Kiến thức

Phẩm chất của vị thị giả hầu Thầy

Thứ bảy, 04/07/2022 09:05

Pháp thoại cho biết lúc tuổi đời trên 60, khi sức khỏe bắt đầu suy giảm, Thế Tôn mới thực sự cần đến thị giả riêng. Trước đó thì vị này hoặc vị kia, tùy duyên thay nhau làm thị giả cho Phật, và đôi lúc có những vị làm không đúng theo ý Ngài.

Một thời Phật du hóa tại thành Vương Xá. Bấy giờ, có các đại đệ tử, là các Tỳ-kheo Trưởng lão thượng tôn danh đức, được nhiều người biết đến; đó là Tôn giả Câu-lân-nhã (Koṇḍañña), A-nhiếp-bối (Assaji), Thích-ca Vương Bạt-đề (Bhaddiya),…, tất cả đều trú gần ngôi nhà lá của Phật.Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

- Hiện nay tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã quá già rồi, nên Ta cần có thị giả. Các thầy hãy cử cho Ta một thị giả, làm sao để chăm sóc Ta, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập định, biết Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả, cùng các Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Lúc ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ngồi xong, nói rằng:

- Hiền giả A-nan, thầy có biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm thị giả; bây giờ thầy nên làm thị giả Đức Thế Tôn.

Tôn giả A-nan thưa rằng:

- Bạch Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Đức Thế Tôn nổi. Vì sao thế? Vì với các Đức Phật Thế Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ; nghĩa là khó làm thị giả. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng như đối với một con voi rất hùng mạnh, đã hơn sáu mươi tuổi, kiêu ngạo, sức mạnh cường thạnh, đủ ngà, đủ vóc, khó làm xứng ý, khó gần gũi; nghĩa là khó coi sóc. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, với Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, cũng lại như vậy, khó xứng ý, khó gần gũi; nghĩa là khó làm thị giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, vì vậy tôi không thể lãnh trách nhiệm làm thị giả được.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nói rằng:

- Này Hiền giả A-nan, thầy hãy nghe tôi nói ví dụ, người có trí nghe ví dụ liền hiểu ý nghĩa của nó. Này Hiền giả A-nan, cũng như hoa Ưu-đàm-bát-la đúng thời mới xuất hiện thế gian. Này Hiền giả A-nan, Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác cũng lại như vậy. Đúng thời mới xuất thế. Này Hiền giả A-nan, thầy nên mau làm thị giả Đức Thế Tôn rồi sẽ được kết quả lớn.

Tôn giả A-nan lại bạch:

- Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận ba điều nguyện của tôi thì tôi mới có thể làm thị giả. Những gì là ba? Tôi nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gặp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Vị tằng hữu pháp, kinh Thị giả, số 33 [trích])

Hạnh cần thị giả của Đức Phật và hạnh làm thị giả của A-nan - Ảnh minh họa

Hạnh cần thị giả của Đức Phật và hạnh làm thị giả của A-nan - Ảnh minh họa

Thị giả nguyên nghĩa là người hầu. Ở trong đạo, thị giả là vị thầy trẻ phát tâm chăm sóc về sức khỏe, giúp đỡ trong sinh hoạt và đời sống cho các vị Trưởng lão. Pháp thoại cho biết lúc tuổi đời trên sáu mươi, khi sức khỏe bắt đầu suy giảm, Thế Tôn mới thực sự cần đến thị giả riêng. Trước đó thì vị này hoặc vị kia, tùy duyên thay nhau làm thị giả cho Phật, và đôi lúc có những vị làm không đúng theo ý Ngài.

Theo Thế Tôn, vị thị giả phải biết chăm sóc, biết làm vừa ý, và đặc biệt là ghi nhớ lời Như Lai; người hội đủ những đức tính này chính là Tôn giả A-nan (Ananda). Thế nhưng, khi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng đại chúng thỉnh nguyện A-nan làm thị giả cho Đức Phật thì Tôn giả do dự. Không phải A-nan chẳng thương Phật, càng không phải Tôn giả chẳng muốn giúp đỡ Ngài, chỉ vì A-nan tự thấy rằng tình thương thì rất nhiều nhưng trí tuệ còn quá ít nên khi được gần Phật sẽ sinh tâm ỷ lại, rơi vào lợi danh, ngã mạn.

Tôn giả A-nan có ba điều thỉnh nguyện “nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gặp Thế Tôn phi thời”, nếu đại chúng chấp thuận thì mới làm thị giả cho Phật. Đây chính là phẩm tính căn bản của vị thị giả, phụng sự hết lòng mà không màng đến lợi danh. Nhờ vậy mà Tôn giả A-nan được làm thị giả Phật cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn.

Ngày nay, có một số vị thầy đang còn trẻ khỏe mà cũng sính dùng thị giả, không vì thân giáo mà cốt để thể hiện mình. Một số vị thị giả thì sinh tâm “dưới một người mà trên nhiều người” nên ỷ lại, ngã mạn. Chư vị này cần học theo hạnh cần thị giả của Đức Phật và hạnh làm thị giả của A-nan.

loading...