Hỏi - Đáp

Nương Tựa Chánh Pháp

Thứ bảy, 25/09/2022 08:03

Trên bước đường tu tập bị mà mất niềm tin vào người thầy dẫn dắt thì làm cách nào lấy lại niềm tin vào chánh pháp?

Audio

Đây là một vấn đề quan trọng trong sự học Phật và cũng là điểm chung cho sự lòng tin của tất cả người Phật tử. Cần phải tìm hiểu rõ những điểm mấu chốt trong quá trình tu học, nếu không sẽ mất thời gian và càng tu càng mất long tin nơi chánh pháp.

bizmac__full_13068

1- Tìm hiểu kỹ việc cần làm:

Trước hết, tự mình cần phải xét lại mục đích tìm đến Đạo và động cơ nào để cho chúng ta tìm đến vị thầy đó để học Đạo? Không nên vội vàng đặt lòng tin và có sự hâm mộ, thần tượng vị thầy nào đó theo phong trào hoặc theo cảm xúc nhất thời tựa như việc ngưỡng mộ các người có tiếng tăm ở thế gian. Cần phải xét kỹ được động cơ yêu thích và cách giảng dạy của vị thầy kia có phù hợp với chánh pháp hay không để khi chúng ta quyết định đi theo họ không bị sai lầm trong tu học và làm mất thời gian.

2- Phân biệt rõ pháp thế gian và xuất thế gian:

Pháp thế gian là giáo lý của Thiên nhân thừa, giúp chỉ dạy con người biết làm lành lánh dữ, bố thí, cúng dường, phân biệt thiện ác, nhân quả và tu hành thập thiện… để từ đó con người có thể sống với nhau tốt đẹp, hài hòa hơn.

Pháp xuất thế gian là giáo pháp giúp cho người xuất gia tu học đạt được tâm thanh tịnh, vì chú trọng sửa đổi, trau dồi thân tâm để ngày một thăng tiến trên con đường giải thoát.

Những vị xuất gia tuy đã vứt bỏ mọi ràng buộc hệ lụy ở thế gian, hy sinh tuổi xuân và những thú vui vật chất để dung cảm khoác áo nâu song tu hành thanh tịnh, nhưng họ vẫn chưa phải là một bậc Thánh hoàn hảo về mọi mặt. Do đó, một số nhỏ trong các vị ấy không thể tránh khỏi những lỗi lầm. Điều này người Phật tử cần phải thấu hiểu và có sự cảm thông mà không nên có thái độ bài bác hay khinh chê bất mãn. Hơn nữa, trong giáo lý của đạo Phật có dạy về pháp Tứ y rằng:

“Y pháp bất y nhân

Y nghĩa bất y ngữ

Y trí bất y thức

Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh”.

Câu đầu tiên “y pháp bất y nhân” tức là nương tựa pháp không nương tựa người là một nguyên tắc đã được nêu ra khá sớm ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Trong giai đoạn hiện nay, nguyên tắc này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc xác lập niềm tin vào Tam bảo. Thế nào là ‘y pháp bất y nhân’? Nói một cách đơn giản là chúng ta đặt niềm tin và làm theo chánh pháp và không tin theo bất cứ ai nói hoặc làm sai chánh pháp.

Sau khi đã quy y với Tam bảo, trong đó có vị Tăng làm đại diện cho hàng Tăng chúng để từ đó chúng ta nương theo giới pháp mà tu học, không phải nương theo một vị thầy đó. Chúng ta không nên đặt hết tình cảm cũng như sự trông chờ vào bất cứ vị thầy nào. Bởi vì tất cả đều đang trong giai đoạn tu hành, cho nên cũng có lúc tiến có lúc lùi, ngoại trừ khi nào tu chứng tới bậc A-la-hán thì mới không còn sự thoái thất.

3- Tu là để tìm lẽ thật:

Người xưa cũng từng nói: “Nhân hư đạo bất hư”, tức là người sai chứ đạo không sai. Chúng ta đi đến chùa là cốt để học chánh pháp tìm ra con đường giác ngộ, gọi là đi chùa tìm Đạo, tìm an lạc trong chánh pháp. Ngoài ra, những việc đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu của người khác không phải là mục tiêu để chúng ta lưu tâm.

Kế đến, thực hành tu tập là để thấy được lẽ thật. Lẽ thật ấy được chứng nghiệm ở nơi mỗi người và ở ngay phút giây này là đang hít thở. Từ hơi thở chúng ta biết rõ sự thật về thân xác này là luôn biến đổi theo từng hơi thở ra vào. Nếu không thở là không còn sống được nữa. Nếu chúng ta khéo nương theo chánh pháp để tu tập thì chắc chắn được giác ngộ. Vị thầy chỉ là người dẫn đường, còn việc thực hành chính yếu là do chính chúng ta. Thầy không thể thở giùm và cũng không thể tu giúp cho chúng ta, cho nên việc trông chờ hoặc giao phó lòng tin hết cho vị thầy là điều không đúng với chánh pháp. Do đó phải dũng cảm tự mình nương theo chánh pháp mà tu tập soi sáng lại chính mình.

con-duong-tam-linh-jpg-20140423010644Mej1QuB8W

4- Hiểu pháp đúng đắn:

Muốn hiểu biết chánh pháp, phải nghe đúng chánh pháp. Nghe pháp qua băng đĩa, qua sự giảng dạy của quý thầy. Siêng nghe chánh pháp tức là đang cầu Đạo giải thoát.

