Sách Phật giáo

Nhớ lại hai lần bái kiến đức Pháp chủ Thích Đức Nhuận

Thứ hai, 08/12/2013 06:43

Chính nơi đây, tôi được bái kiến Sư Cụ Pháp chủ lần thứ nhất. Qua phần nghi lễ, tôi được cơ hội đứng hầu Sư Cụ, tôi thưa: “Bạch Sư Cụ, theo chỗ con biết, chùa Hồng Phúc là Tổ đình tông Tào Động, vậy Trụ trì tại đây, Sư Cụ có tu Thiền theo tông Tào Động chăng?”

Sư Cụ cố Pháp Chủ, người mà tôi đã được hai lần bái kiến tại chùa Hồng Phúc (Hoè Nhai) với lòng tràn trề kính mến. Năm 1987, tôi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tham dự Đại hội kỳ II với tư cách “khách được mời”, nên chúng tôi chỉ cần có mặt hai buổi lễ Khai mạc và Bế mạc. Vì thế, tôi còn dư nhiều thì giờ để đi thăm viếng các chùa tại Thủ đô Hà Nội. Nơi được tôi chú tâm nhất là chùa Hồng Phúc, vì đây là Tổ đình phái Thiền Tào Động. Dự lễ khai mạc Đại hội xong, hôm sau tôi thuê xe xích lô đến chùa Hồng Phúc. Chính nơi đây, tôi được bái kiến Sư Cụ Pháp chủ lần thứ nhất. Qua phần nghi lễ, tôi được cơ hội đứng hầu Sư Cụ, tôi thưa: “Bạch Sư Cụ, theo chỗ con biết, chùa Hồng Phúc là Tổ đình tông Tào Động, vậy Trụ trì tại đây, Sư Cụ có tu Thiền theo tông Tào Động chăng?”

Sư Cụ dạy: “Tôi tu thiền”.

Tôi hỏi tiếp: “Bạch Sư Cụ, Ngài tu thiền là được các Tổ trước truyền tâm ấn cho, hay Ngài tu bằng cách nào?”

Sư Cụ dạy: “Tôi không được Tổ truyền tâm ấn, chỉ căn cứ theo bộ kinh Lăng Nghiêm Chánh Mạch do Tổ Giao Quang giảng, tu pháp “Phản văn văn tự tánh” của Bồ Tát Quán Thế âm nói về “Nhĩ căn Viên Thông” ở trong kinh”.

Sau đó, tôi xin phép lên chùa lễ Phật. Vào chánh điện lễ Phật xong, nhìn lên bàn Phật và Bồ Tát, tôi bắt gặp một tượng đội mũ mặc áo nhà vua quỳ mọp để tượng Phật ngồi trên lưng. Trở xuống Tổ đường, tôi đứng hầu Sư Cụ và thưa: “Bạch Sư Cụ, con thấy trên bàn bên cạnh chư Bồ Tát có một tượng dường như ông vua quỳ mọp để tượng Phật trên lưng, đó là tượng gì?”

Sư Cụ dạy: “Đó là tượng vua Lê Hy Tông quỳ để tượng Phật trên lưng làm lễ sám hối.” Tôi hỏi sự tích này, được Sư Cụ thuật lại rất tỉ mỉ về Tổ Cáy (Cua) tức là Tổ Tông Diễn (tôi ghi câu chuyện đầy đủ, đã cho in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 374, xuất bản năm 1992). Tôi nghe xong, bái tạ Sư Cụ trở về nơi tạm trú. Đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ yên, nhớ đến các di tích còn lại trong các chùa miền Bắc khá nhiều, mà sử sách không ghi chép. Tôi quyết định có cơ hội sẽ ra Bắc một lần nữa để sưu tầm thêm.

Ba năm sau, (1990), chúng tôi đủ duyên ra Bắc với một phái đoàn đông đảo mục đích “Sưu tầm tư liệu Thiền sư Việt Nam còn sót ở các chùa.” Ngày 24 tháng 10 năm 1990, chúng tôi đến chùa Hồng Phúc vào lúc 10 giờ sáng. Chúng tôi xin phép thầy Trụ trì được bái kiến Sư Cụ Pháp chủ. Thầy Trụ trì cho biết Sư Cụ năm nay đã 94 tuổi, không được khoẻ đang nằm trong phòng. Tuy nhiên, thấy lòng tha thiết của chúng tôi, thầy Trụ trì vào phòng bạch lên Sư Cụ. Khoảng 15 phút sau, Sư Cụ cho phép thầy Trụ trì hướng dẫn chúng tôi vào. Lễ bái Sư Cụ xong phái đoàn đứng xung quanh giường chiêm ngưỡng dung nhan Ngài và chờ nghe lời dạy bảo. Với tư cách Trưởng phái đoàn, chúng tôi thưa:

“Bạch Hoà Thượng, năm nay Ngài quá yếu, không biết Ngài có dạy thêm cho chúng con điều gì không?”

Hoà Thượng dạy:

“Bây giờ thì cần giới luật, ít lâu sau khi thụ giới, trong dân giới các giới sư học không đủ mấy bộ luật, nên sự trao truyền còn nhiều thiếu sót. Con đường tiến đến giải thoát chỉ có Giới- Định- Tuệ. Đầu tiên, giới đã không đầy đủ thì Định, Tuệ không phát được. Giới có bốn khoa: Giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng.

Giới pháp là Phật xem căn cơ của chúng sinh có lỗi lầm gì thì chế ra giới ấy để trị.

Giới thể là thầy trò theo giới pháp ấy mà truyền thụ cho nhau.

Giới hành là thụ giới xong y theo đó mà tu hành.

Giới tướng là những tướng riêng biệt, như ngũ giới thì sát, đạo, dâm, vọng, và ẩm tửu, mỗi thứ có tướng riêng.

Bây giờ, các Hoà Thượng trong các đàn truyền giới nên để ý nghiên cứu kỹ, không khéo thành ra giáo lý cao siêu như thế, hay như thế, mà kết quả không được mấy vì mình làm không đúng, vì mình không nhận được chân tâm.

Mỗi môn phái nói chân tâm có khác. Bên Thiền nói là “Chánh pháp nhãn tạng”. Bên Tịnh Độ thì nói là “Bản (tự) tánh Di Đà”. Bên Nho giáo thì nói là “Thiên lý”. Bên Đạo giáo thì nói là “Đạo”. Chân tâm ấy, các Tổ làm gọn mấy câu là:

“Hữu vật tiên thiên địa
Vô hình bản tịch liêu,
Năng vi vạn tượng chủ
Bất trục tứ thời điêu.”

Nói gọn, bốn câu ấy là tả chân tâm, nhưng mà mình đã làm hỏng, hỏng là vì vào thai. Vào thai thì hữu sinh máu huyết, giảm đi vì âm huyết của mẹ, trọc khí của cha, chân tâm đã giảm mất đi rồi. Đến khi sinh ra ngoài thì bị lục trần, ngũ dục làm giảm đi nữa. Chứ nhẽ ra phải hoá sinh mới được, còn mình bây giờ thì giảm đi mất. Khi vào thai đã tối đi rồi, sinh ra ngoài lại bị cảnh làm giảm đi lần nữa. Vì thế, Phật phải thuyết pháp để dạy phản vọng qui chân.”

Chúng tôi thấy Sư Cụ nói nhiều hơi nhọc, đồng nhau đảnh lễ Sư Cụ và cầu chúc Ngài tứ đại an hoà, xin phép bái từ.

Ra nhà Tổ, chúng tôi xin thầy Trụ trì cho mượn hai quyển Thiền phả, nhiếp ảnh ngay tại chỗ. Đây là lần thứ hai, chúng tôi được bái kiến Sư Cụ pháp chủ, cũng là lần cuối cùng được nghe Ngài dạy bảo.

Đến nay, Sư Cụ tịch gần giáp năm (1994), chúng tôi hồi tưởng lại hình ảnh và ngôn từ Ngài đã dạy năm xưa thật là quí báu vô cùng. Sư Cụ là một người bình dị, đức hạnh thâm hậu, hiểu Phật uyên áo, tuổi đã trên chín mươi mà trí tuệ vẫn minh mẫn. Được tiếp kiến Sư Cụ là một cơ hội tốt, chúng tôi học hỏi rất nhiều. Rất tiếc! ngày nay Sư Cụ không còn nữa, là một mất mát lớn cho Phật Giáo Việt Nam.

HT.Thích Thanh Từ
(*): Trích Kỷ yếu tưởng niệm Đức đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897- 1993)

TIN, BÀI LIÊN QUAN
loading...