Sách Phật giáo

Những Lời Phật dạy (P.2)

Chủ nhật, 17/09/2014 10:37

Duy tuệ thị nghiệp, lời của đức Phật dạy còn áp dụng cho cả mọi con người trên trần thế bởi vì bất kỳ ai đã sống trong thế giới này, trừ những kẻ không phát triển trí óc được do nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp để lại, đều phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp phấn đấu của đời mình và phải nâng cao trí tuệ mới có thể làm nên sự nghiệp cho cuộc sống.

“DUY TUỆ THỊ NGHIỆP” 

Trong kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Thế tôn có dạy các bậc Bồ tát cần phải: “Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp” tức là cần phải “Thường nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình”.

Điều răn này nằm trong bài kệ thứ ba của Kinh Bát Đại Nhân Giác (Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân). Kinh này chỉ gồm tám bài kệ ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần của bài kệ thứ ba này cũng đủ làm kim chỉ nam cho những hành giả thành tâm tu học. Không những thế, đó là một chân lý, một sự thật sáng tỏ cho mọi con người sống trên trần thế. 

Một lần, trong pháp hội ở Tịnh xá Kỳ Viên, tôn giả A Na Luật thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn,  trong  tăng đoàn  với tinh thần lục hòa, thì việc quên mình, xả bỏ tự ngã là điều chúng con có thể làm được. Đối với chúng sinh phải tuyệt đối từ bi, tuyệt đối nhân ái, đây cũng là điều mà chúng con đã biết… Nhưng bạch Đức Thế Tôn ! Những Phật tử tại gia học đạo rất nhiều, đệ tử xuất gia tiếp cận xã hội hoằng Pháp lợi sinh cũng rất đông. Những vị như vậy làm thế nào để cầu được giác ngộ, tiến nhập niết bàn ? Cúi xin đức Thế Tôn từ bi khai thị!”

Đức Phật hoan hỷ trả lời: “Này A Na Luật, lời nói của ông rất đúng. Điều ông hỏi là vấn đề học hạnh Đại nhân (Bồ tát). Ta sẽ vì ông mà nói tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, mà đệ tử Phật nên ngày đêm chí tâm tụng niệm…” 

Tuy bản kinh rất ngắn, chỉ có tám điều mà mỗi điều là một bài kệ có từ 5 đến 10 câu, mỗi câu 4 chữ, nhưng đây là một bản kinh rất phù hợp và thích hợp không những cho hàng Phật tử xuất gia mà còn cho hàng phật tử tại gia thọ trì. 

Kinh văn tuy ngắn nhưng giá trị lại vô cùng trọng yếu! Tám điều giác ngộ như ngọn kim chỉ nam chỉ cho ta con đường chính đạo về nhân sinh. Đây là những điều răn dạy giúp cho chúng sinh nhận rõ cái vô minh mà quay về bờ giác ngộ, giúp cho người Phật tử tại gia rất nhiều trên đường học đạo. 

Trong lời Đức Phật trả lời tôn giả A Na Luật có câu: “…Điều ông hỏi là vấn đề học hạnh Đại nhân (Bồ tát)…”. Vậy ta nên hiểu hai chữ Đại nhân, Bồ tát như thế nào? Đại nhân ở đây hàm ý chỉ người lo việc lớn trong đời, việc lớn đó là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và rộng độ chúng sinh, đó cũng chính là ý Bồ tát. Bồ tát là viết tắt của chữ Bồ đề tát đỏa có nghĩa là chúng sinh hữu tình cầu đạo giác ngộ, do đó bất cứ chúng sinh hữu tình nào phát tâm bồ đề cầu đạo giác ngộ, đều gọi là Bồ tát, và theo nghĩa này thì hàng phật tử tại gia cũng là Bồ tát nhưng ở địa vị thấp.

Bây giờ ta trở lại về nội dung bản kinh và nội dung bài kệ có đề cập đến chủ đề Duy Tuệ thị nghiệp.  

