Sách Phật giáo

Nguồn gốc và giá trị của tác phẩm “Quan Âm Diệu Thiện”

Chủ nhật, 24/09/2022 08:26

"Quan Âm Diệu Thiện” là truyện thơ Nôm khuyết danh do Nguyễn Văn Kinh phiên âm, được nhà in Nguyễn Văn Viết xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1925. Đến nay, đây vẫn được xem là tác phẩm truyện thơ phiên âm sớm nhất về Quan Âm Diệu Thiện và ít người biết đến.

Audio

1. Nguồn gốc Phật thoại và văn học của truyện "Quan Âm Diệu Thiện"

Với các nước Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Quan Thế Âm Bồ tát đại từ đại bi là hình tượng quen thuộc với các tín đồ Phật giáo. Với 33 ứng thân tùy từng hoàn cảnh, Ngài hiện hữu ở khắp mọi nơi, lắng nghe những tiếng kêu than, cứu nhân độ thế, giải thoát chúng sanh khỏi những khổ đau cuộc đời. Trong truyền thuyết Phật giáo, có không ít truyện lý giải sự ra đời của Quan Thế Âm Bồ tát, như: Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Tống Tử,… Trong đó, Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính là hai truyện được nhắc đến nhiều nhất, bên cạnh văn xuôi còn có truyện thơ Nôm và chèo.

Nhờ ngôn ngữ không cầu kỳ bác học, thơ truyện dễ đọc dễ thuộc, Quan Âm Diệu Thiện rất gần gũi với tầng lớp bình dân. Hiện chưa xác định được thời gian ra đời cụ thể, nhưng có lẽ, tích truyện lưu truyền rộng rãi từ thế kỷ XI – giai đoạn Phật giáo phát triển hưng thịnh dưới thời Lý. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII, với sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm chữ Nôm, đặc biệt là những tác phẩm có đề tài tôn giáo (Phạm Công – Cúc Hoa, Bạch Viên Các, Đào Đình mộng ký, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai…), truyện thơ Nôm Quan Âm Diệu Thiện mới được nhiều người biết đến.

41

Truyện kể ở Ấn Độ có một tiểu quốc tên là Hưng Lâm, phía Tây giáp Thiên Trúc quốc, phía Bắc giáp Trường Xuân quốc, phía Đông giáp Phật Minh quốc, phía Nam giáp Thiên Chân quốc. Nhà vua trị vì tên Linh Ưu, niên hiệu Diệu Trang. Trong ba nàng công chúa, Diệu Thiện được cha mẹ yêu thương và tin tưởng nhất. Khi đến tuổi cập kê, phụ mẫu mong nàng cưới một chàng phò mã để sau này cùng trị vì vương quốc. Nhưng Diệu Thiện đã khước từ mọi vinh hoa phú quý để chọn con đường tu hành.

Người sinh trăm tuổi chiêm bao

Vinh hoa phú quý khác nào lửa diêm.

Đức vua và hoàng hậu đau lòng trước quyết định của con. Khuyên can bất thành, Diệu Trang vương nổi trận lôi đình, ra lệnh giam nàng ở khu vườn phía sau hoàng cung, ngày ngày ăn uống thiếu thốn, lao động cực nhọc.

Đày đi lên chốn huê đinh

Tưới nước làm cỏ thất kinh ắt từ.

Nào ngờ, Diệu Thiện vẫn giữ đúng tâm nguyện. Không hề buồn bã, nàng xem đó là khởi đầu cho việc tu tập sau này. Thấy vậy, Diệu Trang vương đành phải thương lượng với trụ trì chùa Đại Tuệ, chấp nhận cho nàng quy y tại chùa nhưng phải tiếp tục làm những công việc nhọc nhằn, như: Gánh nước, bổ củi, cuốc đất trồng rau với hy vọng khiến nàng nản chí, từ bỏ ý định xuất gia. Trái lại, nàng không hề chán nản, khi luôn được các loài chim muông và Tăng, Ni trong chùa giúp đỡ. Biết được điều này, cha nàng vô cùng giận dữ, ra lệnh phóng hỏa đốt chùa Đại Tuệ cùng công chúa Diệu Thiện và 500 vị Tăng, Ni. Ngọn lửa thiêu rụi tất cả nhưng Diệu Thiện vẫn điềm tĩnh như thường. Nàng chỉ lặng lẽ chắp tay cầu nguyện Đức Phật, chư vị Bồ tát gia hộ, tức thì mây kéo mịt mù, mưa xuống như thác đổ khiến ngọn lửa bị dập tắt. Dù rằng hết sức ngăn cản nhưng chẳng thể làm lung lay ý chí của con, hoàng hậu đành ra sức khuyên chồng:

Thiếp nguyện sanh tử liều mình

Dầu vua buộc trói, gia hình cũng ưng

Thương vì con trẻ nên xuân

Quyết tu hành đạo cứu chưng mẹ già

Xin vua xuống đức dung tha

Ngày sau nó độ cứu ta khỏi nàn…

Quan Âm Diệu Thiện là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc.

