Kinh Phật
Pháp Hoa thất dụ - Dụ thứ nhất: Ngôi nhà lửa
Thứ năm, 17/05/2022 07:42
Trong kinh Pháp Hoa, mỗi phẩm hầu như đều đề cập đến một câu chuyện, một thí dụ để làm rõ Tích môn, Bản môn và Hạnh môn kinh. Tuy nhiên, Pháp Hoa nổi tiếng với 7 thí dụ, gọi là “Pháp Hoa thất dụ”.
Giá trị và sức hút thiêng liêng của bộ kinh Pháp Hoa
Xuyên suốt những thí dụ trên là những lời giáo huấn tha thiết của Đức Như Lai. Tất cả phương tiện thiện xảo của Ngài mục đích cũng là để cho chúng sinh thấy tam giới là nhà lửa, chúng sinh, thậm chí là hàng Thanh văn, Duyên giác là những kẻ cùng tử, những kẻ có chút ít tự cho là đủ. Chúng sinh dù căn cơ siêu việt hay thấp kém, hạ liệt cũng đều từ một cõi đất mà ra, cũng đều có cùng một quê hương xứ sở. Nhưng chúng sinh hầu như quên mất nguồn gốc cao quý của mình, lang thang trong ba cõi khổ đau bất tận. Một trận mưa pháp của Như Lai rưới xuống thấm nhuần một vị giải thoát, nhưng tùy theo căn tính mà mỗi người tiếp nhận khác nhau.
Chúng sinh nói chung cũng như hàng Thanh văn, Duyên giác, đang tiến lên trên con đường giác ngộ trở về bảo sở dài dằng dặc. Dường như ai nấy cũng đều mệt mỏi. Đức Thế Tôn bèn phương tiện hóa ra thành quách cho mọi người nghỉ ngơi. Vậy mà không ít kẻ tự nghĩ rằng mình đã đến được nơi cần đến, đã đạt được mục đích tối hậu. Trong mắt của Như Lai, chúng sinh thật đáng thương. Chúng sinh là những kẻ có sẵn châu ngọc mà không biết đem ra sử dụng. Đức Phật là đấng cha lành, là một vị lương y cho thuốc hay, có thể cứu chúng sinh thoát khỏi tam độc hành hạ đau khổ. Mặc dù có vị thuốc hay Như Lai ban tặng, nhưng chúng sinh không phải ai cũng chịu uống; kẻ đánh mất bản tâm, không biết đây là vị thuốc hay nên không chịu uống đã đành, ngược lại, có kẻ tuy biết thuốc hay nhưng còn mê muội, lười biếng mà không chịu uống. Những ai tinh tấn diệt trừ được ma chướng một cách oanh liệt, tiếp nhận và tu tập giáo pháp Như Lai để đạt được mục đích tối hậu, những người đó mới xứng đáng nhận viên minh châu vô giá của Đức Như Lai.
Rõ ràng, Đức Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta một điều: cần phải có niềm tin cho con đường giải thoát; nhưng không phải niềm tin thông thường, mà tin vào mình, vào chánh khả năng thành Phật của mình để tự tin vứt bỏ tấm áo kẻ hốt phân, khoác vào mình tấm áo trưởng giả với một gia tài đồ sộ - gia tài Chính pháp của Như Lai. Có như vậy chúng ta mới không hổ thẹn khi tự xưng mình là Thích tử.
Xin nêu lại những thí dụ nổi tiếng đó - những thí dụ có tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tu hành cũng như trong nhiều sáng tác văn chương Phật giáo - qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học làm tư lương cho đời sống tỉnh thức, giác ngộ của mình.
1. Thí dụ về ngôi nhà lửa (Hỏa trạch dụ - Phẩm Thí dụ)
Đây là câu chuyện dụ về một ngôi nhà lớn đang cháy. Chủ nhà là một trưởng giả, trở vào cứu thoát bầy con. Nhưng dù trưởng giả cắt nghĩa và đốc thúc đến mấy, lũ con cũng vẫn ham chơi, không có ý thức chạy thoát. Trưởng giả biết sức mình có thể gom chúng lại ôm và chạy ra, nhưng do ham chơi, ý thức chạy thoát không có, chúng có thể kháng cự, rơi lại, và bị đốt cháy, nên chủ nhà phải dùng mưu chước. Biết đứa nào cũng thích xe và đồ chơi, ông bảo có 3 loại xe để sẵn ở ngoài, với đủ mọi đồ chơi, hãy chạy gấp ra mà lấy. Nghe nói đúng sở thích, chúng tranh nhau chạy ra và thoát khỏi nhà lửa.
