Sách Phật giáo

Những giá trị Phật giáo cần được phát huy trong thời đại ngày nay

Thứ bảy, 02/02/2014 08:53

Trong hơn 2000 năm qua, Phật giáo đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã để lại nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc.

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. Albert Einstein
 
Như chúng ta đã biết, với trí tuệ uyên thâm, biện chứng, thù thắng, đức Phật đã để lại kho tàng tri thức khổng lồ trên mọi bình diện của cuộc sống với một di sản khổng lồ như vậy; việc ứng dụng và khai thác như thế nào tùy thuộc vào nhận thức, căn cơ của chúng sinh.

Do vậy, để phát huy những giá trị Phật giáo vào đời sống hiện đại quả thật là một chủ đề quá lớn, vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài tham luận ngắn.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ ba giá trị của Phật giáo ở những góc nhìn biện chứng về triết học; về đạo đức học; và về giá trị của Phật giáo trên bình diện văn hóa.
 HT.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Những giá trị của Phật giáo về triết học

Tứ diệu đế là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật sau khi thành Đạo. Xem lại đoạn Phật thuyết giảng về Tứ diệu đế trong Kinh Chuyển Pháp Luân - bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng: Tứ diệu đế chính là một trong những tuệ giác sáng chói nhất của đức Phật.

Ngài đã tìm ra sự thật của cuộc đời là bệnh, già, chết và sự phiền não thường trực trong lòng mỗi người, ngài gọi là Khổ (Khổ đế). Ngài đã tìm ra nguyên nhân của đau khổ là Khổ tập (Tập đế). Ngài tìm ra pháp môn tu tập để dứt trừ nguyên nhân đau khổ là Khổ tập diệt (Diệt đế). Quan trọng nhất, Ngài tìm ra con đường cho mọi người đi tới hạnh phúc, an vui vĩnh cửu, là Khổ tập diệt đạo (Đạo đế).


Giáo lý Tứ đế (Bốn chân lý hay Bốn sự thực của cuộc đời) bao gồm hai cặp nhân quả (Khổ là quả, Tập là nhân; Diệt - Niết bàn là quả, Đạo là nhân). Từ tính triết học đó đức Phật trao cho chúng ta Tứ diệu đế như một sự thực tập, một phương pháp tu tập nhằm giúp con người tự mình giải phóng khỏi mọi phiền não khổ đau, đi đến niềm hạnh phúc an lạc, đích thực. có một vị thiền sư đã nói: “Tứ diệu đế không phải là một lý thuyết, Tứ diệu đế là một công trình thực tập.

Tứ diệu đế không chỉ là nguyên tắc của sự thực tập, Tứ diệu đế là bản thân của sự thực tập” giúp ta giải thoát khỏi u minh - nguồn gốc của mọi phiền não khổ đau, đi đến mục tiêu là giác ngộ chân chính và xây dựng Tịnh độ trong tâm mỗi con người và trên cả thế gian này.

Những phát hiện đó của đức Phật là đóng góp vào nền tảng triết học vĩ đại mà nhân loại ngày nay có được. Đến với triết học Phật giáo còn có những Lời dạy của Phật mang tính biện chứng đầy tính khoa học và triết học như: Giáo lý về Duyên sinh mà Phật dạy trong các Kinh điển Đại thừa cũng như nguyên thủy là mọi hiện tượng vật lý, tâm lý, từ con người cho đến vũ trụ, không một hiện tượng nào mà không theo lý Duyên sinh, Duyên khởi.

Giáo lý này được tóm tắt bằng một định luật đơn giản nhưng rất hay: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Hay giáo lý về Vô thường - Vô ngã đức Phật dạy trong Kinh Bát Đại Nhân Giác: “thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị…” (cõi thế gian vô thường, quốc độ mong manh, tứ đại đều là khổ là không, năm ấm là vô ngã, các thứ ấy luôn luôn sinh diệt biến đổi, không có tự chủ…).

