Sách Phật giáo
PGNT Khmer chung tay xây dựng GHPGVN, phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc
Thứ hai, 12/06/2014 10:27
Phật giáo Nam tông (PGNT) truyền vào Việt Nam được người Kinh, người Khmer tin theo nên cùng với thời gian, cách gọi Nam tông Khmer và Nam tông Kinh đã trở thành “cụm từ” mang tính chỉ dẫn về địa dân cư tôn giáo rất đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện “4 vị sư người Khmer hy sinh” trong sự kiện ngày 10/06/1974; đó là cách thể hiện sự tôn kính với các vị sư đã hy sinh vì chính nghĩa, hành động của chư vị, máu của chư vị đã thêm một lần nữa tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc, rạng danh Phật giáo Việt Nam truyền thống Hộ quốc an dân.
1. Truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Nam tông (PGNT) truyền vào Việt Nam được người Kinh, người Khmer tin theo nên cùng với thời gian, cách gọi Nam tông Khmer và Nam tông Kinh đã trở thành “cụm từ” mang tính chỉ dẫn về địa dân cư tôn giáo rất đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
Theo các tài liệu sử học Phật giáo, Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long khá sớm, vào khoảng thể kỷ thứ IV, thứ V; đặc biệt đến đầu thể kỷ XX ở những địa bàn có người Khmer sinh sống, hầu hết các Phum (xóm), Sóc (nhiều xóm hợp thành) đều có chùa thời Phật.
Theo thống kê năm 2010, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long có gần 1,3 triệu dân, với gần 500 ngôi chùa và khoảng 9000 vị sư, tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh (Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau).
Theo đó, đại đa số tuyệt đối người Khmer theo Phật giáo; về số lượng chức sắc nhà tu hành theo đạo Phật chiếm gần 20% tổng số người tu hành theo Phật giáo trên toàn quốc; tỷ lệ ngôi chùa chiếm khoảng 3,3 %, so với dân số chiếm hơn 1%.
Theo truyền thừa của PGNT ngoài những đặc điểm chung của Phật giáo, PGNT Khmer duy trì giới luật và cách hành trì theo truyền thừa của tông phái. Truyền thống đó, khi người con trai lên 12, 13 tuổi thì vào chùa để học đạo; học đạo được hiểu là để báo hiếu cho gia đình, ông bà, cha mẹ; để thực hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; để tỏ lòng thành kính với đức Phật…
Thời gian tu tại chùa tùy theo hoàn cảnh, tùy duyên của các cá nhân, nhưng tối thiểu là một tháng, sau đó trở lại cuộc sống đời thường, họ có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội, khi muốn họ lại có thể xin vào chùa tu một thời gian rồi sau đó lại có thể trở về với gia đình.
Để vào chùa tu, tiêu chuẩn và các trách nhiệm cần đủ đó là: phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ). Người nam đã có gia đình muốn vào chùa tu phải được sự đồng ý của người bạn đời; Phải là công dân tốt, không trong tình trạng vi phạm pháp luật; Phải có thầy dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.
Nhà sư – đối với người Khmer là đại diện cho đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh, bởi vậy nhà sư luôn là người thầy được tôn kính và tin tưởng.
Chùa là nơi tu hành của các vị sư sãi, là nơi làm lễ của đồng bào, là nơi giáo dục đào tạo dạy chữ, dạy nghề cho con em của đồng bào dân tộc, là trung tâm văn hóa của dân tộc, là bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ đồ thờ tế tự, điêu khắc, trạm trổ, ghe ngo (để dùng đua trong các lễ hội dân gian)… đồng thời cũng là nơi thờ cúng những người thân của đồng bào dân tộc Khmer sau khi mất.
Đời sống, sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng Phum, Sóc của người Khmer đa phần đều gắn với tín ngưỡng và triết lý của đạo Phật. Các công việc của gia đình cũng như sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng đều có sự tham dự của các vị sư.
Do vậy đời sống, sinh hoạt của người Khmer có thể ví như mối quan hệ hữu cơ giữa các mái ấm gia đình và các ngôi chùa, giữa các ngôi chùa và các vị sư tu hành, giữa các vị sư tu hành với lịch sử truyền thừa của Phật giáo Nam tông.
2. Sự kiện bi tráng của các vị sư PGNT Khmer ngày 10/06/1974
Đóng góp của PGNT Khmer đối với dân tộc và Phật giáo là hết sức to lớn; gần 1,3 triệu người đồng bào Khmer do chịu ảnh hưởng của triết lý đạo Phật nên đã đề cao những trách nhiệm và đạo lý nhân sinh truyền thống của dân tộc nói chung và của Phật giáo nói riêng.
Cách đây 40 năm, vào ngày 10/06/1974, tại tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá), với sự vận động và dẫn đầu của chư Tăng, chư Tăng Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước, hơn hai ngàn chư Tăng phật tử Khmer và một số đồng bào người Kinh, người Hoa đã tham gia biểu tình trong sự đàn áp dã man của chính quyền Sài gòn lúc bấy giờ.
Trong cuộc biểu tình bảo vệ Phật pháp, bảo vệ dân tộc và bảo vệ chính nghĩa này đã có 4 vị sư hy sinh; đó là các Đại đức: Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom và 32 vị bị thương.
Để phi tang, chúng đã cướp lấy thi hài của 4 vị sư đưa về nhà xác tỉnh Rạch Giá, đem Y bỏ xuống biển, cho mặt bộ đồ đen, đặt 4 khẩu súng bên 4 thi hài, lãnh đạo đoàn biểu tình đấu tranh mãi mới đem được thi hài của 4 vị sư về làm tang lễ.
Lễ tang của 4 vị sư diễn ra trong mấy ngày đêm lúc đất nước vẵn còn khói lửa chiến tranh, thông tin truyền thông còn nghèo nàn, nhưng hàng chục ngàn lượt tăng, ni, phật tử Khmer - Kinh – Hoa trong và ngoài tỉnh đến cầu nguyện, hộ niệm.
Sự hy sinh của 4 vị sư vì chính nghĩa, vì sự trường tồn của đạo pháp xứng đáng là 4 vị Bồ tát vô úy đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước của tăng, ni, phật tử Việt Nam, góp phần dẫn đến thắng lợi của ngày 30/04/1975 đưa đất nước giang sơn thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà. Sự hy sinh anh dũng của 4 vị sư là tấm gương sáng để tăng, ni, phật tử chúng ta noi theo.
Đức Phật đã dạy: “Nhân thiện sẽ trổ quả lành. Nhân bất thiện sẽ trổ quả dữ”, thật đúng như vậy, với công quả hy sinh của các chư vị và sự đấu tranh của cả dân tộc đất nước đã sớm hòa bình. Phật giáo Việt Nam đã thống nhất sau giải phóng mùa xuân năm 1975.
3. PGNT Khmer chung tay xây dựng GHPGVN, đồng hành cùng dân tộc
Năm 1964, Phật giáo Khmer Nam bộ thành lập Hội đoàn kết sư sãi yêu nước khu Tây Nam bộ do Hòa thượng Thạch Som làm Hội trưởng. Tiếp sau đó là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt thành lập, hoạt động.
Năm 1972, miền Nam Việt Nam lúc nào cũng sôi sục khói lửa bom đạn, chùa chiền nông thôn thì hoang tàn, phum sóc vắng lặng; Chư Tăng Phật giáo NTKM không cam chịu cảnh gia đình phật tử người thì mất chồng, kẻ mất vợ, người thì mất cha lẫn mẹ, còn phum sóc điều hiu, vắng lặng, có những chùa lúc nào cũng có tiếng kinh cầu siêu.
Sau năm 1975, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ nói chung và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ở các tỉnh nói riêng vẫn tiếp tục hoạt động, tập hợp sư sãi, đồng bào Phật tử tham gia khôi phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết nước nhà.
Đến tháng 11-1981, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ do Hòa thượng Dương Nhơn làm trưởng đoàn cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo đã thống nhất thành lập một tổ chức chung đại diện cho tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung GHPGVN.
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN đã ký Quyết định thành lập Phân ban Tăng sự Phật giáo Nam tông, thuộc Ban Tăng sự T.Ư và Phân ban Văn hóa Phật giáo Nam tông thuộc Ban Văn hóa T.Ư.
Trong ngôi nhà chung của GHPGVN, 33 năm qua PGNT Khmer tiếp tục có những đóng góp công sức xây dựng GHPGVN, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Lời kết:
Vì lợi ích của quốc gia- dân tộc, PGNT Khmer đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố quốc gia thống nhất, vun đắp sự đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc chung sống trên dải đất hình chữ S.
Ngày nay, Phật giáo Nam tông Khmer vẫn là nền tảng văn hóa - xã hội của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ, ngôi chùa ngoài việc là trung tâm văn hóa của bản làng còn là nơi bảo vệ nền văn hóa lâu đời của dân tộc, bảo vệ và xây dựng vẻ đẹp cho cuộc sống mọi người.
PGNT nói chung và PGNT Khmer nói riêng đang có điều kiện phát triển, nhiều chùa chiền được xây dựng mới, văn hóa Phật giáo và văn hóa của người Khmer được quan tâm giữ gìn và phát huy trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm 4 vị sư liệt sĩ người Khmer hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, chúng ta ôn lại quá khứ là thêm một lần ghi nhận những đóng góp của PGNT Khmer vào các mặt của đời sống, từ văn hóa – xã hội đến sự đoàn kết các dân tộc, tôn giáo mà đã được GHPGVN đánh giá: Chư tăng và phật tử PGNT Khmer đã có nhiều hoạt động tích cực đưa giáo lý, đạo đức văn hóa của đạo Phật vào cuộc sống góp phần ổn định sinh hoạt Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Với truyền thống tu tập, truyền thống truyền thừa của PGNT Khmer, những dòng chảy đó là sự đóng góp hết sức có ý nghĩa trong quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN vững mạnh, thống nhất trong sự đa dạng. Đúng như Hiến chương GHPGVN đã khẳng định "Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp".
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
-
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
-
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu Hội thảo Phật giáo Nguyên Thủy trong kỷ nguyên toàn cầu hóa (tại Tp.HCM tháng 01/2014)
Giới thiệu sơ lược về Phật giáo Nam tông Khmer (Ban Tôn giáo Chính phủ)
Tài liệu lịch sử Phật giáo trên Wikipedia.org
Các tham luận, bài báo có liên quan trên mạng Internet toàn cầu