Ông nhà giàu là dụ cho Phật, mà Phật cũng chính là Tâm. Vậy câu: “ông trưởng giả giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là Tâm đầy đủ mọi công đức (Đức tạng), mọi pháp (Pháp tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều kiện để đạt đến quả vị cuối cùng là Phật quả. Điều cần yếu là mỗi người phải tự biết mình có sẵn kho tàng quý báu vô song đó và phải biết khai thác, diệu dụng. Đó chính là mục đích của Phật giáo Đại thừa.
Chính văn
Xá Lợi Phất! Như trong quốc ấp, tụ lạc có vị đại Trưởng giả tuổi đã già suy, của giàu vô lượng, có nhiều nhà ruộng và các tôi tớ. Nhà ông rộng lớn mà chỉ có một cửa để ra vào, người ở trong đó rất đông; hoặc một trăm, hai trăm cho đến năm trăm người, lầu gác đã mục, vách phên sụp đổ, chân cột hư nát, trính xiêng xiêu ngã, bốn phía đồng một lúc, lửa bỗng nổi lên đốt cháy nhà cửa.
Các người con của Trưởng giả hoặc mười người, hoặc hai mươi người, hoặc đến ba mươi người ở trong nhà đó. Trưởng giả thấy lửa từ bốn phía nhà cháy lên, liền rất sợ sệt mà nghĩ rằng:
- Ta dầu có thể ở nơi cửa của nhà cháy này, ra ngoài rất an ổn, song các con ở trong nhà lửa ưa vui chơi giỡn không hay biết, không sợ sệt, lửa đến đốt thân rất đau khổ lắm, mà lòng chẳng nhàm lo, không có ý cầu ra khỏi. Xá Lợi Phất! Ông Trưởng giả đó lại nghĩ: thân và tay của ta có sức mạnh, nên dùng vạt áo hoặc dùng ghe đẳng từ trong nhà mà ra ngoài.
Ông lại nghĩ:
- Nhà này chỉ có một cái cửa mà lại hẹp nhỏ, các con thơ bé chưa hiểu, mê đắm chơi giỡn hoặc vấp ngã bị lửa đốt cháy, ta nên vì chúng nó mà nói những việc đáng sợ. Nhà này đã bị cháy phải mau ra liền, chớ để bị lửa đốt hại. Nghĩ như thế theo chỗ đã nghĩ đó mà bảo các con: "Các con mau ra!" Cha dầu thương xót khéo nói để dụ dỗ, mà các người con ưa vui chơi chẳng khứng tin chịu, chẳng sợ sệt, trọn không có lòng muốn ra, lại cũng chẳng hiểu gì là lửa? gì là nhà? thế nào là hại? Chỉ cứ đông tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi.
Bấy giờ, Trưởng giả liền nghĩ nhà này đã bị lửa lớn đốt cháy, ta cùng các con nếu không ra liền chắc sẽ bị cháy, ta nay nên bày chước phương tiện khiến cho các con được khỏi nạn này. Cha biết các con đều vẫn có lòng thích các đồ chơi trân báu lạ lùng, nếu có, chắc chúng nó ưa đắm, mà bảo các con rằng:
- Đây này là những món ít có khó được mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy sau chắc buồn ăn năn. Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu như thế, nay ở ngoài cửa có thể dùng dạo chơi, các con ở nơi nhà lửa nên mau ra đây tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con.
Được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Kinh Pháp Hoa) – Ngựa chuyển sinh làm người
Lúc bấy giờ, các người con nghe cha nói đồ chơi báu đẹp vừa ý mình nên lòng mỗi người đều mạnh mẽ xô đẩy lẫn nhau cùng đua nhau ruổi chạy tranh ra khỏi nhà lửa. Khi đó Trưởng giả thấy các con được an ổn ra khỏi nhà lửa đều ở trong đường ngã tư nơi đất trống không còn bị chướng ngại, tâm ông thơ thới vui mừng hớn hở.
