Kiến thức
Pháp học và pháp hành đều giỏi mới hay
Thứ bảy, 18/02/2024 02:04
Người học Phật thông minh thì cần nhất là học cho biết pháp để tu, tu rồi lại học nữa để tu tiếp.
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm.
Lại nữa, hoặc có người tụng kinh, trì luật, học A-tỳ-đàm, thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình, khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A-hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành Pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, chẳng khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Trường thọ vương, kinh Chân nhân, số 85 [trích])
Người tu mà thông minh, học kinh nhanh thuộc, hiểu rõ nghĩa lý là một phước báo lớn. Thông suốt cả ba tạng Kinh Luật Luận thì càng quý hóa và hiếm hoi. Thời nay, người tu có học vị cao cũng trợ duyên tích cực trong các Phật sự giáo dục và hoằng pháp.
Song hành với pháp học thì pháp hành, sự thực tập và chứng nghiệm giáo pháp đóng vai trò quan trọng. Như hai cánh chim, cân đối và hài hòa thì chim sẽ bay cao và bay xa. Cũng vậy, quên lãng hay đánh mất pháp hành thì các thành tựu về pháp học không đủ sức chuyển hóa hết phiền não. Nếu quá ỷ lại hay tự hào về sở học thì nguy cơ rơi vào chấp thủ và khổ đau càng nặng nề thêm.
Người học Phật ai cũng biết phiền não phải do tu tập mới được đoạn trừ. Pháp học chỉ có tác dụng hiểu biết về con đường, về đạo lộ mà thôi. Phải đi trên con đường mới mong đến đích, cần thực nghiệm thanh lọc tâm và phát triển tuệ trên các đạo lộ mới mong ngày giác ngộ.
Người tu nào chỉ mới thành tựu pháp học mà đã vội quý mình và khinh người thì dù học vị cao, chức vụ lớn vẫn rơi vào pháp ‘không phải bậc chân nhân’. Sự có mặt của tham sân si, ba phiền não căn bản đã nói lên điều ấy. Trong khi có rất nhiều người chỉ học được căn bản của giáo pháp rồi chăm chỉ thực hành. Học giáo pháp vừa đủ, học xong liền ứng dụng thực hành trong đời sống hàng ngày, các phiền não lần lượt được chuyển hóa, định và tuệ sẽ tăng trưởng nhiều hơn.
Tu mà không học hay ít học thì sẽ không nắm vững lộ trình. Khi biết được lộ trình rồi thì hãy cất bước ra đi, có đi thì mới mong đến đích. Biết đường mà không đi thì vẫn đứng yên. Sau bao năm học tập, nâng tầm hiểu biết, có nhiều bằng cấp cao mà phiền não ở đâu còn nguyên nấy thì có gì để tự hào? Tu mà tìm mọi cách chạy vạy để có bằng cấp và học vị cho bằng người lại càng trớ trêu hơn.
Hiện nay, một bộ phận người tu ưa chuộng pháp học mà không mấy chú trọng pháp hành. Học nhiều mà không tiêu hóa hết cũng dễ bội thực, lại thêm ngã mạn tự hào nên học nhiều thì chấp thủ càng lớn thêm. Người học Phật thông minh thì cần nhất là học cho biết pháp để tu, tu rồi lại học nữa để tu tiếp. Học và tu song hành để chứng đắc pháp chân đế thì xứng bậc chân nhân, đáng được cung kính cúng dường.