Quan Âm Diệu Thiện là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc.

Diệu Trang vương nghe thế, bừng bừng nổi giận, sai quân lính đưa công chúa ra pháp trường xử trảm. Thổ Địa biết vậy liền tâu sự ấy lên cho vua trời. Vua trời hạ lệnh Thổ Địa giữ bình an cho công chúa Diệu Thiện, người ấy chính là Bồ tát tái sinh kiếp cuối cùng. Giờ hành quyết đã đến, đao phủ giơ gươm lên thì đao gãy, rút giáo đâm thì giáo tét làm hai. Đến khi hành quyết bằng cách thắt cổ thì cuồng phong thổi tới, làm cho đất trời rung chuyển, tối tăm nhưng xung quanh công chúa Diệu Thiện vẫn hào quang sáng rực. Thổ Địa hóa ra một con hổ lớn nhảy vào pháp trường cõng công chúa chạy thẳng vào núi.

 Sau này, nàng được đưa đến chốn Thiên thai gặp Đức Phật Thích Ca, rồi được Kim Đồng – Ngọc Nữ dắt xuống âm phủ thăm các tầng địa ngục, chứng kiến hình phạt dành cho tội nhân. Tại đây, nàng đã xin Diêm Vương tha cho các tội nhân lầm lạc. Từ cõi âm trở về trần gian, được sự chỉ dẫn của thần linh, nàng quyết chí tu hành trên núi Hương Sơn. Qua đó, sau chín năm, nàng chứng ngộ đạo màu, trí tuệ tinh tấn. Nghe tin Diệu Trang vương bị quả báo, nhiễm bệnh toàn thân ghẻ lở, vô phương cứu chữa, Diệu Thiện giả thành vị cao tăng truyền cho nhà vua thứ thần dược chế từ tay và mắt của nàng để thoát khỏi cơn tai biến. Sau khi lành bệnh, nhà vua và hoàng hậu tìm lên núi để tạ ơn, mới hay ân nhân chính là con gái mình, lúc này đã được Phật độ thành Quan Thế Âm Bồ tát. Hối hận vì những việc làm tàn bạo, ông cũng quyết định đi tu.

2. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Quan Âm Diệu Thiện là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc. Cả thiên truyện là chuỗi ngày trải qua bao cực hình khó nhọc của công chúa Diệu Thiện trên bước đường tu nghiệp, để đi đến bến bờ giác ngộ. Cuộc đời tu hành của nàng là tấm gương phản chiếu về đức hy sinh, lòng từ bi hỷ xả cho các Tăng đồ và quần chúng noi theo. Khi quyết định xuất gia, Diệu Thiện đã trải qua quá trình tự ngộ chân lý, một lòng hướng về đạo Phật, không bị tác động bởi bất cứ yếu tố khách quan nào. Đã bao lần bị vua cha ngăn cản, chịu mọi nhục hình, nàng vẫn không từ bỏ con đường đã chọn. Toàn bộ tác phẩm mang màu sắc Phật giáo đậm nét, từ đầu đến cuối phản ánh tư tưởng lớn của đạo Phật, đặc biệt qua những lời nói của Diệu Thiện trước cha mẹ khi trình bày quan điểm hành đạo của mình và cuộc chu du đến âm ty hay quá trình tu tập ở động Hương Tích.

Quan Âm Diệu Thiện là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc. Cả thiên truyện là chuỗi ngày trải qua bao cực hình khó nhọc của công chúa Diệu Thiện trên bước đường tu nghiệp, để đi đến bến bờ giác ngộ. Cuộc đời tu hành của nàng là tấm gương phản chiếu về đức hy sinh, lòng từ bi hỷ xả cho các Tăng đồ và quần chúng noi theo.

Quan Âm Diệu Thiện là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc. Cả thiên truyện là chuỗi ngày trải qua bao cực hình khó nhọc của công chúa Diệu Thiện trên bước đường tu nghiệp, để đi đến bến bờ giác ngộ. Cuộc đời tu hành của nàng là tấm gương phản chiếu về đức hy sinh, lòng từ bi hỷ xả cho các Tăng đồ và quần chúng noi theo.

