Sách Phật giáo

Những đóng góp của PGVN vào các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ

Thứ bảy, 09/05/2014 06:22

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ), hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong cuộc đời đức Phật; đó là ngày Phật đản sinh (8/4), ngày Phật thành đạo (8/2), và ngày Phật nhập Niết Bàn (8/12). (1)

Kể từ năm 2000 đến nay, hàng năm LHQ đã tổ chức trọng thể Chương trình Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn của tư tưởng hòa bình và nền giáo dục trí tuệ mà đức Phật đã để lại cho nhân loại. Trong đó LHQ đặc biệt đề cao việc ứng dụng những giá trị nhân bản cao quý của đạo Phật vào việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ.

Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thú vị, con số 8 mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ lại trùng hợp với số 8 trong lễ Đại lễ Tam hợp thiêng liêng. 8 mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ với kỳ hạn đến năm 2015, bao gồm ba mục tiêu hàng đầu: xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục & an sinh xã hội, và bình quyền nam nữ đã được Việt Nam hoàn thành sớm trước kỳ hạn.

Trong bài viết này, chúng con xin được tập trung làm rõ sự đóng góp của những giá trị tư tưởng của Phật giáo đối với 3 mục tiêu tối quan trọng trên.
 
Những đóng góp của Phật giáo với mục tiêu xóa đói giảm nghèo

Người Việt Nam có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần đó của người Việt được nâng lên khi tiếp ứng tinh thần Từ - bi - Hỷ - Xả của đạo Phật. biểu hiện của lòng Từ là sự cho đi mà không mong đợi được đền đáp, hay còn gọi là Pháp bố thí.

Trong Phật Pháp, Pháp bố thí luôn là Pháp đứng đầu của ba Pháp tu căn bản của phật tử, như Tứ nhiếp Pháp (Bố thí - ái ngữ - Lợi hành - Đồng sự), Lục Độ ba La mật (Bố thí - trì giới - tinh tấn - nhẫn nhục - thiền định - trí tuệ).

Tại sao Pháp bố thí lại được tôn trọng như vậy? Đức Thế Tôn vì từ bi thương chúng sinh mà xuất gia tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh, vậy người phật tử khi noi theo con đường cao thượng của Đức Thế Tôn, cần ban vui cứu khổ cho những người kém may mắn trong cuộc sống, từ đó họ tìm được Tam bảo nơi để nương tựa về tinh thần, chỉ như thế họ mới có thể cùng ta quay về bờ Giác.

Nếu được như thế, phật tử đã và đang làm lợi ích cho Phật Pháp. Đó là ý nghĩa của lời Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Chính vì như thế, mà “công đức cứu một người cũng ngang với công đức xây chín ngôi chùa”. Thật vậy, công đức xây chùa được miêu tả trong kinh Nhân Quả:

Ai mà tu tạo chùa chiền
Tấm thân đài các ở miền thanh cao.
Trong khi công đức cứu người là:
Thấy người đói khát ở đâu
Bây giờ thí một sau hầu được trăm Tu hành nhân kết càng thâm
Thí một được vạn phúc thầm ai hay.

Pháp bố thí là nhân lành của quả phúc ở thế gian. cho đi là điều tương đối dễ làm, vì trong Tâm có chút tình thương, đó là hành trang để hành động, công đức lợi lạc cho người nhận và cả cho kẻ cho.

cuộc đời không mấy đầy đủ, kẻ được phần này thì thiếu phần khác: Kẻ được vật chất thì thiếu về tinh thần, kẻ đầy đủ tinh thần lại thiếu thốn vật chất. Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ thiếu mặc mà được mặc, kẻ đang đau xót mà được vỗ vễ an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở, thì thật là may mắn.

Trong một xã hội, có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn tìm cách giúp người, xã hội ấy chắc chắn được an vui thịnh đạt. Biết bao chương trình từ thiện mang áo ấm, lương thực, vật dụng thiết yếu do các đạo tràng, câu lạc bộ phật tử tại các chùa trên mọi miền đất nước đã nhận được nhiều sự ủng hộ quyên góp của người dân, để dành cho đồng bào miền Trung và bà con dân tộc thiểu số, bà con ở vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo trên mọi miền đất nước. nhờ  đó tỷ lệ  người nghèo từ năm 1993 đang ở mức 58,1% giảm xuống còn 10,7% năm 2010, tính theo chuẩn nghèo mới của chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, và giảm xuống còn…trong năm 2013.

Những đóng góp của Phật giáo với vấn đề phổ cập giáo dục

Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ để hướng con người về cái Thiện với kim chỉ nam “Duy tuệ thị Nghiệp”, có nghĩa là duy trì và phát triển trí tuệ là sự nghiệp duy nhất của Phật giáo; ý nghĩa đó nhắc nhở người con Phật không những thực hành theo giáo lý Phật để tu tâm, mà còn đóng vai trò “hoằng pháp viên” giảng giải truyền bá đạo lý đến với những người khác,  để giúp họ ứng dụng vào cuộc sống và có được an lạc.