Nội dung chính của bài kệ thứ ba Đệ tam giác tri (Điều giác ngộ thứ ba) trong kinh Bát Đại Nhân Giác là: 

Tâm vô yểm túc,  
Duy đắc đa cầu,  
Tăng trưởng tội ác.  
Bồ tát bất nhĩ,  
Thường niệm tri túc,  
An bần thủ đạo,  
Duy tuệ thị nghiệp. 

Nghĩa là:  

Tâm nếu không biết đủ,  
Chỉ lo việc tham cầu,  
Sẽ tăng thêm tội ác.  
Bồ tát không như vậy,  
Thường nhớ đến biết đủ, 
Vui cảnh nghèo giữ đạo, 
Lấy tuệ làm sự nghiệp.
 Ảnh minh họa
Rõ ràng đây là một bài kệ Phật giáo nhập thế, dành cho phật tử tại gia là chính, nên mới nói đến “Cần phải biết đủ, Vui cảnh nghèo giữ đạo, Lấy tuệ làm sự nghiệp”. Trong bài viết này, tác giả chỉ xin trình bày những suy nghĩ của mình về câu cuối của nội dung bài kệ. Đó là lời dạy Duy tuệ thị nghiệp (lấy tuệ làm sự nghiệp). 

Duy tuệ thị nghiệp hiểu một cách đúng đắn nhất là: Chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Đó là cách hiểu đầy trí tuệ, cách hiểu Bát nhã ba la mật của các bậc thánh nhân và các bậc hành giả chân tu đạt đạo. Còn phàm nhân thì điều đó có nghĩa là phải lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của cả đời mình hay nói một cách khác là con người ta phải phấn đấu rèn luyện để có trí tuệ, có hiểu biết đầy đủ, có nhận thức đúng đắn cho mình mới là sự nghiệp chính của đời mình và mới làm nên sự nghiệp của đời mình.

Là người Việt Nam, từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, ai là người không một lần biết đến một trong những câu ca dao tục ngữ của dân tộc mình như: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, hoặc “Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi”, hoặc “Một kho vàng không bằng một nang  chữ”, hay “Dốt đến đâu, học lâu cũng biết”. Tất cả những câu ca dao tục ngữ đó đều nói đến sự học, tức là việc học hỏi kiến thức, sự trao dồi trí tuệ để nên người, để làm người, để vun trồng cho cuộc sống của mình.

Trong các gia đình Việt Nam, không có bậc cha mẹ nào là không lo đến việc học hành cho con cái của mình. Lo sự học hành tức là phải biết lo dạy từ việc “học ăn, học nói, học gói, học mở” và điều đó cũng có nghĩa là sự học hỏi kiến thức, hay tri thức nhân loại đều bắt đầu ngay từ khi còn bé.

Đến khi lớn lên, con cái đến tuổi đi học thì nhiều bậc cha mẹ phải lo toan, làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối để cho con được cắp sách đến trường với tâm nguyện làm sao cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn, học hành thành đạt để đến khi trưởng thành bước vào cuộc đời, chúng sẽ trở nên những con người có hiểu biết, có tri thức hơn người, và cao hơn nữa là mong chúng trở thành những người hiểu cao biết rộng, có tiềm năng trí tuệ, đóng góp cho xã hội những thành tích lớn lao. Sự hiểu biết và năng lực trí tuệ của những người con như thế chính là gia tài sự nghiệp của các bậc cha mẹ để lại cho các con và cũng chính là nguồn gốc làm nên sự nghiệp của những người con đó.

Giáo lý đạo Phật đã chỉ ra rằng của cải, tài sản, sự nghiệp vật chất như bèo nổi mây trôi, không có gì là bền vững cả. Đó là lẽ vô thường của tạo hóa vì tài sản, của cải có sinh ra rồi cũng sẽ mất đi. Chỉ có sự hiểu biết, kiến thức nằm trong đầu thì không ai lấy đi được. Người xưa thường nói: “Còn trí óc, còn bàn tay, thì lo gì không lập lại được sự nghiệp.” 