Vô thường đứng về mặt thời gian, Vô ngã đứng về mặt không gian. Thời gian và không gian một dòng sinh diệt tương tục, đến và đi không ngừng thay đổi “Thương hải tang điền - nay bãi biển mai nương dâu”. chúng ta thường lầm tưởng chỉ có sinh vật mới biến đổi và già chết, còn những vật lớn như núi sông… thì muôn đời vẫn ở yên một chỗ. nhưng sông núi vẫn bị già, bị biến đổi, đất cát có khi lở khi bồi, không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại mà “vật đổi sao rời”. một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp cũng đã tuyên bố “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Hay giáo lý về nhân quả, về Tính Không…

Quả thật để phân tích những giáo lý và nguyên lý căn bản này sẽ phải là những công trình nghiên cứu đồ sộ mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu triết học phải để tâm nghiên cứu công phu, thực chứng mà công cụ đo đếm bằng thời gian, bằng không gian vật lý e rằng còn nhỏ hẹp trong biển bờ vô cùng vô tận mà triết học Phật giáo đã có và đang chờ nhân loại tiếp thu, ứng dụng. Vì, trên hết các cơ sở triết học đó, cần hơn hết sự trải nghiệm, thực chứng để tìm ra con đường Giải thoát - Giác ngộ cho bản thân mỗi chúng ta.

Khi mỗi người đều thực hành được như vậy thì chính đó là đóng góp vĩ đại  nhất của triết học Phật giáo cho nhân loại.

Giá trị của Phật giáo về đạo đức

Trong những giá trị văn hóa phi vật thể của Phật giáo, trước hết phải đề cập đến giá trị đạo đức. Đạo đức Phật giáo thể hiện ở mục tiêu muốn đưa lại hạnh phúc và an lạc cho nhân sinh. nguyên tắc đạo đức mà đức Phật dạy cho chúng sinh là phải tự lực phấn đấu, đề cao lòng từ bi, vô ngã - vị tha, làm điều thiện, ngừa điều ác: “chư ác mạc tác / chúng thiện phụng hành / tự tịnh kỳ ý / thị chư Phật giáo”.

Bản chất của đạo đức Phật giáo thể hiện qua giáo lý Từ bi Hỷ xả, Vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn… Phật giáo luôn khuyến khích chúng sinh “tự độ độ tha, tự giác giác tha”, không phân biệt giữa ngã nhân (ta) và tha nhân (người khác). Tư tưởng Từ bi, cứu nhân độ thế, vị tha của Phật giáo đã có tác dụng bồi đắp, làm phong phú thêm đạo lý trong tâm hồn người Việt nam.

Trong Thư gửi Đại hội lần thứ III Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam ngày 28/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi mong rằng đồng bào Phật giáo hãy thực hiện lời Phật dạy “lợi lạc quần sinh, vô ngã, vị tha, là tất cả vì lợi ích mọi người, không cá nhân chủ nghĩa”

Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, bi, hỉ, xả của Phật giáo là liều thuốc làm trong sáng hơn đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh của phật tử Việt nam, trước áp lực của cơ chế kinh tế thị trường, của đô thị hóa dồn dập dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận.

Trong giáo lý “Bát chính đạo” có chính mệnh là sinh sống bằng nghề nghiệp chân chính, không buôn gian bán lận, làm hàng giả… mà sống bằng chính sức lao động, bằng mồ hôi và đồng tiền vốn của mình. chính mệnh còn có nghĩa là làm chủ cuộc sống, sống không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc và cúng dàng, biết chăm lo cuộc sống cho người thân, quyến thuộc và xã hội, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau.

Trong kinh Thiện Sinh đức Phật dạy sáu cặp phạm trù đạo đức giữa người với người trong gia đình và xã hội: cha mẹ với con cái, thầy và trò, vợ và chồng, bạn bè và bà con láng giềng, chủ và thợ, và sa môn, bà la môn với các gia chủ làm cho xã hội sống có văn hóa tốt đẹp, hạnh phúc.