5- Cầu bậc chân tu để chỉ dạy:

Nếu chúng ta từng đọc qua những câu chuyện về chư Tổ, cao Tăng sẽ thấy thấy được hình ảnh của các bậc tiền hiền ấy nhiều khi có vẻ bề ngoài hung bạo, khó khăn hoặc là thờ ơ lãnh đạm với học trò, nhưng bên trong tâm là cả một biển trời yêu thương.

Ngày xưa, có một người đi đến cầu đạo với một vị Hòa thượng. Do bị Hòa thượng mắng chửi thậm tệ, cho nên anh ta đã thưa rằng:

- Vì nghe danh đức của ngài cao sâu, cho nên con đã không quản đường xa lặn lội tới đây để tìm cầu học Phật pháp chứ không muốn nghe những lời mắng chửi.

Lúc đó, Hòa thượng ngồi nghiêm nghị và nhìn thẳng vào người học Phật ấy mà nói rằng:

- Ông cho đó là những lời mắng chửi hay sao?

Ngay lúc đó, người cầu đạo kia chợt tỏ ngộ lý Bát nhã, thấu rõ âm thanh ngôn ngữ không hình tướng thì chẳng có gì để chấp trước.

Tu hành mà không có lòng tôn trọng, quý kính người dạy thì sẽ không đạt được chỗ sâu mầu của Phật pháp. Thuở xưa đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã trải qua đủ mọi gian khổ để tu hành. Chư Tổ, những vị cao Tăng cầu Đạo khó nhọc, nhưng vẫn quyết chí vững tâm trong buổi đầu để gầy dựng chánh pháp cho hậu thế. Không chỉ có những vị xuất gia, mà còn có bao gương sáng của hàng cư sĩ tại gia đã đánh đổi tất cả hạnh phúc và thú vui khác của đời thường để an vui trong Phật pháp. Nhờ những gương sáng của người xưa mà ngày nay chúng ta có giáo pháp, có được Tam bảo để quay về nương tựa chính mình. Do có ý chí kiên định tu học Phật pháp, cho dù thân này có hoại theo thời gian nhưng tâm thức ấy sống mãi trong vô cùng vô tận đời kiếp về sau.

Người có tâm ngạo mạn sẽ không cầu được chánh pháp và sẽ mãi xoay vần mãi trong khổ đau vô thường. Do đó, chúng ta phải có lòng tôn trọng quý kính Phật, Pháp, Tăng. Dù người xuất gia có phạm sai lầm, mắc lỗi thì cũng chỉ riêng một người đó có lỗi, còn những bậc hiền thánh Tăng lúc nào cũng có ở khắp mười phương thì vẫn thanh tịnh và luôn chờ đón người hữu duyên vào trong cửa giải thoát. Đừng nhìn những cái sai dở của người khác mà hãy nhìn thấy và học ở những cái đúng của những bậc hiền thánh Tăng đã tu và chứng đắc trong đời kiếp hiện tại. Họ là hóa thân của Bồ tát, của những bậc hiền Tăng tu từ nhiều đời kiếp, là sự thật về hạnh nguyện trong mấy mươi năm sống trong Đạo mà mọi người thấy, nghe và rõ biết. Đó là tấm gương sáng cho chúng ta nhìn soi vào thì tức khắc sẽ tự sửa bản thân mình và sớm nhận thấy lại con đường tu học và có được niềm tin trở lại. Hãy kiên nhẫn và quyết tâm chí thành thì chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng.

Quán xét kỹ cuộc đời này chúng ta đã từng bị trôi lăn kiếm tìm trong sự nóng bức thiêu đốt thân tâm vì những chuyện ăn, uống, công danh, sự nghiệp, kiếm tìm, ganh ghét và chấp chặt làm cho mê đắm mãi không rời trong biển ái dục. Bên ngoài thân tâm ta thì sự biến động của vũ trụ, môi trường sinh thái biến đổi, thời tiết thay đổi, thiên tai ngày một thêm nhiều, bệnh dịch ngày một chất chồng và xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Những cái đau khổ ấy đang dần thiêu đốt chúng ta đến chỗ bại hoại. Vì vậy, chúng ta hãy dẹp hết những tư tưởng bi quan, những thành kiến nhỏ hẹp của sự chấp Ngã mà tu học theo chánh pháp. Đức Phật dạy rằng: “Này các vị hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với ngọn đuốc chánh pháp”. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy nương tựa chính mình, không nên dựa dẫm, ỷ lại vào một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Chánh pháp là lẽ thật mà lẽ thật nằm trong từng hơi thở mượn trả của mình.

loading...