Câu chuyện sau đây cho ta thấy rõ: Có một nhà bác học uyên thâm và một vị đại gia cùng xuống tàu đi ra nước ngoài. Hành lý nhà bác học không có gì đáng kể nhưng hành lý của vị đại gia kia thì có rất nhiều vàng bạc châu báu. Dọc đường trên biển, tàu bị đắm, cả hai ôm phao nổi và được cứu sống. Khi vào đất liền thì vị đại gia kia trắng tay vì tiền của mất hết, sự nghiệp tiêu tan. Còn nhà bác học dĩ nhiên trong đầu óc vẫn còn những kiến thức uyên thâm, không mất được và sự nghiệp vẫn còn.

Khi nhắm mắt xuôi tay, bỏ thân này mang thân khác, con người ta không thể mang theo vật gì đi theo được, dù nhiều của cải vật chất, ô tô, nhà lầu. Khi đó chỉ mang theo cái nghiệp cùng những chủng tử nằm trong tàng thức của mình. Vì vậy, người có trí tuệ, trong tàng thức còn có những kiến thức, nên khi chuyển sang thân khác, những kiến thức chủng tử này tuy có quên nhưng nếu gặp duyên thì trí tuệ hiển lộ. Nếu đời trước tu nhiều thì nhớ sớm, đời trước tu ít thì nhớ muộn. Vì vậy cái trí tuệ, sự hiểu biết vẫn là cái thiết yếu của con người.

Tuy nhiên, câu “Duy tuệ thị nghiệp" không phải chỉ hiểu một cách thông thường rằng có sự hiểu biết, có kiến thức thông thường hoặc có trình độ tri thức khoa học tự nhiên, xã hội và kỹ thuật cao mới đích thực là sự nghiệp có thể đem lại của cải vật chất và đời sống tốt đẹp, phong phú về mặt tinh thần cho con người; mà cái cao hơn là về mặt tuệ giác tâm linh chứ không phải chỉ là trí tuệ thông thường.

Chữ Tuệ trong “Duy Tuệ” ở đây cần phải hiểu một cách đầy đủ, đó là cái trí tuệ làm cho con người có khả năng nhận biết và hiểu rõ theo chính pháp, hiểu được những giáo lý cơ bản mà Đức Phật đã chỉ ra, hiểu rõ quy luật của trời đất muôn loài là vô thường, khổ, vô ngã, là duyên sinh, duyên khởi, là nhân quả và nghiệp báo. Với trí tuệ đó, con người ta mới rũ bỏ mọi phiền não, đau khổ, đạt được giải thoát, giác ngộ. Đó mới là sự nghiệp đích thực của đời người.

Vậy trí tuệ trong “Duy Tuệ thị nghiệp” cần phải hiểu như thế nào? Ta đã biết rằng đạo Phật là một đạo từ bi và trí tuệ. Đó là hai đặc điểm căn bản của Phật giáo. Phật giáo đã ra đời từ hơn 2.500 năm nay. Sự kiện ra đời của đạo Phật kể từ khi Thái tử Tất Đạt Đa, sau 5 năm rời bỏ kinh thành tìm thầy học đạo, 6 năm tu khổ hạnh ở rừng già, Ngài đã đạt đạo sau 49 ngày nhập định dưới gốc cây Bồ đề, là một sự kiện làm thay đổi trào lưu tư tưởng, thay đổi xã hội loài người. Từ bao lâu nay, người ta không phải chỉ coi đạo Phật là một tôn giáo mà còn coi đạo Phật là một nền triết học, và là một hệ thống giáo dục toàn diện về mặt xã hội.

Trong lịch sử loài người, kể từ trước công nguyên đã xuất hiện nhiều hệ thống tư tưởng triết học. Nhưng phải thấy rằng từ khi có Phật giáo thì Phật giáo thực sự là một nền triết học vì các hệ thống tư tưởng trong nền triết học Phật giáo này có thể đánh đổ mọi quan niệm tư tưởng của các nền triết học khác từ phương Đông sang phương Tây, từ cổ chí kim về những quan niệm cơ bản về vũ trụ quan và nhân sinh quan.

Cho đến hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian, đó là vào khoảng thế kỷ VIII – V trước Công nguyên (TCN) tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp…Đạo Phật đã ra đời cũng vào thời kỳ đó ở Ấn Độ với Đức Thích Ca Mâu Ni (624 – 544 TCN) tạo nên một hệ thống triết học siêu việt.

Cùng với khoảng thời gian đó, ở Trung Quốc, các học thuyết triết học của Khổng Phu tử (551 – 479 TCN) và Lão Tử (thế kỷ thứ 6 TCN) cũng ra đời. Ở Hy Lạp có các nhà triết học như Democrite (sinh khoảng 470 TCN), Socrate (470 – 399 TCN), Platon (427-347 TCN) cũng xuất hiện với các hệ thống tư tưởng triết học khác nhau. Đó là điểm qua một số tên tuổi các nhà triết học lớn, trên thực tế còn nhiều hệ thống tư tưởng triết học khác tồn tại cho đến ngày nay.

Sự ra đời của triết học đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tư duy con người. Sự kiện đó đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức với việc cung cấp cho con người một khoa học hoàn bị về thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận để nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới. Nó phản ánh bản chất của hệ thống thế giới các sự vật, hiện tượng, quá trình, đồng thời chỉ ra vị trí và vai trò của con người trong thế giới đó. 

Đó là sự đánh giá của các nhà khoa học hiện đại về triết học nói chung. Còn tư tưởng triết học Phật giáo qua hơn hai thiên niên kỷ từ khi ra đời đến nay, chứng tỏ rằng đã vượt rất xa những trào lưu tư tưởng triết học đã xuất hiện từ khi đó cho đến ngày nay ở cả phương Đông và phương Tây về tất cả những quan điểm cơ bản về vũ trụ quan và nhân sinh quan mà tất cả các hệ thống triết học và các tôn giáo hiện hữu không thể nào đánh đổ được.

Cho nên không phải tự nhiên mà Nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein (1879-1955), người đoạt giải thưởng Nobel vật lý (năm 1921) về lý thuyết tương đối, đã phát biểu: “…Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải xem xét lại hầu cập nhật hoá những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo không những đã bao gồm khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa.”

Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo trên thế giới kể cả những cao tăng, pháp sư trong giới tu hành đã coi Phật giáo là một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, hơn cả hệ thống giáo dục của đạo Khổng Mạnh ở Trung Quốc xưa. Nghiên cứu về lịch sử đạo Phật thì rõ ràng Đức Phật sau khi đạt Tam minh thông và Lục thần thông, Ngài vươn mình dưới ánh sáng ban mai sau 49 ngày nhập định dưới gốc cây bồ đề, trở thành một Nhà giáo, một người thầy (bổn sư) với hàng đệ tử đầu tiên là 5 anh em Kiều Trần Như tại Vườn Lộc Uyển.

Buổi giảng dậy đầu tiên ấy với bài học Tứ Diệu đế và những bài học tiếp theo của Người về Mười hai nhân duyên, về Ngũ uẩn…đã làm giác ngộ 5 nhà tu hành tu khổ hạnh trở thành các vị A La hán. Biết bao bài học khác trong hệ thống giáo dục để độ cho chúng sinh đạt đến giải thoát giác ngộ, chứng tỏ Đức Thế tôn là một bậc Thầy vĩ đại của nhân loại, là “Thầy dạy khắp trời, người” (thiên nhân sư), là bậc minh sư truyền giao những bài học giáo dục để mọi chúng sinh diệt trừ vô minh, diệt trừ đau khổ.
 