Bấy giờ, các người con đều thưa với cha rằng: "Cha lúc nãy hứa cho những đồ chơi tốt đẹp, nào xe dê, xe hươu, xe trâu xin liền ban cho".
Xá Lợi Phất! Khi đó Trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn, xe đó cao rộng chưng dọn bằng các món báu, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che ở trên, cũng dùng đồ báu đẹp tốt lạ mà trau giồi đó, dây bằng báu kết thắt các dải hoa rủ xuống, nệm chiếu mềm mại trải chồng, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, sắc da mập sạch thân hình mập đẹp, có sức rất mạnh bước đi ngay bằng mau lẹ như gió, lại có đông tôi tớ để hầu hạ đó.
Vì cớ sao? Vì ông Trưởng giả đó của giàu vô lượng, các thứ kho tàng thảy đều đầy ngập, ông nghĩ rằng: "Của cải của ta nhiều vô cực, không nên dùng xe nhỏ xấu kém mà cho các con, nay những trẻ thơ này đều là con của ta, đồng yêu ông thiên lệch, ta có xe bằng bảy báu như thế số nhiều vô lượng nên lấy lòng bình đẳng mà đều cho chúng nó, chẳng nên sai khác".
Vì sao? Dầu đem xe của ta đó khắp cho cả người một nước hãy còn không thiếu huống gì các con. Lúc ấy các người con đều ngồi xe lớn được điều chưa từng có, không phải chỗ trước kia mình trông.
Xá Lợi Phất! Ý của ông nghĩ sao? Ông Trưởng giả đó đồng đem xe trân báu lớn cho các người con, có lỗi hư vọng chăng? Xá Lợi Phất thưa: 'Thưa Thế Tôn! Không, ông Trưởng giả chỉ làm cho các con được khỏi nạn lửa, toàn thân mạng chúng nó chẳng phải là hư vọng. Vì sao? Nếu được toàn thân mạng bèn đã được đồ chơi tốt đẹp, huống nữa là dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa.
Thế Tôn! Dầu ông Trưởng giả đó nhẫn đến chẳng cho một thứ xe rất nhỏ còn chẳng phải hư vọng. Vì sao? Vì ông Trưởng giả đó trước có nghĩ như vầy:
- Ta dùng trước phương tiện cho các con được ra khỏi, vì nhân duyên đó nên không hư vọng vậy. Huống gì ông Trưởng giả tự biết mình của giàu vô lượng muốn lợi ích các con mà đồng cho xe lớn!
Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: "Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, Xá Lợi Phất! Như Lai cũng lại như thế, Phật là cha của tất cả thế gian, ở nơi các sự sợ hãi suy não lo buồn vô minh che tối hết hẳn không còn thừa, mà trọn thành tựu vô lượng tri-kiến, trí-lực, vô-sở-úy; có sức đại thần thông cùng sức trí huệ đầy đủ các món phương tiện. Trí huệ Ba la mật, đại từ đại bi thường không hề lười mỏi. Hằng vì cầu việc lành lợi cho tất cả muôn loại mà sinh vào nhà lửa tam giới cũ mục này, để độ chúng sinh ra khỏi nạn lửa; sinh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm, ba độc; dạy bảo cho chúng sinh được vô thượng chính đẳng chính giác.
Ta thấy, các chúng sinh bị những sự sinh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não nó đốt cháy, cũng vì năm món dục tài lợi mà bị các điều thống khổ. Lại vì tham mê đeo đuổi tìm cầu nên hiện đời thọ các điều khổ, đời sau thọ khổ địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu sinh lên trời và ở trong loài người thời nghèo cùng khốn khổ, bị khổ về người yêu thường xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món khổ như thế chúng sinh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay biết, chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng sinh lòng nhàm không cầu giải thoát; ở trong nhà lửa tam giới này đông tây rảo chạy dầu bị khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo.