Trước khi giảng giải đạo lý đến với người khác, nối tiếp truyền thống thế hệ cao Tăng đi trước từ thời Lý - Trần, các quý Thầy vẫn mở những lớp học tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em vùng cao, tạo điều kiện tốt nhất để cùng các thầy cô giáo khác dạy cái chữ và đạo làm người đến các cháu.

Không dừng lại ở đó, các Thầy còn khuyến khích các đạo tràng, các câu lạc bộ, phật tử và những người yêu mến đạo Phật thực hiện nhiều chương trình từ thiện trên khắp cả nước, trong số đó có không ít chương trình ủng hộ cho giáo dục, như xây trường, mua tặng sách vở, tặng đồ dung học tập...

Kết quả của những sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi vì tha nhân của những người con Phật đã và đang chung tay cùng xã hội dẹp giặc dốt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong công tác phổ cập giáo dục: năm 2009, tỉ lệ nhập học tiểu học đúng độ tuổi là 97%, và tỷ lê trẻ em đi học hoàn thành năm năm tiểu học là 88%, và 90% trong số đó vẫn tiếp tục được học lên cao.

Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ, nên ngoài việc chú trọng phổ cập giáo dục văn hóa phổ thông cho nhân dân gặp khó khăn, Phật giáo quan tâm nhất đến quá trình chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, bồi dưỡng phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức có chính kiến, đức tin chân chính, những phẩm chất tâm linh, ý chí và đạo đức nhân bản, để họ làm hành trang tư lương cho đời sống an lạc.

biết bao quý thầy đã vào thăm hỏi và giảng giáo lý cho các tù nhân mang trọng án với chủ đề “Quay đầu lại là bờ”, cốt để mang lại cho họ niềm tin, và quyết tâm cải tạo thành người lương thiện, để sớm được hòa nhập với xã hội; các tổ chức cơ sở Phật giáo đã cưu mang chăm sóc những nạn nhân HIV/AIDS.

Những đóng góp của Phật giáo với vấn đề bình quyền nam nữ

Phật giáo có những giá trị tư tưởng với truyền thống của người Việt nam, trong đó quan trọng nhất là Phật giáo tôn vinh sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ, đặc biệt là với người mẹ. Điều này thể hiện toàn diện trong kinh Vu Lan - Đại báo Phụ mẫu Trọng Ân; trong kinh này, Phật ca ngợi công lao sinh thành & dưỡng dục với bao nhiêu khổ sở nhẫn nại, và hy sinh đầy cao đẹp của người phụ nữ đối với con mình, từ đó mỗi người con đều cảm động trước lời Phật dạy mà biết tôn trọng yêu thương mẹ mình nhiều hơn.

Phật giáo đề cao vị thế của người nữ với vai trò người mẹ, và còn hướng dẫn người dân Việt Nam biết trân quý mẹ mình nói riêng trước tiên, rồi sau đó biết tôn trọng những người phụ nữ khác nói chung, phụ nữ họ đều làm mẹ của nhân loại.

bên cạnh việc tôn vinh tình mẫu tử của phái nữ, đức Phật và Tăng đoàn đã chấp nhận sự có mặt của Tỳ kheo ni và cận sự nữ ngày từ năm thứ 2 sau khi Tăng đoàn thành lập, trong bối cảnh xã hội ấn Độ cổ cũng như các nước châu Á khác vẫn còn đang trong thời kỳ của tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Tỳ kheo Tăng thọ giữ 250 giới, tỳ kheo ni thọ giữ 350 giới. Giới luật đối với Phật tử được coi như là vị Thầy thứ 2 sau Đức bản Sư. cho nên đức Phật đã thẳng thắn chỉ dạy cho hàng đệ tử phải giữ gìn giới luật như thế nào, và Tỳ kheo Tăng cần giữ bao nhiêu, và Tỳ kheo ni cần giữ bao nhiêu là đủ, để đạt được trí tuệ và đạo quả Giải thoát. Ngài đã có sự cân nhắc hết sức tường tận và tinh tế. Vì những người nữ đầu tiên xin xuất gia là dì ruột và 499 người thân trong dòng tộc Sakya của Ngài, nên chắc chắn Ngài không phải chịu sức ép của xã hội, phong tục, hay bất cứ thế lực nào. Đứng ở góc độ này, Việt Nam có câu ca dao khá giống cách làm của đức Phật “thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Giới luật của Ngài chế dành cho tăng và ni giới là cả một tấm lòng từ bi bình đẳng của đức Tứ sinh chi Từ Phụ đối với tất cả các “con”, vì Ngài muốn ni giới cũng đạt đến quả vị tu hành an lạc giải thoát như chư Tăng, dù có sự khác biệt về tâm sinh lý. 