Phật giáo là một nền giáo dục đầy thiện chí, hoàn thiện nhất mà Đức Phật đã tạo ra để giáo hóa mọi chúng sinh. Nền giáo dục đó đề cập đến vô lượng vô biên những nguyên lý và hiện tượng trong vũ trụ, mà nền giáo dục hiện đại chưa thể nào đề cập đến hết được xét về cả hai mặt không gian và thời gian, về các mặt đạo đức học, nhân văn học.

Về mặt thời gian, nó đề cập đến các vấn đề, sự kiện và hiện tượng trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, trong nhiều đời, nhiều kiếp với khoảng thời gian vô thủy vô chung, mà đời sống con người dưới hình thể thân xác chỉ là một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi .

Về mặt không gian, nó bao hàm cả những chi tiết nhỏ nhất trong đời sống trên trần thế cho đến các sự kiện, hiện tượng vô cùng to lớn và vô tận trong vũ trụ bao la, đến những thế giới cách cõi trần thế mà con người đang sống này hàng tỷ tỷ năm ánh sáng.

Về mặt nội dung giáo dục, Phật giáo đề cập nhiều đến các vấn đề về đạo đức học, trí tuệ học, hướng đến chân thiện mỹ, làm cho con người sống tốt hơn lên với tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả…Vì vậy, Phật giáo là một nền giáo dục rộng lớn đầy trí tuệ, đạo đức nhằm giáo dục mọi chúng sinh những hiểu biết, nhận thức đúng đắn và đầy đủ các quy luật về vũ trụ và nhân sinh. 

Ngày nay, chữ Thầy và trò được dùng trong nhà trường để chỉ người dạy và người học. Còn từ xưa, hàng Phật tử đã gọi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy, là bổn sư, và tự xưng mình là trò, là đệ tử. Ngày nay các Phật tử đều gọi các vị tăng ni là thầy và các đạo tràng thực sự là trường học đạo đức.

Điều này chứng tỏ đạo Phật xác định rõ Đức Phật là thầy và chúng ta là những học trò và như vậy Phật giáo là một nền giáo dục, vì rõ ràng chỉ có trong nền giáo dục mới có vai trò của người thầy và người trò, và người trò cũng sẽ trở thành người thầy nếu biết tu tập để đạt thành chính quả, như lời Phật dạy “Mọi chúng sinh đều có tâm Phật” và “Ta là Phật đã thành còn mọi chúng sinh là Phật sẽ thành”, chứ không giống như trong một số tôn giáo khác coi giáo chủ là thần thánh, là thượng đế và những tín đồ theo đạo là con chiên ngoan ngoãn, chỉ biết nghe theo.

*

Bây giờ ta xét đến nội dung của chữ Tuệ trong lời dạy của Đức Phật trong “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và ý nghĩa thâm sâu của câu kệ.

Tuệ hay còn gọi là huệ, dùng để chỉ cái trí, cái trí tuệ mà trong Phật giáo nguyên thủy đã dùng để chỉ cái trí tuệ rộng lớn, sâu sắc và viên mãn. Trong tiếng Phạn có danh từ Bát nhã (Prajnà), một từ mà các vị tổ Phật giáo từ xa xưa khi chuyển dịch kinh văn từ tiếng Phạn sang Hán Văn đã không thể nào tìm một từ nào thay thế cho được, nên cuối cùng phải dùng từ phiên âm Bát nhã. Bát nhã trong tiếng Phạn có rất nhiều nghĩa như : Xa lìa vô minh phiền não (viễn ly), sáng suốt không mờ tối (Minh), thông suốt (Trí), sáng tỏ thông suốt (Trí tuệ), thanh tịnh, trong sạch, không nhiễm ô

Bát nhã có nhiều nghĩa như vậy, nên các vị Tổ ngày xưa ở Trung Hoa, khi dịch đành phải để nguyên âm chữ Phạn (Prajnà) là Bát nhã. Tuy nhiên, trong các nghĩa trên đây, chữ trí tuệ thì có phần rõ ràng và sát nghĩa hơn hết. Nhưng đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc.

Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính. 

Trí tuệ nói chung cũng có nhiều loại khác nhau như: 

- Trí tuệ thế gian là trí tuệ của đời thường . Thông thường trí tuệ này biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhiều kiến thức, thường được gọi là trí thức. Nhưng đó là thứ trí tuệ của thế gian, của thế tục phàm phu. Cái  trí tuệ này có nhiều trình độ cao thấp khác nhau, dù đó là trí tuệ của một nhà bác học lỗi lạc nhưng cũng không phải là trí tuệ Bát nhã đúng theo nghĩa Bát nhã của Đại thừa, đó là trí tuệ thế gian hay trí thức đời thường.

- Trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người ngoại đạo do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ tà đạo, không phải là trí tuệ Bát nhã.

- Trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các hàng thánh Thanh văn, Duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên mà thành đạo quả. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó mới chỉ phá được cái chấp của ngã, chưa phá được cái chấp của pháp. Vì vậy cũng không phải là Trí tuệ Bát nhã.

- Cái cao nhất là Trí tuệ Bát nhã, đó là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ Ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Bồ tát Đại thừa. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. Bởi thế trí tuệ Bát nhã có thể chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng phải bỏ hình giả dối mà còn lại tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ đã hiện ra vậy.

Trí tuệ có nhiều loại như vậy, cho nên cần phải hiểu trí tuệ trong “Duy tuệ thị nghiệp” như thế nào? Bởi vì đây là lời kinh mà Đức Phật dạy cho tất cả các loại Bồ tát, từ người sơ cơ mới bước chân vào đường học đạo cho đến các vị đại Bồ tát đã qua thập địa , nên chữ tuệ ở đây bao hàm một nghĩa rất rộng từ thấp đến cao, từ cái trí tuệ thấp nhất của trí tuệ đời thường (tri thức) đến cái cao nhất là trí tuệ Bát nhã.

Từ xưa đến nay, nhiều nhà nghiên cứu Phật học, cũng như các bậc chư tôn thiền đức, các bậc thiện tri thức tu học Phật đã đề cập đến khái niệm trí tuệ và vai trò của trí tuệ trong Phật giáo. Nói chung đều thống nhất ở một điểm là phải có cái học nghiêm túc, sâu sắc thì mới phát sinh ra tuệ, tức trí tuệ. Nhưng để đạt đến trí tuệ phát sinh thì phải qua nhiều giai đoạn học hỏi, rèn luyện từ thấp đến cao, có thể hiểu như từ trí thức chuyển thành trí tuệ. Khái niệm trí thức (giai đoạn thấp) là chỉ cho những hiểu biết đời thường kể cả về những hiểu biết cao siêu về khoa học kỹ thuật, tự nhiên và xã hội, còn khái niệm trí tuệ là trình độ đạt đến giác ngộ của các bậc Bồ tát đại thừa trở lên. Một Phật tử hay một học giả thâm uyên dù có biết rộng mọi khái niệm về khổ và lý thuyết diệt khổ hay một số giáo lý cơ bản thì mới chỉ được phần trí thức. Nhưng có đạt được trí tuệ hay không là do công hạnh hành trì thực chứng cao hơn..

Cũng vì vậy mà trong đạo Phật mới có hai bậc học là bậc hữu học và bậc vô học, trong đó bậc vô học là cao hơn, trên bậc hữu học. Hay nói khác đi, về cơ bản có hai loại trí tuệ, trí tuệ hữu lậu và trí tuệ vô lậu, trong đó trí tuệ vô lậu là cao hơn hết. Đó cũng là cái gọi khác của trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian.

Người có trí tuệ hữu lậu (trí tuệ thế gian) là người có tri thức nhưng còn mang đầy phiền não, chấp trước, còn tham sân si và chỉ có khả năng hiểu biết hiện tượng bình thường nhưng còn dính mắc với tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến và phiền não.