Nhìn vào tác phẩm, những tín đồ Phật giáo có thể tự soi mình để tìm con đường chân tu đạt đến chánh quả. Truyện cũng đúc kết chân lý: Chỉ có lòng từ bi, bác ái, không tham – sân – si mới giúp con người tìm ra chân lý, không vướng vào các bể khổ trần gian và khi thác, họ được giải thoát về thế giới Tây phương cực lạc. Với ý nghĩa tôn giáo sâu sắc ấy, có thể nói, Quan Âm Diệu Thiện vừa là tác phẩm văn học, vừa như một cuốn kinh giúp con người sống tốt đời đẹp đạo và hướng thiện hơn. Truyện cũng phê phán nghiêm khắc những kẻ bạo quyền, tàn ác, mà Diệu Trang vương là nhân vật tiêu biểu. Nhiều lần ông đày đọa, thậm chí ra lệnh giết con chỉ để thỏa mãn mong muốn con gái lấy chồng, thay ông trị vì đất nước. Không chỉ vậy, ông còn giết nhiều người vô tội. Cái giá phải trả chính là căn bệnh quái ác, đây chính là luật nhân quả trong giáo lý nhà Phật. Tác phẩm cũng thể hiện tính nhân văn của người Việt, cái thiện sẽ luôn luôn thắng cái ác và tinh thần từ bi của Phật giáo khi ở cuối truyện, công chúa Diệu Thiện đã chữa lành bệnh cho cha mình. Để rồi, từ đó, Diệu Trang vương cùng gia đình đã rũ bỏ cuộc sống vinh hoa, tìm đến thiền môn tu hành, được Phật độ siêu thoát.

Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là màu sắc linh thiêng, huyền bí, tôn lên phép nhiệm màu của đạo Phật. Đó là hình ảnh trận mưa lớn cứu công chúa Diệu Thiện khỏi hỏa hoạn; mãnh hổ xuất hiện đúng lúc đưa nàng ra khỏi pháp trường; không khí u tịch chốn âm ty; Diệu Thiện chữa khỏi bệnh nan y cho cha,… Những chi tiết này còn giúp tác phẩm lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Ngôn ngữ trong truyện giản dị, gần gũi, dễ hiểu, đậm tính giáo huấn nhưng vẫn lột tả các tình tiết, tính cách và diễn biến tâm trạng từng nhân vật. Công chúa Diệu Thiện là hình mẫu người phụ nữ kiên định, lạc quan, bất chấp khó khăn gian khổ để đạt đến mục đích cao cả của cuộc đời:

Cúi xin cha mẹ nghiệm tường

Nay con nguyện học theo đường tu thân

Sát, dâm, đạo vọng chẳng gần

Tam quy ngũ giới ân cần tâm thâu.

Và:

Hết lời cha mẹ đoạn phân

Con rằng quyết chí đoạn trường xuất gia

Uổng công cơm áo mẹ cha

Trí tài mà lại hóa ra thấp hèn

Như vậy thể sự ai khen

Sanh con cũng tưởng một phen cậy nhờ

Hiển vinh phú quý làm ngơ

Dạy khuyên chẳng đặng ước mơ tu hành.

Với hoàng hậu, bà tiêu biểu cho hình tượng người mẹ Việt Nam hết mực thương con nhưng phải sống cam chịu trước người chồng bạo chúa. Tác phẩm đã khắc họa tâm trạng dằn vặt, đau đớn của bà khi đứng giữa hai người bà yêu thương: Bà không muốn trái lệnh chồng nhưng cũng không thể không chiều lòng con khi Diệu Thiện kiên quyết chọn con đường tu hành.

Xin vua chớ chấp hoàng nhi

Trẻ thơ nó đã quyết đi tu hành

Mai sau quả mãn công thành

Thời ta cũng đặng giàu sanh thiên đường

Nó độ ta về Tây phương

Tiêu diêu thẳng cánh vô cương cõi trời

Lưu danh hậu thế muôn đời

Tiếng bia ngàn thời, ta thời khỏi lo.

Bên cạnh đó, Diệu Trang vương cũng là nhân vật khá tiêu biểu cho tầng lớp phong kiến thống trị, khi ông không dung tha cho bất kì ai trái lệnh, dù đó có là đứa con gái ông yêu thương nhất. Lợi ích hoàng tộc, tìm người nối ngôi, giữ vững ngôi báu luôn được ông đặt trên hết. Cũng chính vì vậy mà ông đi ngược lại luân lý xã hội khi sẵn sàng giết con và nhiều người vô tội. Từ truyền thuyết dân gian, tác phẩm đã khắc họa thành công tính cách nhiều hình tượng nhân vật khác nhau, qua đó, góp phần đưa truyện thơ Nôm Quan Âm Diệu Thiện đến gần với đông đảo quần chúng.

