Chùa Việt
Ngôi chùa độc đáo được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong
Chủ nhật, 07/11/2022 07:55
Phật giáo thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương được tiếp cận sớm chủ yếu qua con đường biển khi Phật giáo truyền bá vào nước ta, tại đây có nhiều ngôi cổ tự có tuổi đời hàng ngàn năm.
Mỗi ngôi chùa đều mang trên mình những giá trị văn hóa riêng về kiến trúc, về tập tục của một vùng quê, các pháp khí đồ thờ tự cổ và bên cạnh đó chùa còn là chứng tích của dòng chảy lịch sử cùng đất nước.
Chùa Đống Linh hay còn gọi là chùa Cầu tại thôn An Cầu, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo TP Hải Phòng là một ngôi chùa cổ có từ thời nhà Mạc. Năm 2018 Đại đức Thích Thanh Tuệ là một vị Tăng trẻ được giáo hội Việt Nam thành phố Hải Phòng bổ nhiệm làm về trụ trì để hướng dẫn bà con nhân dân Phật tử địa phương tu tập theo chánh pháp. Chùa Cầu nằm ngay trên tuyến đường huyết mạch quốc lộ số 10 cách thị trấn Vĩnh Bảo chừng 3km về phía Hải Phòng, ngôi chùa có diện tích đất quy hoạch hơn 10000m2 "khoảng gần 3 mẫu bắc bộ", đây cũng là một ngôi tự viện có diện tích tương đối rộng tại vùng đồng bằng Bắc bộ.
Theo ghi chép thì chùa được trùng tu lần thứ nhất vào thời Nguyễn, đời Vua Thành Thái "năm Mậu Tuất 1838". Chùa là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố, trong cuốn lịch sử Đảng bộ TP Hải Phòng thì những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngôi chùa là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng hoạt động tại vùng đồng bằng bắc bộ và Hải Phòng.
Trải qua thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết chùa đã xuống cấp, theo nguyện vọng của Đại đức Trụ trì, Chính quyền và nhân dân địa phương. Ngày 12/4/2021 UBND thành phố hải Phòng ra quyết định số 1072 cho phép tôn tạo di tích lịch sử chùa Cầu trên nền móng hiện trạng. Ngôi chùa khởi công xây dựng ngày 31/ 05/ 2021 (tức ngày 20 tháng 04 năm Tân Sửu).
Cũng như nhiều ngôi tự viện phía bắc, chùa được thiết kế xây dựng với lối kiến trúc chữ "đinh" tọa đông bắc tây nam gồm: Tiền đường 5 gian và thượng điện 3 gian, mái lợp ngói mũi mầu đỏ thẫm, tiền đường có 4 mái đao, hai đầu bó nóc gắn hai đầu thủy quái ma-ka-ra, ở giữa bờ nóc có bức đại tự đầu đao hình rồng, cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim 3 gian, các hoa văn chồng đấu hoa sen, trang trí họa tiết theo mô tuýp thời Lý, hai con Rồng đá chầu phía trước.
Điểm đặc biệt nhất là ngôi chùa này tường đựơc xây hoàn toàn bằng gạch đá ong thô, không tô trát. Đá ong được khai thác từ vận chuyển từ vùng Thạch Thất, Sơn Tây, đây là một loại vật liệu có tên khoa học là laterit, là loại đá xuất hiện nhiều ở các vùng nhiệt đới, thành phần chứa nhiều sắt và nhôm, đá ong khá rắn chắc và kết dính có độ bền cao, không bị rêu mốc, nền được lát gạch đất nung hình chữ công, khung rường cột kết cấu gỗ theo hình thức kiến trúc gốc, có thể nói đây là một trong những nét độc đáo nhất ở ngôi tự viện này.
Đại đức Trụ trì cho biết sinh ra và lớn lên tại quê hương Hà Tây trước khi đi xuất gia đã từng thấy ông cha khai thác đá ong xây nhà, vật liệu này có tuổi thọ bền theo thời gian, giữ ấm về mùa đông và mát về mùa hè, hơn nữa nó mang một nét đặc trưng thuần Việt nên đã quyết định sử dụng đá ong để xây dựng cho ngôi chùa.
Tượng Phật và các pháp khí trong chùa cũng được được các nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề vùng Thạch Thất chế tác với độ tinh xảo cao, toát lên vẻ uy linh và trang nghiêm. Tòa Cửu Long bằng đồng được bố trí ngay giữa bảo điện, cùng các pho tượng Phật bằng đồng và gỗ quý, hai bên tả hữu là pho tượng hai vị Hộ Pháp cao hơn 2 mét.
Sau hơn một năm xây dựng với sự đóng góp nhân tài vật lực tự nguyện của nhân dân dịa phương và quý mạnh thường quân. Ngày 6/11/2022 nhằm ngày 13 tháng 10 năm Nhâm Dần, Ngôi chùa đã được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Nhà chùa cùng Chính quyền địa phương và bà con nhân dân Phật tử đã long trọng làm lễ cắt băng khánh thành, và tổ chức lễ khởi công động thổ xây dựng nhà Mẫu trong khuôn viên chùa.
Quang lâm bàn chứng minh và tham dự lễ khánh thành có Hòa Thượng Thích Thanh Giác – Uỷ viên HĐTS, trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp GHPGVN, phó trưởng ban thường trực Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng; TT. Thích Nguyên Bình – Nguyên ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; TT. Thích Thanh Dũng – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương; Đại đức Thích Thanh Tuệ – Phó Ban trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Bảo, trụ trì chùa Đống Linh, trưởng BTC đại lễ, cùng quý Tôn đức tăng ni tại TP Hải Phòng và các tỉnh lân cận đồng tham dự.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền thành phố Hải Phòng huyện Vĩnh Bảo và đại diện cho Chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể xã Vĩnh An, các cơ quan hữu quan cũng đã về tham dự có những lẵng hoa chúc mừng. Buổi lễ còn có sự tham dự của hàng ngàn bà con nhân dân Phật tử địa phương xã Vĩnh An, cùng quý khách mời thập phương.
Ban đạo từ tại lễ khánh thành Hòa Thượng Thích Thanh Giác đã chúc mừng Đại đức Trụ trì cùng Chính quyền và nhân dân nơi đây, Hòa Thượng tán thán công đức của Đại Đức Trụ trì tuy tuổi còn trẻ nhưng đã dấn thân phụng sự Đạo Pháp, trong dịch bệnh Covid - 19 đã xung phong tình nguyện vào vùng tâm dịch phục vụ đồng bào tại bệnh viện dã chiến số 13. Hôm nay đã cùng nhân dân Phật tử xây dựng một ngôi Tam bảo thật khang trang tố hảo, để có nơi tu tập và hành đạo. Ngôi chùa được xây dựng với một loại vật liệu đặc biệt mang đến một sắc thái riêng cho Phật giáo Hải Phòng, đây cũng là nhằm giữ gìn văn hóa bản sắc của dân tộc ta. Hòa Thượng cũng chúc cho Đại đức Trụ trì luôn giữ được tâm sáng trí bền trong hoạt động Phật sự để phụng sự đạo pháp và phụng sự chúng sinh làm lợi lạc cho đất nước.
Ngôi chùa Cầu được khánh thành là ước nguyện của toàn thể Chính quyền và nhân dân Phật tử nơi đây. Chùa đã đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào Phật tử địa phương và còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, là chứng tích của cách mạng trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc, chùa Cầu nơi tu tập an lạc và trưởng dưỡng đạo tâm của chư Tăng và đồng bào Phật tử góp phần giữ gìn mạng mạch của Phật pháp của vùng quê đất Trạng.