Trong khi đó, với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, Phật giáo sẽ góp phần thức tỉnh lương tri con người, làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, chủ động phòng ngừa cái ác và hiểm họa chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân, cũng như khủng bố quốc tế và xung đột tôn giáo “tâm bình thế giới bình, tâm tịnh quốc độ tịnh” (kinh Viên giác).

Ý tưởng hòa bình trên thế giới chỉ được thực hiện khi các quốc gia ý thức được chân lý, (như giá trị của văn hóa đạo Phật) mà cơ sở là lòng khoan dung và thái độ cảm thông, sẵn sàng gạt bỏ ham muốn quyền lực và tham vọng kiểm soát các quốc gia khác.

Trong phạm vi từng quốc gia, khát vọng sống yên bình trên một đất nước thanh bình chỉ được hiện thực hóa khi đời sống được xây dựng trên nền tảng đạo đức, để mỗi thành viên trở thành nhân tố tích cực cho xã hội. nói một cách khác, văn hóa đạo đức Phật giáo có khả năng điều chỉnh hành vi đạo đức của con người, cũng tức là đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho sự phát triển đất nước, mà hiện nay là phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước không ngừng phát triển và hội nhập quốc tế. Đạo đức Phật giáo chính là nếp sống hoàn thiện, là con đường chân chính đi đến an lạc và hạnh phúc.

Giá trị của Phật giáo về văn hóa

Trong hơn 2000 năm qua, Phật giáo đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã để lại nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc.

Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Phật giáo đã thích ứng khá nhuần nhuyễn với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa và nhờ đó, những tinh hoa của giáo lý Phật giáo đã tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái. Một đặc thù của Phật giáo là khả năng “gắn đạo với đời” và “đồng hành cùng dân tộc” tạo nhiều cơ hội để Phật giáo đóng góp thiết thực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong  lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhiều vị danh tăng như Đại sư Khuông Việt, Quốc sư Vạn Hạnh, Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông qua “vai trò” chính trị ảnh hưởng rõ nét đến tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Trong nhiều thời kỳ, Phật giáo đã phát huy ảnh hưởng như một “nguồn động lực” thúc đẩy sự phát triển, thậm chí còn chi phối tới tư tưởng và học thuật, văn học và nghệ thuật của đất nước như dưới hai triều đại Lý và Trần mà tác phẩm văn thơ Lý - Trần đã phản ánh.

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo còn được kết tinh trong không gian văn hóa truyền thống của ngôi chùa - một thiết chế văn hóa đặc thù. Trong danh mục xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, chùa cũng chiếm một tỷ lệ khá cao, 1/6 trong tổng số các di tích quốc gia của Việt Nam.

Nhiều ngôi chùa được xây dựng trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đầy biểu cảm, tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước. Ở những nơi đó, ta có được một phức hợp kiến trúc nghệ thuật gắn bó hữu cơ và tác động tương hỗ với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, gợi cảm, như: các khu thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh), Hương Sơn (Hà Tây), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), núi bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang)...

Trong nhiều ngôi chùa, đã hình thành những không gian văn hóa truyền thống điển hình - nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa Phật giáo, các nghi thức tôn giáo như: Đại lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, lễ hội cầu mưa, tụng Kinh niệm Phật hàng ngày nhìn từ góc độ mỹ thuật Phật giáo chúng ta lại thấy nhiều ngôi chùa xứng đáng được tôn vinh với tư cách là những bảo tàng nghệ thuật. Có thể liệt kê ra đây hàng trăm ngôi chùa như thế trải dài trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam: chùa Mía, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế), chùa Giác Lâm (Tp.Hồ Chí Minh), chùa Tam Tạng (Sóc Trăng)... Trong mỗi ngôi chùa này đều có một Phật điện với nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát mà mỗi pho lại là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn chỉnh, được sắp xếp theo một trật tự nhằm chuyển tải vấn đề lịch sử tư tưởng Phật giáo.