3. So sánh giữa hai tác phẩm "Quan Âm Diệu Thiện" và " Quan Âm Thị Kính"

Cả hai tác phẩm đều giải thích nguồn gốc của Quan Thế Âm Bồ tát. Về văn bản chữ Nôm, cả hai đều có nhiều dị bản nhưng Quan Âm Thị Kính được biết đến rộng rãi hơn nhờ đã chuyển thể sang chèo, gần gũi với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Truyện cũng đúc kết chân lý: Chỉ có lòng từ bi, bác ái, không tham – sân – si mới giúp con người tìm ra chân lý, không vướng vào các bể khổ trần gian và khi thác xuống, họ được giải thoát về thế giới Tây phương cực lạc.

Truyện cũng đúc kết chân lý: Chỉ có lòng từ bi, bác ái, không tham – sân – si mới giúp con người tìm ra chân lý, không vướng vào các bể khổ trần gian và khi thác xuống, họ được giải thoát về thế giới Tây phương cực lạc.

Về phương thức thể hiện, truyện Nôm Quan Âm Thị Kính mang tính bác học hơn vì dùng nhiều điển cố, điển tích, ngôn từ trau chuốt, đan xen ca dao – dân ca, dùng nhiều hình ảnh so sánh và ẩn dụ, tính cách nhân vật cũng được khắc họa chi tiết, sinh động. Nếu lấy bản kịch của Nguyễn Văn Kinh (khoảng 7.000 câu thơ), ngôn ngữ của Quan Âm Diệu Thiện bình dân, dễ hiểu hơn, không bị ràng buộc bởi các điển cố, một phần vì tác phẩm được sáng tác nhằm thuyết giảng đạo pháp. Xã hội trong Quan Âm Thị Kính thể hiện nội bật hơn sự thối nát, mục ruỗng của hệ thống quan lại nông thôn thời phong kiến. Còn truyện Quan Âm Diệu Thiện chủ yếu lên án tư tưởng cực đoan của tầng lớp thống trị, tiêu biểu qua hình tượng Diệu Trang vương.

Dù đều có nguồn gốc từ tích Phật thoại nhưng Quan Âm Diệu Thiện mang đậm tính huyền thoại hơn, thể hiện qua các phép nhiệm màu, con vật trợ giúp Diệu Thiện, cõi trần – cõi Tiên – âm ty đan xen như trong truyện cổ tích. Còn tác phẩm Quan Âm Thị Kính phần nào thể hiện tính thế sự, không gian truyện gắn liền với đời sống dân gian, những sinh hoạt thường ngày. So với Thị Kính, Diệu Thiện đến với con đường tu hành giác ngộ có phần tự nguyện hơn, xuất phát từ ý thức ngay từ nhỏ. Còn Thị Kính tìm đến cửa Phật để dẹp bỏ quá khứ khổ đau, oan khuất. Tuy nhiên, con đường tu hành của cả hai nhân vật đều trải qua nhiều chông gai, nghịch cảnh, trước khi được Phật siêu độ, về cõi Niết bàn hóa thân thành vị Bồ tát đại từ đại bi, luôn lắng nghe những đau khổ của chúng sanh để giúp đời. Điểm chung quan trọng nhất: Cả hai nhân vật dù trải qua bao sóng gió, tai ương nhưng vẫn luôn tin tưởng vào con đường tu đạo, qua đó vượt lên số phận để đắc đạo thành Bồ tát.

Tạm kết

Có thể nói, Quan Âm Diệu Thiện là truyện thơ Nôm mang màu sắc Phật giáo hiếm hoi vừa mang giá trị văn học, vừa ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa tâm linh của người Việt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cả cộng đồng.

 Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Viện Văn học.

2. Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin (2021), Phật bà Bể Nam – Truyện Quán Âm Diệu Thiện tại Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.

3. Nguyễn Thị Nhàn (2004), Mô hình kết cấu truyện Nôm qua nhóm truyện đề tài tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, tr.118-129.

4. Nguyễn Đức Đàn (1957), Quan Âm Thị Kính – Giới thiệu và chú thích, Nxb. Văn Sử Địa.

5. Nguyễn Văn Kinh phiên âm (1925), Quan Âm tế độ diễn nghĩa kinh, Nhà in Nguyễn Văn Viết.

6. Viên Trí (2005), Khái niệm về Bồ tát Quan Thế Âm, Nxb. Tôn giáo.

loading...