Kiến thức
Người mang hạnh phúc cho nhân loại
Thứ hai, 10/10/2023 06:47
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo: Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.
Một người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho số đông xa lìa diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.
Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Makkhali, phần Một pháp [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.71)
Lời bàn:
Lịch sử nhân loại từng ghi nhận rằng, có những người, khi mới ra đời đã mang đến tai họa cho dân chúng trong vùng. Ngược lại, có những người khi mới sanh ra đã là tín hiệu tốt lành, an vui, thịnh vượng cho đất nước, dân chúng và muôn loài.
Theo tuệ giác Thế Tôn, người có chánh kiến xuất hiện ở đời mới thực sự cống hiến cho xã hội niềm an lạc và hạnh phúc. Chánh kiến tức thấy biết đúng như thật về bản chất của con người, cuộc đời và thế giới. Con người là tổ hợp của năm uẩn, chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết, do vậy thân này vô thường và vô ngã. Cuộc đời phần lớn là những bất toàn, không như ý nên bị những nỗi khổ đoanh vây. Và thế giới thì giả có như mộng huyễn vì vạn sự vạn vật đều do nhân duyên mà sanh khởi. Đây là những sự thật, không ai có thể thay đổi được những chân lý khách quan này. Và, với những hiểu biết như thế, chúng ta sẽ sống mà không quá cố chấp, tham lam, sống vì mình đồng thời biết buông xả, sống vì người, cho người, thân tâm luôn thanh thản, nhẹ nhàng.
Trong những cộng đồng có càng nhiều người hiểu biết và hành xử với tuệ giác chánh kiến như thế thì cộng đồng ấy càng có nhiều an lạc và hạnh phúc. Ngược lại, những người chỉ hăm hở vun đắp cho cá nhân với nhiều tham vọng, thù oán và vô minh thì chắc chắn họ sẽ mang đến nhiều bất an cho trụ xứ, đoàn thể của họ. Nguyên nhân chủ yếu đưa đến bất hạnh chính là không có chánh kiến, thiếu tuệ giác, không thấy được sự thật nên nhận lầm những điều hư giả mà cho là chân thật. Chính vì thế họ trở nên mê tín (tin không đúng với sự thật), bám víu, chấp thủ đồng thời gây tạo khổ đau cho mình và người.
Thế Tôn đã thành tựu chánh kiến và Ngài đã mang đến hạnh phúc, an vui cho đời. Chúng ta, những người đệ tử Phật, noi gương Ngài thực tập và thành tựu chánh kiến để kiến tạo hạnh phúc cho mình và xã hội.