Còn trí tuệ vô lậu (trí tuệ xuất thế gian) là trí tuệ thanh tịnh, có khả năng đoạn trừ phiền não không bị nhiễm ô hữu lậu, tức là trí tuệ Bát nhã đã đạt được chứng ngộ giải thoát, Niết bàn.

Nói một cách đơn giản, trí tuệ hữu lậu là trí tuệ đạt được nhờ sự hiểu biết do được nghe, giảng, đọc (văn), sau đó tư duy, suy nghĩ (tư) và sau cùng đem những hiểu biết vào ứng dung, hành trì (tu). Tức là Văn-Tư-Tu theo con đường tam huệ học.

Còn trí tuệ vô lậu là trí tuệ được tu tập qua tu tập, tư duy, quán chiếu, phải do tu chứng mà tựu thành, không phải chỉ do cái học bình thường mà hun đúc nên được. Muốn có trí tuệ ấy phải có việc tu chứng tự ngộ bằng cách quán chiếu nghiêm trì giới luật (giới), công phu thiền định nghiêm mật (định) và quán chiếu phát sinh trí tuệ (tuệ) mới thành công được. Đó là quá trình thực hành Giới-Định-Tuệ của tam vô lậu học.

Đó là những ý nghĩa sâu xa của chữ tuệ hay trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

Một con người nếu suốt đời dù có trí thức (trí tuệ thế gian) mà chỉ lo cho sự nghiệp thế gian được hưng thịnh, nghĩa là chỉ lo cho việc tạo dựng sự nghiệp sao cho giàu có, ăn ngon mặc đẹp, đầy đủ vật chất tiện nghi, sống đời sung sướng, có địa vị quyền quý, cao sang được mọi người nể trọng mà không lo cho sự nghiệp phát triển trí tuệ tiến dần lên đạt đến trí tuệ xuất thế gian nghĩa là không hiểu hết được những giáo lý cơ bản của đạo Phật, không nắm được quy luật của vũ trụ và nhân sinh về vô thường, khổ và vô ngã, về duyên khởi và tính không, về quy luật nhân quả và nghiệp báo thì rõ ràng người đó không biết lo xa.

Bởi vì tiền của, giàu sang trong cuộc sống chỉ là tạm bợ, khi nhắm mắt suôi tay không thể nào mang đi được. Những người như thế không thấy rõ nhân quả tội phước trong đời hiện tại cũng như những kiếp về sau mà lo giữ gìn đạo đức, phát huy trí tuệ cũng chỉ là những kẻ vô minh, những chúng sinh mê lầm.

Còn những người không bị vướng mắc vào ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn thường lấy việc tu hành nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp, đó mới là những người biết sống để đạt đến giác ngộ giải thoát.

Vì vậy người học Phật là người luôn luôn lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của đời mình.

*
Trong đời sống hàng ngày, hàng phật tử tại gia, nhất là các phật tử ở phía Bắc, do hoàn cảnh lịch sử để lại trong gần một thế kỷ qua, nên đã có những quan niệm chưa chuẩn xác về tu hành nơi cửa Phật. Số đông các phật tử miền Bắc đi chùa lễ Phật, tụng kinh, niệm Phật, cầu xin là chính. Họ thành kính tin tưởng nơi cửa Phật sẽ cứu giúp họ qua khỏi những tai ương, gian khó ở đời, họ cầu xin được Đức Phật ban ơn cứu giúp họ tai qua nạn khỏi, họ cầu xin được sức khỏe an lành, được làm ăn phát tài phát lộc v.v…

Đức tin của phật tử là điều cần phải có, nhưng chưa đủ. Là phật tử không phải chỉ có đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, làm công quả với tấm lòng thành cầu mong Phật độ. Điều đó là rất tốt, nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đúng và chưa đủ với công hạnh của người học Phật.

Phật tử tụng kinh hằng ngày là điều rất tốt, nhưng nếu tụng kinh mà hiểu thấu lý những ý nghĩa của lời Phật dạy trong lời kinh câu kệ của bản kinh thì lại có nhiều công đức biết bao.

Phật tử năng đi chùa, tụng kinh, lễ Phật mà không thay đổi được tính tình, đạo đức, cách hành xử trong đời sống cho tốt hơn có nghĩa là người Phật tử đó chưa hiểu được giáo lý của Đức Phật truyền trao, chưa nâng cao được trí thức học Phật để tu sửa mình, tu thân hành đạo, chưa nắm được những vấn đề giáo lý cơ bản của đạo Phật.

Vì vậy, bài kệ thứ ba trong Kinh Bát Đại Nhân giác, Đức Phật đã khuyên cần phải :Thường niệm tri túc, An bần thủ đạo, Duy tuệ thị nghiệp. Điều đó nghĩa là người học Phật, bên cạnh việc cần phải luôn luôn biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, thì phải biết lấy tuệ làm sự nghiệp, lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp  của đời mình.

Điều đó cũng có nghĩa là người Phật tử phải luôn luôn lo việc nâng cao sự hiểu biết, kiến thức, tri thức mà bước đầu là những tri thức cơ bản về giáo lý của đạo Phật. Đức Phật đã từng dạy: “Người mà chưa biết đến về Tứ Diệu Đế thì chưa phải là Phật tử” vì Tứ Diệu Đế là bài học đầu tiên, là giáo lý cơ bản lấy con người làm trung tâm. Điều đó cũng có nghĩa đã là Phật tử cần phải được nghe, được hiểu biết về cái “những nỗi đau khổ” của chúng sinh, cần phải biết đến những điều Đức Phật dạy về “khổ đế” (thực trạng đau khổ của con người), về “tập đế” (nguyên nhân hay nguồn gốc của đau khổ), về “diệt đế” (sự chấm dứt đau khổ) và về “đạo đế” (con đường hay phương pháp thực hành đưa đến sự tận diệt khổ đau). Cũng cần phải biết được thế nào là Bát chính đạo (Tám con đường chân chính, giúp chúng sinh tu học đi đến đời sống tốt đẹp và cũng là tám con đường mầu nhiệm dẫn dắt chúng sinh đến địa vị Thánh). Không những thế, người Phật tử cần phải hiểu biết về giáo lý Mười hai nhân duyên, sẽ giúp rất nhiều trên bước đường tu học, và còn những giáo lý cao hơn trên đường học Phật.

Giáo lý của Đức Phật vô cùng rộng lớn, thâm sâu, vi diệu, không thể nào học hết cho được, kể cả các vị thánh tăng. Nhưng đã là Phật tử cần phải hiểu biết những giáo lý cơ bản để tu tập cho đời sống phàm phu của mình. Đã là Phật tử cần phải học hỏi, nâng cao sự hiểu biết, lấy tuệ làm sự nghiệp của đởi tu hành. Vì vậy, người Phật tử cũng cần phải hiểu thế nào là vô thường, vô ngã, khổ, tính không, duyên khởi, nhân quả và nghiệp báo. Tất cả những tri thức ấy cộng với lòng chân thành tin sâu vào giáo lý của Đạo Phật, người Phật tử sẽ tiến sâu hơn nữa, thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ giới, kiên tâm tinh tấn trong thiền quán, thực hiện thiền định thì con đường đi tới phía trước sẽ thành tựu đạt đến trí tuệ Phật giáo. 

Những hiểu biết trình bày trên đây, chỉ để minh chứng cho một điều là người Phật tử tại gia ngoài việc lên chủa lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh, làm công quả, cần phải chú trọng đến nâng cao sự hiều biết về giáo lý của đạo Phật bằng cách nghe giảng Pháp, đọc sách, nghe băng đĩa nói về các giáo lý cơ bản của Đức Phật. Đó là thực hiện lời dạy của Phật Duy tuệ thị nghiệp trong Kinh Bát Đại Nhân Giác,  lấy việc nâng cao trí tuệ làm sự nghiệp của 
loading...