Bản chất của chính pháp trong đạo Phật rất cao siêu mà vẫn gần gũi, phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hóa và khoa học nên có khả năng thích nghi, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhiều tầng lớp nhân dân từ bình dân đến trí thức. Với chủ trương khuyến khích hòa bình và phi chính trị, Phật giáo có khả năng mở rộng ảnh hưởng văn hóa và tâm linh đến các châu lục trên thế giới.

Sinh thời, đức Phật đã từng dạy rằng: “phụng sự chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật”. Thực hiện được lời dạy này của đức Phật sẽ góp phần giải quyết những vấn nạn đang đặt ra cho loài người ở các cấp độ cá nhân, gia đình, xã hội và toàn nhân loại. Đó là tính ích kỷ cá nhân, bạo lực gia đình, lối sống hưởng thụ vật chất, đạo đức xã hội bị xuống cấp, xung đột sắc tộc, tôn giáo, nguy cơ chiến tranh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.v.v.

Tóm lại, văn hóa Phật giáo Việt Nam là một thành tố trong chỉnh thể văn hóa dân tộc. Phật giáo có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Và do đó, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng tức là góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc.

Lời kết

Trước một bối cảnh toàn cầu hóa đầy năng động và lạc quan ai cũng tin là phát triển kinh tế, tôn trọng nhân quyền, phát huy dân chủ, bảo đảm bình đẳng về an sinh phúc lợi, nâng cao văn hóa, trau dồi đạo đức cho mọi người là một khả năng hiện thực và thế giới đang tiến dần về một nền văn minh đại đồng và hòa bình vĩnh cửu. nhưng thực tế thì những xung đột địa phương và bạo lực giữa các sắc tộc lan rộng, khủng bố nhân danh tôn giáo đe dọa an ninh toàn cầu đến mức độ đáng ngại, kinh tế tại các quốc gia công nghiệp suy thoái nghiêm trọng, giá trị của mô hình kinh tế thị trường bị nghi ngờ và không ai còn tin vào các giải pháp kinh tế xã hội hiện nay sẽ mang phép lạ làm biến đổi được tình hình ngày càng nguy kịch.

Trong viễn cảnh đó, những người ưu tư và đặc biệt là các bậc thiện trí thức luôn muốn tìm hiểu ứng dụng quan điểm của Phật giáo trước các vấn đề nóng bỏng hiện nay của thế giới vào thực tế cuộc sống.

Ngoài việc hướng dẫn cho phật tử thực hành học Phật tu nhân trong đời sống hằng ngày để tìm về bến giác, thì giáo lý Phật giáo có những luận giải và đóng góp trong các vấn đề như chiến tranh, hòa bình, kinh tế, nhân quyền, dân chủ, tự do, khoa học, môi sinh, tiêu thụ và dân số. Tuy Giáo lý Phật giáo không trực tiếp đưa ra những giải pháp cho các vấn đề của thời đại như dân số, tiêu thụ hay môi trường. Song khi giải thích giá trị của Trung đạo Phật giáo sẽ tìm ra một giải pháp cho các vấn đề, mà thái độ tiết chế là một đề nghị và phật tử nên noi theo.

Dù không luận giải trực tiếp Phật giáo có thể đóng góp cho phát triển dân chủ tại nhiều nước trên thế giới. Tinh thần vô úy trước bạo lực, nhiệt tình thảo luận công khai trước những bất đồng, sẵn sàng chấp nhận phê bình để sửa sai là một trong những truyền thống đặc sắc của Phật giáo mà thế giới có thể học hỏi và áp dụng vào những cải cách chính trị trong tương lai.

Vì các giá trị Phật pháp có khả năng khai sáng nhân loại nếu chúng ta học tập và noi theo.

HT.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN/ Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2014

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

loading...