Cuối năm 2009 đầu năm 2010, GHPGVN đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Phật giáo nữ giới Thế giới lần thứ XI, đây là sự kiện quan trọng, qua đó nâng cao vai trò của ni giới Phật giáo tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với tấm lòng từ bi, ni giới Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành mọi mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ việc thực thi đạo hạnh đến tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, trùng tu chùa chiền.

Cho đến những việc hoạt động từ thiện, với lòng bi mẫn của Từ mẫu, nhiều vị ni sư luôn mở rộng vòng tay nuôi nấng dạy dỗ các em bé mồ côi cơ nhỡ hoặc bị để lại trước cổng chùa, bên cạnh đó, ni giới giúp đỡ các cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, các hộ nghèo trên mọi miền đất nước.

Hạnh Từ bi ban vui cứu khổ, luôn an ủi, khuyên lơn đã nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau khổ của thế nhân, lại gần với tình thương của người mẹ, nên Đức Quán Thế Âm Bồ tát trong tín ngưỡng của các nước Đông Nam á mới mang hình tướng nữ; cũng như ni giới trong Tăng đoàn có vai trò như một hình ảnh biểu trưng cho hạnh Từ bi của đạo Phật. Việt Nam vốn tôn sùng đạo Phật, nên vị thế của ni giới trong Tăng già được trân trọng như thế nào, vị trí của người phụ nữ ngoài xã hội càng được nâng cao hơn thế.

Trong lĩnh vực kinh doanh, không ít những vị lãnh đạo nữ thành công nam giới nhờ sự mềm mỏng khéo léo mà vẫn quyết đoán. Điều này giúp Việt Nam trở thành trong một trong năm nước Châu á có tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội cao nhất, và con số lao động nữ chiếm hơn 50% tổng số lao động cả nước.

Lời kết

Ngoài 3 mục tiêu quan trọng trên, các mục tiêu còn lại của LHQ cũng được Việt Nam quyết tâm thực hiện với sự đóng góp của Phật giáo như sau:

Mục tiêu 4: Việt nam đã đạt được các mục tiêu về giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuổi và trẻ sơ sinh, cả hai tỉ lệ này đều giảm một nửa từ năm 1990 đến 2006. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4 trên 1.000 ca sinh năm 1990 xuống còn 16 trên 1.000 ca sinh năm 2009.

Mục tiêu 5: ở Việt nam, tỷ lệ tử vong bà mẹ đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 1990 xuống còn 69 ca tử vong trên 100.000 ca sinh vào năm 2009, giảm khoảng 2/3 số ca tử vong.

Mục tiêu 6: Việt nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách trong những năm gần đây. Việt nam có một chiến lược quốc gia tốt và 9 kế hoạch để ứng phó với HiV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong tất cả các nhóm tuổi vào năm 2010 ước tính là 0,28%. Độ bao phủ của dịch vụ điều trị kháng virus đã tăng từ khoảng 30% năm 2007 lên đến 53,7% vào năm 2009.

Mục tiêu 7: Việt  nam  cam kết giải quyết các vấn đề môi trường ở cấp quốc tế và chính sách, và đã đạt được những thành tích đáng kể. Diện tích rừng bao phủ tăng từ 27,8% năm 1990 lên khoảng 40% năm 2010.

Mục tiêu 8: Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển kể từ năm 2000, trong đó có việc gia nhập WTO, mở rộng hợp tác với Asean và tham gia trong một số Hiệp định thương mại tự do mới. Về phía Phật giáo Việt Nam, năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ.

Từ 11-15/03/2014 Lễ hội Phật giáo ấn Độ boudh mahotsava được tổ chức tại chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh). Lễ hội Phật giáo Ấn Độ boudh ma - hotsava  là một trong những sự kiện lớn và quan trọng của GHPGVN, mở đầu cho các sự kiện phật sự trong năm, nhằm tiến tới chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2014.

Giải pháp của Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ không đi sâu vào các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật hay đường lối chính sách quốc gia, mà đề cập nhiều hơn khía cạnh con người, vì chính “con người là chủ nhận của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp”.

Vậy nên các giải pháp của Phật giáo đã và đang góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề nan giải của nhân loại. Đức Đệ Tam Pháp chủ GHPGVN đã dạy: “Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời, thì trên thế giới từ quốc gia đến gia đình khắp nơi đều an lạc vui vầy, làm gì có tranh chấp nhau. Nếu giữa các nước mà cũng tôn trọng theo tinh thần lục hòa thì sẽ là thế giới đại đồng” (2).

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014
-

Chú thích:
(1) Các sự kiện thời gian là tính theo Âm lịch
(2) Lời dạy của đức Đệ  tam Pháp chủ GHPGVN -  Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

loading...