Xá Lợi Phất! Đức Phật thấy việc này rồi bèn nghĩ rằng: Ta là cha của chúng sinh nên cứu chúng nó ra khỏi nạn khổ đó, ban vô lượng vô biên món trí huệ vui của Phật để chúng nó dạo chơi.
Xá Lợi Phất! Đức Như Lai lại nghĩ: Nếu ta chỉ dùng sức thần thông cùng sức trí huệ bỏ chước phương tiện, mà vì chúng sinh khen ngợi các món tri-kiến, trí-lực, vô-sở-úy của Như Lai, ắt chúng sinh chẳng có thể do đó mà được độ thoát. Vì sao? Vì các chúng sinh đó chưa khỏi sự sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, đau khổ, đương bị thiêu đốt trong nhà lửa tam giới, làm sao có thể hiểu được trí huệ của Phật.
Xá Lợi Phất! Như ông Trưởng giả kia dầu thân và tay có sức mạnh mà chẳng dùng đó, chỉ ân cần phương tiện gắng cứu các con thoát nạn nhà lửa, rồi sau đều cho xe trân báu lớn. Đức Như Lai cũng lại như thế, dầu có trí lực cùng sức vô úy mà chẳng dùng đến, chỉ dùng trí huệ phương tiện nơi nhà lửa tam giới cứu vớt chúng
sinh, vì chúng sinh nói ba thừa Thanh văn, Duyên giác cùng Phật thừa mà bảo rằng: "Các ngươi không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới, chớ có ham mê các món sắc, thanh, hương, vị, xúc thô hèn, nếu tham, mê ắt sinh ái nhiễm thời sẽ bị nó đốt; các ngươi mau ra khỏi ba cõi sẽ được chứng ba thừa: Thanh văn,
Duyên giác và Phật thừa. Nay ta vì các người mà bảo nhiệm việc đó quyết không dối vậy. Các người chỉ nên siêng năng tinh tấn tu hành".
Đức Như-Lai dùng phương tiện ấy để dụ dẫn chúng sinh thẳng đến, lại bảo: "Các ngươi nên biết rằng pháp ba thừa đó đều là pháp của các đấng Thánh khen ngợi, là pháp tự tại không bị ràng buộc không còn phải nương gá tìm cầu, ngồi trong ba thừa này dùng các món căn, lực, giác-chi, thánh-đạo, thiền định vô lậu cùng giải thoát tam muội v.v... để tự vui sướng, được vô lượng sự an ổn khoái lạc".
Xá-Lợi-Phất! nếu có chúng sinh nào bề trong có trí tính, theo Đức Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận ân cần tinh tấn, muốn chóng ra khỏi ba cõi tự cầu chứng Niết- bàn, gọi đó là Thanh văn thừa, như các người con kia vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa.
Nếu có chúng sinh nào theo đức Thế Tôn nghe pháp, tin nhận, rồi ân cần tinh tấn, cầu trí huệ tự nhiên ưa thích riêng lẻ vắng lặng, sâu rõ nhân duyên của các pháp, gọi đó là Duyên giác thừa, như các người con kia vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa.
Nếu có chúng sinh nào theo Đức Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận, siêng tu tinh tấn cầu nhất-thiết-trí, Phật-trí, tự- nhiên-trí, vô-sư-trí, các món tri-kiến lực, vô-úy của Như Lai, có lòng thương xót làm an vui cho vô lượng chúng sinh, lợi ích trời, người, độ thoát tất cả, hạng đó gọi là Đại thừa, Bồ Tát vì cầu được thừa này thời gọi là Ma-ha-tát, như các người con kia cầu xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.
Xá-Lợi-Phất! Như ông Trưởng giả kia thấy các con được an ổn ra khỏi nhà lửa đến chỗ vô úy, ông tự nghĩ, ta của giàu vô lượng, nên bình đẳng đem xe lớn đồng cho các con. Đức Như Lai cũng lại như thế, là cha của tất cả chúng sinh, nếu thấy có vô lượng nghìn ức chúng sinh do cửa Phật giáo mà thoát khỏi khổ, đường hiểm đáng sợ của ba cõi được sự vui Niết bàn.
(Còn tiếp)
(Lược trích: “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh)