đôi trẻ: mạnh khỏe an vui, trên thuận dưới hòa, phát tài phát lộc, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
Chúng con tin rằng giờ đây Hoàng thiên Hậu thổ và Cửu Huyền Thất Tổ đang hoan hỷ chứng kiến lễ Đính hôn của hai cháu. Chúng con nguyện xin ơn trên hộ trì cho cuộc sống mới của hai cháu, dẫn dắt hai cháu trên các nẻo đường đời.
Chúng con thành tâm kính bái.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát, Ma ha tát!
(Đọc 3 lần, xá 3 xá. Phụ lễ tiếp nhang cắm vào giữa lư hương ngay ngắn, mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4 lạy).
5.9. CHƯƠNG TRÌNH LỄ CƯỚI
Khi đàng Trai đến cổng nhà đàng Gái, cử 02 người đại diện: Chủ hôn và 01 thanh niên bưng khay lễ vào rót “trà” ngỏ lời xin phép đàng Gái vào nhà để làm lễ Rước dâu, đàng Gái nhận lời mời vào và ra cửa đón, phái đoàn, nhà Trai trao các mâm quả lễ đàng Gái đón nhận, bưng vào đặt mâm quả lên bàn bày trước bàn thờ Tổ tiên.
2. Sau khi sắp đặt các mâm quả, hai họ cùng tiến về bàn thờ, họ đàng Gái là chủ thì đứng bên trái từ trong nhìn ra, họ đàng Trai là khách thì đứng bên phải từ trong nhìn ra.
3. Đại diện đàng Gái giới thiệu bên nhà Gái, đại diện đàng Trai giới thiệu bên nhà Trai và trình bày lễ phẩm rước dâu. Đại diện đàng Gái phát biểu chào mừng, chấp nhận lễ phẩm rước dâu. Sau đó hai họ trở về bàn dùng trà và thăm hỏi thân mật với nhau.
4. HAI NGƯỜI PHỤ LỄ sửa soạn nhang đèn, chờ đến giờ tốt cúng Đất đai và tiến hành lễ cúng Tổ tiên để xin rước dâu.
5. CÚNG ĐẤT ĐAI
Do ông sui Gái khấn với nội dung như sau:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (xá 1 xá).
Kính thưa: Chư vị thiện thần Ngũ phương Ngũ thổ, các vị chủ đất từ trước đến nay.
Hôm nay là ngày…., tháng …., năm…., con tên họ là……, ... tuổi, hiện ở nhà số ……. cùng toàn thể gia quyến, thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả, làm lễ Vu quy/Tân hôn:
- Tân lang là trưởng/thứ/quý nam ……pháp danh.…...,…tuổi.
- Tân nương là trưởng/thứ/quý nữ……pháp danh……,…tuổi.
Nguyện cầu chư vị thiện thần linh thiêng chứng giám và gia hộ hai cháu: nên duyên chồng vợ, loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý…. (có khấn thêm, tùy sở cầu sở nguyện)
Nam Mô A Di Đà Phật (xá 3 xá).
6. Đại diện đàng Trai ngỏ lời xin làm lễ Tổ tiên để rước dâu. Đại diện đàng Gái nhận lời. Hai họ cùng tiến về bàn thờ phân ngôi chủ khách đứng qua hai bên.
7. TRÌNH DIỆN CÔ DÂU (Hai họ tề tựu trước bàn thờ Tổ tiên, mẹ đưa cô dâu ra trình diện hai họ).
* Dâu rể đứng đối diện, chấp tay cúi đầu chào nhau.
* Chú rể tặng hoa cho cô dâu.
* Cô dâu chú rể cúi đầu chào nhau và xá chào hai họ.
8. LỄ GIA TIÊN.
Chủ hôn nhà Gái tuyên bố:
Trước bàn thờ, dâu rể làm lễ Vu quy/Tân hôn (1)
Trong gia đình, thân thích hân hoan chúc tụng.
- Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ.
- Kính thưa quý quan khách, quý cô bác, anh chị hiện diện.
Hôn nhân là việc thiêng liêng cao cả, do nhân duyên phước báu nhiều đời, sự độ hộ của Tổ tiên ông bà và sự chấp thuận của cha mẹ mà hai cháu nên duyên chồng vợ.
Giờ đây, trong không khí trang nghiêm thành kính, chúng ta cùng đôi trẻ nhất tâm hướng lên ơn trên để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận của chúng ta. (Chủ hôn cầm đôi đèn long phụng quay ra sân kính cẩn xá Trời đất 3 xá, quay vô bàn thờ Tổ tiên xướng):
Đèn long phụng vừa thắp
Soi sáng khắp mười phương
Lòng chúng con cũng thế
Dâng cúng cõi tam thiên.
(xá 3 xá, hai người phụ lễ tiếp đôi đèn cắm lên hai chưn đèn, chủ hôn và mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4 lạy, kế đến Chủ hôn đàng Gái cầm 3 cây nhang khấn lớn):
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Hôm nay là ngày…tháng….năm…, nhằm ngày…tháng năm…,(nên nói ngày âm trước, ngày dương sau)
Chúng con thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả bánh trà thiết lễ Vu quy/Tân hôn cho: (2)
- Tân nương……pháp danh……,…tuổi là trưởng/thứ/quí nữ của ông…………và bà …. ...tại tư gia số:…………. (địa chỉ đầy đủ).
Kết duyên cùng với:
- Tân lang……pháp danh…….,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nam của ông …..và bà …. …tại tư gia số:……………. (địa chỉ đầy đủ).
Kính cẩn nguyện cầu Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Hỷ Thần và Cửu Huyền Thất Tổ linh thiêng chứng giám, từ bi gia hộ đôi trẻ: mạnh khỏe an vui, trên thuận dưới hòa, phát tài phát lộc, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
(1) Tại nhà đàng Gái gọi là Vu quy, khi về nhà đàng Trai thì gọi là Tân hôn.
(2) Khi về nhà đàng Trai thì đọc tên Tân lang trước, Tân nương sau.
Chúng con tin rằng giờ đây Hoàng thiên Hậu thổ và Cửu huyền thất tổ đang hoan hỷ chứng kiến lễ Thành hôn của hai cháu. Chúng con nguyện xin ơn trên hộ trì cho cuộc sống mới của hai cháu, dẫn dắt hai cháu trên các nẻo đường đời.
Chúng con thành tâm kính bái (xá 3 xá, phụ lễ tiếp nhang cắm vào giữa lư hương ngay ngắn, mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4 lạy).
9. TRAO NỮ TRANG, Mẹ chồng đeo các món nữ trang cho cô dâu, riêng nhẫn cưới thì đem vào chùa để chư Tăng chú nguyện, để chú rể và cô dâu đeo nhẫn cưới cho nhau trong lễ Hằng thuận. Bà con họ hàng của cô dâu trao quà lưu niệm, tặng phong bì hoặc tặng nữ trang cho cô dâu (nên ghi rõ vai vế, tên họ người tặng kèm theo lời chúc mừng).
10. NGHI LỄ GIAO ƯỚC HAI HỌ:
a. Chủ hôn đàng Gái/Trai trân trọng tuyên bố: Giờ đây hai họ, họ (Lý) và họ (Trần) đã trở thành họ hàng, thân tộc với nhau qua cuộc hôn nhân của cháu.... và cháu… Xin kính mời hai họ cùng uống chung trà giao ước (* Theo tục lệ dân gian thì dùng rượu giao ước, người thọ Phật giới nên dùng trà thay rượu thì hợp đạo lý hơn).
b. Và cũng từ giờ phút này, cháu... và cháu… đã chính thức trở thành vợ chồng trước mặt gia tộc hai bên và được chính quyền địa phương công nhận, đây là niềm vinh dự lớn của hai họ. Xin chúc hai cháu:
Trăm năm nghĩa thắm tình nồng,
Tròn duyên tròn nợ một lòng sắt son.
Xin mời hai cháu cùng uống chung trà giao ước.
11. Tân lang và Tân nương cùng hái 4 trái cau, 4 lá trầu đặt vào dĩa dâng lên bàn thờ Tổ tiên, xá 3 xá và quỳ lạy 4 lạy (Khi lạy, hai cháu dùng tay trái đỡ khăn đóng trên đầu, khi hái trầu cau phải kín đáo, không được dở hẳn khăn phủ mâm trầu cau). Và hướng vào nhau lạy 1 lạy “phu thê giao bái”. Đây cái lễ tương kính, vợ chồng cùng tôn trọng quý kính nhau, có lẽ đây là cái lạy đầu tiên cũng là cái lạy cuối cùng, vì chỉ có một lần “giao bái” mà thôi (?) Tập tục này nên giữ, không nên bỏ.
12. Cô dâu và chú rể bưng trà mời: ông bà cha mẹ cô bác dùng trà và lạy tạ ơn mỗi người hai lạy hoặc mỗi bên hai lạy. Đây là lễ nghi cần có, không nên bỏ qua. Trong dịp này, những lời khuyên răn dặn dò của cha mẹ hết sức quan trọng. Do đó, các bậc làm cha mẹ nên chuẩn bị lời lẽ đạo lý để dạy bảo con gái và con rể của mình, cũng như con trai và con dâu của mình.
* Lưu ý: Khi rước dâu về nhà đàng Trai thì không cần chọn giờ. Tiến hành các lễ theo mục: 5, 8, 9, 10. Riêng mục 9 thì mẹ chồng không phải đeo thêm nữ trang cho con dâu, nhưng bà con đàng Trai thì nên trao quà lưu niệm, tặng phong bì hoặc tặng nữ trang (nên ghi rõ vai vế tên họ người tặng kèm theo lời chúc mừng) cho cô dâu chú rể, càng nhiều càng tốt.
Sau lễ Thành hôn của đôi trẻ, đàng Trai nên công khai tài chính, lập danh sách khách đã tặng quà và trao lại hết cho cô dâu chú rể để làm kỷ niệm, sử dụng và xã giao trả lễ sau này. Nhà đàng Trai đã cưới dâu cho con của mình thì không nên tính chuyện “thu hồi vốn” mới là cao thượng.
Thượng tọa Thích Chơn Không
(Hết)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: