Sách Phật giáo

Những năng lực diệu kỳ khi nghe tụng Bộ Kinh Nhập Hạnh Bồ Tát

Thứ sáu, 19/02/2013 05:58

Trong cơn lâm chung, tụng niệm để cầu mong có sự thanh thản yên lòng. Thanh thản cho người ra đi và yên lòng cho người ở lại. Người thân chúng ta trong cơn lâm nguy, trong giây phút lâm chung cần đến sự chia sẻ tấm lòng của chúng ta.

Tôi có một người bạn rất thân. Anh là một Phật tử chân thành, có văn hóa, có học lực và nhất là có một cuộc đời phấn đấu tích cực. Tình cờ anh được đi du học. Sống xa tổ quốc song anh vẫn hướng lòng về đất nước. Ngành học của anh là quy hoạch môi trường cùng xây dựng rừng và quang cảnh thiên nhiên. Đất nước thanh bình, anh trở về quê hương với chức năng là một giáo sư thỉnh giảng về môi trường. Dạy được ít năm thì anh mắc phải bệnh nan y. Những ngày cuối đời, chứng bệnh nan y đã hành hạ anh. Thuốc uống giảm đau không còn làm nguôi những cơn đau đớn. Và anh đã nhờ đến việc nghe kinh. Anh nằm nghe những cuộn băng ghi âm các bài tụng kinh của các bậc Thượng tọa hữu danh, song hiệu ứng càng ngày càng phai nhạt. Ban đầu thì cơn đau như dịu đi song một thời gian sau cơn đau lại trở nên dữ dội. Cuối cùng phải nhờ đến các vị sư đến tụng niệm.

Nằm thiêm thiếp nghe kinh, bạn tôi nét mặt an lành, hồn như phiêu diêu, tâm lắng sâu vào tỉnh lặng rồi nhẹ nhàng đi dần vào giấc ngủ say sưa. Hiệu lực của tiếng mõ lời Kinh thật linh diệu. Bạn tôi không còn cần uống thuốc giảm đau và an thần như trước đây nữa. Được gần một tháng qua bỗng cơn đau lại tái hiện. Và bạn tôi muốn nghe những lời kinh trong tập Nhập Hạnh Bồ Tát mà trong cơn bạo bệnh ở nước ngoài bạn tôi đã thầm nguyện rằng khi bớt bệnh sẽ chuyển dịch ra tiếng Việt. Đó là bộ kinh của Ngài Santideva (Tôn giả Tịch Thiên) vào thế kỷ 8 tại Ấn Độ, một tụng luận về đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục Độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát. Dịch giả là cư sĩ Nguyên Hiển và anh đã hiệu đính rồi ấn tống.

Link: http:/www.4shared.com/mp3/T_nEMDVi/Nhap_Bo_Tat_Hanh_01.html;
http:/thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-7516/nhap-hanh-bo-tat-santideva-ton-gia-tich-thien-viet-dich-nguyen-hien.html

 

                                  Tôn giả Tịch Thiên (Santideva)

Bộ Kinh Nhập Hạnh Bồ Tát được khởi tụng niệm. Kỳ lạ thay sau khi nghe chương một, cơn đau lại dịu xuống và khi nghe hết tập kinh những cơn đau dường như lặn mất. Giấc ngủ yên lành lại trở về và cho đến ngày bạn tôi vĩnh viển ra đi, cơn đau hầu như tan biến. Khi lâm chung nét mặt bạn tôi tươi nhuận và bình yên như nằm ngủ. Nhìn bạn nằm yên giấc ngàn thu tôi nhớ tưởng đến thi sĩ Bích Khê bị bệnh lao mà trong mấy tháng trước khi chết đã ngày ngày trì tụng Kinh A Di Đà để lòng được yên vui và ba ngày trước khi chết, thi sĩ chắp tay lên ngực lặng lẽ nằm nghe kinh. (Đời Bích Khê, hồi ký của Quách Tấn)

Tụng kinh là đọc kinh, đưa lời kinh vào trí não. Đọc kinh bằng lý trí để tâm suy tưởng. Đọc kinh là tư duy, trầm tư và cảm nhận.

Nghe kinh là đọc kinh bằng thính giác và để tâm hồn thấm nhập lời kinh. Lời kinh hòa cùng âm vận giọng đọc và âm vang theo nhịp tiếng mõ, tiếng chuông. Người bệnh nằm nghe kinh, lòng đón nhận những gì tha thiết nhất của suy tư, của sự tưởng nhớ đến những gì đã xảy ra và những gì còn lại của sự tươi đẹp trong cuộc đời. Bạn tôi nằm nghe lại những câu kinh, đoạn kinh mà mình đã dày tâm soạn dịch, sửa từ, sửa câu để thấu hiểu thêm những ý nghĩa mà từ lâu mình chưa hằng thấu hiểu. Hạnh phúc biết là ngần nào khi tịnh tâm để lời kinh rót hương Phật vào lòng. Cho nên tôi cảm nhận được tại sao bạn tôi nhiều đêm nằm nghe kinh mà ứa nước mắt. Những giọt nước mắt này là nước mắt an tịnh đã nhận chân được cuộc đời này đầy ý nghĩa vô thường.

Trong cõi trời phiêu diêu mộng tưởng, lời kinh như trong suốt hòa nhập vào con tim xóa tan mọi đau đớn ưu phiền.

Lời kinh hòa lẫn cùng tiếng những người thân yêu tụng niệm, khiến người nghe kinh cảm nhận được tấm lòng, sự chia sẻ buồn đau của bạn bè, người thân quyến. Những tâm nguyện của bạn khi dịch kinh, những ý nghĩa của lời kinh như được chia sẻ cho nhau trong giờ phút tụng kinh, nghe kinh. Nằm nghe đọc kinh để lời kinh thấm vào tâm khảm, từng ý nghĩa nhẹ nhàng len vào tâm trí và nhất là cảm nhận được bạn bè, người thân thấu suốt thêm ý nghĩa của bài kinh vì trong giọng cầu kinh có tình nghĩa vô vàng thân mến. Người nghe kinh như được mọi người chia bớt gánh nặng đang bị những cơn đau dày vò trong thân xác. Sau buổi tụng kinh, có một cái nắm tay nhè nhẹ, một ánh mắt dịu dàng, một giây phút yên lặng ngồi tựa bên nhau. An lành và hạnh phúc thật vô ngần .

Nhiều lần bạn tôi nhờ các bằng hữu, người thân trong gia đình mỗi tối tụng cho mình một chương kinh. Nằm yên, lắng nghe từng giọng người thân yêu hòa quyện với lời kinh để thanh thản trong lòng .

 Trong giây phút chơi vơi bên bờ vực tử sinh, tiếng tụng kinh như ngàn giây tơ che chở tấm thân, đan đở lấy thân phận con người và là những dải lụa mềm mại dàn trải dưới gót chân trên con đường phiêu bồng. Đi trên những dòng tơ lụa êm như lời tụng, người nghe kinh thoát khỏi nỗi ràng buộc của thế gian để đi sâu vào cõi thanh tịnh vô thường. Những giây phút thân thương ấy mọi sự đau đớn dày vò thân xác không còn nữa mà là cõi trời mênh mông, yên thắm, bao la phủ khắp mọi nơi.

 Có đôi mắt sáng lặng lẽ nhìn tôi, có nụ cười không chỉ nở trên môi mà còn làm cho nét mặt ửng hồng rạng rở. Trong bàn tay mềm ấm một chút tình rung động mong manh cũng đủ khiến tim tôi bồi hồi rung cảm. Sau buổi nghe kinh hạnh phúc đến cho người đau yếu cũng như bạn bè, người thân là như thế ấy. Chia sẻ cho nhau bằng tình thương và sự hiến dâng nhẹ nhàng trong trẻo bằng lời kinh, tiếng mõ. Ôi! Buổi tụng kinh và nghe kinh đầy tình nghĩa và ân đức biết là dường nào. Tụng kinh cho bạn nghe, để bạn được thanh thản trong tâm hồn lòng tôi êm ấm như được chuyền năng lực thêm cho bạn. Sự đau đớn thân xác không thống khổ bằng sự trống vắng cô đơn. Nghe tiếng tụng kinh của thân bằng quyến thuộc, người bệnh như không còn cô độc, không còn cảm thấy bơ vơ một mình chống chọi với bệnh tật.. Tâm thanh thản và hồn nhẹ nhàng.

Lời tụng kinh như những tiếng ru hời của mẹ. Giọng ru không cần đến sự thanh tao, nhịp nhàng dù chỉ là một giọng ru ngọng nghịu, khê nồng hay không còn nguyên nghĩa của câu ca dao song vẫn làm cho con ngủ yên giấc trong vành nôi. Người nghe kinh sẽ trở lại với trạng thái ấu thơ như đang nằm nôi để được nghe tiếng ru hời của mẹ thân yêu, thương con bằng tất cả tâm hồn .

Trong cơn lâm chung, tụng niệm để cầu mong có sự thanh thản yên lòng. Thanh thản cho người ra đi và yên lòng cho người ở lại. Người thân chúng ta trong cơn lâm nguy, trong giây phút lâm chung cần đến sự chia sẻ tấm lòng của chúng ta.

Vợ tụng kinh cầu nguyện cho chồng là dâng hiến tình yêu. Bạn tụng kinh cho bạn là san sẻ tình thương.  Nằm nghe tiếng đọc kinh của những người thân thương, người đau sẽ vơi đi sự cô đơn và cảm nhận được sự chia sẻ thân tình .

Trong tĩnh lặng, tiếng tụng kinh là những giọt âm thanh gieo nhạc vào lòng, từng tiếng tơ vàng rung nhẹ tâm hồn và những nét bay bướm lượn lờ trên giá vẽ .

Người tụng niệm cũng như người nghe kinh lòng tràn đầy thanh thản và hạnh phúc an lành.


Trích từ tập Bút ký Cá Tắm Nắng của tác giả Quách Giao
Tiêu đề do www.phatgiao.org.vn đặt

loading...